Những vấn đề về quản lý trong bối cảnh chuyển đổi số
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học tập trung thảo luận các vấn đề đang được quan tâm hiện nay như: những vấn đề đương đại về quản lý trong bối cảnh chuyển đổi số, các mô hình phát triển và kinh nghiệm chuyển đổi số, kịch bản chính sách thích ứng với chuyển đổi số, quản lý và phát triển con người hướng tới chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực cho chuyển đổi số của Việt Nam…
Các chuyên gia, nhà khoa học cũng đã thảo luận và đưa ra các giải pháp hiệu quả cho một số vấn đề cấp thiết trong chuyển đổi số của Việt Nam hiện nay. PGS.TS Nguyễn Mạnh Dũng - Trưởng khoa Khoa học Quản lý, Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQGHN nhấn mạnh 3 vấn đề đột phá đang được Chính phủ quan tâm, đó là xây dựng thể chế, xây dựng cơ sở hạ tầng số và đổi mới trong quản trị nguồn nhân lực. Ngoài ra, câu chuyện về đột phá trong phát triển thị trường công nghệ; thách thức trong thay đổi tư duy, suy nghĩ của các nhà lãnh đạo về phát triển năng lực số cũng được các chuyên gia, nhà khoa học đặt ra tại hội thảo.
Một trong những vấn đề mà các nhà khoa học quan tâm lưu ý tại hội thảo là việc sớm chuẩn bị các điều kiện cho chuyển đổi số để không “gây sốc” cho xã hội, ít ảnh hưởng nhất đến những người yếu thế. Theo đó, trong xã hội số, nhiều nghề nghiệp sẽ dần biến mất, thay thế bằng những công việc mới, làm thay đổi kết cấu nghề nghiệp của xã hội. Bên cạnh đó, các nhà làm chính sách cần lưu ý tới việc củng cố niềm tin của người dùng về an toàn, an ninh mạng, an ninh số trong bối cảnh có nhiều vấn đề về an ninh phi truyền thống. Trong lĩnh vực giáo dục, PGS.TS Nguyễn Mạnh Dũng cho biết, các nhà trường cần thay đổi triết lý đào tạo, nhất là đào tạo chất lượng cao: Thay việc đào tạo bằng những nguồn lực đã có của các nhà trường bằng việc đào tạo những vấn đề mà xã hội yêu cầu, đề cao vai trò dẫn dắt của giáo dục trong việc phát triển năng lực số của nguồn nhân lực.
Chuyển đổi số trong quản trị nguồn nhân lực tại doanh nghiệp
Hoạt động chuyển đổi số trong quản trị nguồn nhân lực tại doanh nghiệp Việt Nam cũng là vấn đề được nhiều nhà khoa học tại hội thảo quan tâm. Diễn giả Nguyễn Thị Nam Phương - Phó Tổng Giám đốc, Tư vấn trưởng Công ty Tư vấn Quản lý OCD chia sẻ, quản trị nguồn nhân lực đã thay đổi ngoạn mục trong hơn 20 năm qua, từ một chức năng mang tính hành chính và hỗ trợ (HR1.0) đã trở thành một hoạt động mang tính chiến lược, cung cấp nguồn lực để hiện thực hóa các mục tiêu kinh doanh một cách hiệu quả thông qua ứng dụng các nền tảng công nghệ số (HR4.0). Dù vẫn thực hiện các hoạt động quản trị và phát triển con người trong tổ chức và doanh nghiệp, nhưng quản trị nguồn nhân lực ngày nay không chỉ hạn hẹp trong các lĩnh vực nghiệp vụ truyền thống như tuyển dụng, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, đánh giá hiệu quả, đãi ngộ… mà đã đóng vai trò của một nhà cung cấp dịch vụ nội bộ, kết nối các hoạt động đa lĩnh vực bằng công nghệ số và tạo nên trải nghiệm nhân viên tuyệt vời và hiệu quả sử dụng nhân lực tối ưu.
Những thách thức cơ bản mà nhà quản lý nhân sự phải đối mặt trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay được diễn giả Nguyễn Thị Nam Phương nhắc tới là mô thức vận hành kinh tế chia sẻ (sharing economy) và tự do (gig economy), từ đó tạo nên một lực lượng lao động tự do đòi hỏi phương thức quản trị công việc và đãi ngộ hoàn toàn khác biệt; Cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi doanh nghiệp phải ứng dụng công nghệ để tạo nên trải nghiệm khách hàng tuyệt vời hơn, tối ưu chi phí vận hành và tạo nên tốc độ phát triển nhanh hơn để cạnh tranh bền vững. Diễn giả cũng cho biết, phần lớn lực lượng lao động là thế hệ gen Z, họ ưa thích công nghệ và coi thay đổi công việc là một phần của cuộc sống. Môi trường làm việc của họ cần phải thông minh, hiệu quả hơn. Bà Nguyễn Thị Nam Phương nhấn mạnh, ngành quản trị nhân sự đang trở nên sáng tạo và đột phá hơn nhờ các giải pháp có ứng dụng công nghệ hết sức thông minh như việc sử dụng rất đa dạng những nền tảng công nghệ và ứng dụng thông minh để thực hiện các hoạt động quản trị và phát triển con người. Các nhà quản trị cần lưu ý tới việc xây dựng chính sách và môi trường làm việc thân thiện, hiệu quả với lực lượng lao động đa thế hệ. Môi trường này luôn sử dụng tối ưu các phương tiện số để tạo trải nghiệm tích cực trong thực hiện công việc, tương tác với đồng nghiệp và khách hàng, ra quyết định và tự động hóa việc thực thi quyết định đó. Diễn giả cũng đưa ra gợi ý cần tăng cường năng lực của bộ phận quản trị nhân sự đồng thời cả chuyên môn nghiệp vụ lẫn kỹ năng số để thực hiện vai trò hiệu quả hơn, thông minh hơn, cung cấp được nguồn nhân lực phù hợp nhằm củng cố lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp.
Thúc đẩy giảm nghèo về thông tin ở Việt Nam thông qua chuyển đổi số
Theo TS Tạ Thị Bích Ngọc - Khoa Khoa học Quản lý, Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQGHN, các chỉ số đánh giá hộ nghèo hiện nay có tính đa chiều, trong đó có tiêu chí về khả năng tiếp cận thông tin của người dân. Theo đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, trong đó các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản (12 chỉ số), gồm: việc làm; người phụ thuộc trong hộ gia đình; dinh dưỡng; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin.
Giảm nghèo về thông tin là tổng thể các hoạt động nhằm bù đắp những thiếu hụt về thông tin của người nghèo, hộ nghèo và địa phương nghèo. Theo chính sách hiện hành, giảm nghèo về thông tin ở Việt Nam hiện gồm 04 nội dung cơ bản: (1) Nâng cao năng lực cho người thực hiện công tác truyền thông ở cơ sở; (2) Trang bị cơ sở vật chất và nền tảng cung cấp thông tin thiết yếu ở các vùng khó khăn; (3) Hỗ trợ tăng cường nội dung thông tin thiết yếu ở các vùng khó khăn; (4) Cung cấp dịch vụ thông tin công cộng tại các vùng khó khăn và khu vực cửa khẩu, biên giới.
Trong nhiều thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt được thành tựu giảm nghèo rất ấn tượng. Tỷ lệ nghèo đa chiều đã giảm liên tục vì chỉ còn 4,4% năm 2021. Năm 2020, 58,2% dân số không thiếu hụt bất kỳ chỉ số nào trong 10 chỉ số nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020. Riêng chiều đo về thông tin, chỉ có 2,0% hộ gia đình Việt Nam thiếu hụt về tiếp cận dịch vụ thông tin và 4,5% thiếu hụt phương tiện tiếp cận thông tin. Tuy nhiên, thiếu hụt này chủ yếu tồn tại ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Theo kết quả điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số của Tổng cục Thống kê năm 2019, mới có 61,3% hộ sử dụng internet, 92,5% hộ sử dụng điện thoại, 81,5% hộ có tivi, 10,3% hộ sử dụng máy vi tính. Điều này có nghĩa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chính là “vùng trũng” của thiếu hụt về thông tin và là đối tượng chủ đạo của giảm nghèo về thông tin ở Việt Nam.
Các giải pháp giảm nghèo về thông tin được TS Tạ Thị Bích Ngọc chia sẻ là việc hoàn thiện thể chế giảm nghèo về thông tin gắn với chuyển đổi số, tăng cường cơ sở vật chất và nâng cao năng lực của đội ngũ thực thi chính sách giảm nghèo về thông tin, tăng cường năng lực thông tin của người nghèo. TS Tạ Bích Ngọc nhấn mạnh, chuyển đổi số đang được kỳ vọng là giải pháp đột phá giúp các địa phương nghèo rút ngắn quá trình bắt kịp trình độ phát triển chung. Riêng đối với giảm nghèo về thông tin, chuyển đổi số là tiền đề quan trọng để tạo nền tảng thoát nghèo, mang lại cuộc sống ấm no và cảm nhận hạnh phúc cho người dân. Việt Nam là một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về việc phủ mạng internet, bởi vậy chúng ta có thể lạc quan về khả năng tiếp cận thông tin của người dân thông qua các chính sách và chương trình chuyển đổi số.
Thùy Dung