ĐBSH: đi đầu trong nghiên cứu, ứng dụng KH,CN&ĐMST
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, ĐBSH là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước, có vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái của vùng Bắc Bộ, là vùng đi đầu trong nghiên cứu, ứng dụng KH,CN&ĐMST. Trong giai đoạn 2019-2023, hoạt động KH,CN&ĐMST của các địa phương trong vùng đã có những kết quả đáng khích lệ, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương nói riêng và của cả vùng nói chung.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Hội nghị.
Báo cáo tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương (Bộ KH&CN) Chu Thúc Đạt cho biết, trong giai đoạn 2019-2023, Vùng ĐBSH đã triển khai thực hiện 1.970 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh/thành phố (bao gồm cả nhiệm vụ chuyển tiếp và nhiệm vụ mới). Các nhiệm vụ tập trung vào việc nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, phát triển các sản phẩm trọng điểm, chủ lực của địa phương theo chuỗi giá trị, đem lại hiệu quả kinh tế trực tiếp cũng như thúc đẩy phát triển hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới.
Các địa phương trong vùng ĐBSH đã ban hành 235 văn bản để cụ thể hóa và tạo lập hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động KH&CN trên địa bàn; đổi mới công tác quản lý Nhà nước; tăng cường thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KH&CN, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ xây dựng thương hiệu và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ giúp tăng giá trị sản phẩm hàng hoá, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế… Hoạt động thẩm định công nghệ trong vùng tiếp tục được quan tâm, chú trọng, góp phần ngăn chặn việc nhập khẩu và đưa vào hoạt động các công nghệ lạc hậu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người. Các địa phương trong vùng ĐBSH đã có 3.096 nhãn hiệu được xác lập quyền sở hữu công nghiệp; 6 chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đặc sản; 172 kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ; 58 sáng chế, giải pháp hữu ích. Hoạt động quản lý nhà nước về hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng ở địa phương được tăng cường về hiệu lực và hiệu quả, đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, đảm bảo mục tiêu quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, đáp ứng kịp tốc độ chuyển đổi mạnh mẽ trong quản lý, phát triển kinh tế, xã hội và yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước. Hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng của các địa phương được thực hiện nghiêm túc, góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, chống gian lận thương mại, bảo vệ quyền, lợi ích của người tiêu dùng và trật tự trong sản xuất kinh doanh…
Chia sẻ tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Trần Lê Đoài cho biết, thời gian qua tỉnh Nam Định đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển và ứng dụng KH&CN vào sản xuất và đời sống. Để đưa Nam Định trở thành một trong những tỉnh khá của vùng ĐBSH và cả nước, trong thời gian tới, tỉnh mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ của Bộ KH&CN, cũng như sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành trung ương và các tỉnh trong vùng, đặc biệt trong việc: ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ lĩnh vực nông nghiệp và môi trường; hỗ trợ tỉnh thực hiện quản lý, bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ gắn với cấp quản lý mã vùng trồng, mã cơ sở sản xuất và sản phẩm thủy sản xuất khẩu chủ lực của tỉnh; hỗ trợ thí điểm triển khai vận hành hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa của tỉnh để đảm bảo kết nối với cổng thông tin truy xuất nguồn gốc quốc gia…
Nhiều vấn đề cần triển khai quyết liệt và thực chất
Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến đã được đưa ra nhằm tìm kiếm giải pháp tháo gỡ các khó khăn, những vấn đề mới nảy sinh trong hoạt động KH,CN&ĐMST ở các địa phương, nhất là trong bối cảnh các địa phương đang tích cực triển khai Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chiến lược Phát triển KH,CN&ĐMST đến năm 2030.
Đoàn Chủ tịch điều hành phiên thảo luận.
Liên quan đến việc xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách cho hoạt động KH,CN&ĐMST năm 2024 và định hướng những năm tiếp theo ở các địa phương vùng ĐBSH, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ KH&CN) chia sẻ, vừa qua Bộ Tài chính và Bộ KH&CN đã ban hành 2 thông tư mới là Thông tư 03/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 10/1/2023 về quy định lập dự toán, quản lý sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện nhiệm vụ KH&CN và Thông tư 02/TT-BKHCN của Bộ KH&CN ngày 8/5/2023 về hướng dẫn một số nội dung chuyên môn phục vụ công tác xây dựng dự toán thực hiện nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước. Hai thông tư mới này góp phần khắc phục những khó khăn, vướng mắc trước đây đối với việc thiết lập, sử dụng các quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Bộ KH&CN đã ban hành công văn số 938/BKHCN-KHTC ngày 06/04/2023 về hướng dẫn bổ sung kế hoạch KH,CN&ĐMST đến năm 2025; xây dựng kế hoạch KH,CN&ĐMST và dự toán ngân sách KH&CN năm 2024, qua đó các địa phương cần phải đánh giá đầy đủ các hoạt động quản lý nhà nước về KH&CN như tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; sở hữu trí tuệ, năng lượng nguyên tử; phát triển thị trường KH&CN; hội nhập quốc tế KH&CN, từ đó đưa ra định hướng năm 2024 và các năm tiếp theo.
Từ thực tiễn hoạt động KH&CN ở địa phương, lãnh đạo các Sở KH&CN đã chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, kinh nghiệm của địa phương mình. Theo Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn, hiện nay thị trường KH&CN trong vùng phát triển còn chậm; vai trò của các tổ chức trung gian, tư vấn chuyển giao công nghệ còn mờ nhạt, nhất là các tổ chức có chức năng đánh giá, định giá công nghệ, xúc tiến và môi giới chuyển giao công nghệ... Còn theo ông Lê Minh Hoan (Giám đốc Sở KH&CN Nam Định), một số chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp KH&CN khó thực thi và chưa hấp dẫn; kinh phí dành cho hoạt động KH&CN chưa được đầu tư đúng mức; đội ngũ cán bộ KH&CN tuy đông về số lượng nhưng lực lượng chuyên gia hàng đầu trong tất cả các lĩnh vực quản lý, kỹ thuật chuyên ngành, đặc biệt là công nghệ cao rất ít; chưa có chính sách khuyến khích đủ mạnh để thúc đẩy việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là cán bộ quản lý, nghiên cứu khoa học. Ông Trần Quang Tuấn (Giám đốc Sở KH&CN Hải Phòng) nhấn mạnh đến chính sách, giải pháp thúc đẩy hoạt động KH&CN tại các doanh nghiệp. Theo ông Tuấn, trong thời gian tới, cần có thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ đủ sức hấp dẫn các doanh nghiệp, như nâng cao hơn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước; có cơ chế đặc thù thu hút đội ngũ nhân lực KH&CN có chất lượng cao; cơ chế cho công tác đào tạo nhân lực của các doanh nghiệp; nghiên cứu thêm về các thủ tục giải ngân, thanh quyết toán cho các nhiệm vụ KH,CN&ĐMST đảm bảo tính đơn giản, dễ thực hiện…
Các đại biểu phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đánh giá cao các kết quả hoạt động KH&CN của các địa phương vùng ĐBSH; ghi nhận sự nỗ lực của các Sở KH&CN trong việc tham mưu, xây dựng chính sách để KH&CN có những đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội. Bộ trưởng nhấn mạnh những nội dung cần triển khai quyết liệt nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hoạt động KH,CN&ĐMST ở các địa phương vùng ĐBSH trong thời gian tới gồm: i) Rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hành lang pháp lý về đầu tư, tài chính, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu phát triển và đổi mới công nghệ, thử nghiệm chính sách mới, thúc đẩy triển khai và ứng dụng công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới; ii) Xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực KH&CN cho vùng; có chế độ đãi ngộ, thu hút nhân tài làm việc trong vùng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; iii) Tăng cường tiềm lực KH&CN ở một số lĩnh vực có thế mạnh đạt trình độ quốc tế, thực sự trở thành động lực để đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh. Bảo đảm chi cho KH,CN&ĐMST từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm; iv) Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp vùng, thúc đẩy kết nối chuỗi giá trị trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, trong đó các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp công nghệ số giữ vai trò trung tâm dẫn dắt các hoạt động đổi mới sáng tạo, cơ quan quản lý nhà nước giữ vai trò kiến tạo môi trường thể chế; v) Phát triển doanh nghiệp KH&CN, phấn đấu số doanh nghiệp KH&CN tăng gấp 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo chiếm 50% tổng số doanh nghiệp hoạt động; vi) Triển khai Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo địa phương (PII) tại các địa phương trong vùng ĐBSH.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị
Tại Hội nghị, Bộ trưởng cũng giao trách nhiệm và yêu cầu thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, theo chức năng nhiệm vụ của mình chủ động nghiên cứu, vận dụng các chính sách hiện hành để trao đổi cùng các địa phương nhằm giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền, với phương châm đạt được hiệu quả cao nhất.
Khải Đoàn