Thứ năm, 18/05/2023 10:08

Tư vấn hỗ trợ thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ

Ngày 17/05/2023, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) thông qua Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ tổ chức Hội nghị kết nối chuyên gia tư vấn hỗ trợ thành lập doanh nghiệp KH&CN ở ĐHQGHN. Đây là một trong những hoạt động quan trọng chào mừng Ngày KH&CN Việt Nam (18/5).

Doanh nghiệp KH&CN - hiện thực hóa cơ hội phát triển các nghiên cứu theo hướng ứng dụng, chuyển giao vào cuộc sống

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hiệu cho biết, với vị thế trung tâm nghiên cứu khoa học đa ngành, đa lĩnh vực hàng đầu của Việt Nam, ĐHQGHN luôn coi hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cùng với đào tạo là 2 trụ cột tạo nên uy tín và thương hiệu của ĐHQGHN. ĐHQGHN quyết tâm đổi mới và phát huy vị thế, vai trò tiên phong trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo và phục vụ cộng đồng. Thực hiện chính sách hình thành và phát triển doanh nghiệp KH&CN, thúc đẩy thương mại hóa tài sản trí tuệ ở ĐHQGHN, vừa qua, ĐHQGHN đã ban hành Hướng dẫn thành lập và phát triển doanh nghiệp trong ĐHQGHN để hỗ trợ các nhà khoa học hiện thực hóa cơ hội phát triển các nghiên cứu theo hướng ứng dụng, chuyển giao vào cuộc sống. Tuy nhiên, việc thành lập doanh nghiệp KH&CN ở ĐHQGHN còn gặp phải nhiều vướng mắc từ cơ chế, chính sách. Chính vì vậy, ĐHQGHN mong muốn các đại biểu tham dự hội nghị sẽ trao đổi, tư vấn cho các nhà khoa học của ĐHQGHN tháo gỡ những khó khăn này.

TS Trần Hậu Ngọc - Viện trưởng Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ, Bộ KH&CN đánh giá cao vai trò của các viện nghiên cứu, trường đại học. Ông cho rằng, đây là nơi tập trung lực lượng cán bộ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có sứ mệnh tạo ra tri thức mới, công nghệ mới cho xã hội; đồng thời là nhà sản xuất hàng hóa KH&CN quan trọng nhất trên thị trường KH&CN. Viện trưởng Trần Hậu Ngọc cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thành lập doanh nghiệp KH&CN tại các cơ sở đào tạo để làm cầu nối cho các nhà khoa học thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Viện trưởng mong muốn, các ý kiến thảo luận, tư vấn tại hội nghị sẽ góp phần thúc đẩy thương mại hóa công nghệ, tài sản trí tuệ ở ĐHQGHN theo Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030. Với vai trò là đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN, Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ sẽ tích cực hỗ trợ các nhà khoa học của ĐHQGHN trong việc thành lập doanh nghiệp KH&CN trong thời gian tới.

Trưởng ban KH&CN ĐHQGHN Vũ Văn Tích cho biết, ĐHQGHN luôn tạo điều kiện và môi trường thuận lợi nhất để thúc đẩy thành lập doanh nghiệp KH&CN. Lợi nhuận tạo ra từ việc chuyển giao, thương mại hóa sản phẩm KH&CN được sử dụng để tái đầu tư cho các nhóm nghiên cứu tiếp tục phát triển sản phẩm, phục vụ cộng đồng. Hiện nay, ĐHQGHN chủ trương hỗ trợ các nhóm nghiên cứu trong việc thành lập doanh nghiệp như: hỗ trợ văn phòng làm việc tại khu vực nội thành, xưởng sản xuất thực nghiệm và đất triển khai thử nghiệm tại Khu tổ hợp nghiên cứu liên ngành 22,9 ha của ĐHQGHN tại Hoà Lạc. Ngoài ra, các doanh nghiệp KH&CN được phê duyệt sẽ được tham gia VNU Holdings của ĐHQGHN, được ưu tiên hỗ trợ nhiệm vụ KH&CN, được sử dụng và khai thác phòng thí nghiệm, các sáng chế và giải pháp hữu ích…

Đề xuất thành lập doanh nghiệp KH&CN

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe các đề xuất thành lập doanh nghiệp KH&CN từ Trường Đại học Y Dược, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Công nghệ, Viện Tài nguyên và Môi trường, Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học. PGS.TS Nguyễn Thanh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược đề xuất thành lập Công ty TNHH một thành viên trong lĩnh vực y tế để các nhà khoa học có thể tham gia đóng góp sâu vào các hoạt động nghiên cứu, đào tạo, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm y dược; ươm tạo các ý tưởng, công nghệ nguồn để khởi nghiệp; triển khai các nhiệm vụ hợp tác chuyển giao, tiếp nhận công nghệ trong lĩnh vực y dược.

Đại diện Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, TS Hoàng Văn Hà đề xuất dự án “Nhà máy sản xuất vật liệu tiên tiến” hợp tác với các đơn vị liên quan với diện tích 2 ha tại Khu dự án viện nghiên cứu của ĐHQGHN tại Hòa Lạc. Nhà máy là nơi triển khai các công nghệ nano, phụ gia công nghiệp công nghệ cao. Dự án hướng tới các sản phẩm mây, tre đan, đồ gỗ mỹ nghệ, sơn phủ polymer kháng nấm mốc, vi khuẩn, hứa hẹn không phát thải khí, nước thải và chất rắn. Đề xuất dự án “Sản xuất vật liệu và bao bì phân hủy sinh học cho phát triển xanh”, TS Bùi Xuân Thành - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên mong muốn ứng dụng công nghệ hóa sinh góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, thu gom, tái chế, xử lý rác thải, thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh.

TS Bùi Quang Hưng - Trường Đại học Công nghệ đề xuất dự án công nghệ tích hợp liên ngành giám sát hiện trường WeMap. TS Bùi Quang Hưng mong muốn được kết nối với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng như các nhà quản lý, bộ ngành.

Đại diện Viện Tài nguyên và Môi trường, TS Lê Văn Giang trình bày kế hoạch dự kiến thành lập Công ty Cổ phần Công nghệ VNU-CRES. Theo đó, hướng hoạt động của Công ty nằm trong các lĩnh vực tư vấn, thiết kế, tham gia đấu thầu, thi công, dịch vụ quan trắc, phân tích môi trường, chuyển giao công nghệ, mua bán thiết bị môi trường và các sản phẩm liên quan đến xử lý công nghệ môi trường.

TS Trịnh Thành Trung - Viện trưởng Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học trình bày đề án thành lập doanh nghiệp KH&CN sinh học, trực thuộc Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học. Mục tiêu mà doanh nghiệp này hướng đến là nghiên cứu và phát triển cũng như thực hiện chuyển giao công nghệ sản xuất, đăng ký lưu hành và thương mại hóa các sản phẩm công nghệ cao (nguyên liệu sản xuất, chế phẩm sinh học và dịch vụ khoa học) có chất lượng và giá thành cạnh tranh với hàng ngoại nhập, từng bước tham gia xây dựng nền công nghiệp sinh học bền vững, đem lại hiệu quả cho đơn vị cũng như cho xã hội, đóng góp tích cực, nâng cao chất lượng đào tạo cho cán bộ khoa học trẻ về công nghiệp sinh học tại ĐHQGHN.

Ông Phạm Hồng Quách - Giám đốc Trung tâm tư vấn Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ, Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ, Bộ KH&CN cung cấp thông tin nền tảng hỗ trợ phát triển thị trường cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển các nền tảng trực tuyến liên kết, kết nối các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đây là một công cụ hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Start-up), doanh nghiệp khởi nguồn (Spin-off) liên quan đến dịch vụ hỗ trợ, tư vấn đánh giá, định giá công nghệ, kết quả nghiên cứu của viện, trường nhằm thành lập/chuyển giao cho doanh nghiệp tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức tham gia vào quá trình thương mại hóa; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận chuyên gia KH&CN, các quỹ đầu tư liên quan để hỗ trợ thành lập doanh nghiệp KH&CN. Từ đó, nền tảng giải quyết vấn đề phát triển thị trường KH&CN, kết nối các hệ thống dữ liệu thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đây sẽ là nền tảng hữu hiệu hỗ trợ tích cực cho các đề xuất thành lập doanh nghiệp KH&CN của ĐHQGHN.

Kết luận hội nghị, Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hiệu hoan nghênh sáng kiến tổ chức hội nghị của Ban KH&CN, đánh giá cao các ý kiến đề xuất của các nhóm nghiên cứu đưa ra tại hội nghị, đồng thời gửi lời cảm ơn tới các chuyên gia từ Bộ KH&CN, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, Sở KH&CN Hà Nội, Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Hà Nội đã tư vấn, hỗ trợ và giải đáp các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quá trình thành lập doanh nghiệp KH&CN ở ĐHQGHN. Phó Giám đốc Nguyễn Hiệu giao nhiệm vụ cho các ban chức năng xem xét, nghiên cứu các đề xuất của các đơn vị; đề nghị các đơn vị thành viên, trực thuộc ĐHQGHN có trách nhiệm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nhà khoa học thành lập doanh nghiệp, cùng với kiểm tra, giám sát việc quản lý khai thác tài sản trí tuệ, sản phẩm KH&CN của đơn vị và ĐHQGHN; yêu cầu các nhà khoa học bám sát Nghị định số 109/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hoạt động KH&CN trong cơ sở giáo dục đại học, văn bản số 581/ĐHQGHN-HD về việc thành lập và phát triển doanh nghiệp trong ĐHQGHN để có những định hướng về mô hình, cơ chế. Phó Giám đốc cũng đề nghị các nhà khoa học sớm hoàn thành đề án hình thành doanh nghiệp KH&CN và hoàn thiện hồ sơ đề xuất nhiệm vụ KH&CN gửi về Ban KH&CN trước ngày 27/05/2023.

Song Minh, Quốc Toản

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)