Thứ ba, 22/07/2025 10:53

Chuyển đổi số trong khu vực công - Nền tảng then chốt cho mô hình phát triển mới của Việt Nam

Chuyển đổi số trong khu vực công được kỳ vọng là nền tảng then chốt cho mô hình phát triển mới của Việt Nam. Tuy nhiên, quá trình này tại nhiều địa phương vẫn gặp trở ngại nghiêm trọng về hạ tầng kỹ thuật, năng lực nhân sự và cả tư duy triển khai, khiến mục tiêu hiện đại hóa bộ máy nhà nước đứng trước nguy cơ bị chậm lại.

Hạ tầng công nghệ thiếu đồng bộ

Tại Diễn đàn “Chuyển đổi số khu vực công - Tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội”, Phó Viện trưởng Viện Trí Việt Nguyễn Hữu Thái Hòa cho biết, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ cao đang trở thành tiêu chí cốt lõi để cải thiện hiệu quả hành chính công. Để phục vụ người dân và doanh nghiệp một cách thuận tiện và liên tục, cần đến nền tảng hạ tầng đủ mạnh - từ trung tâm dữ liệu, mạng 5G, đến các nền tảng xử lý số liệu lớn.

Toàn cảnh Diễn đàn (nguồn: Báo điện tử Nhà báo và Công luận).

Tuy nhiên, ngân sách dành cho các hạng mục này ở nhiều địa phương và cơ quan cấp cơ sở vẫn còn hạn chế. Nguồn lực tài chính eo hẹp khiến việc triển khai phần mềm, nâng cấp thiết bị hoặc xây dựng hệ thống quản lý số gặp nhiều khó khăn, dẫn đến tình trạng thiếu tính kết nối giữa các bộ, ngành và địa phương. Bên cạnh đó, việc chưa có một kiến trúc công nghệ tổng thể dẫn đến sự phân mảnh trong xây dựng cơ sở dữ liệu. Ví dụ, dữ liệu dân cư, thuế, y tế... hiện vẫn đang được quản lý bởi các hệ thống rời rạc, gây cản trở cho việc chia sẻ và sử dụng chung. Đây chính là nguyên nhân khiến dịch vụ công chưa thực sự cá nhân hóa theo nhu cầu người dùng như mục tiêu đặt ra trong chiến lược chuyển đổi số quốc gia.

Tình trạng thiếu hụt nhân lực chất lượng cao và tâm lý ngại thay đổi

Ngoài rào cản về kỹ thuật, chuyển đổi số khu vực công còn đối mặt với một thách thức lớn không kém - chất lượng nguồn nhân lực. Nhiều chuyên gia AI, an ninh mạng hay dữ liệu lớn không mặn mà với việc làm trong khu vực nhà nước do mức thu nhập kém cạnh tranh so với doanh nghiệp công nghệ. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ hiện hành, nhất là ở cấp địa phương, vẫn còn thiếu kỹ năng sử dụng công cụ số, hoặc chậm thích nghi với quy trình mới.

Không ít cán bộ có tâm lý dè dặt trước các thay đổi do lo ngại ảnh hưởng đến công việc hoặc quyền lợi cá nhân. Một số còn tránh sử dụng hệ thống trực tuyến vì không quen thao tác hoặc e ngại tính minh bạch của công nghệ. Những yếu tố này khiến nỗ lực số hóa đôi khi chỉ dừng ở hình thức, mà chưa tạo ra được hiệu quả thực chất. Hơn nữa, khuôn khổ pháp lý hiện hành chưa theo kịp sự phát triển nhanh của công nghệ. Các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, chia sẻ thông tin liên ngành hay định danh điện tử vẫn chưa đầy đủ, gây khó khăn trong quá trình tích hợp và liên thông hệ thống. Khi công nghệ đi trước luật pháp, thì các sáng kiến đổi mới rất dễ bị trì hoãn hoặc không được áp dụng một cách chính thức.

Chuyển đổi số không thể tách rời cải cách thể chế

Theo PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá, Bộ Tài chính, chuyển đổi số khu vực công không nên bị hiểu là bài toán kỹ thuật đơn thuần, mà phải được tiếp cận như một phần trong tiến trình cải cách thể chế rộng hơn. Đây là bước chuyển để Nhà nước chuyển từ vai trò “người cung cấp dịch vụ” sang “người kiến tạo môi trường số”, thúc đẩy hiệu quả sử dụng nguồn lực và nâng cao năng suất xã hội.

PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá, Bộ Tài chính phát biểu tại Diễn đàn (nguồn: VOV).

PGS.TS Ngô Trí Long nhấn mạnh, nếu không gắn chuyển đổi số với tái cấu trúc mô hình quản trị, thì các giải pháp kỹ thuật sẽ chỉ tạo nên diện mạo mới bề ngoài, còn hệ thống vận hành bên trong vẫn giữ lối tư duy cũ. Vì vậy, mọi nỗ lực số hóa cần được thiết kế lại trên nền tảng cải cách hành chính, cải tiến thể chế và tăng tính chủ động trong điều tiết thị trường.

Để hiện thực hóa mục tiêu này trong giai đoạn 2025-2030, các chuyên gia đề xuất Việt Nam cần đầu tư mạnh vào hạ tầng dữ liệu, xây dựng kiến trúc công nghệ tích hợp toàn quốc và ban hành các quy định pháp lý bảo vệ dữ liệu, cho phép chia sẻ thông tin an toàn giữa các cơ quan. Đồng thời, cần đẩy mạnh đào tạo lại đội ngũ công chức theo hướng “cán bộ số”, thu hút khu vực tư nhân tham gia vào các giải pháp ứng dụng công nghệ mới như AI, blockchain trong vận hành nhà nước. Nếu không tháo gỡ kịp thời các điểm nghẽn hiện tại, chuyển đổi số khu vực công sẽ khó vượt khỏi tình trạng cục bộ, phân mảnh và chưa đủ lực để trở thành động lực thúc đẩy phát triển như kỳ vọng.

TXB

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)