
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng.
Thứ nhất, KHCN phải đóng góp được 1% vào tăng trưởng GDP. Cách làm là các kết quả nghiên cứu phải mang ra thương mại hoá, đưa vào doanh nghiệp để tạo ra sản phẩm mới và doanh thu mới. Đổi mới cách phân bổ ngân sách và đánh giá các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu KHCN theo hướng, một đồng chi cho nghiên cứu phải tạo ra 10 đồng doanh thu gián tiếp. 25.000 tỷ đồng mà chúng ta chi cho nghiên cứu phát triển phải tạo ra 250.000 tỷ đồng doanh thu gián tiếp, và tỷ lệ giá trị tăng thêm phải đạt 40-50%, tức là tạo ra 100-125 tỷ đồng GDP, khoảng 1% GDP. Trước đây, chúng ta chưa đặt mục tiêu này. Nghiên cứu chủ yếu để tạo ra kết quả là bài báo, mà chưa hướng tới tăng trưởng kinh tế. Các nước phát triển dựa trên KHCN thì đều đặt mục tiêu nghiên cứu phải đưa vào ứng dụng, phải hướng tới tăng trưởng kinh tế, 1 đồng nghiên cứu của họ tạo ra 10-15 đồng doanh thu, thậm chí có nước, 1 đồng nghiên cứu tạo ra được 20 đồng doanh thu, và KHCN đóng góp tới 2% tăng trưởng GDP.
Thứ hai, ĐMST phải đóng góp 3% tăng trưởng GDP. ĐMST tập trung vào hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, đổi mới công nghệ (ĐMCN), nhận chuyển giao công nghệ, nâng cao hiệu suất sử dụng công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo. Cách làm là thông qua việc hỗ trợ lãi suất vay đối với các khoản đầu tư ĐMCN của doanh nghiệp, cơ chế là Nhà nước hỗ trợ tới 50% lãi suất vay, lấy từ Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia. Một năm, Nhà nước sẽ chi ra 25.000 tỷ đồng để hỗ trợ các doanh nghiệp ĐMST, là nhằm tăng năng suất lao động, tăng TFP, tăng sản lượng, tăng thêm các mặt hàng mới, tạo ra 3% tăng trưởng GDP. Đây là con số mà chúng ta đã từng đạt 2-2,5% tăng trưởng GDP thông qua đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp vào những năm 2018-2019, mặc dù hồi đó chưa có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ĐMCN từ Nhà nước. Bây giờ, chúng ta đã có Luật KHCN và ĐMST mới được Quốc hội thông qua, tạo nhiều cơ chế mới để doanh nghiệp ĐMCN và thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo (đặc biệt là 2 quỹ mới sẽ đi vào vận hành: Quỹ ĐMCN quốc gia và Quỹ Đầu tư mạo hiểm). Một năm Nhà nước chi 25.000 tỷ đồng cho việc này, nên 3% GDP là khả thi.
Thứ ba, CĐS đóng góp 1% vào tăng trưởng GDP. Cách làm là tăng gấp đôi tốc độ di động. Các nghiên cứu quốc tế đã chỉ ra rằng, tốc độ di động mà tăng thì sẽ kéo theo tốc độ nền kinh tế tăng, nhất là kinh tế số. Tốc độ di động mà tăng gấp đôi thì GDP tăng ít nhất 1%. Bộ Khoa học và Công nghệ đã chỉ đạo các nhà mạng trong năm 2025, tốc độ di động tăng gấp đôi, nhưng tháng 7 này đã đạt mục tiêu. Đề nghị các địa phương tiếp tục hỗ trợ nhà mạng phát triển hạ tầng số. Ngoài ra, các nội dung khác về CĐS, như dịch vụ công trực tuyến toàn trình, hoạt động của chính quyền dựa trên dữ liệu, cũng sẽ làm tăng tốc độ của bộ máy nhà nước và cả nền kinh tế, cũng sẽ góp phần tăng trưởng GDP.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị các địa phương quan tâm chỉ đạo cụ thể các nhiệm vụ KHCN, ĐMST và CĐS hướng vào tăng trưởng kinh tế. Bộ sẽ gửi các địa phương hướng dẫn cụ thể cách làm, đặc biệt là cách đo lường tác động của KHCN, ĐMST và CĐS vào tăng trưởng kinh tế.
CM