Thứ ba, 22/07/2025 16:26

Xâm phạm bản quyền âm nhạc trên môi trường mạng: Góc nhìn từ các vụ tranh chấp

Đỗ Anh Tuấn

Công ty cổ phần Sở hữu Công nghiệp INVESTIP

Các tranh chấp về xâm phạm bản quyền âm nhạc trên không gian mạng xuất hiện ngày càng nhiều, với hành vi ngày càng đa dạng và tinh vi. Thức trạng này không chỉ diễn ra ở các nước đã phát triển với hệ thống pháp luật hoàn thiện, mà còn xuất hiện tại các nước đang phát triển với hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện và chế tài chưa đủ sức răn đe.

Ngày càng nhiều vụ kiện và tranh chấp xảy ra

Ngày 12/7/2024, các nguyên đơn bao gồm ba công ty thu âm lớn Sony Music, Universal Music Group và Warner Music Group cùng với các bên khác đã khởi kiện Verizon (một trong những nhà cung cấp dịch vụ internet lớn nhất tại Mỹ, có doanh thu đạt 134 tỷ USD vào năm 2023 và khoảng 114,8 triệu khách hàng). Cụ thể, các nguyên đơn cho rằng Verizon vi phạm bản quyền một các gián tiếp khi cung cấp dịch vụ internet tốc độ cao cho nhiều khách hàng mà Verizon biết rằng họ đã nhiều lần xâm phạm bản quyền của các nguyên đơn thông qua việc sử dụng dịch vụ đó. Các nguyên đơn khẳng định, họ đã gửi hơn 340.000 thông báo vi phạm cho Verizon kể từ đầu năm 2020, tuy nhiên Verizon đã cố tình phớt lờ các thông báo này và không có bất kỳ hành động xử lý cụ thể nào đối với các đối tượng xâm phạm mà vẫn tiếp tục cung cấp dịch vụ để thu phí. Theo đó, các nguyên đơn đã yêu cầu khoản bồi thường thiệt hại theo luật định lên tới 150.000 USD cho mỗi tác phẩm bị xâm phạm, và tổng số tiền bồi thường lên đến khoảng 2,6 tỷ USD.

Trước đó, Cox Communications (công ty kinh doanh dịch vụ internet, điện thoại và truyền hình cáp cho 6 triệu hộ gia đình và doanh nghiệp trên khắp nước Mỹ) đã bị Sony Music Entertainment cùng với các bên khác khởi kiện và cáo buộc rằng: Cox Communications phải chịu trách nhiệm về hành vi xâm phạm 10.017 tác phẩm âm nhạc, được phân phối bất hợp pháp bởi những người sử dụng dịch vụ internet của Cox Communications. Cụ thể, các nguyên đơn cho rằng, Cox Communications đã không đóng tài khoản của những người xâm phạm này, mặc dù họ đã nhiều lần tải xuống và phân phối các bài hát mà không được phép. Tòa Phúc thẩm Mỹ khu vực 4 đã đồng ý với phán quyết trước đó của bồi thẩm đoàn, rằng Cox Communications phải chịu trách nhiệm về hành vi cố ý góp phần vào hành vi xâm phạm trên, song Cox Communications không phải chịu trách nhiệm liên đới đối với hành vi xâm phạm quyền tác giả của người dùng, vì Cox Communications không hưởng lợi từ hành vi xâm phạm này (một điều kiện cần thiết đối với trách nhiệm liên đới). Ngoài ra, Tòa án đã hủy bỏ khoản bồi thường thiệt hại 1 tỷ USD trước đó và trả vụ án để xét xử lại về phần thiệt hại.

Đặc biệt, Sony Music Entertainment, một công ty hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc nổi tiếng thế giới, đã rất tích cực trong việc xử lý các trường hợp xâm phạm bản quyền thuộc sở hữu của mình hoặc do mình quản lý. Trong nhiều năm qua, Sony Music Entertainment đã khởi kiện nhiều đối tượng xâm phạm có danh tiếng như Marriott International, Gymshark, OFRA Cosmetics hay Bang Energy Drink.

VNG cáo buộc TikTok sử dụng các bản nhạc thuộc sở hữu của Zing - một công ty con của VNG mà không có sự đồng ý của công ty.

Tại Việt Nam, ngày càng có nhiều vụ tranh chấp liên quan đến bản quyền âm nhạc trên môi trường mạng. Chẳng hạn, vào năm 2020, Công ty VNG kiện TikTok vì xâm phạm bản quyền âm nhạc từ một công ty con của VNG là Zing, đồng thời yêu cầu bồi thường thiệt hại hơn 221 tỷ đồng (9,5 triệu USD). Năm 2017, MV “Chạm khẽ tim anh một chút thôi” của ca sĩ Noo Phước Thịnh từng bị gỡ khỏi YouTube và được thay bằng một bản mới, vì sử dụng trái phép một đoạn nhạc trong tác phẩm “The way” của nhạc sĩ người Mỹ Zack Hemsey. Ngoài ra, phía Noo Phước Thịnh còn phải công khai xin lỗi và bồi thường 850 triệu đồng. Cũng trong năm đó, ca sĩ Bảo Anh gặp phải rắc rối tương tự khi số hóa đoạn nhạc nền trong MV “Sống xa anh chẳng dễ dàng” sử dụng hai bản hoà âm “Icarus” và “Glimmer of hope” của Ivan Torrent mà chưa mua bản quyền.

Nhiều kênh cover nhạc Việt trên YouTube bị đánh “sập” là dấu hiệu cảnh báo của YouTube đối với các video vi phạm quyền tác giả. Những người chơi piano, violon chuyên cover các ca khúc Việt "hot" như Nguyễn Thế Vinh, An Coong, Khánh Linh... đều bị Hồng Ân Entertainment dùng "gậy bản quyền" để yêu cầu gỡ video vi phạm. Một trong những khó khăn khi thực thi quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc trên internet là khi các cá nhân, tổ chức được cảnh báo về việc vi phạm, thì ngay lập tức những đối tượng vi phạm xóa kênh, cũng như nội dung đăng tải để tránh phải trả tiền bản quyền.

Các vụ tranh chấp và xâm phạm trên chỉ là số ít trong những vụ tranh chấp xảy ra trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Hiện nay, hành vi xâm phạm bản quyền âm nhạc trên không gian mạng ngày càng đa dạng và phức tạp, phổ biến là các hành vi như: sử dụng âm nhạc chưa xin phép hoặc chưa trả tiền bản quyền trong hoạt động quảng cáo, chế lời bài hát, biến đổi, phối lại lời bài hát hoặc nhạc, bật các bài hát hoặc bài nhạc khi đang livestream bán hàng,...

Theo Báo cáo âm nhạc toàn cầu 2025 của IFPI, tổ chức đại diện cho ngành công nghiệp thu âm trên toàn thế giới, doanh thu âm nhạc toàn cầu đã tăng trưởng trong năm thứ mười liên tiếp, với tổng doanh thu thương mại đạt 29,6 tỷ USD vào năm 2024, tăng 4,8%. Tại Việt Nam, theo Thống kê của Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) năm 2024, Trung tâm đã thu được hơn 393 tỷ tiền bản quyền, trong đó khoảng 78% số tiền này đến từ nền tảng kỹ thuật số.

Sở hữu trí tuệ - công cụ pháp lý bảo vệ bản quyền âm nhạc

Sở hữu trí tuệ ngày càng đóng vai trò quan trọng, giúp bảo vệ các tài sản vô hình, lưu giữ các giá trị văn hóa và khuyến khích đầu tư vào sáng tạo, sản xuất. Hiện nay, Việt Nam đã tham gia vào nhiều công ước quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan như Công ước Berne, hiệp định Marrakesh, Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại về quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS - Trade Related Intellectual Property Rights)… đồng thời đang không ngừng sửa đổi, hoàn thiện các quy định pháp luật nhằm bắt kịp với các quan hệ pháp luật, khoa học công nghệ và hành vi xâm phạm. Theo đó, Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bổ sung năm 2022 (Luật SHTT) và các văn bản hướng dẫn thi hành khác là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc xử lý xâm phạm bản quyền âm nhạc.

Tuy nhiên, việc bảo vệ các tác phẩm âm nhạc phức tạp hơn, bởi lẽ không phải tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả nào cũng chủ động nộp đơn đăng ký quyền tác giả như nhãn hiệu hay sáng chế. Theo khoản 1 Điều 6 Luật SHTT: “Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký”. Do đó, việc đăng ký quyền tác giả không phải là thủ tục bắt buộc. Nhiều tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả chưa có ý thức trong việc bảo hộ tác phẩm của mình, dẫn đến sự chậm trễ hoặc không đăng ký quyền tác giả. Hậu quả là khi xảy ra tranh chấp, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả sẽ phải thu thập các bằng chứng nhằm chứng minh quyền tác giả. Điều này đặc biệt quan trọng, bởi lẽ không ít trường hợp các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả không lưu giữ bằng chứng sáng tác hoặc công bố để chứng minh được tính nguyên gốc.

Hiện nay, quy định về trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ internet và các ứng dụng mạng xã hội đã có, nhưng việc áp dụng trên thực tế còn nhiều bất cập. Cụ thể, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian được miễn trừ trách nhiệm pháp lý đối với hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường mạng viễn thông và mạng internet liên quan đến việc cung cấp hoặc sử dụng dịch vụ của mình, khi đáp ứng các điều kiện trong các trường hợp tại khoản 3 Điều 198b Luật SHTT, bao gồm các dịch vụ sau: i) Truyền dẫn nội dung thông tin số hoặc cung cấp khả năng truy nhập đến nội dung thông tin số; ii) Lưu trữ đệm trong quá trình truyền dẫn thông tin; iii) Lưu trữ nội dung thông tin số của người sử dụng dịch vụ theo yêu cầu của người sử dụng dịch vụ. Bên cạnh đó, Việt Nam đã bổ sung các quy định về quy trình gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung thông tin số của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian, khi nhận được yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và khi nhận được yêu cầu của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan (quy định tại Điều 113 và Điều 114 Nghị định 17/2023/NĐ-CP ngày 26/04/2023 hướng dẫn Luật SHTT về quyền tác giả, quyền liên quan) nhằm giúp cụ thể hóa khả năng thực thi quyền của cơ quan có thẩm quyền và tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.

Mặc dù đã có quy định pháp luật, nhưng việc xử lý các trường hợp xâm phạm bản quyền âm nhạc trên môi trường mạng vẫn còn nhiều khó khăn khi các nhà cung cấp dịch vụ internet, các ứng dụng mạng xã hội thường chỉ là bên cung cấp dịch vụ trung gian. Việt Nam đã ban hành các chế tài xử phạt hành chính quy định tại Chương II Nghị định 28/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan và chế tài hình sự tại Điều 225 Luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 về tội “Xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan” nhằm xử phạt các trường hợp xâm phạm. Tùy vào mức độ của việc xâm phạm và mục đích xử lý mà tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả và cơ quan có thẩm quyền lựa chọn và áp dụng chế tài phù hợp, nhằm ngăn chặn, răn đe và giáo dục đối tượng xâm phạm.

Để đánh giá hành vi xâm phạm, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả nên gửi nội dung xâm phạm đến Trung tâm Giám định, Thông tin và Chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan trực thuộc Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch), đề nghị tiến hành giám định, đánh giá hành vi xâm phạm. Trên thực tiễn, kết luận giám định sẽ giúp các cơ quan có thẩm quyền ra quyết định chính xác.

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)