Thứ ba, 22/07/2025 15:31

Việt Nam và cơ hội vươn lên thành trung tâm tài sản số

Trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia đang diễn ra mạnh mẽ, lĩnh vực tài sản số Việt Nam đang ở thời điểm quan trọng trong hành trình xây dựng một nền tảng pháp lý rõ ràng và toàn diện. Tại buổi Tọa đàm với chủ đề “Chiến lược quốc gia về tài sản số: Chính sách cho đổi mới sáng tạo và hội nhập toàn cầu”, các chuyên gia đã nhận định, đây chính là thời điểm vàng để Việt Nam bứt phá, tạo dấu ấn trên bản đồ công nghệ số toàn cầu.

Thị trường tài sản số và bước tiến của Việt Nam

Tài sản số - bao gồm các tài sản được số hóa như tiền mã hóa, chứng khoán số, tài sản NFT, hợp đồng thông minh… đang không ngừng phát triển, thay đổi sâu sắc cách thức vận hành của hệ thống tài chính truyền thống. Các tập đoàn tài chính lớn như BlackRock hay những thị trường đi đầu như Hoa Kỳ đều đã công khai các chính sách ủng hộ tài sản số, đồng thời đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực này. Điều này cho thấy, tài sản số không phải là xu hướng nhất thời mà là một phần không thể thiếu trong hệ sinh thái kinh tế số tương lai.

Tổng giám đốc Binance Richard Teng chia sẻ tại Tọa đàm.

Tại Việt Nam, động thái tích cực từ phía cơ quan quản lý đã phần nào thể hiện sự nhạy bén với xu thế mới. Theo ông Richard Teng - Tổng giám đốc của Binance - một trong những sàn giao dịch tài sản số lớn nhất thế giới, Việt Nam hiện được đánh giá là một mắt xích chiến lược trong bản đồ phát triển tài sản số toàn cầu. Không chỉ sở hữu tiềm năng lớn, Việt Nam còn có vị trí đặc biệt thuận lợi để trở thành trung tâm phát triển công nghệ blockchain và các ứng dụng liên quan đến tài sản số trong khu vực Đông Nam Á.

Nền tảng cho sự phát triển bền vững

Phát biểu tại Tọa đàm, ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chánh văn phòng Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện là Phó Tổng thư ký Hội Tự động hóa Việt Nam cho biết, Việt Nam đang ở thời khắc bản lề trong việc thiết lập hành lang pháp lý cho tài sản số. Đây là điều kiện tiên quyết để ngành công nghiệp này có thể phát triển một cách bài bản, bền vững và đóng góp tích cực vào nền kinh tế số.

Toàn cảnh buổi Tọa đàm.

Hiện nay, có 6 điểm mấu chốt đang được triển khai tại Việt Nam: Tài sản số đã được xếp vào nhóm cần theo dõi và nghiên cứu phục vụ xây dựng cơ chế pháp lý phù hợp; Khung pháp lý chuyên biệt đang dần được hoàn thiện theo hướng thận trọng nhưng không bảo thủ; Một số địa phương lớn như TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đã chủ động tiếp cận và thử nghiệm các mô hình tài sản số; Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu mô hình tài sản số có liên kết với tài sản hữu hình; Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực blockchain tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ; Sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế ngày càng tăng, mở ra tiềm năng thu hút vốn và công nghệ từ nước ngoài.

Việc ban hành khung pháp lý rõ ràng sẽ không chỉ giúp bảo vệ nhà đầu tư, người tiêu dùng mà còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nội địa vươn ra toàn cầu. Trong một thế giới đang không ngừng chuyển động bởi công nghệ, nếu Việt Nam có thể sớm hoàn thiện cơ chế quản lý, đây sẽ là một lợi thế cạnh tranh không nhỏ với các nước trong khu vực.

Tháng 06/2025, Quốc hội đã thông qua Luật Công nghiệp Công nghệ số - một văn kiện pháp lý đánh dấu bước ngoặt khi lần đầu tiên tài sản số được chính thức công nhận trong hệ thống luật pháp quốc gia. Luật có hiệu lực từ ngày 01/01/2026 sẽ mở ra chương mới trong hành trình hội nhập công nghệ của Việt Nam.

Tương lai của Việt Nam trong ngành tài sản số

Ông Trần Huy Vũ - Tổng giám đốc Công ty Kyber Network cho rằng, Việt Nam đang sở hữu lợi thế rất lớn để dẫn đầu khu vực trong ngành tài sản số. Việc thiết lập luật rõ ràng sẽ giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư và sáng tạo, đồng thời tạo cơ hội hợp tác sâu hơn giữa khu vực tư nhân và nhà nước. Tuy nhiên, việc đánh giá các mô hình ứng dụng nhỏ lẻ hiện còn bị hạn chế do thời gian và nguồn lực từ phía cơ quan quản lý chưa đủ. Nếu muốn thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực này, Việt Nam cần có một cơ chế hỗ trợ linh hoạt hơn - nơi các mô hình thử nghiệm (sandbox) có thể hoạt động tự do dưới sự giám sát nhưng không bị ràng buộc bởi các quy định quá cứng nhắc. Điều này sẽ giúp các startup có cơ hội phát triển, thử nghiệm và từ đó tạo ra giá trị thực cho thị trường.

Tài sản số không còn là một khái niệm xa lạ mà đang dần trở thành một phần tất yếu của nền kinh tế số hiện đại. Với vị thế địa lý, dân số trẻ, lực lượng kỹ sư công nghệ chất lượng cao và tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ, Việt Nam có đủ điều kiện để trở thành một trung tâm tài sản số hàng đầu khu vực. Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết là cần có một khung pháp lý mang tính mở, thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ.

Nếu có thể xây dựng được một môi trường pháp lý vừa khuyến khích đổi mới, vừa kiểm soát được rủi ro, Việt Nam hoàn toàn có thể vươn lên trở thành “thủ phủ” của ngành công nghiệp tài sản số tại Đông Nam Á - nơi hội tụ các công ty công nghệ, nhà đầu tư và những mô hình kinh doanh sáng tạo nhất trong lĩnh vực tài chính số.

Xuân Bình

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)