
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Hội nghị sơ kết Kết quả hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số 6 tháng đầu năm 2025 diễn ra ngày 14/07/2025.
Bưu chính phải trở thành hạ tầng logistics để đảm bảo dòng chảy vật chất bên cạnh dòng chảy dữ liệu, đảm bảo dòng chảy vật chất nhanh, chính xác và an toàn đến tận tay doanh nghiệp và người tiêu dùng. Càng CĐS mạnh mẽ bao nhiêu thì tải lên mạng lưới bưu chính càng tăng bấy nhiêu.
Viễn thông trở thành hạ tầng số phục vụ cho CĐS. Hạ tầng số trở thành hạ tầng chiến lược như là giao thông và điện. Hạ tầng này phải phổ cập, băng thông siêu rộng, dung lượng siêu lớn, xanh và an toàn. Hạ tầng số trở thành hạ tầng của cả nền kinh tế. Phủ sóng 5G sâu và rộng toàn quốc là nhiệm vụ cấp bách từ nay đến cuối năm. Tốc độ di động phải đạt 100 Mbps, tốc độ cố định 200 Mbps.
CĐS với các cấu phần Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số là để Việt Nam trở thành quốc gia số, tạo thành một phiên bản số của thế giới thực và đảm bảo sự ánh xạ 1-1 của hai thế giới thực và số. CĐS là số hoá toàn diện, rồi sử dụng công nghệ số, nhất là AI để xử lý dữ liệu số, nhưng thay đổi mô hình hoạt động mới là công đoạn quan trọng nhất để phát huy hiệu quả CĐS. Chi ngân sách nhà nước cho CĐS là 1% thì phải kéo theo xã hội chi cho CĐS gấp 3-4 lần như vậy, và CĐS phải tạo ra tăng trưởng kinh tế 1-1,5%.
KHCN phải hướng tới kết quả cuối cùng là nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Nhà nước chi 1 đồng cho nghiên cứu thì kết quả nghiên cứu này đến doanh nghiệp phải tạo ra 10 đồng doanh thu mới. 1 đồng nhà nước chi cho nghiên cứu phát triển cũng phải kéo theo được 3-4 đồng của doanh nghiệp chi cho hoạt động này. KHCN phải đóng góp 1% vào tăng trưởng kinh tế.
Nhà khoa học bây giờ không chỉ dừng lại ở học hàm, học vị, ở bài báo hay giải thưởng mà quan trọng là kết quả nghiên cứu của mình phải có tác động đến kinh tế - xã hội của đất nước.
ĐMST là con đường để Việt Nam đưa KHCN ứng dụng vào cuộc sống. Ứng dụng công nghệ, đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ, nâng cao hiệu suất sử dụng công nghệ, cải tiến công nghệ và tiến tới sáng tạo công nghệ là con đường dùng công nghệ để tăng năng suất lao động, tăng TFP. ĐMST phải giúp Việt Nam tăng trưởng 3% GDP. Mỗi bộ ngành, mỗi địa phương phải có một trung tâm ĐMST.
Chuyển dịch quan trọng nhất của sở hữu trí tuệ là chuyển dịch từ bảo vệ quyền sang tài sản hoá, thương mại hoá và thị trường hoá các kết quả nghiên cứu. Một quốc gia phát triển là quốc gia có tới 80% tài sản là tài sản trí tuệ, bởi vậy, phát triển, giao dịch và bảo vệ tài sản trí tuệ, trống chộm cắp, là trọng tâm của một quốc gia muốn phát triển. Một xã hội trộm cắp nhiều là một xã hội không phát triển. Để trộm cắp về tài sản trí tuệ tràn lan thì sẽ không có sáng tạo trí tuệ, sẽ không có KHCN/ĐMST. Ăn cắp ý tưởng, sáng chế cũng như ăn cắp trong xã hội, là vấn đề vi phạm đạo đức xã hội, cần phải bị lên án và trừng phạt. Chúng ta cần xây dựng nhận thức xã hội, đạo đức xã hội, văn hoá xã hội về sở hữu trí tuệ.
Trọng tâm của lĩnh vực năng lượng nguyên tử thời gian tới là điện hạt nhân thế hệ mới, lò hạt nhân module quy mô nhỏ. Điện hạt nhân trở thành điện xanh và điện nền, trở thành chiến lược quốc gia và Việt Nam phải làm chủ công nghệ hạt nhân.
Tiêu chuẩn là định hướng phát triển quốc gia. Quy chuẩn là hàng rào bảo vệ quốc gia. Số lượng tiêu chuẩn cần thiết cho sự phát triển đất nước mới đạt chưa tới 5%. Phải đổi mới rất mạnh mẽ công tác tiêu chuẩn hoá theo hướng hội nhập quốc tế.
Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV đã thông qua 5 luật sửa đổi liên quan đến KHCN, là Luật KHCN và ĐMST, Luật Công nghiệp công nghệ số, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá và Luật Năng lượng nguyên tử. Các nghị định và thông tư liên quan, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật sẽ được ban hành ngay trong năm 2025 để có hiệu lực cùng ngày với các luật.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, các luật này có nhiều đổi mới quan trọng. Luật KHCN và ĐMST chuyển từ quản lý quá trình sang quản lý đầu ra, gắn nghiên cứu với ứng dụng, lấy ĐMST là động lực đưa tri thức vào thực tiễn, xây dựng đại học thành các trung tâm nghiên cứu KHCN và doanh nghiệp là trung của hệ thống ĐMST.
Luật Công nghiệp công nghệ số xác lập ngành công nghiệp công nghệ số là một ngành kinh tế trọng điểm, mở rộng phạm vi điều chỉnh sang dữ liệu, nền tảng số, AI, chip bán dẫn, tài sản số, kinh tế số, chú trọng tự cường thông qua phát triển doanh nghiệp công nghệ số Make in Vietnam.
Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật xác định tiêu chuẩn là định hướng phát triển quốc gia, thúc đẩy năng suất, chất lượng và đổi mới; quy chuẩn là hàng rào bảo vệ quốc gia, bảo vệ sức khoẻ, môi trường, an ninh, chủ quyền kỹ thuật.
Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá chuyển từ tư duy tiền kiểm là chính sang hậu kiểm dựa trên rủi ro, nhằm bảo vệ người tiêu dùng, giảm gánh nặng cho doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới và hội nhập quốc tế. Quy định về CĐS toàn diện, kết nối dữ liệu giữa các bộ ngành và địa phương để xây dựng một nền tảng số quốc gia về chất lượng, thực hiện hậu kiểm trên môi trường số.
Luật Năng lượng nguyên tử tạo hành lang pháp lý để triển khai nhanh nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, mở rộng ứng dụng năng lượng nguyên tử sang các lĩnh vực khác, xác định việc làm chủ công nghệ hạt nhân, nhất là công nghệ điện hạt nhân thế hệ mới, lò hạt nhân module quy mô nhỏ, nhằm đảm bảo điện linh hoạt cho CĐS xanh.
Từ nay đến cuối năm 2025, Bộ KH&CN sẽ phải hoàn thành và thông qua 4 luật, bao gồm 1 luật mới và 3 luật sửa đổi, đó là: Luật CĐS, Luật Công nghệ cao, Luật Chuyển giao công nghệ và Luật Sở hữu trí tuệ.
Như vậy, chỉ riêng năm 2025, Bộ KH&CN là cơ quan chủ trì soạn thảo 9 luật liên quan đến KHCN, ĐMST và CĐS. Trước đây, một khoá 5 năm mà thông qua 1-2 luật đã là nhiều. Với số lượng lớn các luật phải soạn thảo và trên tinh thần đổi mới mạnh mẽ của Nghị quyết 57, đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực rất lớn, quyết tâm rất cao, có cách làm mới và làm việc không kể ngày đêm mới có thể hoàn thành, Bộ trưởng chia sẻ.
Luật KHCN và ĐMST đã tạo sự thông thoáng cho hoạt động nghiên cứu với mục tiêu là tạo ra nhiều kết quả nghiên cứu có giá trị, thì Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi phải biến các kết quả nghiên cứu này thành tài sản trí tuệ để giao dịch được, khi đó mới có thị trường KHCN. Các vấn đề mà Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi phải xử lý để sở hữu trí tuệ phải trở thành công cụ chiến lược để bảo vệ và chiếm lĩnh công nghệ, công cụ cạnh tranh công nghệ, phải gắn kết chặt chẽ với nghiên cứu phát triển, ĐMST, phát triển trong môi trường số và công nghệ mới.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Luật Công nghệ cao sửa đổi là để tạo ra mảnh đất phát triển công nghệ cao, sản xuất ra công nghệ cao. Công nghệ cao bây giờ là chiến lược tự chủ công nghệ và chủ quyền số của một quốc gia. Công nghệ cao là trụ cột chiến lược an ninh kinh tế, quốc phòng an ninh và năng lực cạnh tranh quốc gia. Đổi mới căn bản của Luật Công nghệ cao là các ưu đãi cho nhà đầu tư sẽ dựa trên mức độ chuyển giao công nghệ, mức độ nội địa hoá, mức độ nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam; khu công nghệ cao chuyển đổi thành đô thị công nghệ cao, với đầy đủ các tiện ích sống thì mới thu hút được nhà khoa học tài năng đến đó. Khu Phố Đông của TP Thượng Hải, Trung Quốc dành tới 90 km2 (9000 ha), để xây dựng khu đô thị KHCN, với 400.000 người sinh sống và làm việc, trở thành Silicon Valley của Trung Quốc.
Thương mại hoá kết quả nghiên cứu vốn là khâu yếu của chúng ta. Nhưng nếu không giải quyết được câu chuyện này thì kết quả nghiên cứu sẽ không đến được doanh nghiệp để tạo ra sản phẩm, doanh thu, không tác động được vào nền kinh tế. Luật Chuyển giao công nghệ sửa đổi là nhằm đưa công nghệ tới doanh nghiệp, đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp góp phần tăng năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế. Sắp tới đây, đất nước sẽ có nhiều dự án lớn quốc gia, chúng ta muốn thông qua các dự án lớn này để hình thành các ngành công nghiệp trong nước, muốn các doanh nghiệp Việt Nam nhận chuyển giao từ đối tác nước ngoài để làm chủ công nghệ. Luật Chuyển giao công nghệ sửa đổi sẽ tạo khung pháp lý thuận lợi hơn nữa cho chuyển gia công nghệ (không chỉ từ nước ngoài vào Việt Nam mà còn là giữa viện trường và doanh nghiệp trong nước), đồng thời ngăn chặn các công nghệ lạc hậu vào Việt Nam, bảo vệ môi trường.
CĐS đã thấm sâu vào hoạt động hằng ngày của đất nước nhưng chúng ta chưa có luật về CĐS. Ban chỉ đạo Nghị quyết 57 đã quyết định giao xây dựng và thông qua Luật CĐS trong kỳ họp thứ 10 của Quốc hội vào cuối năm nay. Luật này sẽ lấp đầy các mảnh ghép còn thiểu và là một luật khung để thống nhất, kết nối các luật liên quan CĐS do các bộ, ngành chủ trì soạn thảo, nhằm hình thành một khung kiến trúc Việt Nam số hoàn chỉnh. Luật CĐS xác định vai trò của nhà nước trong thúc đẩy CĐS là dẫn dắt, tạo điều kiện và giám sát; tạo cơ chế quản lý dữ liệu số; khung thể chế cho nền tảng số và dịch vụ số; tài chính cho CĐS; văn hoá số; phát triển nhân lực, kỹ năng số, coi ngôn ngữ số như ngôn ngữ thứ ba bên cạnh tiếng Việt để giữ gìn bản sắc và tiếng Anh để hội nhập, để mỗi người Việt Nam thành thạo 3 ngôn ngữ này như biết đọc, biết viết; quản trị rủi ro trong quá trình CĐS và bảo đảm an toàn không gian số; giám sát và đánh giá hiệu quả CĐS.
Với 9 luật thông qua năm 2025 và 3 luật đã ban hành trước đó là Luật Viễn thông, Luật Tần số, Luật Giao dịch điện tử và các luật chuyên ngành, Bộ KH&CN hy vọng hành lang pháp lý về KHCN đã thông thoáng cho thúc đẩy KHCN/ĐMST/CĐS. Nếu có vướng mắc trong quá trình thực thi, chúng ta đã có cơ chế Chính phủ ban hành nghị định tháo gỡ khó khăn pháp lý trong 2 năm, trước khi báo cáo Quốc hội sửa luật, giống như một loại sandbox thể chế.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, giờ là lúc chúng ta hãy làm, làm thật nhiều, làm những việc lớn, hướng đến kết quả cuối cùng là tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, nâng cao năng lực quản trị quốc gia để bộc lộ các khó khăn và tiếp tục tháo gỡ.
CT