Từ những đột phá chiến lược
Thúc đẩy đột phá chiến lược về tư duy và nhận thức
Nghị quyết số 57-NQ/TW xác định phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (S.T.I.D) là “đột phá quan trọng hàng đầu”, đóng vai trò như động lực chính để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, đổi mới mô hình tăng trưởng và phương thức quản trị quốc gia, là động lực chính để phát triển trong kỷ nguyên mới. Đây là lần đầu tiên một văn kiện cấp cao của Đảng đặt trọng tâm rõ ràng và quyết liệt vào vai trò của các yếu tố này như động lực chính, vượt qua các giới hạn truyền thống để định vị Việt Nam trong cuộc đua công nghệ toàn cầu, nhằm ngăn chặn nguy cơ tụt hậu và thúc đẩy sự phát triển bứt phá.
Tác động trực tiếp của định hướng này là sự chuyển đổi nhận thức và tư duy quản trị trong toàn hệ thống chính trị trên diện rộng, từ cấp lãnh đạo cao nhất đến mọi tầng lớp xã hội. Nghị quyết số 57-NQ/TW nhấn mạnh, người dân, doanh nghiệp là trung tâm; nhà khoa học là nhân tố then chốt, Nhà nước đóng vai trò dẫn dắt để hình thành một hệ sinh thái sáng tạo toàn diện. Để triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW, nhiều địa phương đã ban hành kế hoạch gắn với các chương trình hành động cụ thể. Điều này không chỉ khơi dậy tinh thần sáng tạo mà còn thúc đẩy sự tham gia tích cực của toàn xã hội vào quá trình đổi mới và phát triển.
Đột phá thể chế: Xây dựng nền tảng pháp lý cho đổi mới sáng tạo
Điểm nhấn quan trọng của Nghị quyết số 57-NQ/TW là yêu cầu hoàn thiện thể chế, xem đây là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy S.T.I.D. Nghị quyết số 57-NQ/TW đề xuất xóa bỏ tư duy “không quản được thì cấm”, đồng thời khuyến khích đổi mới tư duy xây dựng các quy định pháp luật phù hợp để tạo môi trường thuận lợi cho nghiên cứu - ứng dụng công nghệ mới; chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu và tạo cơ chế đặc thù cho đầu tư mạo hiểm.
Tác động của định hướng này được kỳ vọng sẽ tháo gỡ nhiều rào cản pháp lý, lâu nay cản trở sự phát triển của các ngành công nghệ cao. Các quy định về đầu tư công, sở hữu trí tuệ, thuế và mua sắm công sẽ được sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Ví dụ, việc miễn trách nhiệm dân sự cho nhà khoa học khi gây thiệt hại trong quá trình nghiên cứu hay khuyến khích thử nghiệm công nghệ mới là những bước đi mang tính cách mạng, tạo môi trường thuận lợi cho sáng tạo. Các quy định về sở hữu trí tuệ, đầu tư công và thuế cũng được yêu cầu sửa đổi để đáp ứng nhu cầu thực tiễn, từ đó thu hút đầu tư tư nhân và quốc tế vào các dự án công nghệ chiến lược. Điều này không chỉ thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo mà còn xây dựng một hệ sinh thái đổi mới bền vững, nơi mọi ý tưởng đột phá đều có cơ hội được hiện thực hóa.
Đầu tư mạnh mẽ: Tăng cường tiềm lực quốc gia
Nghị quyết số 57-NQ/TW đặt ra các mục tiêu tham vọng về đầu tư cho S.T.I.D. Đến năm 2030, kinh phí chi cho nghiên cứu và phát triển (R&D) được yêu cầu đạt 2% GDP, trong đó hơn 60% đến từ nguồn xã hội, ít nhất 3% tổng chi ngân sách nhà nước sẽ được bố trí cho các lĩnh vực này. Đặc biệt, ngân sách sự nghiệp khoa học phải dành ít nhất 15% cho nghiên cứu công nghệ chiến lược như trí tuệ nhân tạo, công nghệ số và công nghệ xanh.
Tác động của cam kết đầu tư này mang tính chiến lược, tạo ra một bước ngoặt trong việc nâng cao tiềm lực quốc gia. Đầu tư cho S.T.I.D sẽ gia tăng đáng kể nguồn lực cho các dự án nghiên cứu và ứng dụng công nghệ. Hạ tầng số, công nghệ số sẽ được đầu tư đồng bộ, hiện đại, bảo đảm an ninh, hiệu quả và tránh lãng phí. Dữ liệu được xem là “tư liệu sản xuất chính”, sẽ được khai thác tối đa để phát triển công nghiệp dữ liệu và kinh tế dữ liệu. Những bước đi này không chỉ nâng cao năng lực cạnh tranh mà còn đặt nền móng để Việt Nam làm chủ các công nghệ tiên phong, từ đó khẳng định vị thế trên trường quốc tế.
Mục tiêu cụ thể: Việt Nam vươn tầm khu vực và thế giới
Nghị quyết số 57-NQ/TW đề ra các mục tiêu cụ thể, mang tính định lượng rõ ràng, thể hiện tham vọng lớn của Việt Nam. Theo đó, đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo, năng lực cạnh tranh số và chỉ số phát triển Chính phủ điện tử, cụ thể: đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) đạt trên 55%, kinh tế số chiếm tối thiểu 30% GDP, tỷ lệ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo đạt trên 40%, và hệ thống hạ tầng số tiên tiến phủ sóng 5G toàn quốc. Đến năm 2045, nền kinh tế số sẽ chiếm ít nhất 50% GDP, đưa Việt Nam lọt Top 30 quốc gia dẫn đầu thế giới về đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Những mục tiêu này không chỉ là định hướng mà còn là lời hiệu triệu toàn dân tộc, tạo động lực để toàn xã hội cùng hành động. Mục tiêu này sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy sự chuyển đổi mạnh mẽ sang nền kinh tế số, nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Với chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) đạt vị trí 44/138 quốc gia vào năm 2024, Việt Nam đã và đang từng bước xây dựng một nền kinh tế tri thức bền vững, hội nhập sâu rộng với thế giới.
Tăng cường hợp tác quốc tế: Bắt nhịp xu thế toàn cầu
Nghị quyết số 57-NQ/TW nhấn mạnh vai trò của hợp tác quốc tế trong việc tiếp thu, làm chủ và ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến của thế giới. Ngày 14/02/2024, Chính phủ thành lập Hội đồng Tư vấn quốc gia về phát triển S.T.I.D với sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước đã khẳng định một bước đi chiến lược để kết nối Việt Nam với mạng lưới tri thức toàn cầu.
Mở rộng hợp tác quốc tế giúp Việt Nam tiếp cận các công nghệ tiên phong, học hỏi mô hình quản lý từ các quốc gia phát triển. Bên cạnh đó, việc hợp tác trao đổi nghiên cứu giữa các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp sẽ tạo điều kiện để chúng ta tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị công nghệ toàn cầu. Đồng thời, việc thu hút nhân lực chất lượng cao từ nước ngoài và kiều bào sẽ bổ sung nguồn lực quý giá, giúp Việt Nam nhanh chóng vươn lên trong các lĩnh vực công nghệ chiến lược.
Truyền cảm hứng và trách nhiệm cho giới khoa học
Nghị quyết số 57-NQ/TW không chỉ là một văn kiện chính sách mà còn là nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho giới khoa học và thế hệ trẻ. Nghị quyết được đánh giá là “quá đúng, quá trúng và kịp thời”, là “luồng gió mới” trong con đường phát triển, khi thế hệ trẻ được khuyến khích mạnh dạn đổi mới, chấp nhận rủi ro để tạo đột phá. Tác động mang tính chiến lược về văn hóa của Nghị quyết 57 là sự khơi dậy tinh thần dấn thân, sáng tạo và cống hiến. Các nhà khoa học trẻ được khuyến khích mạnh dạn đổi mới, chấp nhận rủi ro để tạo ra những đột phá công nghệ. Phong trào khởi nghiệp sáng tạo được thúc đẩy, một thế hệ công dân toàn cầu, sẵn sàng đối mặt với thách thức của kỷ nguyên số đã và đang hình thành, tạo nên một xã hội năng động, cởi mở và không ngừng đổi mới.
Dù mang tính chiến lược cao, nhưng việc hiện thực hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW cũng không hề dễ dàng. Để đạt được các mục tiêu đề ra, Việt Nam cần sự cam kết đồng bộ từ cấp lãnh đạo cao nhất, cùng với việc cải thiện chỉ số phát triển con người (HDI) và nâng cao chất lượng giáo dục công nghệ. Những bất cập như thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, hạ tầng số chưa đồng bộ và nguy cơ an ninh mạng vẫn còn hiện hữu… Song với quyết tâm chính trị mạnh mẽ, sự đồng lòng ủng hộ của toàn xã hội, Nghị quyết số 57-NQ/TW hoàn toàn có thể trở thành hiện thực.
Yêu cầu đặt ra cho giáo dục đại học
Nghị quyết số 57-NQ/TW đặt ra nhiều yêu cầu quan trọng đối với ngành giáo dục Việt Nam, đặc biệt là giáo dục đại học - nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo
Nghị quyết số 57-NQ/TW nhấn mạnh, mục tiêu của giáo dục đại học là phải đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng, kỹ thuật (trí tuệ nhân tạo, lập trình, phân tích dữ liệu) và tư duy quản trị chiến lược, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của công nghệ. Để làm được điều đó, các cơ sở giáo dục đại học cần phải xây dựng các chương trình đào tạo chuyên sâu về: trí tuệ nhân tạo, công nghệ số, chip bán dẫn... Giáo dục đại học cần chuyển từ mô hình truyền thống, nặng về lý thuyết sang đào tạo gắn liền với thực tiễn và nghiên cứu ứng dụng. Nghị quyết số 57-NQ/TW yêu cầu các trường đại học phải trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, đóng vai trò kiến tạo giá trị cho cộng đồng và doanh nghiệp. Ngoài ra, các trường đại học được khuyến khích hợp tác quốc tế để xây dựng và triển nguồn nhân lực phục vụ quá trình chuyển đổi số. Hiện nay, trình độ ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, của sinh viên đại học Việt Nam còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Điều này đòi hỏi các trường phải đổi mới phương pháp giảng dạy ngoại ngữ và tích hợp kỹ năng số vào chương trình học.
Đổi mới phương thức quản trị và thúc đẩy tự chủ đại học
Nghị quyết số 57-NQ/TW yêu cầu đổi mới mạnh mẽ phương thức quản trị khoa học, giải phóng nguồn lực và thúc đẩy tự chủ trong các cơ sở giáo dục đại học. Do đó, các cơ sở giáo dục đại học cần sớm xây dựng môi trường “học tập tiến hóa” - nơi sinh viên và giảng viên được khuyến khích đổi mới mà không sợ thất bại. Nghị quyết số 57-NQ/TW khuyến khích các trường áp dụng cơ chế “sandbox” để thử nghiệm các sáng kiến giáo dục mới, để có sự điều chỉnh phù hợp
Kết nối giáo dục đại học với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp
Trong bối cảnh hội nhập, các trường đại học phải là trung tâm kết nối hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, thúc đẩy khởi nghiệp cũng như thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học. Điều này đòi hỏi các trường phải gắn nghiên cứu với nhu cầu thực tiễn và hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp. Giáo dục đại học không chỉ dừng ở việc đào tạo mà còn phải đóng vai trò cầu nối giữa nghiên cứu khoa học và ứng dụng thực tiễn. Nghị quyết số 57-NQ/TW khuyến khích các trường thành lập các trung tâm khởi nghiệp, phòng thí nghiệm mở và hợp tác với doanh nghiệp để đưa sản phẩm nghiên cứu ra thị trường.
Tăng cường đầu tư và hoàn thiện hạ tầng giáo dục số
Nghị quyết số 57-NQ/TW yêu cầu tăng cường đầu tư vào hạ tầng số, công nghệ số và cơ sở vật chất để hỗ trợ đào tạo và nghiên cứu. Các trường đại học cần tích hợp công nghệ số, như trí tuệ nhân tạo và nền tảng trực tuyến vào giảng dạy và quản lý. Hạ tầng số không chỉ bao gồm mạng lưới viễn thông, internet tốc độ cao mà còn là các phòng thí nghiệm hiện đại, hệ thống dữ liệu lớn và nền tảng học tập trực tuyến. Nghị quyết số 57-NQ/TW đặt mục tiêu phát triển hạ tầng lưu trữ, tính toán đạt tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn xanh. Do đó, Nghị quyết số 57-NQ/TW đặt ra các yêu cầu mang tính đột phá cho giáo dục đại học Việt Nam, từ đào tạo nhân lực chất lượng cao, đổi mới quản trị, kết nối hệ sinh thái đổi mới sáng tạo đến đầu tư hạ tầng số. Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu đề ra, ngành giáo dục cần khắc phục các thách thức về cơ chế chính sách, nguồn lực tài chính và sự đồng bộ trong triển khai. Sự cộng hưởng giữa các trường đại học, doanh nghiệp và chính phủ sẽ là chìa khóa để giáo dục đại học Việt Nam tạo nên bước ngoặt trong kỷ nguyên chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo.
Thay lời kết
Tổng Bí Thư Tô Lâm đã từng nhấn mạnh: “Phát triển S.T.I.D không chỉ là lựa chọn, mà là con đường sống còn. Lãnh đạo các cấp cần coi đây là nhiệm vụ chính trị, trọng tâm; các nhà khoa học, doanh nghiệp hãy cống hiến, sáng tạo; người dân cần đồng hành, học hỏi, nâng cao trình độ”. Nghị quyết số 57-NQ/TW chính là một cột mốc lịch sử, đánh dấu sự chuyển mình mạnh mẽ của Việt Nam trong kỷ nguyên số - kỷ nguyên của sự vươn mình, giàu mạnh và hùng cường. Với những định hướng đột phá về thể chế, đầu tư, nhân lực và hợp tác quốc tế, Nghị quyết không chỉ tạo xung lực cho S.T.I.D mà còn khơi dậy tinh thần sáng tạo, trách nhiệm và khát vọng của toàn dân tộc, là chìa khóa để Việt Nam làm chủ công nghệ, vượt qua thách thức và khẳng định vị thế trên trường quốc tế.

Hội thảo khoa học “Đổi mới công tác giảng dạy đại học trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và các giải pháp thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW” do Trường Đại học Điện lực tổ chức.

Lễ công bố quyết định và trao giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục 05 chương trình đào tạo của Trường Đại học Điện lực.