Thứ tư, 09/07/2025 15:02

Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia hướng tới nền khoa học Việt Nam minh bạch, đột phá

Ngày 08/07/2025, Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Quốc gia (NAFOSTED) đã tổ chức Hội nghị triển khai chương trình nghiên cứu cơ bản (NCCB) năm 2025 và gặp mặt các thành viên Hội đồng khoa học (HĐKH). Sự kiện này đánh dấu bước khởi đầu cho một giai đoạn mới của NAFOSTED, trong bối cảnh hệ sinh thái khoa học Việt Nam đang có những thay đổi quan trọng theo hướng mở, minh bạch, lấy nhà khoa học làm trung tâm và gắn kết chặt chẽ với mục tiêu xây dựng đất nước.

NAFOSTED: Nền tảng vững chắc cho giới khoa học Việt

Phát biểu khai mạc, Giám đốc NAFOSTED Đào Ngọc Chiến đã gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các thành viên HĐKH nhiệm kỳ trước vì sự cống hiến bền bỉ, góp phần đặt nền móng chắc chắn cho quy trình xét chọn và đánh giá các đề tài NCCB. Đồng thời, bày tỏ sự trân trọng đối với những thành viên HĐKH nhiệm kỳ mới - những “người giữ cửa học thuật”, sẵn sàng đồng hành cùng NAFOSTED trong nỗ lực bảo vệ các giá trị đạo đức, chuẩn mực khoa học.

Giám đốc NAFOSTED Đào Ngọc Chiến phát biểu khai mạc Hội nghị.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh đầy ý nghĩa, khi Nghị quyết 57 đang được đẩy mạnh, cùng việc Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) mới được thông qua, mở đường cho hàng loạt cải cách thể chế quan trọng. Các chính sách mới đã chính thức thừa nhận vai trò then chốt của các quỹ KH&CN công lập; bảo đảm quyền được thất bại khi thực hiện nghiên cứu; lần đầu tiên yêu cầu đo lường hiệu quả đầu tư KH&CN dựa vào sản phẩm, tác động kinh tế - xã hội thay vì chỉ trên các chỉ tiêu hình thức; mạnh mẽ khuyến khích quyền tự chủ học thuật, trao quyền sở hữu kết quả nghiên cứu cho tổ chức chủ trì, đồng thời tạo cơ hội tiếp cận nguồn lực cho các nhà khoa học trẻ và các đơn vị KH&CN ngoài công lập.

Giám đốc Đào Ngọc Chiến cho biết, năm 2025 NAFOSTED sẽ tập trung triển khai nhiều định hướng lớn, bao gồm: hoàn thiện hệ thống quản lý số hoá toàn diện quy trình tài trợ, bao trọn vòng đời đề tài từ nộp hồ sơ, xét duyệt, nghiệm thu cho tới giám sát hậu dự án; triển khai các mô hình tài trợ linh hoạt; gia tăng hỗ trợ cho các nhóm nghiên cứu trẻ thông qua chính sách khuyến khích riêng, gắn kết các chương trình quốc tế, tổ chức tập huấn kỹ năng làm hồ sơ và quản lý nhiệm vụ; đồng thời tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế cả trong nghiên cứu lẫn phản biện khoa học, thúc đẩy các mối quan hệ song phương, ba bên với nhiều quỹ trên thế giới.

Song song đó, NAFOSTED cũng đặt trọng tâm vào các hoạt động đồng hành cùng nhà khoa học, từ việc tổ chức các khoá bồi dưỡng chuyên môn cho tới khai thác dữ liệu hơn 4.000 đề tài đã được tài trợ để xây dựng hệ thống chỉ số đánh giá, hướng tới một môi trường nghiên cứu nơi nhà khoa học được bảo vệ khi lựa chọn con đường nghiên cứu giàu thách thức.

Trong khuôn khổ Hội nghị, Phó Giám đốc NAFOSTED Nguyễn Phú Bình đã công bố quyết định thành lập HĐKH NCCB Khoa học tự nhiên và kỹ thuật nhiệm kỳ 2025-2027 cùng HĐKH NCCB Khoa học xã hội và nhân văn nhiệm kỳ 2024-2026. Các thành viên của HĐKH lần này là những nhà khoa học uy tín, có thành tích nghiên cứu nổi bật, đáp ứng chuẩn chuyên gia theo Thông tư 37/2014/TT-BKHCN và được cộng đồng học thuật tín nhiệm giới thiệu. Điểm mới đáng chú ý là NAFOSTED đã đặc cách mời một số nhà khoa học Việt Nam đang giảng dạy, nghiên cứu tại các trường đại học uy tín trên thế giới tham gia vào các HĐKH nhiệm kỳ mới. Việc này nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng đánh giá, bảo đảm các hoạt động của NAFOSTED ngày càng tiệm cận các chuẩn mực quốc tế.

Đại diện cho các HĐKH phát biểu nhận nhiệm vụ, PGS.TS Ngô Đức Thành - Chủ tịch HĐKH ngành Khoa học trái đất - khoa học biển nhiệm kỳ 2025-2027 bày tỏ sự cảm ơn đối với niềm tin mà cộng đồng khoa học đã dành cho các thành viên HĐKH cũng như sự tín nhiệm của NAFOSTED. Ông khẳng định, các HĐKH sẽ đồng hành cùng NAFOSTED với tinh thần trách nhiệm cao nhất, bảo đảm tính minh bạch và chuẩn mực học thuật trong mọi hoạt động. Để các chương trình tài trợ NCCB đạt hiệu quả cao hơn, PGS.TS Ngô Đức Thành đề xuất, cần triển khai các chương trình tài trợ dài hạn theo định hướng nghiên cứu; tiếp tục tăng cường các cơ chế hỗ trợ nhà khoa học trẻ, đặc biệt với lực lượng postdoc; tổ chức các buổi họp mở rộng để HĐKH từng ngành cùng đưa ra các bài toán lớn, có tính dẫn dắt; đồng thời tôn vinh các nhà khoa học và củng cố cơ chế trách nhiệm giải trình.

Đột phá mô hình quỹ - minh bạch, mở và hội nhập

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, Chủ tịch Hội đồng Quản lý NAFOSTED nhấn mạnh, đây là giai đoạn đánh dấu bước chuyển mình từ một quỹ tài trợ NCCB sang mô hình hệ thống quỹ quốc gia tổng thể, vận hành theo hướng mở, linh hoạt, tiệm cận thông lệ quốc tế. Mô hình mới kế thừa và phát huy các giá trị cốt lõi của NAFOSTED là minh bạch, liêm chính và tự do học thuật, đồng thời mở rộng phạm vi từ NCCB sang cả nghiên cứu ứng dụng, công nghệ chiến lược và đổi mới sáng tạo.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy phát biểu tại Hội nghị.

Vai trò của NAFOSTED trong giai đoạn tới không chỉ đơn thuần là cung cấp tài chính mà còn phải tham gia xây dựng cả hệ sinh thái khoa học, đảm bảo thủ tục thông thoáng, để chính các nhà khoa học trở thành người dẫn dắt. Với những chương trình dài hạn, các HĐKH không chỉ thực hiện nhiệm vụ xét chọn mà còn đảm nhận vai trò như “tổng công trình sư”, cùng đồng hành từ khâu xác định định hướng, tổ chức triển khai đến đánh giá kết quả cuối cùng của cả một chu kỳ 5-10 năm. Một đột phá mang tính then chốt chính là việc Luật KH,CN&ĐMST (sửa đổi) đã tạo ra cơ chế pháp lý rõ ràng cho việc “trao quyền - khoán chi - chấp nhận rủi ro”. Theo đó, các tổ chức chủ trì sẽ có toàn quyền quyết định việc sử dụng kinh phí sao cho hiệu quả nhất, miễn tuân thủ pháp luật, không còn bị ràng buộc bởi các dự toán chi tiết như trước đây. Đặc biệt, nếu quá trình thực hiện đúng quy định nhưng kết quả nghiên cứu không đạt như kỳ vọng, nhà khoa học sẽ không bị truy thu kinh phí, không bị xử lý trách nhiệm hành chính, dân sự hay hình sự. Chính điều này sẽ tạo điều kiện để các nhà khoa học mạnh dạn dấn thân vào các lĩnh vực khó, tiềm ẩn rủi ro cao nhưng có khả năng tạo ra những đột phá lớn.

Thứ trưởng Bùi Thế Duy chia sẻ, toàn bộ hệ thống nghiên cứu khoa học quốc gia đang được cơ cấu lại một cách sâu rộng. Sáu chương trình quốc gia được giữ lại sẽ tập trung vào các lĩnh vực chiến lược, còn các đề tài NCCB sẽ được tuyển chọn thường kỳ, không còn gắn chặt với chương trình như trước, nhờ vậy sẽ mở rộng cơ hội tiếp cận cho cộng đồng nghiên cứu. Đặc biệt, lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn cần tập trung vào các nghiên cứu về pháp luật, chính sách công, thể chế để làm nền tảng khoa học cho các đề án lớn của Đảng, Chính phủ. Còn với các đề tài ứng dụng, kết quả nghiên cứu phải gắn với chuyển giao, tạo tác động thực tiễn rõ nét cho kinh tế - xã hội, các ngành, địa phương, doanh nghiệp. Mô hình mới sẽ khuyến khích hình thành các cụm đề tài, chuỗi nghiên cứu liên kết với nhóm nghiên cứu mạnh và phòng thí nghiệm hiện đại.

Cuối bài phát biểu, Thứ trưởng Bùi Thế Duy kêu gọi các nhà khoa học cùng tham gia góp ý cho các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, chung tay hình thành một hệ sinh thái KH&CN mới, đột phá, liêm chính, hội nhập quốc tế. Đây không chỉ là cách mạng về thể chế mà còn là cách mạng về tư duy, về cách tổ chức, đầu tư, đánh giá khoa học.

Xuân Bình

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)