Dữ liệu: Tài nguyên trọng yếu của nền kinh tế số
Trong bối cảnh toàn cầu bước sâu vào kỷ nguyên số, dữ liệu không còn đơn thuần là những con số, mà đã trở thành nguồn lực chiến lược, giữ vai trò tương tự như tài nguyên thiên nhiên hay vốn đầu tư trong nền kinh tế truyền thống. Phát biểu tại Lễ thành lập Hiệp hội Dữ liệu quốc gia diễn ra ngày 22/03/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, dữ liệu hiện nay là tư liệu sản xuất đặc biệt quan trọng, là “năng lượng mới”, thậm chí được ví như “máu” của nền kinh tế số. Quá trình chuyển đổi số với trọng tâm là dữ liệu đã, đang và sẽ tiếp tục định hình lại căn bản cách thức con người làm việc, giao tiếp và phát triển.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại sự kiện thành lập Hiệp hội Dữ liệu quốc gia diễn ra ngày 22/03/2025 (nguồn: NDA).
Luật Dữ liệu gồm 5 chương, 46 điều, quy định toàn diện về xây dựng, quản lý, phát triển, bảo vệ, xử lý và sử dụng dữ liệu số, đồng thời thiết lập khung quản trị cho các trung tâm dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu tổng hợp và những sản phẩm, dịch vụ dữ liệu. Đối tượng áp dụng của Luật rất rộng, không chỉ bao gồm cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước mà còn mở rộng tới tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động tại Việt Nam hoặc tham gia trực tiếp, gián tiếp vào các hoạt động liên quan đến dữ liệu số trên lãnh thổ Việt Nam. Đây chính là cơ sở pháp lý rõ ràng để quản trị dữ liệu xuyên biên giới, bảo vệ lợi ích quốc gia song song với hội nhập quốc tế.
Một nội dung quan trọng được Luật Dữ liệu đặc biệt chú trọng là việc xây dựng các trung tâm dữ liệu, cơ sở dữ liệu tổng hợp quy mô quốc gia nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước. Đồng thời, Luật cũng đặt ra nguyên tắc quản lý dữ liệu rõ ràng cho khu vực tư nhân, giúp các ngân hàng, doanh nghiệp công nghệ thông tin có hành lang pháp lý để thu thập, xử lý và bảo vệ dữ liệu khách hàng. Quy định này được kỳ vọng sẽ tạo động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, mở rộng các mô hình kinh doanh dựa trên dữ liệu tại Việt Nam.
Tuy nhiên, để giữ cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo đảm an toàn an ninh quốc gia, Luật Dữ liệu cũng nêu rõ, trong các trường hợp đặc biệt như tình trạng khẩn cấp, nguy cơ đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia, thiên tai, dịch bệnh, khủng bố, bạo loạn, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm cung cấp dữ liệu cho Nhà nước theo yêu cầu mà không cần sự đồng ý trước của chủ thể dữ liệu. Cách tiếp cận này cho phép nhà chức trách kịp thời khai thác dữ liệu nhằm ứng phó với các tình huống bất thường, bảo vệ lợi ích cộng đồng.
Ngoài ra, bảo vệ dữ liệu được đặt thành một trong những trụ cột của Luật Dữ liệu 2024. Luật yêu cầu xây dựng chính sách an toàn dữ liệu ở từng cấp, quản lý chặt chẽ hoạt động xử lý dữ liệu, áp dụng các công nghệ kỹ thuật để bảo mật và đào tạo nguồn nhân lực nhằm nâng cao ý thức, kỹ năng bảo vệ dữ liệu. Trách nhiệm đảm bảo an toàn dữ liệu không chỉ đặt lên vai các doanh nghiệp mà còn thuộc về cơ quan quản lý nhà nước ở từng lĩnh vực, với mục tiêu xây dựng hệ thống bảo vệ dữ liệu đồng bộ trên phạm vi toàn quốc.
Khơi mở tiềm năng cho một nền kinh tế dữ liệu minh bạch, an toàn
Luật Dữ liệu chính thức có hiệu lực mở ra chương mới cho tiến trình xây dựng một nền kinh tế số minh bạch, bền vững tại Việt Nam. Trong thời đại mà dữ liệu được ví như “nguyên liệu” chính cho đổi mới sáng tạo và là loại tài sản chiến lược của mọi quốc gia, một khung pháp lý rõ ràng về quản lý, bảo vệ và khai thác dữ liệu chính là điều kiện bắt buộc để Việt Nam tiến sâu hơn vào nền kinh tế số toàn cầu một cách tự tin, an toàn và hiệu quả.

Kết quả biểu quyết thông qua Luật Dữ liệu (nguồn: Minh Hà).
Luật Dữ liệu không chỉ xác định rõ quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên tham gia hệ sinh thái dữ liệu, mà còn góp phần củng cố lòng tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân khi tham gia các hoạt động kinh tế số. Khi Luật được thực thi đồng bộ cùng các chính sách về định danh số, chia sẻ dữ liệu mở và bảo vệ dữ liệu cá nhân, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tin tưởng môi trường kinh doanh sẽ minh bạch, giảm thiểu rủi ro pháp lý và chi phí tuân thủ, đồng thời bảo vệ tối đa quyền lợi khách hàng.
Từ góc nhìn của doanh nghiệp công nghệ, dữ liệu được xem là nền tảng không thể thiếu của trí tuệ nhân tạo, là “mỏ vàng” quý giá để phát triển sản phẩm, dịch vụ số nhanh chóng và hiệu quả hơn. Ông Phan Đức Trung - Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam, Chủ tịch Công ty 1Matrix cho biết, Luật Dữ liệu quy định cụ thể nghĩa vụ phân loại dữ liệu tại Điều 13, trách nhiệm xác định, quản trị rủi ro về quyền riêng tư và an toàn thông tin tại Điều 25, yêu cầu về bảo vệ dữ liệu tại Điều 27 cũng như đảm bảo an toàn dữ liệu tại Điều 43. Đây chính là những chuẩn mực pháp lý mà các doanh nghiệp cần tuân thủ để bảo vệ lợi ích người dùng, đồng thời phát triển các giải pháp sáng tạo dựa trên dữ liệu một cách an toàn, bền vững.
1Matrix hiện là doanh nghiệp xây dựng và vận hành mạng blockchain dịch vụ “Make in Việt Nam”, cung cấp các giải pháp blockchain toàn diện cho cả khối công và tư. Theo ông Phan Đức Trung, ngay từ ngày thành lập, Công ty đã chú trọng xây dựng hạ tầng công nghệ, thiết kế quy trình phân loại và quản trị dữ liệu, đào tạo nhân sự đạt chuẩn để đáp ứng nghiêm ngặt các yêu cầu của pháp luật. 1Matrix không chỉ tập trung hoàn thiện nội lực mà còn chủ động đóng góp xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật, tham gia tư vấn chính sách và đào tạo chuyên gia nhằm đồng hành cùng cơ quan quản lý phát triển nền kinh tế số bài bản, kỷ cương.
Ông Nguyễn Phú Dũng - Hiệp hội Dữ liệu quốc gia, người sáng lập và điều hành Công ty Cổ phần tập đoàn PILA - doanh nghiệp chuyên về hạ tầng dữ liệu số, định danh số phi tập trung và minh bạch dữ liệu chia sẻ, Luật Dữ liệu chính là điểm tựa pháp lý giúp doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư phát triển các nền tảng công nghệ mới, tuân thủ chuẩn mực quốc tế. Luật Dữ liệu không chỉ cam kết bảo vệ quyền riêng tư, định danh số của người dân mà còn khuyến khích hình thành các mô hình chia sẻ dữ liệu công - tư có kiểm soát. Nhờ vậy, các giải pháp mà PILA đang phát triển như định danh số, xác thực dữ liệu xuyên biên giới, truy xuất dữ liệu minh bạch sẽ có thêm cơ hội phát huy giá trị, phục vụ tốt hơn thị trường trong nước và quốc tế. Ông nhấn mạnh, việc Quốc hội thông qua Luật Dữ liệu đã củng cố niềm tin chiến lược mà PILA theo đuổi: dùng công nghệ để xây dựng một nền kinh tế số minh bạch, an toàn và phát triển lâu dài.
Tạo niềm tin số, thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững
Qua những chia sẻ từ các lãnh đạo doanh nghiệp, có thể nhận thấy Luật Dữ liệu không chỉ là đạo luật quản lý, bảo vệ và khai thác tài nguyên dữ liệu, mà còn là hành lang pháp lý thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, biến dữ liệu thành tài sản luân chuyển có giá trị cao, phục vụ lợi ích cho mọi chủ thể trong nền kinh tế. Đây chính là nền tảng thể chế quan trọng để cộng đồng doanh nghiệp công nghệ tư nhân như 1Matrix, PILA chủ động tham gia, đóng góp và đồng hành cùng Nhà nước trong quá trình kiến tạo tương lai số của Việt Nam.
Luật Dữ liệu được kỳ vọng sẽ củng cố niềm tin số cho người dân, doanh nghiệp, khuyến khích họ mạnh dạn tham gia nền kinh tế dữ liệu, từ đó mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng của nền kinh tế số. Trong dài hạn, niềm tin này chính là động lực để thu hút đầu tư công nghệ cao, hình thành các chuỗi giá trị số mới, đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng GDP, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Nhìn tổng thể, việc ban hành và thực thi Luật Dữ liệu cho thấy quyết tâm chính trị mạnh mẽ của Việt Nam trong việc xây dựng một hệ sinh thái dữ liệu an toàn, minh bạch, phục vụ hiệu quả cho phát triển kinh tế số, xã hội số và chính phủ số. Đây sẽ là chìa khóa quan trọng giúp đất nước tự tin hội nhập, làm chủ các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành quốc gia số tiên tiến trong khu vực.
TXB