Thứ sáu, 19/05/2023 10:02

Họ sáng chế: Khái niệm, tính chất, phân loại và vai trò

Nguyễn Hoàng Nam

Khoa Luật, Trường Kinh tế, Luật và Quản lý Nhà nước, Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh

Patent family hay họ sáng chế là một thuật ngữ pháp lý được sử dụng trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ (SHTT), liên quan đến đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp là sáng chế. Bài viết tìm hiểu về họ sáng chế trên các khía cạnh khái niệm, tính chất, phân loại, vai trò và cách xác định họ sáng chế.

Họ sáng chế (sáng chế đồng dạng) là gì?

Theo Tổ chức SHTT thế giới (WIPO), một họ sáng chế được định nghĩa là một tập hợp các bằng sáng chế được đăng ký ở nhiều quốc gia khác nhau, tức đăng ký bảo hộ ở các cơ quan cấp bằng sáng chế để bảo vệ cùng một sáng chế ở các nước khác nhau. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), họ sáng chế là tập hợp tất cả các bằng sáng chế ở các quốc gia khác nhau bảo hộ cùng một sáng chế. Theo Văn phòng Sáng chế châu Âu (EPO), họ sáng chế là tập hợp các đơn đăng ký sáng chế có nội dung kỹ thuật giống nhau hoặc tương tự nhau.

Theo các quy tắc chung của Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp (1883) (sau đây gọi chung là Công ước Paris) thì bằng sáng chế được cấp ở các quốc gia ký kết khác nhau cho cùng một sáng chế là độc lập với nhau. Qua đó, việc cấp bằng sáng chế ở một quốc gia ký kết không bắt buộc các quốc gia ký kết khác phải cấp bằng sáng chế. Ngược lại, bằng sáng chế không thể bị từ chối, hủy bỏ hoặc chấm dứt tại bất kỳ quốc gia ký kết nào, với lý do bằng sáng chế đã bị từ chối hoặc hủy bỏ hoặc đã chấm dứt tại bất kỳ quốc gia ký kết nào khác. Chính vì vậy, nhiều công ty nộp đơn xin cấp bằng sáng chế cho cùng một sáng chế ở nhiều quốc gia và giành được quyền. Một tập hợp các đơn đăng ký sáng chế này được gọi là họ sáng chế.

Nhìn chung, họ sáng chế là tập hợp các sáng chế có nội dung kỹ thuật giống nhau hoặc tương tự nhau, yêu cầu quyền ưu tiên đối với một đơn đăng ký sáng chế và nộp đơn xin cấp bằng sáng chế cho mỗi quốc gia. Hay nói cách khác, nhóm các đơn đăng ký sáng chế tại một hoặc nhiều quốc gia, dựa trên một đơn đăng ký sáng chế duy nhất được gọi là họ sáng chế. Tại Việt Nam, thuật ngữ này được sử dụng với cách gọi là "sáng chế đồng dạng".

Tính chất của họ sáng chế

Bằng sáng chế mang quyền lãnh thổ. Điều này có nghĩa là bằng sáng chế được cấp ở một quốc gia không có hiệu lực vượt ra ngoài biên giới lãnh thổ của quốc gia đó và không thể bị xâm phạm ở các quốc gia khác [1]. Họ sáng chế là tập hợp các sáng chế nên họ sáng chế cũng có tính lãnh thổ, hay phạm vi bảo hộ của họ sáng chế chỉ có hiệu lực trong lãnh thổ những quốc gia đã cấp bằng bảo hộ sáng chế. Chính vì vậy, những sáng chế muốn được bảo hộ ở các quốc gia khác nhau phải đăng ký bảo hộ bằng sáng chế ở mỗi quốc gia. Để khắc phục điều này và tạo cơ chế bảo hộ thiết thực, các đơn đăng ký bằng sáng chế có thể yêu cầu quyền ưu tiên của các đơn đăng ký trước đó1. Các ưu tiên tạo ra mối quan hệ gắn kết trong một họ về mặt pháp lý giữa các hồ sơ tương ứng trước và sau. Tuy nhiên, mối quan hệ này cũng có thể tồn tại mà không yêu cầu quyền ưu tiên.

Công ước Paris bảo vệ quyền bình đẳng cho công dân và cư dân của các quốc gia công nhận lẫn nhau về quyền ưu tiên. Các đơn đăng ký sáng chế trong một họ sáng chế được kết nối thông qua các điểm yêu cầu quyền ưu tiên. Công ước Paris quy định rằng, những tác giả của bằng sáng chế phải nộp đơn cho cùng một sáng chế ở các quốc gia khác trong vòng một năm2, kể từ khi nộp đơn ở quốc gia nộp đơn ban đầu. Những lần nộp đơn sáng chế bổ sung như vậy thường yêu cầu quyền ưu tiên của đơn đăng ký sáng chế gốc, để người nộp đơn có thể hưởng lợi từ ngày nộp đơn của đơn ban đầu. Quyền ưu tiên trong họ sáng chế mang lại cho người nộp đơn một khoảng thời gian để quyết định thị trường quốc gia mục tiêu và hoàn thiện tình trạng kỹ thuật, đảm bảo tập hợp các thông tin thiết yếu về cách thức kỹ thuật và phương tiện kỹ thuật trước khi công khai sáng chế để được cấp bằng sáng chế [2].

Quy mô của các họ sáng chế quốc tế càng lớn thì chúng càng có giá trị. Họ sáng chế phản ánh số lượng quốc gia mà một sáng chế nhất định được bảo hộ, như một thước đo giá trị của bằng sáng chế. Những bằng sáng chế bổ sung sẽ được cấp cho các sáng chế nếu đạt yêu cầu về mức độ cải thiện ban đầu so với bằng sáng chế gốc. Các sáng chế bổ sung có thể thống nhất với bằng sáng chế mẹ hoặc tuyên bố độc lập về bằng sáng chế mẹ, trở thành một sáng chế riêng biệt.

Lộ trình Hiệp ước hợp tác bằng sáng chế (PCT) cho phép người nộp đơn sáng chế khoảng thời gian 30 tháng kể từ khi nộp đơn ưu tiên, trong thời gian đó có thể nộp các đơn quốc gia khác. Trong đó, để đảm bảo tính công bằng trong quá trình nộp đơn sáng chế, trong quy định của PCT, sáng chế bổ sung sẽ phụ thuộc vào hiệu lực của bằng sáng chế mẹ, yêu cầu có thể lên đến 18 tháng sau khi nộp bằng sáng chế3. Quyết định nộp nhiều bằng sáng chế cho cùng một chủ đề sáng tạo phụ thuộc vào chính sách đăng ký bảo hộ sáng chế quốc tế và các quy tắc pháp lý hiện hành trong mỗi hệ thống bằng sáng chế quốc gia.

Phân loại họ sáng chế

Dựa trên phạm vi, Văn phòng Bằng sáng chế châu Âu (EPO) phân họ sáng chế thành 2 loại: một là, họ sáng chế đơn giản (DOCDB) - đây là tập hợp các đơn đăng ký sáng chế có cùng nội dung kỹ thuật hay kết hợp bất kỳ ứng dụng nào có chủ đề phù hợp; hai là, họ sáng chế mở rộng (INPADOC) - đây là tập hợp các đơn đăng ký sáng chế có nội dung kỹ thuật tương tự hay kết hợp bất kỳ ứng dụng nào có chủ đề tương tự.

Trong nội dung Topic 3 với chủ đề về “Patent Families” của Lutz Mailänder tại Hội nghị do WIPO tổ chức ở một số nước châu Á năm 2012 diễn ra ở Bangkok (Thái Lan) và Hà Nội (Việt Nam), việc phân loại họ sáng chế giống với cách phân loại của EPO, bao gồm: họ đơn giản và họ mở rộng. Họ đơn giản là các họ sáng chế có chủ đề sáng tạo cơ bản giống nhau. Họ mở rộng là các họ sáng chế có lĩnh vực kỹ thuật tương tự, nhưng có khả năng đa dạng hơn vì họ sáng chế với các ưu tiên khác nhau, có thể bao gồm các sáng chế khác nhau. Với họ sáng chế mở rộng, các sáng chế liên quan đến một nhóm các tài liệu sáng chế thuộc cùng một họ mở rộng giống nhau về nội dung kỹ thuật nhưng không nhất thiết phải hoàn toàn giống nhau, được liên kết trực tiếp hoặc gián tiếp.

Ngoài ra, có thể phân loại họ sáng chế theo quyền ưu tiên. Đối với họ sáng chế yêu cầu quyền ưu tiên, dựa trên phương thức nộp hồ sơ, có thể được phân làm 3 loại: họ sáng chế quốc gia (national families); họ sáng chế nộp hồ sơ sáng chế qua Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp (Paris convention) hay Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền SHTT (TRIPS); họ sáng chế nộp hồ sơ sáng chế thông qua hệ thống PCT. Đối với họ sáng chế không yêu cầu quyền ưu tiên, có thể chia làm 3 loại: họ sáng chế kỹ thuật (technical families); họ sáng chế  nội địa (domestic families); các họ sáng chế thông qua PCT.

Vai trò của họ sáng chế

Họ sáng chế cho phép tác giả sáng chế hay chủ sở hữu linh hoạt trong hoạt động nộp đơn đăng ký. Người nộp đơn có thể tùy theo mục đích thực tế để nộp đơn theo bộ phận. Việc này giúp người nộp đơn chủ động quyết định chia đơn đăng ký đầu tiên thành nhiều phần, miễn là đơn đăng ký gốc đang chờ xử lý.

Xác định họ sáng chế được xem như một phương pháp phân tích trích dẫn bằng sáng chế, đóng vai trò quan trọng trong việc xác định các bằng sáng chế thiết yếu, góp phần hữu ích cho các công ty thực hiện các chức năng quan trọng trong sự phát triển của một lĩnh vực công nghệ cụ thể [3]. Họ sáng chế xác định từ lúc nộp đơn đăng ký không chỉ cho biết những quốc gia hoặc khu vực quốc gia của đơn sáng chế được nộp, mà còn chỉ ra các bản dịch trong đơn ở các ngôn ngữ khác nhau. Tra cứu họ sáng chế có thể giúp tìm ra cùng một sáng chế ở các ngôn ngữ cần thiết để tiết kiệm chi phí dịch thuật.

Ngoài ra, họ sáng chế đóng vai trò giúp những bên có liên quan như tác giả sáng chế, chủ sở hữu bằng độc quyền sáng chế, chuyên viên thẩm định sáng chế thuận lợi trong việc thu thập, sàng lọc và phân tích dữ liệu đối với bằng sáng chế một cách chuẩn xác, nhanh chóng nhận ra các bằng sáng chế đã được cấp trước đây có cùng nội dung hoặc có đặc điểm, tính chất và công dụng liên quan đến một sáng chế cụ thể từ bất kỳ đâu trên thế giới.

Như vậy, việc xác định và phân loại họ sáng chế có nhiều vai trò hỗ trợ trong việc: (1) Vượt qua rào cản ngôn ngữ; (2) Xác định phạm vi địa lý; (3) Theo dõi và nhận dạng xu hướng công nghệ; (4) Tìm kiếm sáng chế liên quan.

Cách xác định họ sáng chế

Họ sáng chế được xác định bởi cơ sở dữ liệu, không phải bởi luật pháp quốc gia hay quốc tế. Các họ sáng chế chứa những thông tin về một sự đổi mới, được coi là nguồn dữ liệu thiết yếu cho sự phát triển của công nghệ mới. Tại những quốc gia mà lĩnh vực SHTT tiên tiến, đặc biệt là các nước phát triển sáng chế ở mức cao trên thế giới, việc xác định các họ sáng chế được đánh giá thông qua quá trình sử dụng và phân tích dữ liệu về các cặp bằng sáng chế song sinh để nghiên cứu hoạt động của hệ thống bằng sáng chế.

Thông thường, các họ sáng chế được nộp cho các cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng sáng chế uy tín như: EPO, Cơ quan Sáng chế Nhật Bản (JPO), Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO). Tại mỗi cơ quan này, sẽ xây dựng những quy trình xác định khác nhau. Đơn cử như EPO sử dụng quy trình tự động để tập hợp các họ sáng chế dựa trên nền tảng dữ liệu về sáng chế, thông qua tiêu chí/điều kiện lọc về yêu cầu ưu tiên của đơn đăng ký sáng chế. Hay về mặt hình thức, USPTO thể hiện mối quan hệ giữa các họ sáng chế thông qua “cây phả hệ bằng sáng chế”. Hệ thống dữ liệu giám định bằng sáng chế của USPTO (PEDS) có trách nhiệm quản lý dữ liệu về các cây phả hệ bằng sáng chế này, được tạo cho từng họ sáng chế.

 

1Đơn đăng ký sáng chế bổ sung có chứa nội dung kỹ thuật tương đồng với đơn đã nộp trước đó, được yêu cầu quyền ưu tiên.

2Người nộp đơn ở bất kỳ quốc gia nào có một năm sau đơn quốc gia đầu tiên để nộp các đơn khác ở nước ngoài. Quy định này tương đồng với nội dung quy định về thời gian ân hạn đối với bằng sáng chế ở một số khu vực tài phán.

318 tháng kể từ thời điểm nộp đơn đăng ký sáng chế quốc tế (hoặc thường là 30 tháng kể từ ngày nộp đơn đăng ký sáng chế ban đầu mà bạn yêu cầu quyền ưu tiên) trước khi bạn phải bắt đầu các thủ tục giai đoạn quốc gia với các cơ quan sáng chế riêng lẻ và để đáp ứng các yêu cầu quốc gia.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Teruo Doi (2002), “The territoriality principle of patent protection and conflict of laws: A review of Japanese court decisions”, Fordham International Law Journal, 26(2), pp.377-395.

[2] Antoine Dechezleprêtre, et al. (2017), “International patent families: from application strategies to statistical indicators”, Scientometrics, 111, pp.793-828.

[3] K.K. Lai, et al. (2021), “Identifying the impact of patent family on the patent trajectory: A case of thin film solar cells technological trajectories”, Journal of Informetrics, 15(2), DOI: 10.1016/j.joi.2021.101143.

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)