Thực trạng tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam
Trong những năm qua, Việt Nam có nhiều bước tiến trong việc cải thiện năng suất lao động, tuy nhiên tốc độ tăng năng suất lao động vẫn còn chậm so với nhiều quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Singapore. Giai đoạn từ 2011-2021, tốc độ tăng trưởng năng suất lao động của Việt Nam chỉ đạt khoảng 3-4%/năm, thấp hơn so với tăng trưởng GDP (5-6%/năm). Trong hai năm 2021-2022, Việt Nam chịu ảnh hưởng không nhỏ của đại dịch COVID-19, những gián đoạn trong chuỗi cung ứng, sự thiếu hụt về nguồn nhân lực và các biện pháp giãn cách xã hội đã khiến tốc độ tăng năng suất lao động bị giảm sút so với giai đoạn trước (hình 1), gây khó khăn cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế và gia tăng tình trạng lạm phát.
Hình 1. Tốc độ tăng năng suất lao động 2011-2022 (theo Tổng cục Thống kê).
Trong năm 2011, tốc độ tăng trưởng năng suất lao động của Việt Nam tương đối thấp, chỉ đạt 3,42%. Trong giai đoạn 2013-2019, con số này đã đạt mức trung bình 6,3%. Tuy nhiên, những năm sau đó, tốc độ tăng trưởng năng suất lao động lại giảm dần và chỉ đạt mức 4,71% vào năm 2021. Đồng thời, cơ cấu lao động của Việt Nam đã có sự thay đổi đáng kể. Tỷ lệ lao động của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có xu hướng giảm mạnh từ 48,6% năm 2010 xuống 27,5% vào năm 2022. Trong khi đó cũng trong giai đoạn này, tỷ trọng lao động khu vực dịch vụ tăng từ 29,8 lên 38,9%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng từ 21,6 lên 33,6% (hình 2).
Hình 2. Thay đổi cơ cấu lao động của ba khu vực kinh tế 2010-2022
Mặc dù đã có sự dịch chuyển lao động từ ngành có năng suất lao động thấp sang ngành có năng suất lao động cao hơn, tuy nhiên năng suất lao động chung của nền kinh tế vẫn ở mức thấp so với các nước trong khu vực. Có nhiều nguyên nhân gây ra sự chậm trễ này, bao gồm cơ sở hạ tầng kém, hạn chế về vốn đầu tư, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, các chính sách kinh tế không đủ hấp dẫn…
Những thách thức trong quá trình nâng cao năng suất lao động quốc gia
Hiện nay, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức ảnh hưởng đến năng suất lao động. Cụ thể là các vấn đề sau:
Thứ nhất, mặc dù chất lượng lao động ngày càng nâng cao, tỷ lệ qua đào tạo tăng qua từng năm, tuy nhiên so với nhu cầu sử dụng lao động thực tế, người lao động còn thiếu cả về mặt kỹ thuật và kỹ năng. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, năm 2022 lực lượng lao động đã qua đào tạo từ trình độ sơ cấp nghề trở lên ước tính là 13,5 triệu người, chiếm 26,2%. Trong khi đó, với bối cảnh chuyển đổi số, nền kinh tế quốc gia đang phải đối mặt với những thách thức về thiếu hụt lao động có trình độ cao.
Thứ hai, năng suất lao động ngành công nghiệp tăng chậm, phát triển công nghiệp mới theo chiều rộng, chưa phát triển theo chiều sâu, dẫn tới thiếu bền vững. Người lao động trong ngành công nghiệp còn số lượng lớn chưa được đào tạo đúng chuyên môn, thiếu kỹ năng và điều kiện tiếp cận với công nghệ mới. Đây là yếu tố quan trọng khiến ngành công nghiệp trong nước có năng lực cạnh tranh thấp, chưa tạo ra ngành công nghiệp mũi nhọn đóng vai trò dẫn dắt.
Thứ ba, quy mô nền kinh tế Việt Nam còn nhỏ, doanh nghiệp chủ yếu có quy mô nhỏ và vừa, năng lực đầu tư và hấp thụ công nghệ chưa cao. Với xuất phát điểm thấp, quy mô kinh tế nhỏ, việc thu hẹp khoảng cách tương đối về thu nhập bình quân và năng suất lao động của Việt Nam với các quốc gia khác trong thời gian qua là một thành tựu đáng ghi nhận nhưng chưa đủ để thu hẹp khoảng cách tuyệt đối về giá trị năng suất lao động so với các nước trong khu vực.
Thứ tư, trong những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực thực hiện cải cách và hoàn thiện thể chế kinh tế, góp phần tạo động lực cho nền kinh tế. Tuy nhiên, vẫn còn một số “điểm nghẽn” về thể chế trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường, ảnh hưởng tới quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng. Thể chế kinh tế thị trường còn thiếu đồng bộ, đặc biệt là đối với các thị trường: lao động, công nghệ, bất động sản. Do xuất phát điểm thấp và đang trong giai đoạn chuyển đổi, việc phát triển các hình thức thị trường có thể chế đặc thù trên gặp nhiều khó khăn, hệ thống pháp luật, chính sách cho việc phát triển các loại thị trường chưa hoàn chỉnh, chưa đồng bộ, chất lượng chưa cao và chưa theo kịp sự phát triển của các loại thị trường này.
Kiến nghị thúc đẩy năng suất quốc gia
Để thực hiện được mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, Việt Nam cần có những giải pháp nâng cao năng suất quốc gia, trong đó cần chú ý một số vấn đề chính sau:
Một là, phát triển phong trào cải thiện năng suất quốc gia phù hợp với bối cảnh mới: Việt Nam cần phát triển phong trào cải thiện năng suất quốc gia mạnh mẽ hơn và tái cấu trúc lại nội dung của các chương trình năng suất phù hợp với các giai đoạn phát triển: “Nhận thức về năng suất - Hỗ trợ cải tiến năng suất - Tự nhận thức - Tự đầu tư cải tiến năng suất”. Trên cơ sở đó, các cơ quan chức năng xây dựng các chương trình hỗ trợ nâng cao năng suất đúng trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải và tập trung kinh phí để có được kết quả đột phá.
Cần chú trọng sự liên kết giữa các bộ, ngành, địa phương và các thành phần kinh tế để xây dựng nhiều chương trình nâng cao năng suất xuyên suốt, đồng bộ. Trong đó, các bộ, ngành, địa phương cần thành lập một đầu mối chính thức để xây dựng, triển khai, báo cáo, đánh giá các kết quả năng suất, từ đó lập kế hoạch thực hiện các nội dung nâng cao năng suất trúng đích và hiệu quả.
Tăng năng suất lao động góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cần cân bằng giữa cách tiếp cận quy mô quốc gia và cách tiếp cận quy mô ngành sao cho phù hợp. Cách tiếp cận quy mô quốc gia cho phép phạm vi tiếp cận rộng rãi và có tính đồng nhất song có thể “hỗ trợ” cả những doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả. Trong khi đó, cách tiếp cận theo quy mô ngành cho phép các chính sách và chương trình được điều chỉnh phù hợp với nhu cầu của từng khu vực, phù hợp trong điều kiện nguồn lực hạn chế. Tuy nhiên, cách tiếp cận theo ngành có thể dẫn đến bỏ qua một số hoạt động căn bản có tính hệ thống và kết nối liên ngành.
Hai là, tạo điều kiện về nguồn lực và chính sách thúc đẩy năng suất ở các ngành, lĩnh vực: so với các nước phát triển, tỷ trọng vốn đầu tư cho nghiên cứu phát triển, công nghệ thông tin, công nghệ cao của Việt Nam tương đối thấp. Điều này dẫn đến khoảng cách lớn khi so sánh với các nước phát triển. Vì vậy cần xem xét, điều chỉnh cơ cấu vốn đầu tư, tăng tỷ trọng đầu tư nghiên cứu phát triển, công nghệ thông tin và công nghệ cao, hỗ trợ thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Cần tập trung mời gọi và xúc tiến nhà đầu tư trong và ngoài nước có tiềm lực, thương hiệu mạnh; ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ hiện đại, có hàm lượng trí thức cao, có lợi thế cạnh tranh, thân thiện với môi trường và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên… Sử dụng hiệu quả các nguồn lực, cơ chế chính sách đặc thù để thúc đẩy phát triển bền vững các khu công nghệ cao. Tiếp tục tạo ra một sân chơi bình đẳng cho khu vực tư nhân trong nước bằng cách loại bỏ các trở ngại (tín dụng, đất đai, giảm thuế/miễn thuế) để khu vực này cạnh tranh công bằng với các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Đánh giá hiệu quả chính sách định kỳ, tháo gỡ những điểm nghẽn tăng trưởng năng suất và các hạn chế trong thực thi các chính sách khoa học và công nghệ, thúc đẩy năng suất nhằm điều chỉnh phù hợp với bối cảnh mới.
Ba là, nâng cao năng lực thực thi của các chương trình hỗ trợ nâng cao năng suất và đổi mới sáng tạo: Các cơ quan chức năng cần kiện toàn các tổ chức tư vấn về năng suất, lựa chọn và tăng cường đầu tư năng lực của các tổ chức tư vấn đạt yêu cầu tiêu chuẩn. Tăng cường hợp tác quốc tế để đào tạo, cung cấp/phát triển và khuyến khích các chuyên gia năng suất có năng lực, kiến thức sâu rộng học hỏi, cập nhật nhằm phát triển các giải pháp cải tiến năng suất để xây dựng các thể chế hiệu quả và phát triển nguồn nhân lực trong nước.
Tăng cường công tác thông tin, thống kê về năng suất, đánh giá, xếp hạng năng suất nhằm thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Cung cấp nguồn lực tài chính cần thiết và phù hợp cho các chương trình hỗ trợ từ Chính phủ, khắc phục những hạn chế về cơ chế tài chính, thủ tục hành chính để tạo thuận lợi và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia.
Cải tiến năng suất lao động đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, thiết lập một nền sản xuất hiệu quả, đồng thời tạo ra nhiều việc làm và thu nhập cho người lao động. Chính vì vậy, việc thúc đẩy năng suất lao động còn đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đóng góp vào sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước.