Khoa học mở là gì?
Xu hướng phát triển hiện nay của KH&CN bao gồm sự đan xen phức tạp của đa ngành, đa lĩnh vực, dựa trên sự đổi mới và tiến hóa nhanh chóng của công nghệ thông tin, kỹ thuật số, nhằm tối ưu hóa năng suất lao động, tạo ra của cải mới cho xã hội ở mức nhanh và nhiều hơn chưa từng có, cũng như nâng tầm nhận thức cho tất cả mọi người về các vấn đề của KH&CN. Chính vì vậy, khoa học mở đã ra đời với tham vọng hiện thực hóa xu hướng đó.
Khoa học mở là chủ đề quan trọng và có nhiều góc nhìn khác nhau trong thời đại chuyển đổi số khi tri thức nhân loại ngày càng rộng mở và cần được chia sẻ. Phiên họp toàn thể của UNESCO tại Paris, diễn ra từ ngày 9 đến ngày 24/11/2021 đã đưa ra khuyến nghị về “khoa học mở” và được 193 quốc gia trên thế giới công nhận là định nghĩa đầu tiên mang tính toàn cầu về khoa học mở. Định nghĩa đó được diễn dịch như sau: Khoa học mở là một kiến trúc tổng thể bao gồm những sự dịch chuyển và thực thi có mục đích làm cho tất cả tri thức khoa học đa ngôn ngữ trở thành có thể tự do truy cập, sử dụng và tái sử dụng bởi mọi người, nhằm nâng cao sự hợp tác và chia sẻ thông tin vì lợi ích của khoa học, cộng đồng, và mở ra các quy trình kiến tạo, đánh giá và truyền thông tri thức khoa học tới đa dạng các nhóm xã hội.
Theo UNESCO, có nhiều tiêu chí để hình thành nên một nền khoa học mở như: các phần chính là dữ liệu mở, hệ thống xuất bản mở, hạ tầng khoa học mở, nguồn lực giáo dục mở, phần cứng mở, phần mềm mã nguồn mở, tính mở đối với đa dạng hóa kiến thức, đánh giá mở và sự tiếp cận mở của các nhóm xã hội.
PGS.TS Phan Thị Hà Dương - Giám đốc điều hành Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF) cho biết, khoa học mở là một chủ đề thời sự quan trọng và có nhiều góc nhìn khác nhau trong thời đại chuyển đổi số khi tri thức không còn chỉ bó hẹp trong giới hàn lâm, hay công nghệ mà có tác động trực tiếp, nhanh mạnh đến nhiều doanh nghiệp và nền kinh tế, khi tri thức ấy cần được mở rộng và chia sẻ một cách hợp lý. Tuy nhiên, các khái niệm về khoa học mở còn khá mơ hồ hay tản mạn với nhiều người chúng ta. Chính vì vậy mà UNESCO đã đưa ra “Khuyến nghị về khoa học mở” tại phiên họp toàn thể từ ngày 9-24/11/2021, trong đó có đề cập đến khái niệm về khoa học mở.
Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm.
Góc nhìn về khoa học mở từ các nhà khoa học
Chia sẻ về dữ liệu khoa học mở, GS.TSKH Hồ Tú Bảo cho biết, khoa học dữ liệu đại thể là khoa học về việc tạo ra và dùng dữ liệu. Dữ liệu khoa học dựa trên sự gắn kết hài hoà của 3 thành phần chính: toán học (chủ yếu là thống kê), khoa học máy tính - hiểu là công nghệ thông tin (CNTT) mà chủ yếu là ngành học máy - và tri thức chuyên ngành của từng lĩnh vực ứng dụng. Sự kết hợp hài hoà của toán học và CNTT là một điểm mới trong bối cảnh chuyển đổi số.
GS.TS Hồ Tú Bảo chia sẻ tại Hội thảo.
Ở Việt Nam, ngành CNTT hiện còn ít đào tạo kiến thức toán học, trong khi ngành toán học còn ít đào tạo về tính toán với máy tính. Khoa học dữ liệu cần quan hệ hài hoà của 2 lĩnh vực này để phân tích, xử lý được các nguồn dữ liệu rất phức tạp và rất lớn. Các phương pháp và công cụ của khoa học dữ liệu có thể ứng dụng vào mọi lĩnh vực và tri thức của lĩnh vực ứng dụng là cần thiết để dùng chúng hiệu quả. Có thể khẳng định, trong bối cảnh hiện nay, khoa học dữ liệu đã trở nên vô cùng quan trọng vì các nguồn dữ liệu ngày càng nhiều và được xem là tài nguyên chủ yếu cho sự phát triển của xã hội loài người. GS.TSKH. Hồ Tú Bảo cho rằng, khoa học nói chung và khoa học mở nói riêng suy cho đến tận cùng đều phải xuất phát từ cuộc sống và phục vụ cuộc sống.
GS.TS Nguyễn Thế Toàn - chia sẻ về lĩnh vực vật lý trong sinh học tiến hóa.
Chia sẻ về lĩnh vực vật lý trong sinh học tiến hóa, GS.TS Nguyễn Thế Toàn - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, sinh học tiến hóa là ngành học nghiên cứu tổ tiên, hậu duệ cũng như quá trình phát triển của các chủng loài theo thời gian. Những phát triển gần đây trong lĩnh vực xác định trình tự gen và sự phổ biến các máy tính tốc độ cao cho phép các nhà nghiên cứu theo dõi sự tiến hoá của các loài dựa trên những thay đổi trong trình tự DNA. GS.TS Nguyễn Thế Toàn cho biết, một trong các hệ quả quan trọng của khoa học mở, đó là việc thực thi các nghiên cứu liên ngành, trong đó việc ứng dụng tư duy, các phương pháp vật lý để nghiên cứu về ngành sinh học tiến hóa sẽ là hướng ưu tiên phát triển trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Võ Hưng thông tin về cách tiếp cận khoa học mở tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Võ Hưng - Học viện Khoa học Công nghệ và Đổi mới Sáng tạo (Bộ KH&CN) cho rằng, khoa học mở là một cấu trúc toàn diện, kết hợp các phong trào và thực hành khác nhau nhằm làm cho kiến thức khoa học đa ngôn ngữ luôn mở, bất kỳ ai cũng có thể truy cập được và sử dụng lại, giúp thúc đẩy cộng tác khoa học và chia sẻ thông tin vì lợi ích của khoa học và xã hội. Theo chuyên gia Nguyễn Võ Hưng, UNESCO đã đưa ra các trụ cột của khoa học mở, gồm: kiến thức khoa học mở (truy cập mở của các xuất bản phẩm khoa học, dữ liệu nghiên cứu, siêu dữ liệu, tài nguyên giáo dục mở, phần mềm, mã nguồn và phần cứng mà chúng sẵn có trong phạm vi công cộng hoặc có bản quyền và được cấp phép theo một giấy phép mở; hạ tầng khoa học mở (hạ tầng nghiên cứu chung vốn cần thiết để hỗ trợ cho khoa học mở và phục vụ cho các nhu cầu của các cộng đồng khác nhau); các phòng thí nghiệm mở, các kho xuất bản phẩm, dữ liệu và mã nguồn của nghiên cứu, các phần mềm cho phép hợp tác khoa học… Có thể nhận thấy, khoa học mở sẽ trở thành một cách thức tiếp cận mới để tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai các đề án quốc gia quan trọng như Đề án Hệ tri thức Việt số hóa…, tạo nền tảng quan trọng để thúc đẩy khoa học mở tại Việt Nam trong thời gian tới.
Phong Vũ - Chu Ngân