Thứ ba, 11/04/2023 15:03

Quan điểm của Đảng và chính sách của Nhà nước về phát triển công nghiệp văn hóa

Phát triển công nghiệp văn hóa được xem là một khâu đột phá trong phát triển văn hóa, con người Việt Nam, giúp chúng ta phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam nhằm thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, soi đường cho quốc dân đi trong sự nghiệp đổi mới.

Tầm quan trọng của công nghiệp văn hóa

Hiểu một cách khái quát, công nghiệp văn hóa là quá trình ứng dụng những thành tựu khoa học và công nghệ cùng kỹ năng kinh doanh, sử dụng dụng năng lực sáng tạo, nguồn vốn văn hóa để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ văn hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, hưởng thụ văn hóa của người dân.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đang diễn ra sâu, rộng, có thể thấy sáng tạo và đổi mới đang điều khiển nền kinh tế mới. Các tổ chức và khu vực kinh tế nắm giữ sự sáng tạo đang tạo ra nguồn thu nhập đáng kể cũng như mang lại sự ổn định hơn cho tương lai. Điều độc đáo là nền kinh tế này dựa vào nguồn lực vô hạn, đó là sự sáng tạo của con người. Chính vì vậy, khoa học và công nghệ càng phát triển thì vai trò của ngành công nghiệp sáng tạo trong phát triển kinh tế càng trở nên quan trọng. Không chỉ những quốc gia có nền công nghiệp văn hóa phát triển như Mỹ, Canada, Đan Mạch, Hàn Quốc… mà ngay cả những quốc gia đang phát triển ở châu Á hay châu Phi cũng ngày càng quan tâm hơn đến phát triển nền công nghiệp sáng tạo.

Ngành công nghiệp sáng tạo vẫn giữ được đà tăng trưởng ngay cả khi đại dịch Covid-19 hoành hành.

Trong lĩnh vực kinh tế, ngành công nghiệp sáng tạo đang mang lại những lợi ích to lớn. Ở nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Đan Mạch…, công nghiệp sáng tạo luôn là khu vực giữ được tốc độ tăng trưởng mạnh, bất chấp cả những cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực và toàn cầu. Ngay trong đại dịch Covid-19, khi nhiều ngành công nghiệp rơi vào suy thoái thì ngành công nghiệp sáng tạo vẫn giữ được đà tăng trưởng. Không chỉ dừng ở biên giới quốc gia, công nghiệp văn hóa còn có đóng góp lớn với nền thương mại quốc tế. Hiện nay, việc xuất khẩu các sản phẩm văn hóa đang trở thành mũi nhọn trong chính sách thương mại của nhiều quốc gia. Ví dụ như, theo nghiên cứu của Viện Văn hóa và Du lịch Hàn Quốc (KCTI), Ban nhạc BTS của nước này đã trở thành một “lực lượng kinh tế”, giúp thúc đẩy du lịch và sự quan tâm của công chúng quốc tế đến thời trang, ẩm thực, phim ảnh và truyền hình Hàn Quốc. Ước tính BTS đang đóng góp khoảng 5 tỷ USD cho nền kinh tế Hàn Quốc...

Đối với sự phát triển xã hội, công nghiệp văn hóa có khả năng tác động mạnh mẽ đến tư tưởng, tình cảm, đạo đức và lối sống của người tiêu dùng. Khi điện ảnh Hàn Quốc xâm nhập vào châu Á, đã tạo ra những làn sóng thời trang, lối sống… ở Việt Nam. Hay khi truyện tranh Manga xâm nhập vào thị trường Việt Nam đã tạo ra một trào lưu ăn mặc, trang điểm… đặc biệt là đối với giới trẻ của Việt Nam.

Công nghiệp văn hóa còn đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu của người dân và phát triển nền văn hóa của mỗi quốc gia; đồng thời nó còn là kênh hữu hiệu để truyền bá các thông điệp văn hóa của mỗi quốc gia đến với cộng đồng quốc tế.

Quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển công nghiệp văn hóa

Trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Đảng ta đã nhấn mạnh đến tiềm năng kinh tế trong phát triển văn hóa, đồng thời nhấn mạnh đến việc thực hiện chính sách kinh tế trong văn hóa và chính sách văn hóa trong kinh tế. Nghị quyết khẳng định: “Xây dựng và phát triển kinh tế phải nhằm mục tiêu văn hóa… Văn hóa là kết quả của kinh tế đồng thời là động lực của sự phát triển kinh tế”.

Tới Hội nghị Trung ương 10, khóa IX, Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh vấn đề thực hiện gắn kết giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội hóa các hoạt động văn hóa và sản xuất, kinh doanh các sản phẩm văn hóa. Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/06/2014 của Hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành Trung ương khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước cũng đề cập đến việc xây dựng thị trường văn hóa và phát triển công nghiệp văn hóa. Nghị quyết xác định: “Phát triển công nghiệp văn hóa nhằm khai thác và phát huy những tiềm năng và giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam, khuyến khích xuất khẩu sản phẩm văn hóa, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Có cơ chế khuyến khích đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm văn hóa. Tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp văn hóa, văn nghệ, thể thao, du lịch thu hút các nguồn lực để phát triển.

Đổi mới toàn diện thể chế, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để xây dựng, phát triển thị trường văn hóa và công nghiệp văn hóa”.

Như vậy, có thể thấy, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/06/2014 của Ban chấp hành Trung ương khóa XI đã thể hiện sự phát triển tư duy lý luận của Đảng ta về vai trò của văn hóa khi khẳng định sự cần thiết phải xây dựng ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam.

Tiếp tục đề cao vai trò của ngành công  nghiệp văn hóa, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định rõ: “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị, tinh hoa và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới”.

Nhằm thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về phát triển công nghiệp văn hóa, Nhà nước đã ban hành một hệ thống chính sách pháp luật, tiêu biểu là: Luật Báo chí, Luật Xuất bản, Luận Điện ảnh, Luật Quảng cáo, Luật Sở hữu trí tuệ… Bên cạnh đó còn có các chiến lược, tiêu biểu là: Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 06/05/2009; Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 08/09/2016…

Đây chính là các định hướng cơ bản để nền công nghiệp văn hóa của Việt Nam hình thành, phát triển bền vững trong thời gian tới.

Bảo Minh

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật.

2. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (2022), Giáo trình Văn hóa và Phát triển.

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)