Xác định văn hóa là tài sản vô giá của các thế hệ cha ông để lại nên có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử văn hóa của dân tộc. Bên cạnh đó, văn hóa của các dân tộc thiểu số còn là phương tiện để giới thiệu về hình ảnh Đắk Nông đến với du khách trong và ngoài nước, tạo tiền đề cho việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Do đó, việc bảo tồn, kế thừa, phát huy văn hóa của các dân tộc trên địa bàn đã được tỉnh Đăk Nông đặc biệt quan tâm, xem đây là một nội dung quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển nền văn hóa mang đậm bản sắc của tỉnh Đắk Nông.
Được sự quan tâm của Trung ương, cùng sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành, tỉnh Đắk Nông đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc. Các thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở được đầu tư xây dựng, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, chiếu phim lưu động, tuyên truyền được tổ chức với nhiều nội dung và hình thức phong phú, tạo không khí sôi nổi; công tác bảo tồn phát huy vốn văn hóa truyền thống được các cấp, các ngành và nhân dân hưởng ứng tham gia tích cực. Nhờ vậy đã khôi phục được một số hoạt động văn hóa truyền thống có hiệu quả như: nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa thổ cẩm của các tộc người thiểu số ở tỉnh Đắk Nông; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa lễ hội - hoa văn - cồng chiêng và nhạc cụ dân gian của các dân tộc tỉnh Đắk Nông; xây dựng lý lịch khoa học: sử thi (Ot N’drong), dân ca và nghề thủ công truyền thống, nghề dệt của người M’Nông tỉnh Đắk Nông (đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia); xây dựng các hồ sơ xếp hạng di tích cấp quốc gia; khôi phục được gần 50 lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ… Đặc biệt, Công viên địa chất Đắk Nông đã được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu vào tháng 7/2020.
Miệng núi lửa ở Công viên địa chất Đắk Nông.
Hiện nay, Đắk Nông đang chuyển mình và phát triển trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội... Nhiều dự án phát triển kinh tế - xã hội được đầu tư, các nhà máy, công trình giao thông công cộng, khu dân cư đang làm thay đổi diện mạo của tỉnh. Sự phát triển ấy đã giúp cho người dân được hưởng thụ chất lượng cuộc sống tốt hơn, dịch vụ xã hội được đáp ứng ngày càng đầy đủ. Tuy nhiên, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa đã và đang làm cho các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số đứng trước thách thức, nguy cơ bị mai một. Bên cạnh đó, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc tỉnh Đắk Nông cũng gặp những khó khăn, thách thức. Do vậy, để nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, theo UBND tỉnh Đắk Nông cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
Một là, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa trong thời kỳ mới. Đồng thời, phân tích cụ thể những tác động của quá trình đô thị hóa, tái định cư, tiếp biến văn hóa... đến với đồng bào các dân tộc thiểu số; xác định rõ những giá trị truyền thống, xử lý các mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại, bảo tồn và phát triển, văn hóa và kinh tế... Để từ đó có thể đề ra phương án tổ chức thực hiện đạt hiệu quả.
Hai là, xây dựng đời sống văn hóa và môi trường văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số, gắn với việc khai thác các lợi thế của du lịch văn hóa gắn với cộng đồng, ưu tiên lựa chọn, thu hút đầu tư và xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng với các điểm di sản của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào. Đây cũng là loại hình để tạo ra thị trường tiêu thụ và quảng bá sản phẩm của người dân ngay tại cộng đồng cư trú.
Ba là, tổ chức các hoạt động tuyên truyền giáo dục pháp luật cho người dân, đề cao vai trò của nhân dân trong việc tham gia quản lý di sản văn hóa; gắn trách nhiệm của chính quyền, các tổ chức đoàn thể và người dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đặc biệt, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về giá trị, ý nghĩa của không gian buôn, bon, bản và văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, làm cho người dân hiểu rằng phải giữ được bản sắc văn hóa đó mới chính là gốc rễ, là vốn quý. Từ đó, biến di sản văn hóa của dân tộc mình thành tài sản để khai thác du lịch, dịch vụ.
Bốn là, chú trọng bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ quản lý, chuyên môn làm nhiệm vụ văn hóa. Mở các lớp tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ văn hóa cơ sở về lĩnh vực bảo tồn và phát huy văn hóa. Đồng thời, đầu tư triển khai các dự án để sưu tầm và xuất bản các ấn phẩm về văn hóa, không chỉ để bảo tồn hay tài liệu tra cứu mà còn là tài liệu tuyên truyền, giảng dạy, quảng bá không chỉ trong cộng đồng các dân tộc giúp đồng bào có thể hiểu được những giá trị văn hóa để họ tham gia bảo tồn, gìn giữ, phát huy trong đời sống xây dựng và phát triển trong đời sống cộng đồng.
Năm là, tăng cường hội nhập, giao lưu giới thiệu về văn hóa Đắk Nông thông qua các hoạt động văn hóa, du lịch. Tăng cường hợp tác với các tỉnh, thành phố, các trường đại học, cơ quan Trung ương về tổ chức và tham gia biểu diễn văn hóa nghệ thuật, hợp tác thực hiện các chương trình hội thảo, nghiên cứu khoa học trong công tác bảo tồn và phát huy văn hóa.
Để thực hiện tốt những giải pháp nêu trên, tỉnh Đắk Nông mong nhận được sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành Trung ương, đơn vị, các doanh nghiệp và toàn thể cộng đồng dân cư trong tỉnh, nhất là sự hỗ trợ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để từng bước đưa các ứng dụng khoa học và công nghệ vào cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, đặc biệt là phát triển du lịch trở thành 1 trong 3 đột phá của tỉnh.
CT