Thứ sáu, 31/03/2023 16:15

Ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao năng suất trong doanh nghiệp

TS Nguyễn Thị Lê Hoa

Viện Năng suất Việt Nam

Hiện nay, các doanh nghiệp trong nước đang trong thời kỳ khôi phục sản xuất kinh doanh sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh đó, tăng năng suất được coi là giải pháp trọng tâm nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi và phát triển. Bên cạnh đó, việc áp dụng những tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN), hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, nghiên cứu và phát triển đổi mới sáng tạo là những yêu cầu cần thiết để giúp các doanh nghiệp sớm khôi phục sản xuất.

Những khó khăn khi ứng dụng tiến bộ KH&CN trong doanh nghiệp

Ứng dụng tiến bộ KH&CN không chỉ đẩy nhanh tốc độ phát triển các cơ sở sản xuất kinh doanh, mà còn là yếu tố quyết định nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng tài nguyên. Mặc dù vậy, trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng suất còn nhiều hạn chế và là rào cả của sự phát triển. Cụ thể:

Thứ nhất, vấn đề đầu tư cho KH&CN: hiện nay, trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chiếm chủ yếu. Do đó, tiềm lực dành cho KH&CN của các doanh nghiệp này còn hạn chế. Đặc biệt, các doanh nghiệp còn phải đối mặt với các vấn đề chi phí khác như cơ sở vật chất, hạ tầng, vận chuyển, mặt bằng kinh doanh… Vậy nên, sử dụng chi phí để ứng dụng KH&CN trong sản xuất kinh doanh vẫn là bài toán khó đối với các doanh nghiệp.

Để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp cần chú tâm hơn vào các vấn đề khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Theo quy định tại Luật KH&CN 2013, doanh nghiệp được phép trích tới 10% thu nhập trước thuế để hình thành Quỹ Phát triển KH&CN, riêng đối với doanh nghiệp nhà nước thì đây là quy định bắt buộc với tỷ lệ 3-10%. Với các doanh nghiệp nếu triển khai quy định này một cách triệt để sẽ là tiền đề tạo ra những nguồn lực lớn từ xã hội để đầu tư và phát triển các lĩnh vực về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Doanh nghiệp sử dụng Qũy Phát triển KH&CN với mục đích trong việc triển khai những nhiệm vụ nguyên cứu khoa học và hỗ trợ phát triển công nghệ cho các hạng mục liên quan đến KH&CN của doanh nghiệp mình từ đây sẽ phát huy được ý nghĩa và mục đích của Qũy.

Việc thành lập Quỹ Phát triển KH&CN đã được nhiều doanh nghiệp thực hiện bắt buộc, nhất là các doanh nghiệp nhà nước. Với những doanh nghiệp lớn hay các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty thì quy mô của Quỹ Phát triển KH&CN chắc chắn sẽ rất lớn và có thể sử dụng cho nhiều mục đích nghiên cứu. Tuy nhiên trên thực tế, mức độ giải ngân của Quỹ Phát triển KH&CN còn tồn tại một số hạn chế, đó là việc đầu tư còn khiêm tốn, chỉ tập trung cho một số ít các hoạt động có tính chất nghiên cứu và chi phí thay thế, đổi mới công nghệ để sản xuất kinh doanh còn hạn chế.

Mới đây, tại Thông tư số 05/2022/TT-BKHCN ngày 31/05/2022 mà Bộ KH&CN ban hành thay cho Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BKHCN-BTC ngày 28/06/2016 đã có những quy định rõ ràng về vấn đề sử dụng Quỹ Phát triển KH&CN tại các doanh nghiệp. Theo Thông tư 05/2022/TT-BKHCN, về vấn đề vướng mắc cơ bản đã được loại bỏ trong quy trình và thủ tục nhằm bảo đảm cho doanh nghiệp khi triển khai có được sự thiết thực của các nhiệm vụ và hoạt động trong việc sử dụng Quỹ Phát triển KH&CN. Tuy nhiên, để Quỹ Phát triển KH&CN thực sự phát huy tối đa được vai trò thì các cơ quan xây dựng chính sách cần nghiên cứu bổ sung về tính đặc thù và nhu cầu cần thiết đối với những hoạt động về KH&CN để doanh nghiệp có những thuận lợi cũng như Quỹ Phát triển KH&CN phù hợp với tất cả các doanh nghiệp ở các lĩnh vực, các ngành nghề.

Bên cạnh đó, có một bất cập khác cũng cản trở là chính sách thuế vẫn chưa khuyến khích được các doanh nghiệp KH&CN. Do vậy, trong lúc này, thúc đẩy nâng cao năng suất ngoài phụ thuộc vào nhận thức tích cực của doanh nghiệp, rất cần chính sách hỗ trợ của nhà nước, sự quan tâm của các bộ, ngành. Trong đó, nhà nước tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là tháo gỡ các chính sách đất đai, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vay vốn đổi mới công nghệ, chính sách thuế khuyến khích được doanh nghiệp KH&CN.

Thứ hai, vấn đề thị trường hóa các sản phẩm KH&CN: hiện nay, các chính sách hỗ trợ dành cho doanh nghiệp vẫn mới chỉ dừng lại ở khâu tạo ra những kết quả KH&CN mà chưa đi vào chuyên sâu để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp trong việc phát triển và tìm kiếm thị trường cho những sản phẩm tạo ra, những sản phẩm được ứng dụng nhiều nhờ áp dụng các công nghệ cao, công nghệ tiên tiến. Trong khi đó, các vấn đề về thương mại hóa cho các sản phẩm từ ứng dụng KH&CN cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro trong đó có cả những vấn đề rủi ro cả về mặt pháp lý trong việc chuyển giao tài sản lĩnh vực KH&CN.

Cùng với đó, các vấn đề về việc vi phạm sở hữu trí tuệ vẫn chưa có chế tài xử lý một cách triệt để bởi tình trạng các sản phẩm nước ngoài, đặc biệt là những nước có nền sản xuất tiên tiến thâm nhập mạnh mẽ vào thị trường của Việt Nam và cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm của doanh nghiệp trong nước. Một vấn đề nữa đặt ra là thị trường KH&CN còn phát triển chậm, ít tổ chức trung gian có kinh nghiệm, uy tín để gắn kết cung và cầu cho sản phẩm KH&CN, nhằm mang tính liên thông giúp cho các sản phẩm định vị được thương hiệu, giá trị của chúng. Các cơ quan đầu não nghiên cứu về thị trường các sản phẩm KH&CN chưa có những sáng kiến, ý tướng đột phá để tạo đà cho các sản phẩm có được vị thế và có một chiến lược để các sản phẩm có được con đường trên thị trường rộng mở và cạnh tranh.

Thứ ba, năng lực hấp thụ, ứng dụng công nghệ của doanh nghiệp trong nước: do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, doanh nghiệp ứng dụng KH&CN cũng gặp rất nhiều khó khăn như thiếu nguyên liệu sản xuất, thị trường tiêu thụ bị hạn chế, thiếu hụt lao động, doanh thu sụt giảm, nguồn tiền chi trả chi phí vận hành doanh nghiệp hạn hẹp. Ngoài ra, hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế ngoài nhà nước còn hạn chế trong khi khu vực kinh tế tư nhân phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hạn chế về tiếp cận và ứng dụng công nghệ trong sản xuất; tiếp cận tín dụng; thiếu lao động có kỹ năng. Dù mong muốn hợp tác và học hỏi, tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp rất nhiều khó khăn để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Việc tiếp nhận và chuyển giao công nghệ từ khu vực doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sang doanh nghiệp trong nước nhằm nâng cao năng suất lao động thời gian qua còn thấp. Doanh nghiệp trong nước chủ yếu mới tham gia ở các khâu tạo giá trị gia tăng thấp như gia công, lắp ráp, không chủ động được nguồn cung cho sản xuất, nhất là các sản phẩm phải nhập khẩu nguyên phụ liệu (dệt, may mặc, da giày, điện tử, hóa chất…), trong khi đây là những ngành thâm dụng lao động.

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp Việt Nam chưa tạo được mối liên kết với nhau trong việc cùng tham gia những chuỗi giá trị bởi các vấn đề như: các doanh nghiệp có vốn đầu tư từ nước ngoài đã có sẵn và hình thành một mạng lưới công nghiệp hỗ trợ khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, có sức cạnh tranh lớn trong thị trường xuất khẩu. Trong khi đó, trình độ lao động của các doanh nghiệp trong nước còn hạn chế là một trong những rào cản lớn khiến cho sự bắt nhịp và tương đồng với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trở nên khập khiễng. Một vấn đề quan trọng nữa là các doanh nghiệp của Việt Nam, nhất là những doanh nghiệp nhỏ và vừa còn chậm cải tiến, chuyển đổi khiến cho sự liên kết và duy trì quan hệ kinh doanh bị cản trở.

Các nhà cung cấp trong nước thiếu các thông tin về các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nên chưa tạo được các mối quan hệ kinh doanh; tính chất hợp đồng cung ứng với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phổ biến có tính chất ngắn hạn; và các chương trình của Chính phủ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới của khu vực tư nhân trong nước, bao gồm từ cải tiến công nghệ, đổi mới sáng tạo đến phát triển thị trường, đào tạo kỹ năng cũng như các gói tài chính độc lập (các quỹ bảo lãnh tín dụng, quỹ hỗ trợ doanh nghiệp…) chưa phát huy hiệu quả rõ ràng. Phần lớn doanh nghiệp vẫn ngại chuyển đổi số, với lý do chính là vấn đề tài chính và sự am hiểu công nghệ. Trong khi đó, những nền tảng chuyển đổi số do cơ quan chức năng đang triển khai chỉ mới tập trung vào quản trị văn phòng mà chưa tính đến hoạt động sản xuất, dây chuyền công nghệ, qua đó ảnh hưởng đến lợi ích tiềm năng và cân nhắc của doanh nghiệp khi thực hiện chuyển đổi số.

Đề xuất giải pháp

Với những vấn đề khó khăn còn tồn tại của doanh nghiệp nêu trên, Việt Nam cần có những giải pháp kịp thời để tháo gỡ cho doanh nghiệp, cụ thể:

Một là, các doanh nghiệp Việt Nam cần xây dựng được các mục tiêu và có phương án, chính sách rõ ràng để thúc đẩy nâng cao năng suất ở chính cơ sở sản xuất của mình. Với các cơ quan quản lý cũng cần xây dựng các mục tiêu và thiết kế các chính sách rõ ràng, xây dựng thể chế để tạo thuận lợi cho mọi doanh nghiệp. Khuyến khích và huy động các nguồn lực, dự án và có những sự kiện để thúc đẩy năng suất.

Hai là, tăng cường chỉ đạo và giám sát chính sách nâng cao năng suất, tháng 4/2018, Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh được kiện toàn và bổ sung  nhiệm vụ tham mưu, tư vấn giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xây dựng, thực hiện các chiến lược, chính sách, các kế hoạch, chương trình, nhiệm vụ, giải pháp nâng cao năng suất lao động. Cơ chế này cần tiếp tục được tăng cường, cụ thể: Việt Nam cần sớm có một cơ quan có thẩm quyền, năng động và có năng lực để thực hiện và giám sát các chính sách do Hội đồng Quốc gia quyết định. Cơ quan này cũng đào tạo và cung cấp các chuyên gia năng suất có năng lực, có kiến thức sâu rộng về các kinh nghiệm quốc tế, là người có thể truyền đạt các kiến thức cơ bản cho các công ty, công nhân và các chuyên gia mới một cách hiệu quả. Các chuyên gia được đào tạo phải được khuyến khích đúng cách để tham gia vào các nhiệm vụ đóng góp cho công nghiệp hóa Việt Nam trong một thời gian dài. Đồng thời, cơ quan này cần giám sát và tăng cường năng lực thực thi có hiệu quả các chương trình (đã được phê duyệt) hỗ trợ trực tiếp cho khu vực tư nhân, như các chương trình nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa, chương trình thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. 

Ba là, cần khuyến khích sự gắn kết đào tạo với việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Việc liên kết hiệu quả giữa cơ sở đào tạo, trường dạy nghề với các doanh nghiệp là hết sức cần thiết để tạo ra đội ngũ lao động chất lượng cao, đúng chuyên ngành. Cần đổi mới phương thức dạy và học, đồng thời đầu tư cho hạ tầng giáo dục, đặc biệt là giáo dục dạy nghề và đại học cũng như công nghệ thông tin và truyền thông. Trong bối cảnh mới, để doanh nghiệp có thể đổi mới sáng tạo, rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ giỏi về kỹ năng nghề mà cần có các kỹ năng mềm và hiểu biết về các công cụ năng suất, góp phần tạo ra nhiều ý tưởng, công nghệ và thương mại hóa công nghệ.

Ứng dụng tiến bộ KH&CN thúc đẩy đổi mới sáng tạo không chỉ là tiền đề cho phát triển kinh tế mà còn là chìa khóa cho tăng trưởng năng suất, phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề quốc gia và toàn cầu như biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, dịch bệnh và rất nhiều vấn đề khác. Một quốc gia có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tốt sẽ không chỉ phát triển nhanh, mạnh mà còn phát triển bền vững và toàn diện. Đây là điều mà Việt Nam muốn hướng tới trong giai đoạn phát triển mới.

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)