Hội nghị Giám đốc Sở KH&CN toàn quốc 2023 do Bộ KH&CN phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức. Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Huỳnh Thành Đạt - Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN; Lâm Hải Giang - Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định; các Thứ trưởng Bộ KH&CN: Lê Xuân Định, Nguyễn Hoàng Giang; cùng gần 500 đại biểu là lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ KH&CN; Giám đốc, chuyên viên các sở KH&CN trong cả nước.
Hội nghị Giám đốc Sở KH&CN toàn quốc 2023.
Một số kết quả tiêu biểu
Phát biểu khai mạc Hội nghị, thay mặt Bộ KH&CN, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang cho biết, năm 2022, trong bối cảnh thế giới có nhiều thách thức, tình hình an ninh chính trị, kinh tế - xã hội thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy, rủi ro thị trường tài chính, tiền tệ thế giới; an ninh năng lượng, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, hậu quả của đại dịch Covid-19 vẫn đang còn và đã tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội và mọi mặt đời sống ở hầu hết các địa phương trong cả nước. Nhưng, nhờ sự chỉ đạo sát sao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của các bộ/ngành và các cấp chính quyền địa phương, sự nỗ lực chủ động vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp nên kinh tế của nước ta vẫn tiếp tục giữ được đà tăng trưởng cao, GDP năm 2022 tăng 8,02%, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt kỷ lục 732,5 tỷ USD; xuất siêu 11,2 tỷ USD, trong đó có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD và trở thành 1 trong 20 nước đứng đầu thế giới về thương mại, GDP bình quân đầu người ước đạt 95,6 triệu đồng/người, tương đương 4.110 USD. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đạt khoảng 45%.
Trong bảng xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) 2022, Việt Nam xếp thứ 48/132, đứng thứ 2 trong nhóm 36 nền kinh tế thu nhập trung bình thấp, thuộc nhóm quốc gia đạt được những tiến bộ lớn nhất trong thập kỷ qua. Việt Nam vẫn giữ vị trí thứ 3 khu vực Đông Nam Á. Kinh tế - xã hội của các địa phương trong cả nước có sự phát triển rất tích cực.
Trong kết quả chung đó, có sự đóng góp tích cực của ngành KH&CN nói chung, hoạt động KH&CN ở các địa phương nói riêng. Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ KH&CN và các bộ/ngành Trung ương, các tỉnh/thành phố đã chủ động ban hành các văn bản để cụ thể hóa và tạo lập hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động KH&CN trên địa bàn; các cơ chế, chính sách được triển khai, vận dụng hết sức linh hoạt, sáng tạo, đồng hành cùng doanh nghiệp, luôn xác định doanh nghiệp là trung tâm của hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST); tập trung hỗ trợ đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ KH&CN để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế của địa phương; tổ chức thực hiện nhiều nhiệm vụ KH&CN phục vụ tốt các chương trình mục tiêu quốc gia. KH&CN đóng góp ngày càng nhiều vào giá trị gia tăng của sản phẩm hàng hóa, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Khó khăn, tồn tại
Bên cạnh những thuận lợi, ngành KH&CN cả nước nói chung và đặc biệt là hoạt động KH&CN ở địa phương nói riêng cũng còn nhiều khó khăn, tồn tại cần khắc phục để KH&CN thực sự có những đóng góp trực tiếp phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh ở địa phương. Một số khó khăn, tồn tại đã được Hội nghị chỉ ra:
Thứ nhất, việc ban hành một số văn bản quản lý nhà nước trong lĩnh vực KH&CN còn chậm, một số nội dung chưa thực sự phù hợp với thực tế ở địa phương, gây khó khăn cho công tác tổ chức triển khai hoạt động KHCN&ĐMST, nhất là các đơn vị sự nghiệp KH&CN, doanh nghiệp KH&CN.
Thứ hai, nguồn lực dành cho KHCN&ĐMST từ ngân sách nhà nước mặc dù đã được quan tâm, song vẫn còn thấp so với nhu cầu thực tế, trong khi đó nguồn lực từ xã hội hóa huy động được còn rất thấp. Chưa có giải pháp đủ mạnh để huy động được nhiều hơn các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển KH&CN, nhất là việc thực hiện các nhiệm vụ KH&CN có quy mô lớn, đầu tư tăng cường tiềm lực cho các tổ chức KH&CN.
Thứ ba, nguồn nhân lực KH&CN của địa phương chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của KHCN&ĐMST nói riêng cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh nói chung. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đối với hoạt động KHCN&ĐMST giữa các địa phương còn chưa đồng đều…
Thứ tư, cơ sở vật chất, kỹ thuật của các tổ chức KH&CN đã dần được đầu tư trang bị, nâng cấp nhưng vẫn còn thiếu, chưa đồng bộ gây nhiều khó khăn trong khai thác và sử dụng.
Thứ năm, hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (R&D) mới chỉ tập trung giải quyết một số vấn đề mang tính bức xúc trước mắt ở từng địa phương, vẫn còn thiếu các nhiệm vụ KH&CN có tính liên vùng, triển khai ở quy mô lớn. Phần lớn kết quả nghiên cứu KH&CN đã được chuyển giao ứng dụng nhưng việc thương mại hóa các kết quả nghiên cúu còn nhiều vướng mắc theo quy định tại Nghị định 70/2018/NĐ-CP. Thị trường KH&CN còn nhiều bất cập, chưa thực sự phát huy được vai trò của các tổ chức trung gian trong việc kết nối cung - cầu công nghệ. Hoạt động R&D trong các doanh nghiệp chưa thực sự được đẩy mạnh. Trình độ công nghệ của các doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ còn yếu, số doanh nghiệp có đầu tư, đổi mới công nghệ không nhiều.
Thứ sáu, việc thành lập Quỹ Phát triển KH&CN của doanh nghiệp còn chậm, đa số các doanh nghiệp chưa thật sự quan tâm và cũng chưa thành lập Quỹ để tạo nguồn tài chính đầu tư cho hoạt động KH&CN do thủ tục quy định, thành lập, sử dụng, chi tiêu phức tạp, khó khăn.
Nhiệm vụ trọng tâm
Nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết Đại hội Đảng các tỉnh/thành phố; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 và Chiến lược phát triển KHCN&ĐMST đến năm 2030; Hội nghị đã thảo luận, thống nhất hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm 2023 như sau:
Một là, tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật về KHCN&ĐMST để phù hợp với những yêu cầu mới đặt ra trong phát triển bền vững đất nước. Đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ về tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động, huy động mọi nguồn lực, giải pháp để triển khai thực hiện chiến lược phát triển KHCN&ĐMST phục vụ thiết thực, hiệu quả nhất các mục tiêu phát triển của từng địa phương và cả vùng.
Hai là, chủ động tham mưu cho UBND các tỉnh/thành phố bố trí nguồn ngân sách chi cho KH&CN trong kế hoạch phát triển KH&CN hàng năm đạt 2% tổng chi ngân sách ở địa phương theo quy định của Luật KH&CN.
Ba là, tăng cường hợp tác với các đại học, trường đại học, các viện nghiên cứu để đẩy mạnh hợp tác chuyển giao ứng dụng các thành tựu KH&CN tiên tiến, công nghệ cao vào sản xuất các sản phẩm chủ lực. Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ môi trường để phát triển các sản phẩm quốc gia, các mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế biển.
Bốn là, triển khai, thực hiện Chương trình KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai để phát triển bền vững. Đẩy mạnh Chương trình chuyển đổi số quốc gia một cách toàn diện để phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, gắn kết hài hoà, hiệu quả thị trường trong nước và quốc tế. Đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo, du lịch và bảo vệ môi trường.
Năm là, thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực KH&CN như: hoạt động R&D; phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN; tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; sở hữu trí tuệ; đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ; an toàn bức xạ và hạt nhân; thông tin, thống kê cơ sở dữ liệu KH&CN; thanh tra và tăng cường hoạt động KH&CN cấp huyện.
Sáu là, tập trung nguồn lực đẩy mạnh hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, ươm tạo công nghệ, đổi mới sáng tạo trong các tổ chức KH&CN và doanh nghiệp. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn trực tiếp với các nội dung phục vụ định hướng phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Tăng cường đầu tư tiềm lực cơ sở vật chất, hạ tầng cho các tổ chức, doanh nghiệp KH&CN.
Bảy là, tập trung đào tạo nguồn nhân lực KHCN&ĐMST có trình độ và năng lực sáng tạo cao, chuẩn bị trước một bước nguồn nhân lực KHCN&ĐMST cho tương lai. Nghiên cứu cơ chế, chính sách đặc thù thu hút, đào tạo, đãi ngộ đối với nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là các chuyên gia, cán bộ giỏi, có khả năng nghiên cứu, sáng tạo, có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nhằm tạo sự phát triển đột phá cho các ngành, lĩnh vực mà địa phương có nhu cầu.
Tám là, đẩy mạnh liên kết, hợp tác trong nước và quốc tế về KHCN&ĐMST. Mở rộng hội nhập quốc tế, hợp tác song phương, đa phương, tích cực trao đổi thông tin, kinh nghệm và thu hút nguồn lực quốc tế.
Các đại biểu dự Hội nghị tham quan gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền.
Mai Văn Thủy