Thương mại hóa kết quả R&D - Quá trình “tự bán mình” của các nhà khoa học
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng, thương mại hóa (TMH) các sáng chế là cả quá trình phức tạp đòi hỏi cả kỹ năng xúc tiến thương mại, maketting, triển khai... mà những việc này các nhà khoa học phần lớn chưa được đào tạo nên gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù, Bộ KH&CN đã có biện pháp hỗ trợ phổ biến, đào tạo tra cứu, viết bản mô tả sáng chế và đào tạo kiến thức về thương mại hóa công nghệ cho các nhà sáng chế, nhưng chính sách, cơ chế hỗ trợ bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các kết quả KH&CN chưa thực sự đầy đủ, đặc biệt là việc bảo hộ quốc tế. Thêm vào đó, để TMH kết quả nghiên cứu (sáng chế, giải pháp hữu ích...) theo quy định hiện hành, các kết quả đó phải được định giá mà việc định giá công nghệ cũng rất phức tạp và khó khăn. Hiện, việc giới thiệu các kết quả R&D được chú trọng tại các hội chợ trong nước và quốc tế, quảng bá trên các kênh truyền thông…
Chia sẻ tại hội thảo, PGS.TS Phan Tiến Dũng - Trưởng ban Ban Ứng dụng và Triển khai Công nghệ, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho biết, với gần 4.000 nhà nghiên cứu, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam không chỉ dẫn đầu cả nước về lĩnh vực nghiên cứu cơ bản mà còn không ngừng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thể hiện qua sự tăng trưởng liên tục số bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích. Tuy nhiên, việc giới thiệu kết quả R&D của Viện mới được chú trọng tại các hội chợ trong nước và quốc tế, quảng bá trên các kênh truyền thông…
Đồng tình với quan điểm trên, bà Nguyễn Thu Hồng - CEO&Founder Công ty Cổ phần Thực phẩm Cam Ranh (CARAFOODS) cho rằng, giá trị của nhà nghiên cứu là phụng sự xã hội bằng khoa học. Để làm được như vậy, nhà khoa học phải thay đổi tư duy lối mòn khi tập trung quá nhiều vào công bố, đừng để bài báo là điểm cuối cùng của nghiên cứu, hãy nghĩ đó là một trong những bước đầu tiên để đưa nghiên cứu đến với công chúng. Từ kinh nghiệm trong quá trình nghiên cứu, khởi nghiệp thành công với chả cá theo công nghệ Nhật Bản, bà Hồng cho rằng, các nhà đầu tư luôn tìm kiếm những start-up đam mê, nhiệt huyết và sẵn sàng lăn xả và không ngại khó khăn trong quá trình nghiên cứu thử nghiệm. Việc chuyển giao công nghệ hay tìm kiếm nhà đầu tư đều không phải là việc khó khi đã có công nghệ tốt, hiệu quả, vì vậy, điều mà bà Nguyễn Thu Hồng tâm đắc và chia sẻ, đó là trước khi mong muốn bán được công nghệ, hãy “tự bán mình", bằng cách thể hiện cho nhà đầu tư thấy được nhiệt huyết, năng lực và đam mê nghiên cứu, cải tiến công nghệ của chính bản thân nhà khoa học.
Giải pháp nào cho TMH kết quả R&D
Theo các đại biểu, còn nhiều rào cản về chính sách, cơ chế hỗ trợ của Nhà nước đối với các đối tượng TMH cả bên cung là các viện, trường, cơ quan nghiên cứu và chuyên gia sản phẩm công nghệ và cầu là các đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu tìm kiếm, tiếp nhận các sản phẩm công nghệ. Sản phẩm công nghệ cần được TMH còn ít so với số lượng các đề tài, dự án nghiên cứu và khả năng đáp ứng được nhu cầu thị trường chưa cao. Các đại biểu cho rằng, dù chuyển đổi số đang được đẩy mạnh, tuy nhiên doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận với các sản phẩm TMH do các thông tin chưa được giới thiệu rộng rãi trên các kênh, hoặc mức độ phổ biến của các kênh không cao.
TS Hà Phương Thư - Viện Khoa học Vật liệu, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho rằng, việc TMH sản phẩm KH&CN còn gặp nhiều khó khăn bởi các sản phẩm mới muốn tồn tại trên thị trường phải có sự đổi mới sáng tạo, đáp ứng đủ điều kiện tài chính. Mặc dù các nhà khoa học được tài trợ nhiều về tài chính nhưng việc đưa sản phẩm ra thị trường vẫn gặp không ít rào cản. Mục đích cuối cùng của nghiên cứu khoa học là hướng đến cộng đồng, phục vụ cuộc sống, vì vậy TS Thư cho rằng, để TMH cần tăng cường truyền thông để kết quả nghiên cứu, sản phẩm TMH đến với người dân nhanh hơn và nhiều hơn nữa. Các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp cần cùng nhau tìm hướng đi để cùng với người tiêu dùng đều được hưởng lợi.
Để TMH kết quả nghiên cứu khoa học, theo đại diện Tổ chức Aus4Innovation, CSIRO (Úc) cần phải trải qua 9 bước, được chia thành 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn A là xây dựng nền tảng TMG và khám phá thị trường; giai đoạn B là xác định giá trị mang lại cho thị trường, quyết định và kiểm nghiệm chiến lược ra mắt; giai đoạn C thực hiện, quản lý và đánh giá chiến lược. Mô hình này được biểu diễn dưới dạng khối mảnh ghép, mỗi mảnh ghép đóng một vai trò thiết yếu có liên hệ và tương tác chặt chẽ với nhau nhưng hoàn toàn không bắt buộc phải tuân theo tuần tự các bước mà quan trọng là phải thực hiện tất cả các bước.
9 bước TMH (Tổ chức Aus4Innovation, CSIRO - Úc).
Ông Phạm Ngọc Anh Tùng - Công ty TNHH Công nghệ và Thương Mại UFO cho rằng, để TMH các kết quả nghiên cứu thành sản phẩm tiêu thụ trên thị trường, điều mà các nhà đầu tư quan tâm là con người và sản phẩm, đặc biệt là sự nhiệt huyết và tận tâm của đội ngũ, sự hiểu biết và kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên môn. Chính những yếu tố "nhân hòa" này đóng vai trò quan trọng trong quyết định của nhà đầu tư. Bên cạnh đó, doanh số, thị trường và công nghệ là các yếu tố ảnh hưởng đến việc định giá một công ty để kêu gọi đầu tư. Điều này không đồng nghĩa với việc công ty có doanh số lớn sẽ được định giá cao. Nhưng chắc chắn rằng công ty có hàm lượng công nghệ cao sẽ được đánh giá cao, bởi lẽ, khi có yếu tố "địa lợi" về công nghệ, việc quản lý và nâng cấp hệ thống sẽ nhanh chóng và mạnh mẽ hơn so với công ty truyền thống.
Để thúc đẩy thương mại hóa kết quả R&D, các sản phẩm, công nghệ và thiết bị từ các viện, trường, doanh nghiệp, các tổ chức KH&CN, các diễn giả cho rằng, cần tăng cường các hoạt động quảng bá, giới thiệu về TMH, xúc tiến thương mại các sản phẩm, nghiên cứu trên các kênh online, offline, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, quảng bá tạo sự lan tỏa, nâng cao nhận thức về vai trò TMH cũng như để các doanh nghiệp tiếp cận thông tin về sản phẩm, công nghệ, ứng dụng chuyển đổi số trong việc TMH sản phẩm. Bên cạnh đó, cần tăng cường liên kết, phối hợp giữa các doanh nghiệp và các viện, trường, đơn vị nghiên cứu để đưa ra các sản phẩm TMH với chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Ninh Diện - Phạm Phượng