Diễn biến và triển vọng kinh tế gần đây
Kinh tế Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ vào năm 2022, với mức tăng trưởng đạt 8,0%, vượt mức trung bình 7,1% trong giai đoạn 2016-2019. Sự tăng trưởng này một phần là do hiệu ứng cơ sở thấp, được thúc đẩy bởi phục hồi của tiêu dùng cá nhân trong nước sau đại dịch Covid-19 và hoạt động mạnh mẽ trong sản xuất định hướng xuất khẩu. Tuy nhiên, đóng góp của khu vực công vào tăng trưởng còn hạn chế do việc triển khai các chương trình đầu tư công còn yếu kém. Trong khi việc làm phục hồi về mức trước Covid-19 vào năm 2022, nhu cầu toàn cầu yếu hơn đã dẫn đến tình trạng các đơn đặt hàng và xuất khẩu chậm lại trong quý IV/2022, đồng thời gây ra áp lực mới lên thị trường lao động. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trung bình là 3,1%. Lĩnh vực tài chính của Việt Nam chịu nhiều áp lực hơn trong năm 2022, trong khi cán cân tài khóa ước tính thặng dư.
Báo cáo cập nhật kinh tế Việt Nam 3/2023 của WB cho biết, phản ánh những trở ngại trong và ngoài nước, tốc độ tăng trưởng GDP dự kiến sẽ chậm lại ở mức 6,3% vào năm 2023. Tốc độ tăng trưởng của ngành dịch vụ sẽ ở mức vừa phải khi các tác động cơ bản thấp từ hậu Covid-19 giảm dần. Động lực tăng trưởng chính sẽ là nhu cầu trong nước, có thể bị ảnh hưởng bởi lạm phát ước tính cao hơn (trung bình 4,5%) vào năm 2023. Với nhu cầu bên ngoài yếu hơn, đóng góp của xuất khẩu ròng sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng. Nền kinh tế dự kiến sẽ được hưởng lợi việc thực hiện một phần của Chương trình hỗ trợ kinh tế 2022-2023. Một chính sách tiền tệ linh hoạt phối hợp chặt chẽ với các mục tiêu của chính sách tài khóa sẽ giúp kiểm soát lạm phát trong nước.
Tăng trưởng yếu hơn dự kiến tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam - Mỹ, Trung Quốc và khu vực đồng tiền chung châu Âu có thể ảnh hưởng đến triển vọng xuất khẩu. Khả năng lạm phát cao hơn có thể ảnh hưởng đến nhu cầu trong nước. Việc thắt chặt hơn nữa các điều kiện tài chính toàn cầu có thể ảnh hưởng đến lĩnh vực tài chính của Việt Nam, vốn đang gặp phải những điểm yếu trong cân đối kế toán ở khu vực doanh nghiệp, ngân hàng và hộ gia đình, ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư và người tiêu dùng trong nước và do những cải cách chưa hoàn thiện. Những thách thức trong quá trình thực hiện cũng có thể cản trở việc thực hiện chương trình đầu tư công theo kế hoạch. Mặt khác, triển vọng tăng trưởng được cải thiện ở Trung Quốc, Mỹ hoặc Liên minh châu Âu (EU) và nhu cầu toàn cầu mạnh hơn dự kiến có thể giúp tăng xuất khẩu và do đó tăng trưởng cao hơn dự báo cơ sở.
Đánh thức tiềm năng của dịch vụ
Báo cáo của WB cho biết, trong thập kỷ qua, các ngành dịch vụ là khu vực lớn nhất của nền kinh tế. Quy mô khu vực dịch vụ tăng từ 40,7% tổng GDP trong năm 2010 lên 44,6% trong năm 2019. Trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế ở Việt Nam, tỷ lệ lao động làm việc trong các ngành dịch vụ tăng từ 19% năm 1991 lên 35,3% năm 2019, hấp thụ phần lớn lao động dịch chuyển ra khỏi ngành nông nghiệp và biến khu vực dịch vụ trở thành nguồn cung cấp việc làm đứng thứ hai trong cả nước, sau nông nghiệp.
Trong thời gian tới, các ngành dịch vụ có thể đóng vai trò chính trong hỗ trợ Việt Nam duy trì tăng trưởng năng suất một cách bền vững để vươn tới khát vọng trở thành nền kinh tế thu nhập cao vào năm 2045. Tất cả các nền kinh tế thu nhập cao đều có đặc trưng sở hữu một khu vực dịch vụ lớn, vừa là nơi thu hút việc làm lớn nhất vừa tạo giá trị gia tăng, đóng vai trò thiết yếu để nâng cao năng suất cho các nền kinh tế đó. Ngoài ra, dịch vụ còn đóng vai trò quan trọng nhằm nâng cấp mô hình phát triển của Việt Nam qua nâng cao giá trị gia tăng ở các ngành, lĩnh vực khác trong nền kinh tế.
Tuy nhiên, kết quả đạt được của khu vực dịch vụ chưa xứng tầm so với các quốc gia so sánh khác. Năng suất và việc làm ở khu vực dịch vụ của Việt Nam vẫn thấp hơn so với các quốc gia so sánh trong khu vực, có cơ cấu tương tự hoặc phát triển hơn. Ví dụ, năng suất lao động trong các lĩnh vực dịch vụ của Việt Nam (được đo bằng giá trị gia tăng trên mỗi lao động) tăng 34,3% trong giai đoạn 2011-2019. Tuy nhiên, mặc dù ở mức 5.000 USD mỗi nhân công năm 2019, con số này vẫn thấp hơn nhiều so với các quốc gia so sánh, như Malaysia (20.900 USD), Philippines (9.300 USD) và Indonesia (7.300 USD). Xuất khẩu dịch vụ có tay nghề cao, giàu kiến thức (được gọi là dịch vụ đổi mới toàn cầu) chỉ chiếm 9% tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ. Chỉ 6,4% tổng số lao động trong ngành dịch vụ là làm việc ở nhóm này, bao gồm công nghệ thông tin, tài chính và các dịch vụ chuyên sâu vốn thuộc nhóm hiệu quả nhất của nền kinh tế.
Từ những phân tích về ngành dịch vụ, báo cáo của WB đưa ra một số định hướng chính sách cho ngành dịch vụ Việt Nam.
Trước hết, Việt Nam có thể giảm hơn nữa những hạn chế về thương mại dịch vụ và sự tham gia của đầu tư nước ngoài. Chỉ số hạn chế thương mại dịch vụ (STRI) của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho thấy những lĩnh vực dịch vụ “xương sống” như viễn thông, kho vận (logistics), hàng không, dịch vụ pháp lý, ngân hàng và bảo hiểm vẫn đang phải đối mặt với nhiều rào cản hạn chế lớn và chưa có nhiều tiến triển trong việc loại bỏ hoặc hạ thấp những rào cản đó những năm gần đây. Ví dụ, vận tải hàng hóa có vốn đầu tư nước ngoài bị hạn chế theo nhiều cách khác nhau, chẳng hạn trong lĩnh vực vận tải hàng hóa đường bộ và đường thủy nội địa (vốn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài - FDI) tương ứng tối đa 51% và 49%). Trong thời gian tới, các cấp có thẩm quyền có thể cần cân nhắc: (i) giảm rào cản gia nhập của vốn FDI vì công nghệ và đổi mới sáng tạo phụ thuộc vào khả năng tiếp cận tri thức, các mạng lưới, con người, hàng hóa và dịch vụ mà có thể lan tỏa tri thức đi khắp thế giới; và (ii) thực hiện những cải cách về môi trường kinh doanh để nâng cao cạnh tranh và khả năng tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp trong nước.
Hai là, khuyến khích tiếp tục áp dụng công nghệ số trong từng doanh nghiệp để thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Đánh giá mới đây của WB về các chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (STI) của Việt Nam cho thấy đã có sự quan tâm lớn hơn đến thúc đẩy đổi mới sáng tạo dựa trên nghiên cứu phát triển của nước ngoài và chính phủ đang nỗ lực “thúc đẩy hàng ngũ tiên phong về công nghệ” bằng cách hỗ trợ các trường đại học và viện nghiên cứu thay vì hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước. Những chính sách trên chưa chú trọng nhiều đến các hình thức đổi mới sáng tạo không dựa trên nghiên cứu và phát triển, chẳng hạn áp dụng công nghệ.
Thứ ba, cần tập trung vào việc tăng cường các kỹ năng của người lao động (đặc biệt là các kỹ năng kỹ thuật số cơ bản) cũng như năng lực của các công ty và nhà quản lý. Trong thời gian tới, sẽ rất hữu ích nếu điều tra thêm các câu hỏi như: (i) làm thế nào để các nhà hoạch định chính sách có thể hỗ trợ nâng cấp các kỹ năng, năng lực và thực tiễn quản lý; cơ quan nào sẽ thúc đẩy chương trình cải cách này và cơ quan nào sẽ cung cấp nguồn lực cho việc đào tạo như vậy? (ii) làm thế nào để khuyến khích quan hệ đối tác giữa các trường đại học và các doanh nghiệp tư nhân để tăng cường đào tạo; và ai sẽ gánh vác chi phí của các chương trình đào tạo đó?
Cuối cùng, khai thác dịch vụ để thúc đẩy tăng trưởng cao hơn ở các ngành, lĩnh vực khác, đặc biệt là chế tạo, chế biến. Ví dụ, dịch vụ số có thể đóng vai trò lớn nhằm đưa công nghệ mới và đổi mới sáng tạo vào các hoạt động chế tạo, chế biến, do hiện nay mới chỉ có rất ít doanh nghiệp đang sử dụng công nghệ số.
VVH