Thứ sáu, 10/03/2023 16:12

Phát triển bền vững: Nhìn từ quan điểm giáo dục

Ngày 07/3/2023, Khoa Sư phạm thuộc Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã tổ chức hội thảo khoa học: “Tiếp cận mục tiêu phát triển bền vững từ quan điểm giáo dục”. Hội thảo có sự tham dự của các diễn giả quốc tế: GS Randy Lee Bell - Đại học Oregon (Hoa Kỳ), GS Koji Tsuji - Đại học Chiba (Nhật Bản) và các chuyên gia, nhà khoa học thuộc Khoa Sư phạm (Trường Đại học Giáo dục)...

Thúc đẩy giáo dục vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam

Năm 2015, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Chương trình nghị sự 2030 với 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDG) nhằm chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo thịnh vượng cho mọi người. Việt Nam đã cụ thể hoá 17 SDG thành 115 SDG của Việt Nam như một phần trong "Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững". Việt Nam cũng đã tăng 5 bậc trong bảng xếp hạng SDG toàn cầu (từ thứ 54 năm 2019 lên thứ 49 năm 2020).

Mặc dù vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức đáng kể trong nhiều mục tiêu SDG, song cam kết của Việt Nam đối với chính sách giáo dục vì sự phát triển bền vững (ESD) và mục tiêu SDG một lần nữa được nhấn mạnh trong Chương trình giáo dục phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành năm 2018 (GEC 2018). Việt Nam đã trải qua quá trình đổi mới mạnh mẽ để chuyển từ nước kém phát triển sang nước đang phát triển, việc đổi mới liên tục trong hệ thống giáo dục là điều cần thiết cho sự phát triển bền vững.

GEC 2018 đã kế thừa và phát huy được những ưu điểm của ESD Việt Nam hiện có, đồng thời kết hợp nghiên cứu từ các nước phát triển. 1 trong 5 quan điểm thiết kế GEC 2018 là cung cấp và thúc đẩy ESD. ESD được tích hợp vào các nội dung giáo dục khác nhau, trong cả khoa học xã hội và tự nhiên.

Kết hợp tính bền vững vào chương trình đào tạo giáo viên

Tại hội thảo, GS Koji Tsuji - Đại học Chiba (Nhật Bản) đã điểm qua một số hợp tác liên quan tới lĩnh vực phát triển bền vững với các nhà khoa học của Trường Đại học Giáo dục cũng như của 6 quốc gia khác trong chương trình hợp tác (TWINCLE) được khởi xướng từ năm 2012 tại Đại học Chiba do Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản tài trợ. GS Koji Tsuji đã phân tích 6 phương diện chính liên quan đến 17 mục tiêu SDG trong thế kỷ XXI và giới thiệu minh hoạ các sản phẩm từ đậu tương như một giải pháp đáp ứng nhu cầu lương thực hướng tới phát triển bền vững. Báo cáo tập trung vào giới thiệu một nghiên cứu có sự hợp tác quốc tế của các nhà khoa học về việc thiết kế trồng cây đậu tương triển khai tại một số quốc gia cũng như khả năng ứng dụng trong đào tạo giáo viên theo tiếp cận giáo dục phát triển bền vững.

Theo GS Randy Lee Bell - Đại học Oregon (Hoa Kỳ) thì bản thân giáo dục tại Hoa Kỳ cũng còn gặp nhiều thách thức để triển khai giáo dục theo hướng phát triển bền vững. Nhận định này được GS Randy Lee Bell phân tích qua các số liệu cụ thể, từ đó GS gợi ý một số giải pháp trong nghiên cứu về dạy học tích hợp hiệu quả từ một số nghiên cứu của ông và cộng sự.

Chia sẻ về một nghiên cứu phân tích các chủ đề về môi trường với mục tiêu phát triển bền vững được tích hợp trong chương trình môn Sinh học cho các trường THPT, nhóm nghiên cứu do PGS.TS Lê Thị Phượng và ThS Đỗ Thuỳ Linh - Trường Đại học Giáo dục thực hiện đã nhấn mạnh đến nội dung giáo dục vì sự phát triển bền vững được thể hiện trong GEC 2018. Nhóm nghiên cứu đã tiến hành phân tích nội dung các chủ đề kiến thức về môi trường trong Chương trình giáo dục phổ thông môn Sinh học, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và cho thấy, Chương trình này bao gồm 17 chủ đề kiến thức về môi trường (EK), đáp ứng 9 mục tiêu SDGs.

PGS.TS Lê Thị Phượng cho biết, việc tích hợp các chủ đề EK và các SDG vào chương trình dạy học Sinh học tại GEC 2018 có thể tạo cho học sinh một góc nhìn rộng hơn về các vấn đề môi trường, giúp các em hiểu được mối liên hệ giữa các khía cạnh khác nhau của môi trường và đời sống con người. Từ đó, học sinh sẽ có những hành động hướng tới sự phát triển bền vững, góp phần đạt được SDG và thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Tại Trường Đại học Giáo dục, giáo dục môi trường và phát triển bền vững được thực hiện chủ yếu thông qua các học phần riêng như: giáo dục phát triển bền vững; môi trường và phát triển; hoặc tích hợp trong các học phần như Sinh học, Địa lý, Thực tập thiên nhiên... Tuy nhiên, không phải tất cả sinh viên của Trường đều được học/đăng ký học các học phần này.

Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đã cùng nhau thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến tiếp cận mục tiêu phát triển bền vững từ quan điểm giáo dục và thống nhất cho rằng: cần phải thúc đẩy nhận thức về sự phát triển bền vững cho học sinh. Bằng cách kết hợp tính bền vững vào chương trình đào tạo giáo viên và cung cấp cơ hội cho sinh viên sư phạm tham gia vào các dự án thực hành giáo dục vì sự phát triển bền vững, các tổ chức giáo dục có thể giúp thúc đẩy một thế hệ sinh viên cam kết tạo ra một thế giới bền vững hơn.

PV

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)