Nhiều tín hiệu tích cực nhưng cũng đầy thách thức
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả năm 2022 đạt 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so năm 2021. Trong đó: xuất khẩu đạt 371,9 tỷ USD, tăng 10,6% và nhập khẩu đạt 360,7 tỷ USD, tăng 8,4%. Cán cân thương mại đạt xuất siêu 11,2 tỷ USD, đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Ông Hoàng Việt Cường - Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Hải quan cho biết, trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm, kết quả này được đánh giá là rất khả quan và là điểm sáng trong bức tranh chung của nền kinh tế. Về xuất khẩu hàng hóa, trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm nhưng cả năm 2022, ước kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn đạt 371,85 tỷ USD, tăng 10,6% so với năm 2021 là kết quả rất khả quan. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 95,09 tỷ USD, tăng 6,5%, chiếm 25,6% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 276,76 tỷ USD, tăng 12,1%, chiếm 74,4%.
Có 36 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 94% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, có 08 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 70,1%, bao gồm: điện thoại và linh kiện; điện tử, máy tính và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; dệt may; giày dép; gỗ và sản phẩm gỗ; thủy sản; phương tiện vận tải và phụ tùng…
Về nhập khẩu hàng hóa, tính chung cả năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 360,65 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 125,79 tỷ USD, tăng 10%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 234,86 tỷ USD, tăng 7,5%.
Trong năm 2022, có 46 mặt hàng nhập khẩu đạt giá trị trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 93,3% tổng kim ngạch nhập khẩu. Trong đó, có 06 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 52,1%, bao gồm: điện tử, máy tính và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; điện thoại và linh kiện; vải; chất dẻo; sắt thép.
Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa cả năm 2022 có nhiều tín hiệu vui với cán cân thương mại đạt xuất siêu 11,2 tỷ USD, đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, bức tranh xuất nhập khẩu Việt Nam đạt nhiều kết quả ấn tượng trong 3 quý đầu năm, nhưng bước sang quý IV, hoạt động xuất nhập khẩu có dấu hiệu suy giảm rõ rệt và hiện tượng suy giảm này được dự báo tiếp tục diễn biến trong năm 2023. Các chuyên gia dự báo năm 2023, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Điều này đòi hỏi Chính phủ, các bộ, ngành, doanh nghiệp phải cực kỳ nỗ lực tìm giải pháp khắc phục khó khăn mới mong giữ ổn định đà tăng trưởng trong năm tới.
Tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp
Đại diện các địa phương và doanh nghiệp đều cho rằng, hoạt động xuất nhập khẩu luôn được Đảng và Nhà nước xác định đóng vai trò quan trọng với phát triển kinh tế - xã hội, là động lực để tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Chính vì vậy, trong thời gian qua, Chính phủ và các bộ/ngành đã đưa ra rất nhiều giải pháp nhằm đơn giản hóa các thủ tục xuất nhập khẩu, tăng cường tính minh bạch trong chính sách thương mại, đồng thời thiết lập các cơ chế để giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.
Trong hoạt động xuất nhập khẩu, việc tìm hiểu chính sách, pháp luật và tuân thủ thủ tục hành chính (TTHC) giữ một vị trí quan trọng đối với các doanh nghiệp. Chính sách càng thuận lợi, thủ tục hành chính càng tinh gọn sẽ góp phần giảm thời gian và chi phí cho các doanh nghiệp, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nói riêng và của quốc gia nói chung trên thương trường quốc tế.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Văn Quân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp nghiên cứu đầu tư và thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, trong đó có hoạt động xuất nhập khẩu; trường họp có khó khăn, vướng mắc thuộc trách nhiệm giải quyết của UBND tỉnh và các sở, ban, ngành…, Hải Dương cam kết sẽ chỉ đạo giải quyết nhanh nhất có thể.
Chia sẻ thêm về các chính sách nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI cho biết, trong nhiều năm qua, Chính phủ và các bộ/ngành đã có những nỗ lực nhằm đơn giản hóa các thủ tục xuất nhập khẩu, tăng cường tính minh bạch trong chính sách thương mại, đồng thời thiết lập các cơ chế để giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Một số hoạt động nổi bật có thể kể đến như việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động thông quan, kiểm tra sau thông qua và giám sát hàng hóa; thực hiện nguyên tắc quản lý rủi ro trong đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật chuyên ngành; và từng bước minh bạch các thông tin thương mại. Cũng trong những năm gần đây, công tác rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC đã được các bộ/ngành từng bước thực hiện. Việc cải cách hoạt động quản lý, kiểm tra chuyên ngành dù còn đối diện những thách thức nhưng đang có sự chuyển biến tích cực hơn qua thời gian, thông qua việc đơn giản hóa danh mục hàng hóa trong diện kiểm tra hay phối hợp liên ngành để loại bỏ những chồng chéo trong thực thi quy định.
Ở cấp địa phương, chính quyền các tỉnh, thành phố cũng có những cố gắng đáng ghi nhận trong cải thiện chất lượng điều hành kinh tế, tạo thuận lợi về môi trường kinh doanh. Tất cả các địa phương đều xây dựng chương trình hành động thực hiện các nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của Chính phủ, trong đó tiêu biểu là Nghị quyết 19 (giai đoạn 2014-2018) và Nghị quyết 02 (giai đoạn 2019-2023).
Dù ghi nhận nhiều bước tiến trong chính sách, pháp luật và TTHC thời gian qua, chúng ta cũng cần nhìn nhận một thực tế rằng không gian cải thiện vẫn rất lớn, đặc biệt trong khía cạnh cung cấp thông tin, giải đáp các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp cũng như tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp trong hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật. Theo kết quả đánh giá “Mức độ hài lòng của doanh nghiệp về việc thực hiện TTHC xuất nhập khẩu” do VCCI phối hợp với Tổng cục Hải quan và Dự án Tạo thuận lợi thương mại của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ công bố vào tháng 7/2021, khoảng 38% doanh nghiệp còn gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình tìm hiểu thông tin TTHC xuất nhập khẩu. Khoảng 24% doanh nghiệp phản ánh tình trạng quy định hoặc chính sách, pháp luật thay đổi thường xuyên, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Trước tình trạng ấy, việc doanh nghiệp tham gia tích cực hơn vào hoạt động đối thoại, góp ý chính sách là rất quan trọng. Điều này sẽ góp phần tạo ra các quy định pháp luật gắn với thực tiễn, giảm các chi phí tuân thủ và từ đó thuận lợi hóa hoạt động của doanh nghiệp.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Lê Mạnh Cương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hải Phòng cho rằng, để đạt được hiệu quả trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về TTHC, tạo thuận lợi thương mại xuyên quốc gia, chúng tôi cần có sự phối hợp thường xuyên giữa nội tại các doanh nghiệp với các đối tác bạn và với các cơ quan quản lý nhà nước thì mới đạt được kỳ vọng của các doanh nghiệp. Trong quá trình vận động chính sách, phải có tính kiên trì, xuất phát từ thực tế, khoa học khách quan và cần được sự hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức như Bộ Công Thương, VCCI, Hiệp hội Logicstic, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam và các sở/ngành có liên quan.
Phong Vũ - Thu Hậu