Phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào hoạt động chính trị và khoa học, công nghệ
Chia sẻ tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, công tác cán bộ nữ có sự chuyển biến tích cực và đạt được kết quả đáng ghi nhận. Số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý có trình độ ngày càng tăng, độ tuổi của cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý ngày càng trẻ hóa; vị thế của đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo quản lý được khẳng định và ghi nhận không chỉ trong nước mà còn ở khu vực và trên thế giới. Hiện nay, cán bộ nữ tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII có 19 đồng chí (chiếm 9,5%), trong đó có 01 nữ Uỷ viên Bộ Chính trị; 02 nữ trong Ban Bí thư; 01 nữ Phó Chủ tịch Nước; 03 nữ Bộ trưởng và 01 nữ cơ quan thuộc Chính phủ, 10 nữ thứ trưởng và tương đương; 03 nữ Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và 34 nữ Phó chủ nhiệm và Ủy viên thường trực ủy ban, cơ quan của Quốc hội. Ban Chấp hành Đảng bộ cấp tỉnh (nhiệm kỳ 2020-2025) có 16% là nữ, trong đó có 07 nữ Bí thư, 15 nữ phó Bí thư tỉnh, thành ủy. Ban chấp hành Đảng bộ cấp huyện có 17% là nữ. Tỷ lệ nữ tham gia các cơ quan dân cử tăng so với nhiệm kỳ trước, 151 đại biểu nữ tham gia Quốc hội khóa XV đạt 30,26%; tỷ lệ nữ tham gia Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện đạt 29%. Với tỷ lệ này, Việt Nam nằm trong nhóm các nước đứng đầu thế giới có tỷ lệ nữ tham chính cao.
Việt Nam đã được Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao trong nỗ lực thực hiện bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, là điểm sáng trong việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ; trên tất cả các lĩnh vực đều có sự tham gia và cống hiến của nữ giới. Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN và thứ 47/187 quốc gia về bình đẳng giới trong tham chính; thứ 87/156 quốc gia về chỉ số thu hẹp khoảng cách giới.
Cùng với sự tiến bộ và phát triển của nữ lãnh đạo, quản lý, đội ngũ nữ trí thức, nhà khoa học không ngừng phát triển, trưởng thành. Nhiều nhà khoa học nữ xuất sắc trên các lĩnh vực được tôn vinh và trao tặng giải thưởng. Trong đó, Giải thưởng Kovalevskaia - giải thưởng dành riêng cho các nhà khoa học nữ trong nghiên cứu khoa học tự nhiên, khoa học cơ bản đã được trao cho 21 tập thể và 57 cá nhân.
Tạo môi trường, điều kiện để phát huy vai trò của nữ trí thức
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời tri ân tới các Mẹ Việt Nam Anh hùng và toàn thể phụ nữ Việt Nam trong và ngoài nước. Thủ tướng khẳng định, những phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam là sự hội tụ của trí tuệ, bản lĩnh, tảo tần, sự hy sinh để nuôi dưỡng tình yêu thương, hạnh phúc cho mỗi thành viên trong gia đình và đóng góp cho xã hội, cộng đồng.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi gặp mặt.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã tiếp tục khẳng định: "Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ. Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới…". Để phát huy tài năng, trí tuệ, lòng nhân ái và truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam trong công cuộc phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Các cấp lãnh đạo đi sát hơn, thiết thực hơn, thì phong trào phụ nữ chắc rộng hơn, mạnh hơn nữa", Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương, hội phụ nữ, thực hiện tốt các trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục quán triệt, thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; triển khai thực chất các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác cán bộ nữ, bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.
Hai là, tập trung thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030; 03 Chương trình mục tiêu quốc gia liên quan đến công tác phụ nữ, bình đẳng giới. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; trong đó đẩy nhanh tiến độ sửa đổi Luật Bình đẳng giới, Luật Dân số; hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và các văn bản có liên quan.
Ba là, quan tâm hơn nữa công tác quy hoạch nguồn cán bộ nữ làm lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành, các lĩnh vực.
Bốn là, tạo môi trường, điều kiện để phát huy vai trò của đội ngũ nữ trí thức, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ, nhất là trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, dữ liệu lớn, chuỗi khối (blockchain)…; đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ít carbon, kinh tế tri thức...
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga (áo xanh) cùng các nhà khoa học được trao giải thưởng Kovalevskaia năm 2022.
Thủ tướng tin tưởng rằng, truyền thống nhân hậu, đảm đang, trí tuệ và cống hiến sẽ được kế thừa, nuôi dưỡng và phát triển trong mỗi người phụ nữ Việt Nam. Phẩm chất ấy sẽ mãi tỏa sáng, làm giàu thêm bản sắc văn hóa Việt Nam trong thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh, góp phần xây dựng đất nước ta ngày càng hùng cường và thịnh vượng, nhân dân được ấm no, hạnh phúc.
Minh Nguyệt