Thứ hai, 13/03/2023 16:07

Việt Nam: Hướng đến tiêu chuẩn hóa quốc gia phù hợp xu thế quốc tế

Hà Minh Hiệp, Phạm Thị Phương Thảo

Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 là mục tiêu hàng đầu của nhiều quốc gia hiện nay, và tiêu chuẩn cũng là một trong những nhân tố để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cho doanh nghiệp. Tiêu chuẩn là yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy giao dịch thương mại và trao đổi quốc tế, tạo động lực mới cho công cuộc kiến tạo đất nước.

Khó khăn để tiêu chuẩn trở thành động lực dẫn dắt, thúc đẩy thị trường

Trong 2 năm qua, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu với những biến thể mới, cản trở đà phục hồi của nền kinh tế thế giới. Ở trong nước, tình hình dịch bệnh đã ảnh hưởng cả ở ngắn hạn, trung hạn và dài hạn đến tất cả các khía cạnh của đời sống, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế. Phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 là việc quan trọng cần thực hiện ngay lúc này và tiêu chuẩn chính là nhân tố góp phần nâng cao suất, chất lượng sản phẩm và sự thành công của doanh nghiệp.

Tiêu chuẩn mang lại nhiều lợi ích về công nghệ, kinh tế, xã hội cho tất cả các bên liên quan.

Đối với doanh nghiệp, tiêu chuẩn là công cụ chiến lược và định hướng để giúp các doanh nghiệp giải quyết một số thách thức đòi hỏi khắt khe của hoạt động kinh doanh hiện đại. Chúng đảm bảo cho các hoạt động kinh doanh ngày càng hiệu quả, làm tăng năng suất và giúp doanh nghiệp tiếp cận các thị trường mới thông qua việc đảm bảo sự phù hợp của sản phẩm và dịch vụ; cắt giảm chi phí thông qua việc cải thiện hệ thống; tăng khả năng cạnh tranh và sự hài lòng của khách hàng thông qua cải thiện chất lượng sản phẩm. Ví dụ như ISO 9001 giúp doanh nghiệp cải thiện doanh số bán hàng, sự hài lòng của khách hàng, hình ảnh doanh nghiệp và thị trường cổ phiếu; ISO 14001 giúp doanh nghiệp quản lý tác động của quá trình sản xuất tới môi trường.

Đối với người tiêu dùng, khi sản phẩm và dịch vụ tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế có thể tin tưởng rằng sản phẩm, dịch vụ đó sẽ có tính an toàn, tin cậy và chất lượng tốt, thân thiện với môi trường. Đối với người tiêu dùng, khi sản phẩm và dịch vụ tuân thủ tiêu chuẩn quốc gia có thể tin tưởng rằng, sản phẩm, dịch vụ đó sẽ có tính an toàn, tin cậy và chất lượng tốt, thân thiện với môi trường. Ví dụ, tiêu chuẩn về an toàn đường bộ, an toàn đồ chơi trẻ em, bao bì y tế an toàn…

Đối với Chính phủ, tiêu chuẩn cung cấp các kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm và Chính phủ có thể sử dụng tiêu chuẩn để hỗ trợ chính sách công đem lại nhiều lợi ích như: mở cửa thương mại thế giới do tiêu chuẩn quốc tế được chấp nhận bởi nhiều chính phủ, do đó sử dụng hoặc viện dẫn chúng trong các quy chuẩn quốc gia sẽ tạo thuận lợi cho sự di chuyển của hàng hóa, dịch vụ và công nghệ từ nước này sang nước khác; loại bỏ các rào cản trong thương mại với thế giới bằng cách cung cấp các tiêu chuẩn làm cơ sở kỹ thuật trong các điều khoản của các hiệp định thương mại ở các cấp khu vực và quốc tế.

Tiêu chuẩn hóa là công cụ duy trì các chuẩn mực trong quan hệ quốc tế.

Thời gian qua, Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách và cơ chế tăng cường việc xây dựng tiêu chuẩn, đưa tiêu chuẩn trở thành công cụ hữu hiệu để phát triển bền vững kinh tế - xã hội và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tuy nhiên, hoạt động tiêu chuẩn hóa vẫn chưa là động lực quan trọng, có vai trò dẫn dắt và thúc đẩy thị trường… Mặc dù hơn 60 năm hình thành và phát triển, hoạt động tiêu chuẩn hóa của Việt Nam đã có những thay đổi phù hợp với đặc điểm từng giai đoạn phát triển, nhưng vẫn còn một số tồn tại, cụ thể là:

Thứ nhất, việc xây dựng tiêu chuẩn từ các yêu cầu của thị trường chưa được chú trọng, chưa có chính sách phát triển tiêu chuẩn cho các sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực và sản phẩm trọng điểm…; chưa có cơ chế khuyến khích, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, thu hút và khai thác hiệu quả nguồn lực xã hội, đặc biệt từ phía doanh nghiệp.

Thứ hai, chưa có cơ sở dữ liệu đầy đủ về tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, khu vực và nước ngoài… dẫn đến việc tra cứu, áp dụng tiêu chuẩn đối với các đối tượng có nhu cầu như doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn. Các tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế, khu vực, quốc gia đều xác định Ban kỹ thuật là trung tâm của hoạt động xây dựng tiêu chuẩn, là tổ chức kỹ thuật quy tụ các chuyên gia hàng đầu trong từng lĩnh vực tiêu chuẩn cụ thể, tuy nhiên đội ngũ công tác trong lĩnh vực tiêu chuẩn tại các bộ, ngành và địa phương trong một số lĩnh vực còn yếu, chưa được đào tạo chuyên sâu, trang thiết bị, cơ sở vật chất chưa đáp ứng đầy đủ để thực hiện các hoạt động về tiêu chuẩn hóa.

Thứ ba, còn thiếu các chính sách thiết thực trong việc tập trung đầu tư phát triển nhân lực tiêu chuẩn hóa đạt trình độ quốc tế; áp dụng cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt để đào tạo, thu hút, sử dụng có hiệu quả nhân lực về tiêu chuẩn trong và ngoài nước, chính sách đào tạo về tiêu chuẩn ngay trong trường đại học như kinh nghiệm của các quốc gia phát triển, các nước trong khu vực.

Đề xuất giải pháp

Để giải quyết vấn đề trên, theo kinh nghiệm quốc tế của Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO), Ủy ban kỹ thuật điện quốc tế (IEC), Liên minh viễn thông quốc tế (ITU), Ủy ban tiêu chuẩn châu Âu CEN/CENELIC hoặc các quốc gia như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Indonesia… thì việc ban hành chiến lược tiêu chuẩn hóa sẽ xác định rõ các nguyên tắc, định hướng cơ bản, thiết lập chương trình hành động tổng thể, phát triển hệ thống tiêu chuẩn trung và dài hạn trên phạm vi toàn cầu hoặc quốc gia.

Trong Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc tế đến năm 2030, ISO cũng khẳng định “việc hoạch định chiến lược phát triển cho 10 năm tới là dấu mốc quan trọng đối với sự phát triển các tiêu chuẩn quốc tế trên cơ sở đồng thuận, lấy người dùng làm trung tâm, dẫn dắt thị trường để hỗ trợ vượt qua những thách thức toàn cầu mà các thành viên ISO đang phải đối mặt. Công nghệ đột phá, mối đe dọa của chủ nghĩa bảo hộ, yêu cầu quản trị tốt hơn và biến đổi khí hậu là một số động lực bên ngoài định hình nền kinh tế thế giới trong những năm tới và điều đó phải được giải quyết trong chiến lược của ISO sau năm 2020. Các nước thành viên ISO cũng cần dự đoán nhu cầu, thách thức của thị trường và phân tích tiêu chuẩn nào có thể có tác động đến thương mại trong tương lai”.

Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia cần phù hợp xu thế phát triển quốc tế.

Từ kinh nghiệm trên, dự thảo Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia đến năm 2030 của Việt Nam cũng xác định các mục tiêu cần phải thực hiện trong thời gian tới đối với hoạt động tiêu chuẩn hóa, bao gồm:

Một là, đưa tiêu chuẩn hóa trở thành một biện pháp kỹ thuật, là công cụ đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội, thông qua việc tăng cường năng lực quản lý của các bộ, ngành, địa phương; hỗ trợ các sản phẩm của Việt Nam đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và quốc tế gắn với các mục tiêu phát triển bền vững trên cơ sở thực hành có trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp thuộc các loại hình kinh tế khác nhau (bao gồm các tiêu chuẩn thực hành về trách nhiệm xã hội tích hợp với các yêu cầu về trách nhiệm xã hội trong các tiêu chuẩn đặc thù)

Hai là, tập trung nguồn lực để thúc đẩy nghiên cứu và phát triển tiêu chuẩn quốc gia gắn với hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thúc đẩy xã hội hóa trong hoạt động xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn; phát triển và chuẩn hóa nguồn nhân lực về tiêu chuẩn hóa nhằm nâng cao năng lực xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn đối với các cơ quan quản lý nhà nước, viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục, tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia, Ban biên soạn. Hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đào tạo nhân lực trong hoạt động tiêu chuẩn hóa.

Ba là, nâng cao vị thế của Việt Nam tại các tổ chức, diễn đàn tiêu chuẩn hóa khu vực và quốc tế, tạo điều kiện nâng cao chất lượng và uy tín cũng như sức cạnh tranh của các sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng, triển khai đầy đủ, đồng bộ các cam kết quốc tế về tiêu chuẩn hóa và minh bạch hóa.

*

*             *

Chiến lược Tiêu chuẩn hóa quốc gia đến năm 2030 do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng xây dựng dự thảo khi ban hành sẽ góp phần thúc đẩy hình thành mô hình quản lý hoạt động tiêu chuẩn một cách toàn diện, nâng cao hiệu quả hoạt động xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, nâng cao trình độ quốc tế hóa tiêu chuẩn, đồng thời đẩy nhanh quá trình hình thành hệ thống tiêu chuẩn quốc gia nhằm thúc đẩy đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và nhu cầu thị trường đang thay đổi không ngừng và nhanh chóng, đảm bảo các yêu cầu đặt ra tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 của Chính phủ.

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)