Thứ ba, 14/03/2023 16:35

Quản lý rác thải nhựa đại dương: Kinh nghiệm quốc tế và một số giải pháp đối với Việt Nam

Bùi Công Anh Khoa1, Trần Thị Tâm2

1Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội

2Bộ Tài nguyên và Môi trường

Rác thải nhựa (RTN) đại dương là một trong những vấn đề môi trường nghiêm trọng, cấp bách và mang tính toàn cầu. RTN đại dương để lại nhiều hệ lụy đến kinh tế - xã hội và môi trường. Trong thời gian qua, một số quốc gia đã bước đầu hoạch định cơ chế, chính sách để ngăn ngừa, giảm thiểu RTN đại dương. Việc tìm hiểu quản lý RTN đại dương của một số nước là điều cần thiết cho việc rút ra bài học kinh nghiệm trong quản lý RTN ở Việt Nam hiện nay.

Quản lý RTN đại dương ở một số nước trên thế giới

Indonesia

Để giảm thiểu RTN đại dương, Indonesia đã ban hành và triển khai chính sách, pháp luật quản lý RTN, bao gồm cả RTN đại dương: Sắc lệnh của Tổng thống số 97/2017 về Chính sách và chiến lược quốc gia về quản lý rác thải sinh hoạt và rác thải tương tự hộ gia đình; Sắc lệnh số 83/2018 về Quản lý rác thải biển. Trên cơ sở các sắc lệnh này, dưới sự chủ trì của Bộ Điều phối các vấn đề hàng hải và đầu tư, năm 2019, Đối tác hành động quốc gia về nhựa được ra đời với hơn 150 tổ chức thành viên và doanh nghiệp, làm nền tảng cho sự hợp tác công tư trong giải quyết vấn đề về nhựa, trong đó có RTN đại dương.

Indonesia cũng đã ban hành Kế hoạch hành động chiến lược quốc gia về quản lý rác thải sinh hoạt và rác thải tương tự hộ gia đình với mục tiêu giảm thiểu phát thải RTN ra biển xuống 70% vào năm 2025 và gần bằng 0 vào năm 2040, biến RTN là một thành phần quan trọng của kinh tế tuần hoàn. Kế hoạch xác định khung hành động cụ thể cho Chính phủ trung ương, chính quyền địa phương và các bên liên quan (khu vực phi chính phủ).

Trong giai đoạn 2017-2025, quốc gia này còn ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về rác thải biển. Đây chính là quốc gia đầu tiên trong khu vực ASEAN xây dựng kế hoạch kiểm soát RTN biển. Kế hoạch bao gồm các nội dung như phối hợp giữa các cơ quan trong quản lý rác thải, bao gồm cả việc tăng cường năng lực cho các ngành, lĩnh vực, địa phương có liên quan; ứng dụng công nghệ trong kiểm soát RTN và việc áp dụng phương thức quản lý dựa trên cơ sở khoa học; quán triệt về tầm quan trọng của các nỗ lực xã hội trong giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng RTN đối với thế hệ trẻ.

Canada

Canada đã thông qua Chiến lược toàn quốc nhằm hướng tới loại bỏ hoàn toàn RTN (năm 2018). Chiến lược này được xây dựng dựa trên các chương trình hiện có về giảm lượng rác thải tại bãi chôn lấp và trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất để tận dụng nhựa trong nền kinh tế nhưng loại bỏ nhựa ra khỏi môi trường. Chiến lược phản ánh các ưu tiên của hệ thống quản lý chất thải, vận động nhiều ngành và đối tác cùng tham gia để loại bỏ hoàn toàn RTN thông qua việc xác định các nội dung gồm: thiết kế sản phẩm nhựa dùng một lần; hệ thống thu gom, năng lực tái chế; nhận thức của người tiêu dùng; các hoạt động thủy sản, nghiên cứu; giám sát, làm sạch và hành động toàn cầu. Tiếp đó là phối hợp giữa các bên liên quan ở liên bang với chính quyền cấp bang để xác định giải pháp, thống nhất kế hoạch hành động. Sau đó là việc thực hiện quy định, cam kết tự nguyện của doanh nghiệp, giáo dục và đầu tư. Đồng thời, quốc gia này còn ban hành, thực thi luật pháp và quy định để bảo vệ vùng nước và hệ sinh thái khỏi các nguồn gây ô nhiễm khác nhau; hỗ trợ sáng kiến địa phương và dự án cộng đồng như làm sạch bờ biển và đại dương.

Nhật Bản

Nhật Bản đã ban hành các chiến lược như: Chiến lược về RTN với việc tiếp cận là tăng cường việc thu thập và các giải pháp phù hợp cho vấn đề RTN; giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế RTN trên cơ sở đổi mới, vận động và tích lũy khoa học của quốc gia. Chiến lược lưu thông tài nguyên nhựa xác định các mục tiêu: giảm tích lũy 25% lượng nhựa sử dụng một lần đến năm 2030; thiết kế việc tái sử dụng, tái chế vào năm 2025; tái sử dụng, tái chế 60% thùng chứa và bao bì vào năm 2030; sử dụng hiệu quả 100% nhựa đã qua sử dụng vào năm 2035; tăng gấp đôi việc sử dụng lượng tái chế vào năm 2030; tối đa hóa việc sử dụng nhựa sinh khối lên khoảng 2 triệu tấn vào năm 2030.

Kế hoạch hành động của Nhật Bản về RTN đại dương hướng tới 8 mục tiêu sau: 1) Thúc đẩy hệ thống quản lý chất thải phù hợp; 2) Ngăn chặn việc xả rác, đổ rác bất hợp pháp và rò rỉ chất thải vô ý ra đại dương; 3) Thu gom rác thải vương vãi trên đất liền; 4) Thu gom RTN trên đại dương; 5) Đổi mới trong việc phát triển các sản phẩm thay thế vật liệu; 6) Hợp tác với các bên liên quan; 7) Hợp tác quốc tế với các quốc gia bằng cách chia sẻ các phương pháp hay nhất; 8) Nghiên cứu tình hình thực tế và sự phát triển của kiến thức khoa học.

Giải pháp cho Việt Nam trong công tác quản lý RTN đại dương

Từ kinh nghiệp quản lý RTN ở các quốc gia trên, Việt Nam có thể rút ra được những bài học kinh nghiệm cho quản lý nhà nước về RTN đại dương như sau:

Thứ nhất, hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý RTN đại dương: trước bối cảnh ô nhiễm RTN đại dương đang là vấn nạn mang tính toàn cầu cần kiểm soát thì việc hoàn thiện chính sách, pháp luật quản lý RTN đại dương là cần thiết đối với nước ta. Đặc biệt, trong xu hướng thế giới hướng đến nền kinh tế tuần hoàn, việc xây dựng chính sách, pháp luật quản lý RTN đại dương cần tạo cơ chế về khuyến khích lưu thông tài nguyên nhựa nhằm thúc đẩy việc giảm thiểu, thu gom và tái chế RTN đại dương; cơ chế về thúc đẩy các sáng kiến xử lý vấn đề ô nhiễm RTN đại dương; cơ chế về ưu tiên phát triển khoa học và ứng dụng công nghệ để quản lý RTN đại dương.

Thứ hai, xây dựng và triển khai chiến lược, kế hoạch quản lý RTN đại dương: chiến lược, kế hoạch quản lý RTN đại dương cần xây dựng cụ thể về mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp. Trong đó, xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, nguồn lực thực hiện. Đồng thời, chiến lược, kế hoạch quản lý RTN đại dương cũng cần phát huy vai trò của các bên liên quan trong kiểm soát RTN đại dương như khu vực ngoài nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư.

Thứ ba, hợp tác quốc tế trong quản lý RTN đại dương: ô nhiễm RTN đại dương là dạng ô nhiễm môi trường xuyên biên giới, có tính chất toàn cầu. Do vậy, cần có sự hợp tác chặt chẽ với quốc tế trong việc chia sẻ thông tin, dữ liệu, phương pháp điều tra, đánh giá RTN đại dương, ứng dụng khoa học, công nghệ để quản lý. Đồng thời, hợp tác quốc tế cũng giúp chúng ta tận dụng được nguồn lực phục vụ công tác quản lý RTN đại dương ở Việt Nam.

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)