Chủ nhật, 26/03/2023 15:21

Phát triển nông nghiệp chủ động gắn với chuyển đổi số ở Đồng bằng sông Cửu Long

TS Nguyễn Việt Thanh1, TS Nguyễn Giác Trí2

1Khoa Lý luận Chính trị, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long

2Khoa Kinh tế, Trường Đại học Đồng Tháp

Vấn đề đảm bảo an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và ô nhiễm môi trường đã, đang là một trong những thách thức trong quá trình sản xuất nông nghiệp đối người dân cả nước, đặc biệt là ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và chủ động tiếp cận xu hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp ở ĐBSCL là xu hướng tất yếu, là “chìa khóa” cho phát triển bền vững.

Phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu

Hiện nay, vấn đề ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, đã và đang gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Nhân loại đã trải qua hơn 2 thập kỷ của thế kỷ XXI, sự phân cực xã hội, đói nghèo biến đổi khí hậu đe dọa an ninh môi trường, năng lượng, nguồn nước, lương thực, văn hóa vẫn hiện diện như một vấn đề cấp bách toàn cầu. Mối quan hệ phát triển nông nghiệp bền vững với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu là một trong những vấn đề cấp thiết, nổi cộm được quan tâm nghiên cứu của hầu hết các nhà khoa học không chỉ ở các nước phát triển mà ngay cả các nước đang phát triển như Việt Nam. ĐBSCL đã và đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá theo hướng hiện đại, đo đó vấn đề sản xuất nông nghiệp bền vững đang được đặt ra hết sức cấp thiết.

Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các cấp chính quyền các địa phương, người dân đã thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị. Đã có hàng trăm mô hình ở các địa phương phát huy hiệu quả, đời sống người dân ngày càng cải thiện, nhận thức về nguồn nước mặn, nước lợ là tài nguyên để chuyển đổi cơ cấu, phát triển sản xuất hiệuquả theo từng vùng sinh thái, những bước đi hiện nay là đúng hướng và bước đầu có hiệu quả, nhiều mô hình kinh tế đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, đời sống của người dân ổn định.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, ĐBSCL vẫn đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức như phát triển nông nghiệp vẫn còn những yếu tố thiếu bền vững, tăng trưởng chưa vững chắc. Việc chuyển đổi số nông nghiệp ở ĐBSCL chưa đồng bộ, manh mún; đổi mới tổ chức sản xuất còn chậm, đa số doanh nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp có quy mô nhỏ, hoạt động hiệu quả chưa cao; liên kết phát triển vùng còn lỏng lẻo, chưa gắn kết hài hòa với phát triển nông nghiệp và bảo vệ môi trường; công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch ở một số địa phương còn bất cập, thiếu tầm nhìn dài hạn; hạ tầng giao thông và logistics yếu kém; trình độ cơ giới hóa còn thấp, công nghệ hỗ trợ phục vụ phát triển nông nghiệp (cơ khí, chế biến sâu, dây chuyền kiểm nghiệm sản phẩm nông nghiệp, dự báo dịch bệnh, sâu rầy, biến đổi khí hậu…) chưa tương xứng…

Giải pháp cho ngành nông nghiệp ĐBSCL chuyển đổi số

Trong bước chuyển từ một vùng nông nghiệp truyền thống sang một vùng nông nghiệp thông minh đã nảy sinh mâu thuẫn giữa trình độ, năng lực của con người trong việc nhận thức và cải tạo các quy luật của tự nhiên và xã hội; giữa phương thức sản xuất và công nghệ lạc hậu với những yêu cầu bảo vệ tự nhiên, môi trường và phát triển nông nghiệp bền vững trong thời kỳ mới, đòi hỏi phải có những giải pháp toàn diện để phát triển bền vững trong thời gian tới.

Trước hết, giải quyết tốt các mối quan hệ giữa phát triển nông nghiệp xanh, sạch, bền vững cần phải chủ động xây dựng chiến lược nông nghiệp số, ứng dụng công nghệ số để số hóa dữ liệu quản lý, hướng đến tự động hoá trong quy trình thu thập - xử lý - báo cáo - lưu trữ hệ thống dữ liệu thống kê thuộc lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật, chăn nuôi - thú y - thuỷ sản, kiểm lâm, phát triển nông thôn, thuỷ lợi, nước sạch - vệ sinh môi trường nông thôn, khuyến nông, nông thôn mới, OCOP, thanh tra chuyên ngành - quản lý chất lượng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý ngành. Đồng thời, để phát triển nông nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu phải ứng dụng công nghệ số để số hoá quy trình sản xuất an toàn, thương hiệu, truy xuất nguồn gốc theo chuỗi cung ứng sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất và đảm bảo thông tin truy xuất được thuận tiện, công khai minh bạch, chính xác. Chuyển đổi số toàn diện trong sản xuất nông nghiệp, hình thành mạng lưới quan sát - quan trắc tự động phục vụ hoạt động chuyển dịch sản xuất theo hướng kinh tế nông nghiệp, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Phát triển nông nghiệp hàng hoá tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, sáng tạo về khoa học, ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng số và thị trường, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái, xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn với phát triển du lịch sinh thái. Khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, sạch, nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thứ hai, cần hoàn thiện, bổ sung hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách về bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững. Việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cần tập trung vào điều chỉnh một cách đồng bộ, thống nhất các yêu cầu bảo vệ môi trường gắn với phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế. Luật Bảo vệ môi trường đã được sửa đổi năm 2020, tuy nhiên, để luật này thực sự được thực thi có hiệu quả trong điều kiện ngày càng phức tạp như hiện nay thì cần phải được bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện hơn nữa. Cần phải hoàn chỉnh hệ thống văn bản pháp luật và ban hành những văn bản pháp quy cụ thể như quy định về quản lý chất thải, quản lý bảo
tồn đa dạng sinh học, quy định về tội phạm môi trường... Giải quyết mối quan hệ giữa Luật Bảo vệ môi trường và các luật chuyên ngành trong điều chỉnh pháp luật về môi trường, phát huy đồng bộ sức mạnh của các biện pháp pháp luật hành chính, hình sự, dân sự, kinh tế trong việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, đặc biệt là các biện pháp kinh tế để đảm bảo sự hài hòa giữa phát triển nông nghiệp và yêu cầu bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững. Xây dựng bộ tiêu chuẩn đánh giá toàn diện trên các mặt phát triển nông nghiệp bền vững. Các văn bản pháp luật về môi trường và phát triển nông nghiệp bền vững phải đồng bộ, sát hợp với tình hình thực tiễn, tránh mâu thuẫn, chồng chéo và phải được bảo đảm nghiêm chỉnh thi hành trong cuộc sống, đủ sức ngăn chặn các hành vi sai trái, bảo vệ lợi ích chung của cộng đồng xã hội và sự hài hòa, ổn định của tự nhiên.

Ba là, tiến hành tập huấn cho cán bộ và người dân về quá trình chuyển đổi số.  Để làm được điều đó, ĐBSCL khi triển khai cần tính toán đến hạ tầng công nghệ, tận dụng tối đa hiện trạng đang có và lựa chọn một vài địa phương để vận hành thử nghiệm; tập trung nâng cao số lượng, chất lượng nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, cần khẩn trương hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, giảm chi phí vận chuyển, thu hút nhà đầu tư.

Bốn là, ĐBSCL là vựa lúa lớn nhất nước và có thế mạnh về nuôi trồng thủy sản, hai lĩnh vực này sẽ chịu tác động mạnh nhất khi quá trình xâm nhập mặn. Chính vì thế, chuyển đổi số ngành nông nghiệp phải là nền tảng, cần phải được ưu tiên hàng đầu. Đồng thời, cần đa dạng hóa cây trồng sẽ giảm thiểu được rủi ro thị trường, đồng thời xây dựng chuỗi sản xuất nông nghiệp, phù hợp với đặc trưng và điều kiện của vùng. Xác định thích ứng với biến đổi khí hậu là xu thế tất yếu, do vậy ĐBSCL nên chọn mô hình thích ứng với tự nhiên, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững theo phương châm chủ động sống chung với lũ, ngập mặn…

Năm là, chuyển đổi số ngành nông nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo hướng hiện đại, nên rất cần sự chung tay, sự vào cuộc của các tỉnh, thành phố tạo cú hích để thúc đẩy liên kết vùng, tăng cường liên kết, hợp tác một cách thực chất với các địa phương khác để phát huy hiệu quả, sức mạnh tổng hợp của vùng.

Sáu là, đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về sự cần thiết cũng như vai trò, lợi ích của ứng dụng công nghệ số vào quản lý điều hành, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong điều kiện biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế.

Chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn có vai trò đặc biệt quan trọng trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp, khẳng định vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế. Nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy tư duy  sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp”, chuyển từ một vùng nông nghiệp truyền thống sang một vùng nông nghiệp số sẽ tạo được sự đột phá về năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh, hướng đến nền sản xuất nông nghiệp bền vững ở ĐBSCL.

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)