Thứ tư, 05/04/2023 14:22

Dữ liệu số tài sản trí tuệ: Từ xây dựng đến quản trị

Nguyễn Hoàng Nam

Khoa Luật, Trường Kinh tế, Luật và Quản lý Nhà nước, Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh

Dữ liệu số hay dữ liệu điện tử là cơ sở dữ liệu dưới hình thức số hóa, lưu trữ và truy cập điện tử từ các thiết bị thông minh. Ngày nay, dữ liệu số đóng vai trò như một loại tài sản, được nhiều doanh nghiệp kiểm soát chặt chẽ, xác lập quyền sở hữu và góp phần thiết yếu trong việc tạo ưu thế cạnh tranh. Trong đó, dữ liệu số tài sản trí tuệ được xem là một xu hướng phát triển của lĩnh vực sở hữu trí tuệ trong tương lai.

Sở hữu trí tuệ là một loại tài sản vô hình, sau đây gọi chung là tài sản trí tuệ. Tùy theo quy định tại mỗi quốc gia, việc phân loại đối tượng tài sản trí tuệ có thể khác nhau1. Cùng với sự phát triển không ngừng của khoa học và công nghệ, dữ liệu số tài sản trí tuệ đang dần phổ biến và rộng khắp, tạo nên một sự thay đổi nhất định trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ nói chung, thương mại hóa tài sản trí tuệ nói riêng.

Từ công nghệ chuỗi khối đến sàn giao dịch trực tuyến

Chuỗi khối (blockchain) được định nghĩa là một công nghệ sổ cái phân tán (DLT) phi tập trung, ghi lại nguồn gốc của một tài sản kỹ thuật số. Trong thời kỳ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ chuỗi khối đóng vai trò bảo mật và cung cấp bằng chứng về quyền sở hữu đối với tài sản trí tuệ [1]. Ngoài khả năng hỗ trợ tạo sổ đăng ký các tài sản trí tuệ, một trong những ứng dụng thông dụng liên quan đến dữ liệu số đối với công nghệ chuỗi khối tài sản trí tuệ là hợp đồng thông minh. Lấy ví dụ một giao dịch chuyển nhượng bằng sáng chế, hệ thống chuỗi khối sẽ tiến hành kiểm tra tính hợp lệ của bằng sáng chế trên cơ sở dữ liệu số, sau đó quá trình đàm phán thỏa thuận mua bán được thực hiện qua nền tảng trực tuyến, quy định về thanh toán giao dịch, cũng như thông báo cho tất cả các cơ quan cấp bằng sáng chế có liên quan về giao dịch sẽ được tự động hóa. Chính vì tính năng ký gửi chuỗi khối có lợi thế rõ ràng về thời gian và chi phí so với các giao dịch truyền thống, mà công nghệ chuỗi khối ngày càng được sử dụng nhiều hơn trong giao dịch tài sản trí tuệ tại các quốc gia trên thế giới.

Một công cụ khai thác tài sản trí tuệ trong thời đại mới được phát triển bởi đội ngũ kỹ thuật số FPT (FPT Digital) là mô hình Chợ công nghệ và Thiết bị trực tuyến (Techmart)2. Techmart hoạt động dưới hình thức sàn giao dịch trực tuyến về thông tin công nghệ và thiết bị, trong đó tập trung chú trọng đến các tài sản trí tuệ với 4 chức năng chính, gồm: (1) Giới thiệu, trưng bày các công nghệ, thiết bị mới ra thị trường; (2) Sàn giao dịch công nghệ, thiết bị và tư vấn khoa học và công nghệ; (3) Hỗ trợ các đơn vị cập nhật thông tin mới nhất về khoa học và công nghệ, kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ; (4) Diễn đàn chuyển giao và đổi mới công nghệ.

Xây dựng và quản trị dữ liệu số tài sản trí tuệ

Đối với nền kinh tế quốc gia, sự biến chuyển của quá trình kỹ thuật số có ảnh hưởng đến nhu cầu dữ liệu số tài sản trí tuệ, đồng thời bảo vệ tài sản trí tuệ cũng có tác động đối với nền kinh tế kỹ thuật số [2]. Hiện nay, dữ liệu hóa tài sản trí tuệ trên nền tảng kỹ thuật số đang được nhiều quốc gia triển khai thực hiện, có thể kể đến như Trung Quốc.

Tại Trung Quốc, xây dựng và quản trị dữ liệu số là mục tiêu ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển tài sản trí tuệ mạnh mẽ và hiệu quả, hướng tới vai trò chủ thể trong quan hệ sở hữu trí tuệ toàn cầu. Đáng chú ý là sự thay đổi một cách chủ động trong việc tiếp cận của pháp luật quốc gia. Trong đó, dữ liệu số được thừa nhận là chứng cứ trong tố tụng dân sự nếu dữ liệu được cung cấp hoặc xác nhận bởi một nền tảng bên thứ ba trung lập ghi lại và duy trì dưới hình thức dữ liệu điện tử. Khi dữ liệu điện tử do các bên gửi làm bằng chứng được lưu trữ thông qua công nghệ chuỗi khối và được xác minh về tính nhất quán trong công nghệ thì Tòa án có thể xác định rằng dữ liệu điện tử không bị can thiệp sau khi được tải lên chuỗi. Bên cạnh đó, câu chuyện về xung đột giữa lợi ích của việc xử lý dữ liệu và bảo vệ quyền riêng tư trong vấn đề số hóa dữ liệu [3]. Gần đây, để giải quyết mâu thuẫn tồn tại này, Trung Quốc đã ban hành Luật Bảo mật dữ liệu 2021 (DSL) và Luật Bảo vệ thông tin cá nhân 2021 (PIPL).

Tại Việt Nam, tiếp cận kịp thời và khai thác hiệu quả dữ liệu số có ý nghĩa quan trọng đối với việc quản trị và phát triển tài sản trí tuệ ở nước ta. Trong suốt những năm vừa qua, Chính phủ Nhật Bản và Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã phối hợp nhiều dự án công nghệ nhằm phát triển sở hữu trí tuệ nói chung và sở hữu công nghiệp tại Việt Nam nói riêng. Giai đoạn 12/1999-06/2004, dự án Hiện đại hóa quản trị sở hữu công nghiệp (MOIPA)3. Giai đoạn 01/2005-03/2009, dự án Ứng dụng thông tin sở hữu trí tuệ tại Việt Nam (UTIPINFO)4. Giai đoạn 06/2012- 03/2017, dự án Tăng cường thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam5. Giai đoạn 05/2021-03/2023, dự án Nâng cao năng lực xử lý đơn sở hữu công nghiệp tại Cục Sở hữu trí tuệ6. Ngoài ra, từ tháng 03/2022 đến tháng 03/2023, dự án Củng cố việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam7 được Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam đề xuất và nhận được sự hỗ trợ của Quỹ Quốc tế vì Đa dạng Văn hóa của UNESCO.

Dữ liệu số tài sản trí tuệ ngày càng được quan tâm nhiều hơn trong những năm trở lại đây. Tiêu biểu như Nền tảng dữ liệu và dịch vụ sở hữu công nghiệp (IPPlatform)8. Đây là sản phẩm thuộc Chương trình Phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến năm 2020, là công cụ trực tuyến được phát triển từ tháng 7/2019. Nền tảng này được Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (VIPRI) phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ, Công ty Cổ phần phát triển công nghệ (MITEC) và các đối tác thiết kế, xây dựng.

Có thể thấy, xây dựng và quản trị dữ liệu số tài sản trí tuệ tại Việt Nam không chỉ cần thiết bảo vệ tài sản trí tuệ mà còn là vấn đề cấp bách trong việc hội nhập kinh tế toàn cầu. Thực hiện mục tiêu được phê duyệt trong Quyết định số 2205/QĐ-TTg ngày 24/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ là đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030, xây dựng cơ sở dữ liệu, các công cụ và cung cấp dịch vụ thông tin sở hữu trí tuệ được xác định là một hoạt động quan trọng trong nội dung tăng cường các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ9.

Bên cạnh việc hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến dữ liệu số tài sản trí tuệ, Việt Nam cần xây dựng bộ tiêu chuẩn về công nghệ chuỗi khối trong giao dịch tài sản trí tuệ, hướng tới quản trị tài sản trí tuệ thống nhất và hiệu quả.

 

1 Trong thực tế, có nhiều đối tượng tài sản trí tuệ và pháp luật về sở hữu trí tuệ có những quy định công nhận khác nhau tại mỗi quốc gia. Ba loại tài sản trí tuệ phổ biến nhất là: bản quyền (copyright), sáng chế (patent) và nhãn hiệu (trademark).

2 Trang chủ Chợ công nghệ và Thiết bị Việt Nam, http://www.techmartvietnam.vn/.

3 Mục tiêu cải tiến công nghệ xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, tự động hóa các thao tác nghiệp vụ liên quan đến tiến trình xử lý đơn của Cục Sở hữu trí tuệ.

4 Mục tiêu tạo điều kiện cho quá trình xử lý đơn và cung cấp thông tin sở hữu công nghiệp tới công chúng tốt hơn.

5 Mục tiêu nâng cao hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ nói chung và trên không gian mạng nói riêng.

6 Mục tiêu nâng cao năng lực xử lý đơn sở hữu công nghiệp tại Cục Sở hữu trí tuệ, tập trung vào lĩnh vực sáng chế, hoàn thiện quy chế thẩm định đơn sáng chế hiện có và bổ sung hướng dẫn thẩm định đơn sáng chế trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật và phần mềm máy tính.

7 Mục tiêu cải thiện việc bảo vệ và nâng cao hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam, thực hiện các nhiệm vụ đặt ra trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

8 Trang chủ Nền tảng dữ liệu và Dịch vụ sở hữu công nghiệp, https://ipplatform.gov.vn/.

9 Quy định tại điểm a khoản 1 Điều 1 Quyết định 2205/QĐ-TTg phần nội dung chương trình.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Hongyu Song, et al. (2021), “Proof-of-Contribution consensus mechanism for blockchain and its application in intellectual property protection”, Information Processing & Management, 58(3), DOI: 10.1016/j.ipm.2021.102507.

[2] Wen Chen, Ying Wu (2022), “Does intellectual property protection stimulate digital economy development?”, Journal of Applied Economics, 25(1), pp.723-730.

[3] Amnon Lehavi (2019), Property Law in a Globalizing World, Chapter 5: Intellectual Property, Data, and Digital Assets, Cambridge University Press, pp.172-216.

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)