Những điểm chính về đầu tư công nghệ
Báo cáo đã đưa ra một số nhận định nổi bật về tình hình đầu tư công nghệ vào Việt Nam trong năm qua. Cụ thể là: đầu tư công nghệ tại Việt Nam bắt đầu chịu ảnh hưởng từ diễn biến của nền kinh tế toàn cầu; đầu tư trong khoảng 10-50 triệu USD tăng ổn định; Fintech tiếp tục thu hút đầu tư; nhà đầu tư Việt lần đầu tiên dẫn đầu về hoạt động đầu tư; nhà đầu tư giữ góc nhìn lạc quan về hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam.
Đầu tư công nghệ tại Việt Nam bắt đầu chịu ảnh hưởng từ diễn biến của nền kinh tế toàn cầu. Sau sự phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021, vốn đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam giảm 56% dưới ảnh hưởng của biến động kinh tế toàn cầu. Sự ảnh hưởng này đặc biệt rõ rệt vào nửa cuối năm 2022 với giá trị đầu tư giảm 65% do khủng hoảng công nghệ ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, số lượng thương vụ tăng lên vào nửa cuối năm, cho thấy hoạt động đầu tư vẫn diễn ra đều đặn dù giá trị đầu tư giảm.
Đầu tư trong khoảng 10-50 triệu USD tăng ổn định. Hầu hết các vòng gọi vốn đều giảm cả về số lượng và giá trị thương vụ. Tuy nhiên, giá trị đầu tư trong các vòng gọi vốn từ 10-50 triệu USD tăng nhẹ cho thấy các công ty đã huy động được vòng Pre-A và Series A năm trước đã bước sang giai đoạn tăng trưởng tiếp theo. Các thương vụ trị giá hơn 50 triệu USD giảm mạnh, điều dó dẫn đến sự sụt giảm đáng kể về tổng giá trị đầu tư trong năm 2022.
Fintech tiếp tục thu hút đầu tư. Lĩnh vực dịch vụ tài chính nhận được số vốn đầu tư nhiều nhất với mức tăng mạnh mẽ 248%. Vốn đầu tư vào lĩnh vực Fintech vẫn dồi dào, chiếm 39% tổng giá trị đầu tư, tăng 4 điểm phần trăm so với năm 2021. Mặc dù đầu tư vào lĩnh vực bán lẻ giảm 57% nhưng đây vẫn là lĩnh vực nhận được nhiều vốn thứ hai. Y tế, giáo dục tiếp tục nằm trong số các lĩnh vực được đầu tư nhiều nhất.
Nhà đầu tư Việt lần đầu tiên dẫn đầu về hoạt động đầu tư. Trong bối cảnh gọi vốn ảm đạm, các nhà đầu tư vẫn tiếp tục quan tâm đến các công ty khởi nghiệp Việt Nam, số lượng quỹ nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chỉ giảm nhẹ trong năm qua. Đáng chú ý, các quỹ Việt Nam lần đầu tiên dẫn đầu và trở thành nhóm nhà đầu tư tích cực nhất. Các quỹ đầu tư mạo hiểm nội địa tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái Việt Nam với tầm ảnh hưởng ngày càng tăng đối với các công ty khởi nghiệp trong nước.
Nhà đầu tư giữ góc nhìn lạc quan về hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam. Bất chấp môi trường đầu tư toàn cầu đầy biến động, Việt Nam vẫn là điểm đến ưa thích của các nhà đầu tư nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và lực lượng lao động trẻ tay nghề cao. Lời khuyên phổ biến nhất dành cho các công ty khởi nghiệp trong bối cảnh hiện nay là tập trung vào các khía cạnh cơ bản của doanh nghiệp, sử dụng vốn một cách khôn ngoan với cách tiếp cận chiến lược và liên tục điều chỉnh chiến lược hoạt động theo những thay đổi của môi trường kinh tế.
Điểm mạnh và thách thức của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam
Theo báo cáo của NIC, Việt Nam được coi là một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hấp dẫn nhờ tốc độ phát triển nhanh chóng của nền kinh tế số và sự tăng trưởng mạnh mẽ của lĩnh vực công nghệ. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần vượt qua những thách thức nhất định để thực sự trở thành một trung tâm công nghệ mới của khu vực.
Cơ sở hạ tầng số của Việt Nam phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây với tốc độ tăng trưởng ấn tượng của lượng người dùng Internet và điện thoại thông minh. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng thanh toán trực tuyến của Việt Nam ngày một hoàn thiện và đang mở rộng nhanh chóng, mang lại nhiều lựa chọn thanh toán không tiền mặt dành cho người tiêu dùng, bao gồm thẻ tín dụng, chuyển khoản ngân hàng và ví điện tử.
Việt Nam có dân số trẻ với tỷ lệ người dùng am hiểu công nghệ cao, sẵn sàng tiếp nhận các sản phẩm công nghệ mới. Xu hướng này được thúc đẩy nhờ vào chương trình giáo dục chú trọng các môn học STEM, từ đó tạo ra nguồn lực nhân tài công nghệ dồi dào, dần đưa Việt Nam trở thành một trung tâm công nghệ mới trong khu vực.
Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là sự nổi lên của các công ty lớn trong lĩnh vực thương mại điện tử và Fintech. Nền kinh tế số của Việt Nam dự báo sẽ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á, ở mức 31% trong giai đoạn 2022-2025.
Bên cạnh các thế mạnh, Báo cáo của NIC cũng khuyến cáo, Việt Nam cần vượt qua những khó khăn, thách thức để tạo bước ngoặt cho sự phát triển của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo nước nhà. Những thách thức đó là:
Thứ nhất, thiếu chính sách thúc đẩy phát triển đổi mới sáng tạo bền vững. Việt Nam hiện đang thiếu một cơ chế chính sách và quy định đủ mạnh để thúc đẩy môi trường đổi mới sáng tạo bền vững. Điều này đặt ra thách thức cho các công ty khởi nghiệp trong việc đảm bảo nguồn vốn, thu hút và giữ chân nhân tài, cũng như tuân thủ các quy định phức tạp. Vì vậy, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và bổ sung các chính sách hỗ trợ để hệ sinh thái phát huy hết tiềm năng.
Thứ hai, thiếu các thương vụ thoái vốn lớn. Việt Nam cần có thêm những câu chuyện thành công về thoái vốn để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài khi lựa chọn đầu tư vào các công ty Việt Nam. Đối với các nhà đầu tư muốn thoái vốn thông qua niêm yết cổ phần, Luật Chứng khoán sửa đổi năm 2019 quy định các công ty phải có lãi ít nhất 2 năm và không có lỗ lũy kế tại thời điểm niêm yết, điều này dẫn đến rào cản đáng kể cho hầu hết các công ty công nghệ tại Việt Nam.
Thứ ba, thiếu nguồn vốn từ khu vực kinh tế tư nhân. Hiện nay, nguồn vốn đầu tư cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo đến từ các tập đoàn kinh tế lớn còn hạn chế. Các tập đoàn lớn có thể đóng vai trò tích cực hơn trong việc hỗ trợ các công ty khởi nghiệp thông qua đầu tư tài chính hoặc các hình thức khác, bởi đây là mô hình hợp tác có lợi cho cả hai bên. Các công ty khởi nghiệp có thêm nguồn vốn để tăng trưởng và góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của tập đoàn.
VVH