Thứ hai, 10/04/2023 16:03

Hệ giá trị gia đình Việt Nam hiện nay

TS Vũ Trường Giang, ThS Trịnh Thị Thúy

Học viện Chính trị khu vực 1, Học viện Chính trịn Quốc gia Hồ Chí Minh

Gia đình không chi là nơi bảo tồn nòi giống, duy trì sự tồn tại của nhân loại, mà còn là môi trường giáo dục văn hóa tốt nhất cho các cá nhân trưởng thành, đó cũng là nơi cung cấp lực lượng lao động tái sản xuất sức lao động cho xã hội. Những biến đổi của gia đình qua các giai đoạn phát triển của xã hội luôn đòi hỏi một sự định hướng về tiêu chuẩn giá trị, để gia đình vừa có thể dung nạp xu hướng tiến bộ nhưng không bị chia cắt bởi những chuẩn mực tốt đẹp trong truyền thống.

Những khó khăn, thách thức trong việc giữ gìn hệ giá trị gia đình Việt Nam

Gia đình là một cụm từ quen thuộc trong cuộc sống hằng ngày, tuy nhiên nó lại là một nhóm xã hội đặc thù với đầy đủ những yếu tố tâm, sinh lý, văn hóa và cả kinh tế. Hơn nữa, gia đình luôn biến đổi cùng với xã hội. Những lý do trên đã khiến việc định nghĩa gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng, làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ giữa họ với nhau.

Qua đó, với cách hiểu trên, giá trị gia đình được định nghĩa là những yếu tố, những quy tắc, chuẩn mực đúng đắn, tốt đẹp, tích cực về đạo đức, giáo dục, tâm lý, tình cảm và ý thức cộng đồng được nảy sinh, hình thành, tồn tại, phát triển trong gia đình, được cộng đồng xã hội cũng như từng gia đình thừa nhận, hướng tới, áp dụng, lưu giữ và truyền lại cho các thế hệ sau. Chính giá trị gia đình đã góp phần chủ yếu tạo ra sự hạnh phúc, ấm êm cho mỗi gia đình, là tế bào lành mạnh để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần hình thành nên truyền thống của dân tộc, đậm đà bản sắc dân tộc của Việt Nam.

Mặc dù vậy, trước ảnh hưởng của mặt trái nền kinh tế thị trường, công nghiệp hóa, hiện đại hóa… việc giữ gìn, phát huy hệ giá trị gia đình Việt Nam cũng gặp nhiều thách thức, khó khăn. Cụ thể:

Thứ nhất, những tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường và quá trình hội nhập toàn cầu hóa đã làm thay đổi quan niệm của nhiều người về hệ giá trị gia đình. Xu hướng đề cao giá trị vật chất, tiền tài, danh vị xuất hiện, nhiều người sẵn sàng đánh đổi danh dự, nhân phẩm của bản thân, gia đình, dòng họ để đạt được mục đích của bản thân. Một số vụ việc mâu thuẫn gia đình liên quan đến quyền sở hữu đất đai, phân chia tài sản đã đẩy một số gia đình rơi vào cảnh lao lý, qua đó gióng lên hồi chuông báo động về những lỗ hổng trong giáo dục, văn hóa và đạo lý làm người trong nhiều gia đình hiện nay.

Thứ hai, mặc dù công nghệ truyền thông có những tác động tích cực đối với sự phát triển của đời sống xã hội cũng như mỗi gia đình Việt, tuy nhiên, mặt trái của nó cũng tạo ra những khoảng cách giữa các thành viên, các thế hệ. Trong không gian của nhiều gia đình ở đô thị hiện nay, mỗi người là một thế giới riêng, khép kín, dẫn đến tình trạng cha mẹ, con cái không thấu hiểu nhau, cha mẹ thiếu sự quan tâm, khiến các bạn trẻ rơi vào những cạm bẫy, cám dỗ…

Thứ ba, hiện nay, cùng với quá trình đô thị hóa, nhịp sống nhanh của xã hội hiện đại và do ảnh hưởng của sự giao lưu, tiếp xúc với văn hóa phương Tây, mô hình gia đình truyến thống tam, tứ đại đồng đường đang dần thu hẹp, nhường chỗ cho sự hiện diện của gia đình hạt nhân (vợ chồng - con cái), cùng với đó là mô hình kiến trúc nhà ở gia đình cũng có sự thay đổi. Đan xem với những tín hiệu tích cực thì mô hình gia đình hiện đại cũng phải đối diện với nhiều vấn đề mới phức tạp như gia đình bố mẹ đơn thân, ly thân, kiểu gia đình đồng tính xuất hiện ngày càng nhiều, ảnh hưởng lớn đến việc duy trì nòi giống, huyết thống và việc giáo dục, trao truyền văn hóa, giá trị gia đình cho thế hệ trẻ. 

Phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam hiện nay

Hệ giá trị gia đình Việt Nam có vị trí và vai trò quan trọng trong cuộc sống hiện nay, chúng được thể hiện qua những điều sau:

Vun đắp hệ giá trị gia đình Việt Nam hiện nay.

Một là, hệ giá trị gia đình Việt Nam duy trì sự ổn định và phát triển của xã hội: trải qua nhiều biến động, thay đổi của thời cuộc, những truyền thống tốt đẹp của gia đình đã kết tinh thành hệ giá trị gia đình mang tính bền vững, đó là tinh thần yêu nước, truyền thống đoàn kết, gắn bó keo sơn; là tình yêu thương, sự đùm bọc, chở che; là truyền thống hiếu học, trọng danh dự. Sự ổn định, phát triển của mỗi gia đình góp phần duy trì sự ổn định, phát triển của xã hội. Những giá trị của văn hóa gia đình truyền thống đã tạo không gian, môi trường văn hóa lành mạnh để điều chỉnh hành vi, suy nghĩ, nhận thức của con người theo hướng nhân văn, tốt đẹp. Hạn chế những xung đột, đẩy lùi những cái xấu, cái ác. Giá trị gia đình có vai trò quan trọng không chỉ đối với sự phát triển của mỗi cá nhân và việc thực hiện chức năng xã hội, là nơi kết nối, gắn kết các thế hệ, giữ gìn, phát huy những chuẩn mực, giá trị, tinh hoa văn hóa dân tộc, mà còn có vai trò duy trì sự ổn định, phát triển của xã hội.

Hai là, hệ giá trị gia đình góp phần bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, khơi dậy khát vọng sáng tạo, phát triển để xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc: gia đình là một thiết chế xã hội quan trọng, là nơi bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống. Hiện nay, phần lớn các dân tộc ở Việt Nam đã phát huy được vai trò của thiết chế gia đình trong việc lưu giữ những nét văn hóa tốt đẹp của tộc người và trao truyền cho các thế hệ con cháu, điển hình như các hoạt động gìn giữ ngôn ngữ mẹ đẻ, trang phục, ẩm thực truyền thống, cưới xin, ma chay, thờ cúng tổ tiên... Chính việc thực hành những nét văn hóa đó trong gia đình đã góp phần trao truyền văn hóa tộc người từ đời này qua đời khác. Thông qua việc này, đã tạo nên nhân cách văn hóa mang dấu ấn, cốt cách, bản lĩnh, trí tuệ và tâm hồn của mỗi tộc người trong thế hệ trẻ. Đây cũng chính là hướng gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc một cách bền vững.

Có thể nói, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người có mối quan hệ gắn kết chặt chẽ với hệ giá trị gia đình. Hệ giá trị gia đình gắn chặt với chức năng, sứ mệnh mà gia đình đảm đương, đó là nơi duy trì nòi giống, huyết thống; là môi trường giáo dục đầu tiên của mỗi người; nơi bồi đắp tình cảm, tư tưởng, trao truyền tri thức, kinh nghiệm… Đảng và Nhà nước luôn khẳng định, gia đình là một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của đất nước, vì vậy đầu tư cho gia đình cũng là đầu tư cho sự phát triển bền vững của đất nước.

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)