Giá trị lịch sử và nhân văn
Chia sẻ tại tọa đàm, TS Phan Công Khanh - Giám đốc Học Viện Chính trị Khu vực IV (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết, bản Đề cương về Văn hóa Việt Nam năm 1943 cho đồng chí Trường Chinh - Tổng Bí thư của Đảng khởi thảo, ra đời trong hoàn cảnh Đảng vẫn còn hoạt động bí mật, đang làm công tác vận động cách mạng. Việt Nam lúc đó mang tính chất xã hội thực dân nửa phong kiến đang suy thoái trầm trọng, chiến tranh thế giới lần thứ II đang làm cho đất nước kiệt quệ, tình hình chính trị, xã hội đang có nhiều diễn biến phức tạp nhưng cũng đặt ra những thời cơ cho cuộc cách mạng xã hội.
TS Phan Công Khanh - Giám đốc Học Viện Chính trị Khu vực IV (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) chia sẻ những nội dung cơ bản của Đề cương về Văn hóa Việt Nam 1943.
Là cương lĩnh đầu tiên của Đảng Cộng sản về lĩnh vực văn hóa, nghĩa là những tư tưởng lớn, đường hướng cơ bản phải mang ý nghĩa khái quát cao, khoa học và có khả năng tập hợp lực lượng, thu hút mọi tầng lớp xã hội, đặc biệt là giới trí thức chung tay xây dựng một nền văn hóa cần có, phải có trong tương lai, khi mà cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ chưa thành công. Nhưng dù sao đây cũng chỉ là một bản đề cương hành động trong lĩnh vực văn hóa nên nó cũng chỉ xác định những khung, sườn nhằm mọi hoạt động không đi chệch hướng, mà hướng tới mục tiêu bằng con đường chính xác nhất và hoạt động đạt hiệu quả lớn nhất. Điểm mới nhất của nền văn hóa ấy được xác định là phải được xây dựng trên cơ sở của một hình thái kinh tế - xã hội mới, do Đảng lãnh đạo, phải trở thành một “mặt trận” mà người cộng sản phải nắm lấy, lãnh đạo và bắt nó phục vụ cho cuộc cách mạng xã hội, là một bước tiến về nhận thức của Đảng về văn hóa. Cuộc cánh mạng mà bản Đề cương hướng đến không phải dành cho một số người, một tầng lớp nào mà của toàn dân, cho toàn dân và phải do toàn thể nhân dân cùng tham gia. Sức thu hút của tư tưởng văn hóa mới này bắt đầu từ đó vì trong lịch sử đất nước, cho đến thời điểm này, chưa có thể chế, tổ chức chính trị hay nhà nghiên cứu nào đưa ra được luận điểm này. Trong hoàn cảnh bấy giờ, đưa ra được những vấn đề này, biến nó thành tư tưởng để vận động cho một nền văn hóa mới, chưa có hoặc chính xác hơn là mới chỉ là những mầm, những nụ nhưng đã chứng tỏ sức sống của nó là một sáng tạo của Đảng bởi chỉ có nêu ra được những hướng đi như thế mới có khả năng tập hợp được lực lượng và Đề cương về Văn hóa Việt Nam năm 1943 trở thành tài liệu đầu tiên, quan trọng và duy nhất, có tác dụng tập hợp lực lượng rất lớn những người có tư tưởng tiến bộ bấy giờ trong mặt trận Văn hóa cứu quốc.
Đặc biệt, Đề cương về Văn hóa Việt Nam năm 1943 đã đem lại một không khí mới cho văn hóa Việt Nam. Sự khai phóng về tư tưởng văn hóa, đường hướng trở về với dân tộc, nhân dân và góc nhìn sự vật dưới con mắt biện chứng đã đem lại một cảm hứng mới cho những người làm văn hóa, những trí thức đang muốn thay đổi, muốn tìm đường đi mà chưa thấy lối. Sự cởi mở về khâu tập hợp lực lượng, đoàn kết toàn dân, cố kết cộng đồng trong những ngày đầu cách mạng đã làm thay đổi nhận thức xã hội. Sự tin yêu vào chủ trương cứu quốc, văn hóa soi đường cho quốc dân đi, đã khiến nhiều văn nghệ sỹ, nhân sỹ, các nhà hoạt động văn hóa từ bỏ quan niệm cũ, chấp nhận một thế giới quan và nhân sinh quan mới. Đây là cuộc nhận đường đầu tiên của đội ngũ trí thức để đến với cách mạng. Họ là những người tiên phong đi đến với cách mạng và là lực lượng chủ chốt để tham gia xây dựng nền văn hóa mới. Không phải ngẫu nhiên mà sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 hầu hết các trí thức, văn nghệ sỹ đã nhìn thấy con đường đi với nhân dân, phụng sự Tổ quốc là con đường lớn cho sự nghiệp và cuộc đời mình.
Sự tiếp bước của tuổi trẻ Cần Thơ
Phó Bí thư Thành đoàn Cần Thơ Lâm Văn Tân cho biết, trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, tiếp nối các thế hệ ông, cha; các đoàn viên, thanh niên cũng có vị trí quan trọng. Là đội ngũ kế tục sự nghiệp cách mạng của Đảng, chủ nhân tương lai của đất nước, đoàn viên thanh niên có vai trò đặc biệt trong việc hiện thực hóa mục tiêu chủ nghĩa xã hội, khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho mỗi người dân. Vì vậy, bên cạnh việc nâng cao trình độ chuyên môn, đoàn viên, thanh niên cả nước nói chung, tại TP Cần Thơ nói riêng cũng cần được trang bị lý luận chính trị, để có được tri thức, lập trường đúng đắn. Trong bối cảnh hiện nay, việc tiếp cận tri thức và thành tựu khoa học và công nghệ là rất cần thiết, nhất là xu hướng chuyển đổi số. Để việc chuyển đổi số diễn ra thuận lợi hơn trong công tác đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi Thành phố thì hoạt động nâng cao vai trò, vị trí, trách nhiệm của tổ chức đoàn trong việc hỗ trợ đoàn viên thanh niên tiếp cận được gần hơn với những nền tảng công nghệ, ứng dụng số, tri thức số là nhu cầu cấp thiết, đáp ứng được xu thế hội nhập và chuyển đổi số toàn cầu. Hiện nay, Thành đoàn TP đang triển khai thực hiện đề án “Phát hiện, bồi dưỡng và phát huy tài năng trẻ Việt Nam giai đoạn 2022-2030” nhằm góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao; khơi dậy tinh thần yêu nước, khát vọng cống hiến của tài năng trẻ Việt Nam; tạo động lực và truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ; hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Ban Thường vụ Thành đoàn Cần Thơ cũng đã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các cơ sở Đoàn thực hiện các giải pháp phát huy tài năng trẻ phù hợp với điều kiện thực tế của từng đơn vị.
Với không khí cởi mở, sôi nổi của tuổi trẻ, các bạn đoàn viên, sinh viên của TP cũng đã đặt câu hỏi và trao đổi với chuyên gia về các vấn đề trong việc tiếp cận và phát huy các giá trị của Đề cương về Văn hóa Việt Nam 1943 như: Vai trò của tuổi trẻ trong việc hiện thực hóa mục tiêu đến giữa thế kỷ XXI Việt Nam trở thành một nước phát triển, thu nhập cao; Việc chấn hưng một nền văn hóa tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự xâm nhập của văn hóa phương Tây, Hàn Quốc... phương pháp làm theo Bác của mỗi bạn sinh viên; việc tiếp nhận và xử lý thông tin, nhất là các thông tin về chính trị trên internet, mạng xã hội; vai trò của sinh viên đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn gắn với thực tiễn Đồng bằng sông Cửu Long…
Các ý kiến trao đổi tại buổi tọa đàm cũng đặt ra yêu cầu tiếp tục phát huy giá trị của Đề cương về Văn hoá Việt Nam trong xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và khơi dậy tinh thần yêu nước, khát vọng cống hiến, ý chí tự lực, tự cường của sinh viên TP Cần Thơ nói riêng và cả nước nói chung trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
Lê Phụng Tiên