Thứ ba, 23/05/2023 16:13

Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên nền tảng văn hóa: Trường hợp dân tộc Do Thái trong so sánh với Việt Nam

GS.TSKH Trần Ngọc Thêm

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh

Một cách khái quát nhất, tư tưởng khoa học và công nghệ (KH&CN) chỉ có thể sinh sôi nảy nở ở những khu vực và trong những giai đoạn có văn hóa thiên về loại hình dương tính (hướng đến phát triển). Văn hóa thiên về âm tính phù hợp cho mục tiêu ổn định, nó cũng là lực cản cho sự phát triển của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) nói riêng và xã hội nói chung. Trên thế giới, điển hình nhất cho hệ giá trị thích hợp với sự phát triển của KH,CN&ĐMST là hệ giá trị văn hóa của người Do Thái1. Đối với Việt Nam, việc xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa trong thời kỳ mới hiện đang được quan tâm. Hy vọng những bài học về văn hóa của dân tộc Do Thái sẽ đem lại những gợi suy cho sự phát triển KH,CN&ĐMST của Việt Nam trên nền tảng văn hóa và văn hóa dân tộc.

Người Do Thái và hệ giá trị văn hóa Do Thái

Về mặt không gian, người Do Thái sống ở khu vực Tây Nam Á, là nơi có đất đai khô cằn, khí hậu khắc nghiệt vào bậc nhất thế giới: hoang mạc chiếm 70-90% diện tích, có nơi như Ai Cập chiếm tới 90% diện tích; khí hậu nóng nực, khô hạn, ít mưa; nhiệt độ ngày đêm chênh lệch lớn. Trong khi đó, ở các ốc đảo và lưu vực Lưỡng Hà thì ngược lại, đất đai và khí hậu lại thuận tiện cho thực vật phát triển, tạo thành vùng Lưỡi liềm Phì nhiêu

Bức tranh mô tả cảnh Moses rẽ nước biển Đỏ đưa người Do Thái vượt thoát khỏi sự truy đuổi  của  quân Ai Cập.

Về mặt chủ thể, Do Thái có gốc là một dân tộc du mục, tương truyền khởi đầu từ gia đình - gia tộc Abraham. Sau khi Abraham chết, trách nhiệm lãnh đạo được truyền cho con trai là Isaac, rồi đến con trai của Isaac là Jacob. Ông Jacob sinh được 12 người con trai. Tất cả từ Abraham, Isaac, Jacob cho đến 12 người con trai của Jacob được coi là 15 tổ phụ (patriarchs) của dân tộc Do Thái.

Về mặt thời gian, lịch sử dân tộc Do Thái trải qua nhiều biến động rất dữ dội. Vào thời thượng cổ khi gặp nạn mất mùa đói kém, tương truyền họ đã phải lưu lạc sang đất Ai Cập, lúc đầu nhờ người con trai thứ 11 của Jacob là Joseph tài giỏi mà cả gia tộc được ưu ái, nhưng mấy chục năm sau dân số phát triển đông đúc, người Do Thái bị Pharaoh bắt làm nô lệ. Sau khi thực hiện cuộc vượt thoát phi thường trở về giành được vùng Đất hứa Canaan thì vào thế kỷ VIII (trước Công nguyên - trCN), vương quốc Bắc Israel bị đế quốc Assyria xóa sổ. Sang thế kỷ VI (trCN), đến lượt vương quốc Nam Israel (Judah) bị đế quốc Babylon xâm lăng, tàn phá, trục xuất và đày đến Babylon làm nô lệ. Vào những năm 60-70 (sau Công nguyên - sCN), người Do Thái lại bị đế quốc La Mã thống trị, bắt đầu thời kỳ lưu vong của người Do Thái kéo dài gần 2.000 năm trên khắp thế giới. Trong thời gian này, người Do Thái bị kỳ thị, khủng bố, diệt chủng tàn khốc ở khắp nơi.

Chính nhờ trải qua vô vàn khó khăn như vậy mà người Do Thái đã được tôi luyện nhiều hơn bất kỳ một dân tộc nào và họ có được những phẩm chất ưu tú nhiều hơn bất kỳ một dân tộc nào. Đã có không ít sách vở tìm hiểu về lịch sử dân tộc đặc biệt này, song nghiên cứu về hệ giá trị văn hóa thì còn thiếu. Theo chúng tôi, hệ giá trị văn hóa Do Thái có thể quy về 5 đặc trưng nổi bật: (1) Tính cộng đồng dân tộc và sự tôn trọng cá nhân; (2) Niềm tin mạnh mẽ; (3) Bản lĩnh và nghị lực kiên trì; (4) Tinh thần Chutzpah (táo bạo); (5) Tính thông minh, sáng tạo. 5 đặc trưng này đủ cho phép khu biệt dân tộc Do Thái với tất cả các dân tộc khác.

4 đặc trưng cơ bản thúc đẩy sự phát triển KHCN&ĐMST của người Do Thái và so sánh với Việt Nam

Trong bối cảnh điều kiện tự nhiên có sự đối lập giữa các vùng đất đai khô cằn, khí hậu khắc nghiệt với vùng Lưỡi liềm Phì nhiêu, giàu có đã hình thành đặc trưng “niềm tin mạnh mẽ”, khiến cho từ Abraham đã hình thành 3 tôn giáo lớn của thế giới là Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo và Hồi giáo. 4 đặc trưng: tính thông minh, sáng tạo; bản lĩnh và nghị lực kiên trì; tinh thần Chutzpah; sự tôn trọng cá nhân và tính cộng đồng dân tộc đã thúc đẩy sự phát triển vượt bậc về KHCN&ĐMST của người Do Thái, tạo nên kỳ tích phát triển của Israel hiện nay.

Tính thông minh, sáng tạo

Kinh Thánh Do Thái dạy rằng, một người thông minh, biết tính toán, ngay dù đôi khi có thể dùng thủ đoạn để đạt mục đích vẫn thích hợp với tư cách là người lãnh đạo dẫn dắt một dân tộc hơn là một người bốc đồng, không đủ phẩm chất và năng lực đưa ra những lựa chọn sáng suốt (như người anh Esau). Do Thái được xem là một dân tộc thông minh. So với chỉ số IQ trung bình của người Mỹ là 100 thì chỉ số IQ trung bình của người Do Thái được chấp nhận rộng rãi là 110. Về mặt sáng tạo khoa học, từ năm 1901 đến 2022, trong tổng số 913 cá nhân được trao giải Nobel thì có 288 người gốc Do Thái đến từ 28 quốc gia trong tất cả 6 lĩnh vực, chiếm 31,5%. Đến nay, những người Do Thái có đóng góp nổi bật làm thay đổi thế giới có thể kể đến là: Chúa Jesus; nhà kinh tế học và nhà sáng lập chủ nghĩa cộng sản Karl Marx; nhà vật lý lý thuyết thiên tài Albert Einstein; nhà phân tâm học Sigmund Freud; nhà thơ Đức Heinrich Heine; "Vua dầu mỏ" Rockefelle; họa sỹ lừng danh Picasso; nhà sáng lập giải báo chí danh giá Joseph Pulitzer; "Vua tài chính" George Soros; "cha đẻ" cỗ máy tìm kiếm Google Sergey Brin; "cha đẻ" mạng xã hội Facebook Mark Zuckerberg…

Bí quyết sự thông minh, sáng tạo vượt trội của người Do Thái nằm ở 3 hoạt động rất được coi trọng là: đọc sách, giáo dục và làm theo Kinh Torah.

Đọc sách và giáo dục là hai việc được toàn dân Do Thái coi trọng hàng đầu. Ngay từ năm 64 (sCN), Nhà thờ đã quy định tất cả đàn ông phải biết đọc, biết viết và tính toán; sang thế kỷ II thì bắt buộc mọi đàn ông phải có nghĩa vụ dạy con trai mình đọc, viết và tính toán. Người Do Thái đã phổ cập giáo dục cho nam giới trước các dân tộc khác gần 20 thế kỷ. Dù lưu lạc ở đâu, người Do Thái cũng đều có tỷ lệ biết đọc, biết viết cao hơn hẳn người bản địa. Hiện nay, Israel là nước đứng đầu thế giới về số dân đọc sách từ 14 tuổi, đứng đầu thế giới về số sách xuất bản trên đầu người.

Hình ảnh phổ biến của người Do Thái, từ trẻ em đến cụ già là luôn cầm quyển sách trên tay. Họ coi sách là “kho vàng” khơi dậy sức sáng tạo và khả năng tư duy để rồi từ đó hình thành nên “trí tuệ” - thứ quý hơn cả tiền bạc và của cải. Với trẻ nhỏ, người Do Thái có phong tục thực hiện nghi lễ “hôn sách ngọt”. Trong lễ này, cha mẹ nhỏ vài giọt mật lên Thánh Kinh cho bé ngửi và liếm nó. Ấn tượng ban đầu về sự ngọt ngào, hấp dẫn của sách sẽ đi theo bé suốt cuộc đời.

Người Do Thái coi sách là “kho vàng” khơi dậy sức sáng tạo và khả năng tư duy để rồi từ đó hình thành nên “trí tuệ” - thứ quý hơn cả tiền bạc và của cải (ảnh: Getty).

Khi mang thai, bên cạnh việc lựa chọn đồ ăn rất kỹ lưỡng, các bà mẹ Do Thái thường nghe nhạc, chơi đàn, hát và làm toán đến khi sinh con. Họ tin rằng quá trình thai giáo này sẽ giúp bé trở nên thông minh. Trí thông minh chỉ có được nhờ rèn luyện qua tư duy phản biện. Bí quyết giáo dục của người Do Thái là phương pháp Havruta, gồm đối thoại, chất vấn và sáng tạo. Ngay từ nhỏ, trẻ em Do Thái đã được khuyến khích tranh luận với người lớn, đưa ra những ý tưởng riêng, vượt ra ngoài những khuôn mẫu thông thường. Lớp học hàng tuần là bữa cơm gia đình ngày nghỉ Shabbat vào thứ 7. Đến ngày Shabbat, mọi đàn ông Do Thái đều dẹp hết mọi công việc sang một bên để làm nhiệm vụ giáo dục con cái. Ở trường, học sinh Do Thái được khuyến khích đặt thật nhiều câu hỏi cho giáo viên.

Cuốn sách quan trọng hàng đầu mà mỗi người Do Thái cần phải học từ năm lên 6 tuổi là Kinh Torah. Kinh Torah gồm hai phần: Kinh Thánh Hebrew (mà Thiên Chúa giáo gọi là “Cựu ước”) là Kinh Torah viết, kể về lịch sử dân tộc Do Thái, giúp rèn luyện tính cách, phẩm chất, niềm tin. Talmud là Kinh Torah truyền khẩu, được xem là nơi khởi nguồn của trí tuệ Do Thái, là kim chỉ nam cho lối sống của người Do Thái.

Nước nhỏ, dân ít, Israel cần tập trung trí tuệ cho việc bảo vệ an ninh của quốc gia. Những đơn vị tinh nhuệ của Lực lượng Phòng vệ Israel (Israel Defense Forces - IDF) được đánh giá ngang hàng với những đại học hàng đầu thế giới như Harvard, Princeton, Yale. Những người lính của IDF rất ít được hướng dẫn từ cấp trên, họ được kỳ vọng là có khả năng ứng biến, thậm chí có thể phá vỡ những quy tắc truyền thống trong quân đội các nước phương Tây. Rất nhiều quân nhân sau khi giải ngũ đã trở thành những học giả, doanh nhân hàng đầu như những ông chủ của NICE Systems, Compugen…

Có thể khẳng định, tính thông minh, sáng tạo là nền tảng khởi đầu cho sự phát triển của KHCN&ĐMST. Người Việt Nam là dân tộc cũng có phẩm chất này. Tuy nhiên, về mọi mặt (chỉ số IQ, tinh thần đọc sách, nền giáo dục...) đều không thể so sánh với người Do Thái.

Bản lĩnh và nghị lực kiên trì

Vào thời kỳ khi các dân tộc cổ xưa còn theo tín ngưỡng đa thần thì người Do Thái đã là dân tộc đầu tiên có bản lĩnh từ bỏ việc thờ các ngẫu tượng để theo tín ngưỡng độc thần. Phải là người có bản lĩnh vững vàng như thế nào thì tổ phụ Abraham mới có thể vượt qua phép thử khủng khiếp của Thiên Chúa là chấp nhận hy sinh đứa con trai duy nhất của mình là Isaac để dâng cho Ngài.

Tổ phụ Jacob (cháu nội của Abraham, con trai của Isaac) là tấm gương điển hình của một người đầy bản lĩnh và nghị lực kiên trì tranh đấu. Theo Thánh Kinh, ngay từ trong bào thai, Jacob đã vật lộn với người anh song sinh của mình là Esau. Khi lọt lòng, Jacob đã nắm gót chân anh mình mà kéo lại. Lúc còn nhỏ, Jacob đã thuyết phục được anh Esau đổi quyền thừa kế của mình lấy một bát canh. Khi đến tuổi trưởng thành, Jacob đã giả làm Esau để người cha mù lòa ban cho quyền thừa kế. Trên đường Jacob đi tránh cơn thịnh nộ của Esau, khi đang suy sụp vì lo sợ thì xuất hiện một người lạ đánh ông và khích lệ ông đánh lại, dạy ông phải biết tự bảo vệ mình; lúc chia tay, người lạ này đã đặt tên cho ông là “Israel” (có nghĩa là “kẻ đã chiến đấu với Thượng Đế”). Cuộc đời Jacob luôn thành công là nhờ có bản lĩnh và nghị lực kiên trì với mục tiêu đã đặt ra.

Khả năng sinh tồn của dân tộc Do Thái không chỉ nhờ bản lĩnh và nghị lực kiên trì, mà còn nhờ tính “bướng bỉnh”, tinh thần phản biện, đấu tranh không khoan nhượng mà nền giáo dục Do Thái đã chú trọng rèn luyện. Moses, người đưa dân tộc của mình trốn thoát ách nô lệ của Ai Cập, đã từng tranh luận với Đức Chúa Trời về tính công bằng trong các hành động và mệnh lệnh của Ngài. Ngay trong lần gặp đầu tiên, Moses từng trách Đức Chúa Trời về việc sao Ngài để dân của mình phải làm nô lệ khổ cực ở Ai Cập? Lần khác, Moses tranh luận quyết liệt với Đức Chúa Trời về việc trừng phạt con cái do tội lỗi của tổ phụ là không đúng.

Bản lĩnh và nghị lực kiên trì là phẩm chất cần có của người làm khoa học, nhất là trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Người Việt Nam là dân tộc có bản lĩnh, nhưng là bản lĩnh tập thể: khi có tập thể thì ngay cả vua cũng phải chào thua (phép vua thua lệ làng), còn khi đứng một mình thì người Việt thường tránh thể hiện mình (vì biết “Chữ tài liền với chữ tai một vần”) mà tìm cách hòa mình vào số đông (“Đi với Bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”), dạy nhau cách ứng xử sao cho khôn khéo để tự vệ (“Khôn khéo lấy miệng mà sai, vụng dại lấy vai mà đỡ”).

Tinh thần Chutzpah

Trong tiếng Do Thái, “chutzpah” là một từ đa nghĩa, bên cạnh nghĩa tích cực là ‘táo bạo, cả gan” thì còn có cả những nghĩa tiêu cực như ‘xấc xược, thô lỗ…’. Nhưng khi dùng trong cụm từ “tinh thần chutzpah” thì nó được hiểu là lòng ‘dũng cảm, khí phách, nhiệt huyết; ham hiểu biết, sáng tạo không ngừng’ và được xem là một phẩm chất đặc trưng, một báu vật của người Do Thái.

Sự không thỏa mãn, luôn nghi ngờ đã khiến người Israel không ngại đi ngược chiều, liều lĩnh, sáng tạo để tìm ra cách làm mới hiệu quả hơn. Với họ, sự trầm lặng sẽ có nguy cơ bị tụt hậu, dù là ở gia đình, trên giảng đường hay trong quân đội. Ở Israel, sinh viên chất vấn giảng viên, nhân viên thách thức ông chủ, binh lính chất vấn sỹ quan chỉ huy, thư ký "sửa lưng” các bộ trưởng… là chuyện thường ngày. Người nước ngoài mới đến Israel có thể cho rằng, người Israel thật là thô lỗ. 

Tinh thần chutzpah là sáng tạo một cách dũng cảm, “học hỏi từ thất bại”, đó là “thất bại có tính xây dựng”, “thất bại thông minh”. Một nghiên cứu năm 2006 của Đại học Harvard cho thấy, những doanh nhân từng thất bại sẽ có cơ hội thành công cao hơn 20% ở lần khởi nghiệp tiếp theo. Israel được xem là môi trường tốt nhất ở Trung Đông và là một trong những nơi tốt nhất trên thế giới để khởi nghiệp, kể cả khi doanh nghiệp cũ bị phá sản. Hiện nay, bàn về phép màu kinh tế Israel, nhiều học giả Do Thái cho rằng, tính dám mạo hiểm của người nhập cư đóng một vai trò quan trọng.

Tinh thần Chutzpah là cơ sở của tính dám mạo hiểm - một phẩm chất quan trọng của dân du mục mà người Do Thái là điển hình. Ở Israel, tính mạo hiểm là động lực cho các mô hình thử nghiệm. Loại mô hình này được áp dụng khá phổ biến trong quân đội và các doanh nghiệp Israel. Nước nhỏ, dân ít, xung đột thường xuyên đòi hỏi quân đội phải tinh nhuệ. Trong các đơn vị tinh nhuệ của Israel, mỗi ngày là một “thử nghiệm”, mỗi trận đánh là một “thử nghiệm”. Chính vì vậy, truyền thống của quân đội Israel là “không có truyền thống”. Sự thành công của ngành đầu tư mạo hiểm (venture capital industry) khai sinh ở Israel năm 1985 gắn liền với Chương trình Yozma (tiếng Hebrew có nghĩa là “sáng kiến”) được OECD đánh giá là “chương trình thành công và độc đáo nhất trong lịch sử dài hơi của Israel về chính sách đổi mới. Israel dẫn đầu thế giới về sự đóng góp của đầu tư mạo hiểm công nghệ cao trong tăng trưởng với con số ấn tượng là 70%.

Tinh thần táo bạo, dám mạo hiểm là phẩm chất rất điển hình của loại hình văn hóa thiên về dương tính mà người Việt Nam thuộc loại hình văn hóa thiên về âm tính, tránh né bộc lộ mình thường không có.

Tính cộng đồng dân tộc và sự tôn trọng cá nhân

Phần lớn mọi người thường nghĩ rằng, tính cá nhân đối lập với tính cộng đồng; phương Tây có tính cá nhân, trái ngược với phương Đông có tính cộng đồng. Đó là một sai lầm cả về lý luận lẫn thực tiễn. Về lý luận, mọi nền văn hóa đều có cả cặp đặc trưng cộng đồng và cá nhân, nhưng khác nhau ở mức độ và quy mô của cộng đồng. Về thực tiễn, người phương Tây nhấn mạnh việc coi trọng cá nhân nhưng đồng thời coi trọng cộng đồng xã hội; mỗi người đều có ý thức bảo vệ xã hội (không xả rác, bảo vệ động vật, bảo vệ người yếu thế…). Trong khi người Đông Nam Á làm nông nghiệp lúa nước (loại hình văn hóa thiên về âm tính) coi trọng cộng đồng làng xã nhưng đồng thời có tính cá nhân chủ nghĩa nặng, rất tư hữu, ích kỷ. Người Đông Bắc Á làm nông nghiệp khô (trồng mì, kê mạch, cao lương…) coi trọng cộng đồng gia đình. Người Do Thái (Tây Nam Á) chăn nuôi du mục coi trọng cá nhân và đồng thời có tính cộng đồng dân tộc rất mạnh.

Theo kinh Thánh Hebrew (Cựu ước), Moses được Thiên Chúa giao trách nhiệm dẫn dắt đồng bào của mình (khoảng 40 vạn người nô lệ Do Thái) thực hiện cuộc vượt thoát vĩ đại, chạy trốn khỏi Ai Cập, vượt qua Biển Đỏ đi về hướng đông, lưu lạc trong sa mạc 40 năm trước khi đến Miền đất hứa. Thời gian 40 năm lưu lạc trong sa mạc là một cuộc thanh lọc đạo đức, loại bỏ thế hệ từ chối Chúa, rèn luyện thể chất và ý chí để biến một đoàn người ban đầu rất hỗn tạp với tổ chức lỏng lẻo dần dần trở thành một dân tộc đoàn kết chặt chẽ, có bản lĩnh quật cường.

Tính cộng đồng dân tộc cùng với việc coi trọng vai trò cá nhân đã giúp cho người Do Thái có đủ sức mạnh để kiên trì vượt qua sự đối xử phân biệt, sự bức hại của các nước láng giềng, sự hủy diệt của những đạo quân xâm lăng và của các quốc gia nơi họ sống lưu vong; giúp cho các cộng đồng Do Thái dù ở phân tán trên thế giới, cách nhau hàng vạn cây số, trong những điều kiện sống rất khác biệt vẫn duy trì được sự kết nối trong suốt lịch sử, duy trì được sự trao đổi thương mại ở tầm xa, gìn giữ được những tập quán chung với những tư tưởng, phong tục, văn hóa thống nhất nhờ Do Thái giáo. Từ khi tái lập quốc (năm 1948), người Do Thái ở Israel đã tạo dựng nên những Kibboutz2 mỗi ngày một phát triển.

Sự tôn trọng cá nhân là phẩm chất điển hình của loại hình văn hóa thiên về dương tính. Ở người Do Thái, nó được củng cố bởi tính cộng đồng dân tộc. Cá nhân có được tôn trọng thì con người mới phát huy được sức sáng tạo, khoa học - công nghệ mới có thể phát triển.

Người Việt Nam có tính cộng đồng làng xã đi kèm với tính cá nhân chủ nghĩa và rất coi nhẹ vai trò cá nhân. Từ Đổi mới (1986) đến nay, xu hướng ưu tiên cho vai trò cá nhân đang trở nên ngày một rõ nét hơn. Tuy nhiên, theo kết quả cuộc khảo sát của chúng tôi năm 2015 với 5.596 người tham gia, tính cộng đồng làng xã vẫn được 65,9% thừa nhận là một giá trị quan trọng, chiếm vị trí thứ tư trong số các giá trị của người Việt Nam. Số người tham gia cho biết rằng mình coi trọng việc “sống có bản lĩnh, không chạy theo đám đông” mới chỉ chiếm 35,4%. Với tính cộng đồng làng xã mạnh như vậy, việc sống có bản lĩnh, không chạy theo đám đông không phải là dễ; những người có tư duy sáng tạo, dám đề xuất những ý tưởng mới thường dễ bị “ném đá” tập thể. Điều này khiến cho KHCN&ĐMST, trong đó có khoa học xã hội khó bề phát triển.

*

*     *

Nghiên cứu sự phát triển của KHCN&ĐMST trên nền tảng văn hóa qua so sánh trường hợp Do Thái với Việt Nam cho thấy ảnh hưởng rõ rệt của sự khác biệt về loại hình văn hóa. Cho dù có con người thông minh, sáng tạo mà thiếu những phẩm chất của loại hình văn hóa thiên về dương tính như bản lĩnh và nghị lực kiên trì; tinh thần táo bạo và dám mạo hiểm; sự tôn trọng cá nhân và tính cộng đồng xã hội, dân tộc thì khó có thể có sự phát triển mạnh về KHCN&ĐMST. Việc xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới hiện đang được Việt Nam hết sức quan tâm, hy vọng sẽ là cú hích cho sự phát triển của KHCN&ĐMST trên nền tảng văn hóa và văn hóa dân tộc.

1. CeCRS (2020), Kinh Thánh và sự thông minh của người Do Thái, www.trungtamtongiao.vn/kinh-thanh-va-su-thong-minh-cua-nguoi-do-thai-2/872 (truy cập ngày 24/04/2023).

2. Dan Senor - Saul Singer (2013), Tinh thần chutzpah, https://tuoitre.vn/tinh-than-chutzpah-576999.htm (truy cập ngày 24/04/2023).

3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2022), Xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa trong thời kỳ mới, https://dangcongsan.vn/thoi-su/xay-dung-he-gia-tri-quoc-gia-he-gia-tri-van-hoa-trong-thoi-ky-moi-625983.html (truy cập ngày 24/04/2023).

4. Đặng Hoàng Xa (2015), Câu chuyện Do Thái: Lịch sử thăng trầm của một Dân tộc, Nhà xuất bản Hồng Đức, 300 trang.

5. B. Reich, D.H. Goldberg (2016), Historical Dictionary of Israel, Rowman & Littlefield Publishers, 780 p.

6. Trần Ngọc Thêm (2022), Hệ giá trị Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại, xuất bản lần 1 năm 2016. Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 598 trang.

7. Wikipedia (2023). List of Jewish Nobel laureates. https://en.wikipedia.org/wiki/List_of_Jewish_Nobel_laureates (truy cập ngày 24/04/2023).

8. Гачев Г.Д. (1993), Наука и национальная культура (гуманитарный комментарий

 

1 Chúng tôi dùng tên gọi “Do Thái” khi nói về dân tộc, con người không giới hạn thời gian và không gian; dùng tên gọi “Israel” khi nói đến quốc gia mới được tái lập từ năm 1948 trên mảnh đất Palestine

2 Kibboutz là một cộng đồng gồm vài trăm người sống chung trong một làng theo 3 nguyên tắc cơ bản: làm việc chung, ăn uống và tiêu pha chung. Mọi người trong Kibboutz đều bình đẳng. Người chỉ huy do Hội nghị Kibboutz bầu ra, làm việc theo nhiệm kỳ, luân phiên nhau, làm việc với hiệu quả cao, không có hiện tượng lạm dụng địa vị để tham nhũng. Sự thành công của các Kibboutz chính là sản phẩm của tính cộng đồng dân tộc cùng với sự tôn trọng vai trò cá nhân.

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)