Thứ sáu, 13/05/2022 08:57

Thực trạng hoạt động xác lập quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam

Mới đây, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương đã công bố báo cáo “Cải cách kinh tế nhằm bảo hộ sở hữu trí tuệ (SHTT) hiệu quả trong bối cảnh hội nhập kinh tế và chuyển đổi số ở Việt Nam”. Một trong những nội dung quan trọng của báo cáo là phân tích những yếu tố tích cực và hạn chế của hoạt động xác lập quyền SHTT ở Việt Nam. Bài báo xin giới thiệu những điểm nhấn quan trọng của nội dung này trong báo cáo.

Theo quy định của pháp luật, quyền tác giả (QTG) và quyền liên quan (QLQ) được phát sinh trên cơ sở sáng tạo và định hình hoặc thực hiện. Việc đăng ký QTG, QLQ không có ý nghĩa xác lập quyền mà chỉ có giá trị tạo ra chứng cứ về tuyên bố quyền. Trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp (SHCN), theo quy định pháp luật, quyền của một số đối tượng như sáng chế (SC), kiểu dáng công nghiệp (KDCN), thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý chỉ được xác lập trên cơ sở tiến hành đăng ký và cấp văn bằng bảo hộ. Hoạt động xác lập quyền đối với các đối tượng này được thực hiện tại Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT). Quyền đối với giống cây trồng được xác lập trên cơ sở quyết định cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký.

Theo Báo cáo thì hoạt động xác lập quyền SHCN được thực hiện ngay từ giai đoạn Cục SHTT mới được thành lập, nhưng hoạt động này chỉ phát triển đáng kể từ khi Việt Nam ban hành Luật SHTT năm 2005. Trong giai đoạn từ năm 2006 đến hết năm 2018, Cục SHTT đã tiếp nhận 512.353 đơn đăng ký xác lập quyền đối với các đối tượng quyền SHCN (tăng trung bình 6,14%/ năm), cấp 278.827 văn bằng bảo hộ đối với các đối tượng quyền SHCN (tăng trung bình 9,44% một năm). Trong 2 năm (2019 và 2020) chứng kiến những biến động phức tạp do dịch bệnh Covid-19 gây ra trên thế giới và ở Việt Nam dẫn đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm mạnh. Dịch bệnh Covid-19 cũng đã ảnh hưởng mạnh đến hoạt động SHTT trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Mặc dù vậy, số lượng đơn đăng ký xác lập quyền vẫn có tỷ lệ tăng đáng khích lệ. Năm 2019, Cục SHTT đã nhận được 75.742 đơn đăng ký xác lập quyền SHCN (tăng 26,7% so với năm 2018); cấp 40.715 văn bằng bảo hộ SHCN (tăng 40,6% so với năm 2018). Năm 2020, Cục SHTT nhận được 76.720 đơn đăng ký xác lập quyền SHCN (tăng 1,3% so với năm 2019) và cấp 48.072 văn bằng bảo hộ SHCN (tăng 18,1% so với năm 2019). Số lượng đơn được Cục SHTT xử lý cũng tăng nhanh, trung bình 8,7%/năm.

Trong lĩnh vực bảo hộ quyền đối với giống cây trồng, từ khi Luật SHTT được ban hành năm 2005 đến hết năm 2017, Cục Trồng trọt đã tiếp nhận 927 đơn xác lập quyền và cấp 432 Bằng bảo hộ đối với giống cây trồng. Mặc dù số lượng đơn xác lập quyền có giảm đi ở một vài năm, cụ thể là năm 2011 giảm từ 67 đơn của năm 2010 xuống còn 52 đơn, năm 2013 giảm từ 104 đơn (2012) xuống còn 91 đơn, nhưng xu hướng chung là ngày càng gia tăng. Trong số đó, đơn xác lập quyền có nguồn gốc Việt Nam luôn chiếm tỷ lệ cao hơn nhiều so với đơn có nguồn gốc từ nước ngoài (tính từ 2004 đến 2016 thì tổng số đơn Việt Nam gấp khoảng 2,5 lần số đơn của người nước ngoài).

“Có thể nói, trong những năm qua, nhìn chung hoạt động xác lập quyền SHCN và quyền đối với giống cây trồng về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Nhà nước đã thiết lập các quy trình, thủ tục để cá nhân, tổ chức có thể đăng ký xác lập quyền SHTT và duy trì bộ máy các cơ quan để thực hiện các quy trình, thủ tục đó. Bộ máy thực hiện thủ tục công nhận quyền SHTT đã vận hành thông suốt, tạo cơ sở pháp lý bảo để các văn bằng được bảo hộ được đưa vào khai thác thương mại một cách an toàn” - Báo cáo khẳng định.

Bên cạnh những điểm sáng, Báo cáo cũng chỉ ra khoảng cách lớn giữa chủ đơn SC là người nước ngoài và người Việt Nam. Khoảng cách giữa số lượng đơn đăng ký nộp xin cấp bằng sáng chế bởi chủ đơn nước ngoài trung bình cao gấp 10 lần so với đơn đăng ký nộp bởi chủ đơn trong nước. Báo cáo nhận định: “Mặc dù khoảng cách được rút ngắn dần theo thời gian, song đây cũng là thực tế đáng báo động cho thấy công tác thực hiện quyền SHTT chưa được chú trọng đúng mức ở trong nước. Đặc biệt, công tác tuyên truyền về pháp luật SHTT đến doanh nghiệp và người dân vẫn còn hạn chế. Vì vậy, số lượng đơn đăng ký bảo hộ quyền SHTT của chủ đơn trong nước thấp và chưa tương xứng với xu hướng phát triển của kinh tế - xã hội và pháp luật SHTT”.

Tuy nhiên, xét riêng về số lượng đơn đăng ký giải pháp hữu ích, số lượng chủ đơn Việt Nam duy trì ở mức cao hơn so với chủ đơn nước ngoài. Đáng lưu ý, các chuyên gia, lao động nữ của Việt Nam đã tích cực hơn trong phát triển và đăng ký các sáng kiến, gắn với yêu cầu thực tiễn của công việc và nhu cầu xã hội. Như vậy, có thể thấy rằng, chất lượng của các đăng ký SHTT của Việt Nam còn ở mức sơ khai. Việc sở hữu nhiều hơn số lượng đơn đăng ký giải pháp hữu ích thay vì sáng chế cũng phần nào phản ánh trình độ kỹ thuật và khả năng sản xuất của Việt Nam vẫn còn ở mức thấp (chỉ sở hữu được 1 vài kỹ thuật thay vì toàn bộ sản phẩm hoặc quy trình sản xuất).

Báo cáo cũng cho biết, số lượng đối tượng nộp đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích của Việt Nam chủ yếu là cá nhân. Chủ thể cá nhân có số lượng đơn đăng ký sáng chế cao gấp nhiều lần so với đối tượng các trường đại học và viện nghiên cứu (khoảng 5 -6 lần) và doanh nghiệp (khoảng 3 lần). Năm 2020 là năm duy nhất trong vòng 10 năm trở lại đây khi khối doanh nghiệp có số lượng đơn đăng ký sáng chế nhiều hơn cá nhân.

Trong giai đoạn 2010-2020, các quốc gia nộp đơn xin cấp quyền bảo hộ SHTT cho các sáng chế và giải pháp hữu ích tại Việt Nam gồm có Nhật Bản (17.529 đơn đăng ký), Hoa Kỳ (12.489 đơn đăng ký), Hàn Quốc (6.372 đơn đăng ký) và Trung Quốc (5.46 đơn đăng ký). Các nước kể trên đều là các đối tác thương mại quan trọng đối với Việt Nam. Từ thực tiễn số lượng đơn đăng ký bảo hộ SHTT của các đối tác thương mại chính của Việt Nam, có thể thấy rằng, các quốc gia này có sự chuẩn bị rất tốt về kiến thức và kỹ năng bảo hộ SHTT khi tham gia vào các FTA để có thể bảo vệ cho các doanh nghiệp của nước họ. Các quốc gia này cũng có nhiều năm kinh nghiệm hơn so với Việt Nam về bảo hộ quyền SHTT.

Từ phân tích bức tranh tổng quan về hoạt động xác lập quyền SHTT ở Việt Nam, Báo cáo đưa ra một số hàm ý quan trọng: 1) cách tiếp cận của một bộ phận doanh nghiệp Việt Nam theo hướng sao chép, bắt chước các sáng chế, giải pháp hữu ích của các đối tác nước ngoài sẽ khó có thể có hiệu quả bền vững, thậm chí không phát huy được tác dụng ngay cả trong ngắn hạn; 2) doanh nghiệp Việt Nam cần có cách tiếp cận bài bản hơn đối với đổi mới sáng tạo nói chung và phát triển, nắm giữ các sáng chế, giải pháp hữu ích nói riêng; 3) bản thân doanh nghiệp Việt Nam cũng cần tiếp thu kinh nghiệm từ chính các doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam, qua đó chủ động hơn trong việc đăng ký bảo hộ SHTT ở các thị trường nước ngoài.

Vũ Hưng

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)