Thứ hai, 09/05/2022 15:20

Xây dựng Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050

Thực hiện Quyết định số 1658/QĐTTg ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh (TTX) giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 (gọi tắt là “Chiến lược TTX”), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì và đang xin ý kiến dự thảo “Kế hoạch hành động quốc gia về TTX giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050” (gọi tắt là “Kế hoạch hành động TTX”). Theo dự thảo, Kế hoạch hành động TTX giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 sẽ có nhiều điểm mới, đặc biệt là những điểm mới theo kết quả COP26 và các cam kết mới của Việt Nam.

Bối cảnh mới

Theo cơ quan chủ trì soạn thảo tại dự thảo Tờ trình về Kế hoạch hành động TTX thì sau khi ban hành Chiến lược quốc gia về TTX giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, bối cảnh và xu hướng đã có nhiều thay đổi. Chính vì vậy, việc ban hành Kế hoạch hành động TTX là cần thiết để cụ thể hóa các mục tiêu và nhiệm vụ của Chiến lược.

Cam kết phát thải ròng bằng “0” của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP26

Hội nghị COP26 với sự tham gia của 197 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đưa ra các cam kết và lộ trình cắt giảm phát thải KNK (KNK) mạnh mẽ nhất từ trước đến nay. Theo nhóm hợp tác về Công cụ theo dõi PTR0 (Net Zero Tracker), 136 quốc gia - tương đương tổng lượng phát thải KNK chiếm gần 88% và đóng góp GDP khoảng 90% toàn cầu - đã cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” (PTR0) vào giữa thế kỷ XXI. Hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ cam kết chấm dứt và đẩy lùi nạn phá rừng. 34 quốc gia và một số ngân hàng và cơ quan tài chính cam kết tăng cường hỗ trợ các dự án bền vững hơn và ngừng tài trợ quốc tế cho "lĩnh vực năng lượng nhiên liệu hóa thạch không có công nghệ giảm nhẹ vào cuối năm 2022, trừ những trường hợp hạn chế và được xác định rõ ràng phù hợp với giới hạn nóng lên 1,5°C và các mục tiêu của Thỏa thuận Paris". Hơn 40 quốc gia đã cam kết loại bỏ than đá. Tại COP26, Việt Nam cũng đã cam kết đạt PTR0 vào năm 2050, giảm phát thải khí mê-tan 30% vào năm 2030, giảm dần và loại bỏ điện than trong giai đoạn 2030-2040, bảo vệ rừng.

Phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch Covie-19 thông qua tăng tốc phát triển nền kinh tế xanh

Tiến trình phát triển nền kinh tế xanh đang diễn ra với tốc độ nhanh hơn và ở mức độ cao hơn, một phần được thúc đẩy bởi tác động của đại dịch COVID-19. Cho đến nay, diễn biến của COVID-19 còn nhiều bất ổn, ảnh hưởng nghiêm trọng về kinh tế, xã hội và sức khỏe với hệ quả được dự báo trong cả ngắn hạn và dài hạn. Theo đó, Chính phủ toàn thế giới phải liên tục đưa ra lựa chọn cách tiếp cận phù hợp cho phục hồi kinh tế - xã hội. Trong đó, theo Báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, cách tiếp cận xanh đối với phục hồi kinh tế (hay “phục hồi xanh”) - hướng tới mục tiêu kép về tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) - đang là lựa chọn hàng đầu được Liên hợp quốc khuyến khích và các vùng lãnh thổ, quốc gia phát triển tiên phong thúc đẩy. Tiếp nối các Chiến lược phát thải thấp theo hướng xanh, sạch với tầm nhìn dài hạn đến giữa thế kỷ XXI (LTS), Thỏa thuận kinh tế xanh (Green Deal), Thỏa thuận kinh tế xanh mới (Green New Deal) được công bố với kỳ vọng đẩy mạnh quá trình phục hồi và TTX thêm một bước mới.

Kinh tế xanh và kinh tế số - động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế và phục hồi xanh

Cùng với các thành tựu đột phá của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt là công nghệ thông tin. Kinh tế xanh và kinh tế số được xem là hai động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế và phục hồi xanh. Nền kinh tế xanh mở ra thời kỳ tăng trưởng cao dựa trên đổi mới sáng tạo và sử dụng hiệu quả tài nguyên, tạo cơ hội phát triển mới với quy mô thị trường toàn cầu cho các sản phẩm, dịch vụ xanh ước tính đạt trên 5 nghìn tỷ đô la Mỹ và có tốc độ tăng trưởng cao hơn các thị trường truyền thống. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế, đến năm 2030, nền kinh tế xanh được dự báo tạo ra 24 triệu việc làm mới trên toàn cầu nếu các quốc gia có những chính sách phù hợp. Nền kinh tế số với giá trị gia tăng cao, dựa trên tri thức, tạo ra nhu cầu về việc làm mới - bao gồm việc làm xanh - đã và đang hình thành, góp phần thực hiện các mục tiêu của nền kinh tế - TTX. Tận dụng những thành tựu của nền kinh tế số trong phát triển các mô hình quản lý, sản xuất, kinh doanh và cách thức tiêu dùng mới, “thông minh” (đặc biệt với các ngành năng lượng, công nghiệp, nông nghiệp và sử dụng đất, tòa nhà, dịch vụ, giao thông vận tải) giúp tối ưu hóa phân bổ nguồn lực, tăng 30% sản lượng nông nghiệp, tiết kiệm 300 nghìn lít nước và 25 tỷ thùng dầu mỗi năm, mang lại lợi ích kinh tế khoảng 11 nghìn tỷ đô la Mỹ (theo tổ chức "Sáng kiến Phát triển Bền vững Toàn cầu – GeSI”), giảm 15% tổng lượng KNK toàn cầu đến năm 2030 (theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới).

Giao thoa thương mại hàng hóa, công nghệ và tính bền vững

Quá trình toàn cầu hóa vẫn tiếp tục được đẩy mạnh và thương mại toàn cầu trong thời gian tới được dự báo sẽ có nhiều thay đổi. Khác với thương mại hàng hóa truyền thống, thương mại toàn cầu trong tương lai sẽ là sự giao thoa giữa thương mại hàng hóa, công nghệ và tính bền vững. Việc ứng dụng thương mại điện tử sẽ có tác động đáng kể đến cách thức giao thương hàng hóa toàn cầu. Tính bền vững tiếp tục được đặt lên hàng đầu trong các chương trình nghị sự của quốc gia và doanh nghiệp, làm thay đổi bản chất và giá trị hàng hóa, trong đó các sản phẩm xanh sẽ trở thành xu hướng tiêu dùng mới. Đặc biệt, một số cơ chế thương mại mới như “Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon” (CBAM) do Châu Âu khởi xướng nhằm đánh thuế các mặt hàng nhập khẩu có khả năng gây ô nhiễm như thép, nhôm và phân bón có thể trở thành xu hướng mới trong tương lai và được đưa vào các chương trình đàm phán, các Hiệp định thương mại. Các nước tham gia cam kết cần đề cao trách nhiệm xã hội, môi trường để cùng giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, giảm phát thải KNK, từ đó mở ra nhiều cơ hội phát triển, thúc đẩy đầu tư, thương mại hàng hóa sản phẩm, dịch vụ xanh.

Dự thảo Kế hoạch hành động TTX: điểm mới theo kết quả COP26 và các cam kết mới của Việt Nam

Để hướng tới Lộ trình PTR0, Dự thảo Kế hoạch hành động TTX đã đưa ra một số nội dung quan trọng trong một số ngành, lĩnh vực như: năng lượng và công nghiệp; giao thông; xây dựng; nông - lâm nghiệp; quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Cần nâng cao tỷ trọng năng lượng tái tạo trong hệ thống năng lượng quốc gia.

Năng lượng và công nghiệp: tăng cường sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, nâng cao tỷ trọng năng lượng tái tạo trong hệ thống năng lượng quốc gia, tập trung xây dựng lộ trình phát triển cho các công nghệ mới nổi (pin, điện thủy triều, điện gió ngoài khơi, năng lượng hydro), công nghệ sản xuất và sử dụng hydrogen xanh; hoàn thiện khung pháp lý cũng như các cơ chế quản lý vận hành thị trường điện cạnh tranh nhằm đảm bảo sự phát triển mạnh năng lượng tái tạo cho sản xuất điện; thực hiện các giải pháp tổng thể về sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm và hiệu quả, chú trọng các ngành/tiểu ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng, giảm thiểu phát thải KNK từ các quá trình công nghiệp; áp dụng BAT/BEP, công nghệ tiên tiến tự động hóa cao, ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất; xây dựng và phát triển khu công nghiệp/cụm công nghiệp sinh thái, làng nghề bền vững; xây dựng chiến lược và áp dụng các giải pháp tận dụng tài nguyên chất thải.

Giao thông: chú trọng đẩy nhanh việc chuyển đổi sang năng lượng sạch và chấm dứt sản xuất phương tiện giao thông chạy xăng, dầu; nâng cao ưu đãi cho doanh nghiệp vận tải đầu tư chuyển đổi đoàn phương tiện vận tải sang loại hình phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch và năng lượng tái tạo, đầu tư hệ thống giao thông phi cơ giới, phương tiện giao thông điện; xây dựng lộ trình kiểm soát khí thải phương tiện; xây dựng tiêu chuẩn cảng biển xanh, bến, tuyến vận tải thủy nội địa xanh, cảng hàng không xanh, nhà ga xanh, kho bãi xanh; hoàn thiện và triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý chất lượng nhiên liệu, tiêu chuẩn khí thải, công nghệ chế tạo và kỹ thuật bảo dưỡng phương tiện giao thông…

Xây dựng: đẩy mạnh thực hiện các hoạt động liên quan đến cải tiến, đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao mức độ cơ giới hóa, tự động hóa, sử dụng các loại nhiên liệu sạch, tăng cường hiệu quả sử dụng và sử dụng tiết kiệm nguyên vật liệu, nhiên liệu, giảm tiêu hao năng lượng trong các nhà máy, cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng; thúc đẩy sử dụng các loại nguyên vật liệu tái chế từ các loại chất thải để sản xuất vật liệu xây dựng, sản phẩm vật liệu xây dựng. Đặc biệt, cần đẩy mạnh phát triển các công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng, công trình đạt mức phát thải cacbon bằng không (công trình net-zero). Đây là các hoạt động quan trọng nhằm góp phần đáng kể trong thực hiện mục tiêu giảm thiểu phát thải KNK trong ngành xây dựng.

Nông - lâm nghiệp: phát triển và nâng cao chất lượng rừng để nâng cao khả năng hấp thụ các-bon.

Quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường: đẩy mạnh thực hiện các hoạt động liên quan đến công tác quản lý chất thải dựa trên cách tiếp cận của mô hình kinh tế tuần hoàn với quan điểm phải tận dụng được tối đa giá trị tài nguyên của chất thải, thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, hướng tới phát triển bền vững. Đồng thời, đối với các giải pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường từ các ngành, lĩnh vực trọng điểm, cần đẩy mạnh thực hiện các hoạt động hướng tới đạt được đồng lợi ích về giảm thiểu phát thải các chất ô nhiễm không khí và phát thải KNK.

Vũ Hưng

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)