Trung hòa cacbon trên thế giới
Tại Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về biến đổi khí hậu (COP26) tổ chức vào tháng 11/2021 tại Vương quốc Anh đã nêu mục tiêu giữ nhiệt độ Trái đất không tăng quá 1,5oC. Mục tiêu này có thể khó đạt được khi nhiệt độ trái đất đã tăng thêm 1,1oC, tức trung bình mỗi thập kỷ qua tăng 0,2oC. Mục tiêu giữ nhiệt độ Trái đất ở mức dưới 1,5oC cho thấy các quốc gia tham gia Hiệp định đều đã nhận ra, đây là vấn đề không chỉ quan trọng mà còn là khẩn cấp hiện nay. Bên cạnh đó, các nội dung chính của hiệp ước khí hậu Glasgow bao gồm:
Thứ nhất, đến cuối năm 2022 các quốc gia phải “xem xét và củng cố” các mục tiêu cắt giảm khí thải năm 2030. Đây được xem là động thái nhằm vào các quốc gia không nộp đúng hạn Bản cập nhật đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và những quốc gia đã nộp nhưng không tăng cường mức độ giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Thứ hai, về vấn đề tài chính khí hậu, trong điều 44 của Hiệp ước quy định, mục tiêu huy động 100 tỷ USD mỗi năm của các quốc gia phát triển vào năm 2020 đã không đạt được. Do vậy, Hiệp ước cũng yêu cầu các quốc gia phát triển cần tăng mạnh nguồn tài chính cho phù hợp với tình hình, đồng thời, xem xét tăng gấp đôi kinh phí. Hội nghị Glasgow cũng là dịp để các quốc gia hoàn thành các cuộc đàm phán về cơ chế hợp tác quốc tế, đặt ra các quy tắc nhằm tránh việc gian dối trong tính lượng phát thải khi liên kết vào hệ thống giao dịch phát thải (Emission trading systems) hoặc thanh toán bù trừ trên thị trường cacbon tự nguyện quốc tế để không phải trả cho lượng phát thải quá mức cam kết của mình.
Thứ ba, cũng trong điều 32 Hiệp ước Khí hậu Glasgow kêu gọi các bên liên quan chuẩn bị các chiến lược chuyển đổi từ phát thải dài hạn nồng độ thấp khí sang phát thải ròng bằng 0 tại thời điểm trước hoặc khoảng giữa thế kỷ XXI và chiến lược này cần phải hoàn thiện vào tháng 11/2022. Tiến tới mức phát thải ròng bằng không, có nghĩa các quốc gia vẫn có thể phát thải vào bầu khí quyển một lượng khí nhà kính, miễn là có thể bù đắp bằng các quá trình loại bỏ khí nhà kính từ bầu khí quyển. Ví dụ, đó có thể là trồng rừng mới hoặc sử dụng các công nghệ thu hồi. Càng phát thải nhiều, con người càng cần loại bỏ nhiều khí nhà kính khỏi bầu khí quyển để đạt mức phát thải ròng bằng 0. Trước khi diễn ra COP26, một số nước đã có cam kết phát thải ròng cacbon bằng 0 như Uruguay, Na Uy sẽ hoàn thành vào năm 2030, Phần Lan năm 2035, Áo năm 2040, Thụy Điển năm 2045, các nước Liên minh châu Âu (EU), Vương quốc Liên Hiệp Anh (UK), Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất năm 2050.
Phát triển điện gió giải pháp phát thải ròng bằng “0” của Việt Nam năm 2050
Tại COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tuyên bố, Việt Nam sẽ đạt mức phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050. Có thể nói, đây là một bước ngoặt lớn, một sự tái định hướng có ảnh hưởng sâu rộng đối với xã hội và phù hợp với tinh thần của thời đại. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã ký Tuyên bố chuyển đổi năng lượng than đá sang năng lượng sạch toàn cầu; cam kết chuyển đổi để dừng sản xuất điện than không có công nghệ lọc CO2 trong những năm 2040 hoặc sớm nhất có thể và ngừng cấp giấy phép mới cho các dự án nhiệt điện than không có công nghệ lọc CO2. Ngoài ra, không cấp phép xây dựng các dự án nhiệt điện than không có công nghệ lọc CO2 mới, cũng như kết thúc các chính sách mới hỗ trợ trực tiếp của Chính phủ cho ngành công nghiệp nhiệt điện than quốc tế không qua công nghệ lọc CO2. Cùng tham gia ký kết với Việt Nam còn có Hàn Quốc và các nước trong ASEAN như Philippines, Singapore, Indonesia và Brunei.
Điện gió có mức phát thải cacbon thấp nhất so với các nguồn điện khác như than, dầu, khí, hạt nhân, thủy điện, điện mặt trời, điện gió trên bờ 9 g/kWh, điện gió ngoài khơi 16 g/kWh, trong khi đó, điện than là 1050 g/kWh, gấp gần 116 lần so với điện gió1 (bảng 1). Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là quốc gia có cơ hội phát triển kỹ thuật điện gió rất lớn, có thể đạt trên 500 GW trong đó trên đất liền là 42 GW và điện gió ngoài khơi là 475 GW ở các vùng biển cách bờ tới 200 km.
Bảng 1. Các nguồn điện phát thải cacbon.
Thứ tự
|
Các nguồn điện
|
Phát thải cacbon (g/kWh)
|
1
|
Điện gió trên bờ
|
9
|
2
|
Điện gió ngoài khơi
|
16
|
3
|
Thủy điện
|
28
|
4
|
Điện hạt nhân
|
33
|
5
|
Điện mặt trời
|
75
|
6
|
Điện khí
|
450
|
7
|
Điện dầu
|
840
|
8
|
Điện than
|
1050
|
Hiện nay, tính đến hết năm 2021, trong hệ thống điện quốc gia đã có tổng cộng 84 nhà máy điện gió với tổng công suất gần 4.000 MW được công nhận vận hành thương mại COD, giúp giảm thiểu hàng triệu tấn cacbon phát thải. Theo báo cáo “Lộ trình phát triển điện gió ngoài khơi cho Việt Nam” do Ngân hàng Thế giới công bố trong năm 2021 thì Việt Nam có thể trở thành quốc gia có ngành điện gió ngoài khơi với kịch bản cao nhất lên tới 70 GW đến 2050 thành công với giá thành sản xuất điện thấp, giảm thiểu hàng tỷ tấn cacbon, nội địa hóa đến 70%, công suất điện có thể đạt 35% trong hệ thống điện của Việt Nam.
Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, Việt Nam cần đẩy mạnh triển khai một số nội dung như sau:
Một là, đối với nguồn năng lượng hóa thạch, Việt Nam cần sớm có lộ trình chủ động tích cực giảm nguồn nhiệt điện từ than, dầu và khí, tiến tới không phát triển thêm nhà máy nhiệt điện than mới. Đồng thời, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp điện gió trên bờ và ngoài biển, vì chính điện gió sẽ góp phần giảm thiểu 116 lần hàm lượng cacbon so với điện than và 50 lần so với điện khí.
Hai là, tận dụng nguồn vốn sẵn có để có thể sản xuất hàng trăm GW điện gió giúp giảm phát thải hàm lượng cacbon và tạo nền móng phát triển ngành công nghiệp điện gió, đặc biệt điện gió ngoài khơi. Đây là nguồn năng lượng tái tạo duy nhất có khả năng chạy phụ tải nền cho hệ thống. Vì Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có đường bờ biển trải dài hơn 3.000 km với 28 tỉnh, thành phố ven biển, vì vậy tiềm năng phát triển năng lượng gió ngoài khơi vô cùng lớn.
Ba là, thu hút và đào tạo nguồn nhân lực, nhân tài cả trong và ngoài nước về hoạt động chuyển đổi năng lượng xanh từ điện gió. Ngành công nghiệp điện gió hiện nay là một ngành thu hút hàng trăm nghìn lao động, dự kiến đến năm 2025 sẽ đạt 589 nghìn lao động trên toàn thế giới và đến năm 2030 sẽ vượt quá 868 nghìn lao động. Bên cạnh việc thu hút nguồn lao động, công tác đào tạo cần phải tuân theo tiêu chuẩn an toàn của GWO (Tổ chức điện gió toàn cầu). Đây là một trong những cách hiệu quả nhất để đảm bảo an toàn cho người lao động và tạo ra những con người thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng.
*
* *
Có thể khẳng định, với mục tiêu phát triển ngành công nghiệp điện gió dài hạn góp phần giảm thiểu hàng triệu tấn cacbon từ nhiệt điện, Việt Nam hoàn toàn có thể hiện thực hóa việc trung hòa cacbon ngành năng lượng nói riêng và trung hòa cacbon nói chung đến 2050, tạo nền móng phát triển ngành công nghiệp điện gió, đặc biệt điện gió ngoài khơi, một giải pháp mang tính dài hạn và chiến lược cho kinh tế Việt Nam trong thời đại ngày nay.