Thứ năm, 28/04/2022 14:38

Thực trạng nghèo của Việt Nam: Từ chặng đường cuối đến chặng đường kế tiếp

Ngày 28/4/2028, Ngân hàng thế giới (WB) đã chính thức công bố báo cáo “Đánh giá thực trạng nghèo của Việt Nam năm 2022: Từ chặng đường cuối đến chặng đường kế tiếp. Tạp chí xin giới thiệu một số thông điệp chính và khuyến nghị chính sách từ báo cáo này.

Thông điệp chính từ báo cáo

Báo cáo nhận định, tuy đã có nhiều tiến triển về giảm nghèo đạt được trong giai đoạn từ 2010-2020, nhưng những thách thức ở chặng đường cuối về xử lý tình trạng nghèo vẫn còn đó.

Trong thập kỷ qua, tỷ lệ nghèo đã giảm đầy ấn tượng. Tỷ lệ nghèo theo chuẩn quốc gia thu nhập trung bình thấp của WB (3,20 USD/ngày ngang giá sức mua năm 2011) giảm từ 16,8% xuống còn 5%, với trên 10 triệu người được thoát nghèo. Đại dịch Covid-19 xuất hiện đột ngột vào cuối thập kỷ đã làm ngưng trệ tiến độ tăng lương và cải thiện về chất lượng việc làm. Những tiến triển về giảm nghèo bị lùi lại nhưng không bị đảo ngược trong năm 2020.

Tỷ lệ nghèo kinh niên vẫn nhỉnh hơn ở một số nhóm nhất định là thách thức ở chặng đường cuối - nhưng một số xu hướng tích cực đã xuất hiện. Tỷ lệ nghèo ở một số nhóm nghèo kinh niên đã giảm gần một nửa trong giai đoạn 2010-2020, bao gồm các nhóm đồng bào dân tộc thiểu số và hộ gia đình ở khu vực trung du và miền núi phía bắc. Người lao động đồng bào dân tộc thiểu số đang dịch chuyển nhanh sang làm việc ở các lĩnh vực sản xuất chế tạo chế biến với tốc độ tương đương như dân tộc Kinh ở đầu thập kỷ.

Ngoài người nghèo, một tỷ lệ dân số đa dạng hơn đang có nguy cơ dễ tổn thương về kinh tế. Tốc độ thay đổi nhanh chóng do phát triển kinh tế đem lại dù sao cũng khiến cho một số người bị tụt lại và bị giảm cơ hội tham gia vào các lĩnh vực năng động nhất của nền kinh tế, đồng thời tạo ra một nhóm lớn người dân không còn nghèo nhưng chưa thuộc về tầng lớp trung lưu. Cho dù rủi ro rơi vào cảnh nghèo cùng cực hiện ở mức thấp, nhưng quan ngại chính đáng của họ vẫn là được đảm bảo an ninh kinh tế ở mức cao hơn. Trong năm 2016, gần 40% người ở tầng lớp trung lưu bị tụt xuống nhóm kinh tế thấp hơn vào năm 2018.

Chính sách cho chặng đường kế tiếp

Báo cáo cho rằng, trong thập kỷ qua, tăng trưởng kinh tế cao nhìn chung có tính chất bao trùm và sinh kế đã được cải thiện đáng kể ở Việt Nam. Tuy nhiên, tốc độ thay đổi nhanh chóng do kinh tế phát triển khiến cho một số người bị tụt hậu, không có cơ hội tham gia những lĩnh vực năng động nhất của nền kinh tế và đồng thời tạo ra một tầng lớp những người không còn nghèo nhưng chưa thuộc về tầng lớp trung lưu. Chính vì vậy, lộ trình xử lý tình trạng nghèo và bất bình đẳng không chỉ nhằm nâng cao mức sống tối thiểu và xử lý tình trạng nghèo kinh nên, mà còn bao gồm tạo ra lộ trình kinh tế mới và bền vững cho những người dân có khát vọng vươn lên cao hơn. Sự xuất hiện của Covid-19 làm tăng thêm những thách thức vốn có về kỹ năng, năng suất, biến đổi khí hậu và xã hội già hóa.

Giải quyết những thách thức về giảm nghèo kinh niên trong chặng đường cuối

Tình trạng nghèo tập trung giữa các vùng khó khăn về mặt địa lý đòi hỏi phải tăng cường sự can thiệp xóa nghèo theo địa bàn, hiện đại hóa nông nghiệp và cải thiện về giáo dục cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Phân tích cho thấy, các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) trước đây đã giúp cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ và đem lại một số tác động tích cực trong cải thiện về phúc lợi, nhưng nó cũng cho thấy một số bấp cập lớn. Các chương trình MTQG có thể được tăng cường theo hướng (i) các nguồn lực bổ sung đến được với các xã bị tụt hậu; (ii) đảm bảo phân bổ nguồn lực dựa trên tình trạng khó khăn ở cấp xã để các xã khó khăn hơn nhận được đầu tư nhiều hơn; (iii) phân bổ riêng nguồn lực theo các lĩnh vực để đảm bảo dành đủ nguồn lực cho cải thiện chất lượng các dịch vụ phát triển con người và can thiệp nhằm hỗ trợ sinh kế; và (iv) tăng cường theo dõi ở cấp xã bằng cách triển khai các công cụ thu thập và tổng hợp dữ liệu trực tuyến nhằm hình thành cơ sở dữ liệu tập trung cho chương trình MTQG.

Đạt được những khát vọng trong chặng đường kế tiếp

Hàng triệu người đã thoát nghèo trong thập kỷ qua cần tiếp tục tiến lên các tầng lớp kinh tế cao hơn. Những người chưa được đảm bảo an ninh kinh tế cần được hỗ trợ bằng chính sách khác chính sách dành cho người nghèo, chẳng hạn hình thành lưới an sinh để ngăn tái nghèo, trang bị cho họ vốn nhân lực và kỹ năng cần thiết để họ tham gia những việc làm phức tạp và đem lại năng suất cao hơn. Các lĩnh vực chính sách chung, bao gồm đầu tư vào các kỹ năng cho tương lai, đầu tư vào giáo dục chất lượng cao hơn, hiện đại hóa hệ thống bảo trợ xã hội để phòng ngừa những cú sốc đặc thù và vận dụng chính sách tài khóa để thực hiện đầu tư theo hướng bao trùm.

Nhu cầu đặt ra là tiếp tục cải thiện chất lượng và khả năng tiếp cận giáo dục đại học. Cải thiện sự phù hợp và chất lượng chương trình giáo dục sau phổ thông cũng như nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên là cách để giúp thu hẹp khoảng cách kỹ năng và cải thiện cách nhìn nhận của những doanh nghiệp có khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự có những kỹ năng nhất định. Cụ thể, các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự có kỹ năng lãnh đạo, quản lý và kỹ năng kỹ thuật cụ thể theo việc làm. Để nâng cao chất lượng chương trình học, cần có những chính sách để cải thiện về nguồn vốn nghiên cứu trong trường đại học, cải thiện trình độ và phẩm chất của đội ngũ giảng viên trong trường, thiết kế các chương trình nhằm tuyển dụng và giữ chân nhân sự chất lượng cao, chuyển đổi nhân sự giảng dạy đại học từ nhân sự hành chính thành viên chức.

Trong thập kỷ trước, tỷ lệ bao phủ trợ giúp xã hội của Việt Nam tương đương hoặc cao hơn so với các quốc gia láng giềng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, nhưng hiện đã bị tụt hậu. Việt Nam cần cung cấp sự trợ giúp xã hội có hiệu quả hơn cho các hộ gia đình nghèo thông qua việc tăng mức độ bao phủ và mức phúc lợi nhằm đem lại tác động lớn hơn về giảm nghèo và bất bình đẳng, tăng tổng mức chi, đồng thời hợp nhất các chương trình phân tán hiện nay để đạt hiệu quả cao hơn. Mức độ bao phủ của bảo hiểm xã hội có thể được mở rộng để bảo vệ tất cả các hộ gia đình khỏi mọi rủi ro bằng cách mở rộng phạm vi bảo hiểm cho lao động trong khu vực phi chính thức không phải là người nghèo, thông qua xóa mờ ranh giới giữa trợ giúp và bảo hiểm xã hội; người lao động được đóng góp trong khả năng chi trả, còn Nhà nước sẽ trợ cấp cho phần còn lại.

Chính sách tài khóa có thể có vai trò quan trọng để vừa đưa Việt Nam trở thành quốc gia thu nhập cao vừa thực hiện theo cách bao trùm nhằm hỗ trợ người dân vươn lên tầng lớp trung lưu thịnh vượng. Để huy động tài chính cho đầu tư công cần thực hiện nhằm xóa nghèo, và phát triển tầng lớp trung lưu đảm bảo an ninh kinh tế, Việt Nam có thể mở rộng cơ sở tính thuế (thuế thu nhập cá nhân, thuế tài sản), cân nhắc áp dụng các sắc thuế mới để vừa huy động thu vừa xử lý tác động ngoại ứng tiêu cực (chẳng hạn như thuế khuyến dụng cho sức khỏe thu trên đồ uống có cồn, thuốc lá và đồ uống có đường; thuế môi trường như thuế carbon), hoặc mở rộng ra các hoạt động kinh tế số đang phát triển, đồng thời loại bỏ những ưu đãi thuế mang tính lũy thoái. Ngoài ra, chi tiêu công cần được định hướng cho phù hợp. Các nội dung chi không đảm bảo hiệu suất và công bằng như trợ giá điện, vừa khuyến khích sử dụng điện vừa chủ yếu có lợi cho các hộ giàu, cần được tái định hướng sang các mục đích bao trùm và hiệu quả hơn. Chẳng hạn, Việt Nam nên hài hòa mức chi an sinh xã hội cho phù hợp với thông lệ quốc tế để phát triển một hệ thống hiện đại giúp các hộ gia đình quản lý nhiều loại rủi ro mà họ phải đối mặt.

Chính sách cần có mục tiêu kép để vừa xử lý những thách thức về tình trạng nghèo kinh niên trong Chặng đường cuối, vừa đặt nền tảng nhằm thực hiện những khát vọng của chặng đường kế tiếp. Những thách thức đó có trở thành nỗi đau ngày càng lớn trong ngắn hạn hay rào cản dài hạn trong lộ trình nâng cao phúc lợi của các hộ gia đình ở Việt Nam hay không sẽ phụ thuộc vào sự ưu tiên và hành động chính sách.

WB

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)