Thứ ba, 26/04/2022 16:19

Cần cơ chế, chính sách, công nghệ và tài chính cho các dự án năng lượng sạch

Diễn đàn năng lượng sạch Việt Nam lần thứ 2: “Hướng tới trung hòa carbon: Cơ chế, chính sách, công nghệ, tài chính cho các dự án điện gió, điện mặt trời, điện khí” do Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) phối hợp Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức mới đây tại Hà Nội. Tại Diễn đàn, các đại biểu cho rằng, cần phải có cơ chế, chính sách, công nghệ và tài chính cho các dự án năng lượng sạch.

Năng lượng sạch cho phát triển bền vững

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều tiềm năng để phát triển năng lượng tái tạo. Việc khai thác các nguồn năng lượng tái tạo có ý nghĩa hết sức quan trọng cả về kinh tế, xã hội, an ninh năng lượng và phát triển bền vững.

Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh, năm 2016) đặt ra mục tiêu và định hướng phát triển năng lượng tái tạo, cụ thể như: ưu tiên phát triển nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo, tạo đột phá trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, góp phần bảo tồn tài nguyên năng lượng, giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường trong sản xuất điện. Mục tiêu cụ thể là ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo cho sản xuất điện; tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo (không kể nguồn thủy điện lớn và vừa, thủy điện tích năng) đạt khoảng 7% năm 2020 và trên 10% năm 2030; quy hoạch phát triển nguồn điện, đẩy nhanh phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo (thủy điện, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối...), từng bước gia tăng tỷ trọng của điện năng sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện. Đặc biệt, tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050, giảm 30% tổng phát thải khí methane vào năm 2030 so với năm 2020. Mặc dù là nước đang phát triển với nguồn lực còn hạn chế trong khi phải chịu nhiều tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, Việt Nam vẫn thể hiện quyết tâm cao nhất, cam kết cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Để thực hiện mục tiêu này, nước ta cần chuyển dịch sang các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, điện khí và các nguồn điện ít phát thải khác. Để đạt được mục tiêu đó, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức trong quy hoạch điện, quy hoạch quản lý đất đai; đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư, đấu thầu lựa chọn nhà thầu; công tác chuẩn bị đầu tư, công tác thu xếp vốn; nguồn nhiên liệu trong nước và nhập khẩu (giá cả, nguồn cung, hệ thống hạ tầng đối với các dự án điện khí); khả năng tham gia thị trường điện; sự đồng hành của chính quyền địa phương…

Một khó khăn khác trong phát triển năng lượng tái tạo là do phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, địa hình, khí hậu… nên tiềm năng các nguồn năng lượng tái tạo thường tập trung ở một số tỉnh, địa phương nhất định, trong khi phần lớn các tỉnh này có phụ tải tiêu thụ tại chỗ nhỏ, do đó gây áp lực lên hệ thống lưới điện trong việc truyền tải công suất…

Cần một chính sách tổng thể để phát triển

Ông Hoàng Trọng Hiếu - Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực cho rằng, chính sách khuyến khích phát triển điện năng lượng tái tạo đã đem lại nhiều kết quả tích cực, tổng công suất lắp đặt nguồn điện năng lượng tái tạo trên cả nước đạt khoảng 20,7 GW, chiếm hơn 27% tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh của các dự án điện gió và điện mặt trời đã dẫn đến mất cân đối nguồn tải theo miền do các nguồn điện gió và điện mặt trời phát triển chủ yếu tại miền Trung và miền Nam. Cùng với đó, việc triển khai các dự án năng lượng sạch hiện nay còn gặp nhiều khó khăn trong công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ bản, giải phóng mặt bằng, cơ chế tài chính… Để cải thiện được các vướng mắc trên, Việt Nam cần có chính sách đột phá như hình thành quỹ năng lượng tái tạo nhằm tạo điều kiện cho các chủ đầu tư thực hiện các hình thức ủy thác, bảo lãnh, vay vốn, phát hành trái phiếu xanh…, từ đó thu hút nguồn lực tài chính cho lĩnh vực này.

Đặc thù của năng lượng tái tạo là sự phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện tự nhiên (nước, nắng, gió, vị trí địa lý…), công nghệ và giá thành sản xuất. Do đó để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, TS Nguyễn Anh Tuấn - Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cho rằng, Việt Nam cần có các chính sách hỗ trợ như cơ chế hạn ngạch, cơ chế giá cố định, cơ chế đấu thầu... Hiện tại, Việt Nam chưa có cơ chế hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo một cách tổng thể, ngoài cơ chế hỗ trợ giá riêng cho cho điện gió được thông qua năm 2011. Trong một số dự án nghiên cứu do Viện Năng lượng tiến hành trong thời gian qua, một số cơ chế khác như cơ chế đấu thầu hoặc cơ chế hạn ngạch cũng đã cho thấy có khả năng thích hợp, cùng với việc đề xuất một số thể chế nhằm thúc đẩy sự phát triển năng lượng tái tạo. Ngoài ra, để hỗ trợ các dự án năng lượng nhỏ và độc lập (không nối lưới), các nghiên cứu trên cũng cho thấy một “cơ chế cấp tín dụng trực tiếp cho người tiêu dùng” là thích hợp trong điều kiện của Việt Nam. Tuy nhiên, việc áp dụng bất cứ cơ chế nào cũng nên  áp dụng bổ sung các chế tài hoặc các cơ chế hỗ trợ khác để phát huy hiệu quả tối đa sự hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo.

Bùi Thị Thu

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)