Đón đầu xu hướng để phát triển
PGS.TS Lê Văn Vàng - Trưởng Khoa Nông nghiệp (Trường Đại học Cần Thơ) cho biết, theo dự báo của Liên hợp quốc, dân số thế giới sẽ tăng lên 9,8 tỷ người vào năm 2050, kéo theo đó nhu cầu lương thực sẽ tăng lên gấp 2 lần hiện nay. Như vậy, việc đảm bảo an ninh lương thực trong điều kiện nguồn tài nguyên suy giảm, điều kiện bất lợi là thách thức lớn của ngành nông nghiệp. Để giải quyết tình trạng này, giải pháp tối ưu là ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp nhằm tối ưu hóa hiệu quả sử dụng đất (khu vực đô thị và nông thôn) và hiệu quả sản xuất; đồng thời giảm ảnh hưởng tiêu cực của sản xuất nông nghiệp đối với môi trường. Các xu hướng, công nghệ đã, đang và sẽ được ứng dụng rộng rãi cho nền nông nghiệp tương lai có thể kể đến như công nghệ sinh học, cơ giới hóa và tự động hóa, hệ thống thông tin địa lý, công nghệ tạo và kiểm soát môi trường nhân tạo, Blockchain…
GS.TS Hà Thanh Toàn - Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ cho rằng, đối với ĐBSCL, để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh cần phải ứng dụng công nghệ thông tin. Đây là yếu tố mang tính bắt buộc trong làm nông nghiệp công nghệ cao, với vai trò kết nối thông qua ứng dụng Internet kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo; hỗ trợ quy hoạch, tổ chức sản xuất; kết nối sản xuất với thị trường tiêu thụ nông sản… Hiệu trưởng Hà Thanh Toàn cho biết thêm, hiện Trường Đại học Cần Thơ đã có chuyên ngành đào tạo nông nghiệp công nghệ cao với 120 sinh viên theo học. Đây là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại ĐBSCL trong tương lai.
Trước thách thức của biến đổi khí hậu, Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu được ban hành nhằm đáp ứng tốt cho vùng ĐBSCL. Đặc biệt, Quyết định số 825/QĐ-TTg ngày 12/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập và ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL giai đoạn 2020-2025 đã được ban hành nhằm đổi mới cơ chế điều phối vùng, thúc đẩy phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh ÐBSCL đang đứng trước cơ hội và thách thức mới, cùng với định hướng chiến lược phát triển bền vững của Ðảng và Chính phủ, Trường Ðại học Cần Thơ luôn cam kết đẩy mạnh kết nối và hợp tác với các bên liên quan trong nước và quốc tế để thực hiện trách nhiệm xã hội, góp phần phát triển bền vững ÐBSCL nói riêng và cả nước nói chung. Thế giới ngày nay đang bước vào thời đại của sự phát triển nhanh chóng, sâu rộng và mạnh mẽ của cách mạng KH&CN, thời đại của toàn cầu hóa, của hội nhập hợp tác và phát triển, đặc biệt là phát triển kinh tế tri thức, kinh tế xanh, tăng trưởng bao trùm và phát triển bền vững. Song song với đó, thế giới cũng đang phải đối mặt với những thách thức to lớn mang tính toàn cầu như an ninh - an toàn lương thực, tác động của biến đổi khí hậu, suy thoái tài nguyên và môi trường, dịch bệnh... Vì vậy, đẩy mạnh hợp tác là xu hướng tất yếu để giải quyết các vấn đề mang tính khu vực và toàn cầu. Ở vị trí trung tâm của ĐBSCL, trải qua 56 năm hình thành và phát triển không ngừng, Trường Đại học Cần Thơ đã và đang đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển của vùng, với sứ mệnh “là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, đóng góp hiệu quả phục vụ cộng đồng, phát triển kinh tế - xã hội của vùng và của quốc gia”. Với cơ hội và thách thức mới, cùng với định hướng chiến lược phát triển bền vững vùng của Đảng và Chính phủ cho vùng, Trường Đại học Cần Thơ với sứ mệnh, nguồn lực và vị thế của mình, cam kết đẩy mạnh nối kết và hợp tác với các bên liên quan trong nước và quốc tế để thực hiện trách nhiệm xã hội, góp phần phát triển bền vững ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung.
GS.TS Hà Thanh Toàn - Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ phát biểu khai mạc Tọa đàm.
Đẩy mạnh ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp
Tại buổi tọa đàm, nhiều chuyên gia cho rằng, KH&CN có vai trò hết sức quan trọng trong liên kết để phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và xây dựng nông thôn mới ở vùng ĐBSCL. Theo các chuyên gia, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao KH&CN trong nông nghiệp tại ĐBSCL cần dựa trên việc nắm bắt nhu cầu của các địa phương, doanh nghiệp trong vùng.
ThS Nguyễn Nhật Trường (Viện Cây ăn quả miền Nam) cho rằng, để đáp ứng nguồn cây giống cho ngành nông nghiệp của vùng, trong thời gian tới, Viện Cây ăn quả miền Nam sẽ tiếp tục thực hiện các chương trình lai tạo giống mới theo nhu cầu của thị trường; tạo giống chống chịu một số dịch hại quan trọng, thích ứng với biến đổi khí hậu; tập trung ưu tiên những cây trồng chủ lực, có lợi thế vùng miền, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, gắn với việc bảo hộ giống mới. Bên cạnh đó, Viện sẽ tổ chức đánh giá chất lượng các giống cây ăn trái đặc sản, bản địa, kịp thời phục tráng để nâng cao năng suất, chất lượng trái cây đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Ông Nguyễn Thành Tài - Phó Giám đốc Sở KH&CN Đồng Tháp cho hay, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cần xác định doanh nghiệp là trọng tâm trong hoạch định và xây dựng chính sách, ngành KH&CN chủ động tham mưu các chính sách đặc thù của địa phương để giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp. Chúng ta phải xem chính sách KH&CN là một thành tố quan trọng không tách rời trong tổng thể các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền về các chính sách KH&CN đến các đối tượng thụ hưởng chính sách.
Cùng quan điểm trên, TS Lê Văn Bảnh (Viện Lúa ĐBSCL) còn đưa ra một số giải pháp nhằm tạo ra sự đột phá có tính khả thi đối với sự phát triển nhanh, bền vững trong lĩnh vực nông nghiệp ở ĐBSCL trong thời gian tới. Cụ thể, cần nâng cao giá trị gia tăng thông qua các mô hình sản xuất chuyên canh, liên kết doanh nghiệp với nông dân từ đầu vào đến đầu ra, bảo đảm quy trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ thống nhất; đẩy mạnh hợp tác công tư trong nông nghiệp, nối kết chuỗi giá trị trong nước với chuỗi giá trị toàn cầu; liên kết hiệp hội ngành hàng; tăng đầu tư cho bảo quản, chế biến... Bởi vậy, nhất thiết phải có sự đột phá trong việc ứng dụng các tiến bộ KH&CN để giảm giá thành sản phẩm, tăng năng suất; giảm chi phí giao dịch trong chuỗi giá trị nông sản (hệ thống nhà kho, kho chứa, hệ thống, phương tiện vận chuyện, giao thông... ), tăng chất lượng sản phẩm đầu ra như thương hiệu, hệ thống phân phối.
Nguyễn Tấn Văn