Những rủi ro tăng trưởng mới: Ba diễn biến quốc tế
Thắt chặt tài chính, đặc biệt tại Hoa Kỳ, thay đổi trong tốc độ tăng trưởng và cơ cấu hoạt động kinh tế, đặc biệt là ở Trung Quốc, và chiến tranh ở U-crai-na, đang định hình môi trường kinh tế đối ngoại của các quốc gia ĐÁ-TBD.
Nền kinh tế Hoa Kỳ phục hồi nhanh nhờ gói kích cầu đã góp phần tăng lạm phát. Thắt chặt chính sách tiền tệ sớm hơn dự kiến để ứng phó có thể khiến quá trình phục hồi tại các quốc gia khác diễn ra khó khăn hơn. Điều kiện tài chính tại Hoa Kỳ có vai trò đặc biệt quan trọng đối với các quốc gia đang phát triển khu vực ĐÁ-TBD, nhất là các quốc gia như Ma-lay-xia hiện đang dựa nhiều vào dòng vốn ngắn hạn.
Tăng trưởng được kỳ vọng sẽ chững lại ở Trung Quốc do cơ cấu kinh tế và thay đổi trong quản lý nhà nước và ở Hoa Kỳ do tính chất chu kỳ. Chính vì vậy, cả hai quốc gia này dự kiến sẽ đóng góp ít hơn cho tăng trưởng toàn cầu trong các năm 2022 và 2023 so với năm 2021 - là năm sản lượng phục hồi sau khi bị suy giảm do Covid-19. Tuy nhiên, mức đóng góp tuyệt đối của Trung Quốc và Hoa Kỳ cho tăng trưởng ước tính vẫn lớn tương đương như các năm trước khi có Covid-19.
Các cú sốc phát sinh từ chiến tranh ở U-crai-na và các biện pháp trừng phạt liên quan có thể ảnh hưởng đến khu vực ĐÁ-TBD, cụ thể nhất là làm gián đoạn nguồn cung hàng hóa, cũng như gia tăng căng thẳng tài chính và giảm niềm tin toàn cầu. Sự phụ thuộc trực tiếp của khu vực vào Nga và U-crai-na thông qua xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ và vốn chỉ ở mức hạn chế. Tuy nhiên, chiến tranh và các biện pháp trừng phạt có khả năng cao sẽ làm tăng giá lương thực và nhiên liệu thế giới, ảnh hưởng xấu đến người tiêu dùng và tăng trưởng.
Ba cú sốc nêu trên vừa triệt tiêu vừa củng cố cho nhau. Một mặt, cú sốc tài chính xuất phát từ chiến tranh ở U-crai-na có thể khiến Hoa Kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ chậm hơn dự kiến, bất chấp áp lực lạm phát lớn hơn. Tương tự, giá cả hàng hóa tăng cao do chiến tranh gây ra có thể bù lại đà giảm giá do ngành bất động sản của Trung Quốc đang suy giảm, mặc dù các hàng hóa bị tác động có thể không giống nhau. Mặt khác, mỗi cú sốc đều ảnh hưởng bất lợi đến tăng trưởng toàn cầu thông qua gây hại cho hoạt động kinh tế ở các quốc gia chịu tác động trực tiếp cũng như các quốc gia chịu tác động gián tiếp còn lại. Tăng trưởng của các nước G7 giảm 0,9% sẽ làm nhu cầu đối với xuất khẩu của các quốc gia ĐÁ-TBD yếu đi và dẫn đến giảm tăng trưởng bình quân trong khu vực đến 0,6%.
Những cơ hội tăng trưởng mới: Thương mại, công nghệ số và sản xuất xanh
Động lực đa dạng hóa sản xuất và xuất khẩu, vốn đã mạnh mẽ do quan điểm sợ phụ thuộc giai đoạn sau Covid-19 sẽ được khuếch đại bởi chiến tranh và những biện pháp trừng phạt hiện nay. Động lực di dời cơ sở sản xuất đã được đẩy mạnh hơn, do tăng lương ở Trung Quốc nhờ tăng trưởng và thay đổi nhân khẩu học, cũng như căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Tỷ trọng của các quốc gia ĐÁ-TBD ngoài Trung Quốc trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa cuối cùng của Hoa Kỳ tăng từ 10% vào đầu năm 2018 lên 14% vào giữa năm 2021 (trước cú sốc liên quan đến biến chủng Delta), trong khi tỷ trọng của Trung Quốc giảm trong cùng kỳ từ 33% xuống còn 25%. Tuy nhiên, tiềm năng tự động hóa tăng lên sẽ thu hẹp cơ hội cho các quốc gia khác tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu (GVC) qua chuyên môn hóa vào các nhiệm vụ thâm dụng lao động.
Công nghệ là yếu tố chính quyết định năng suất và cú sốc Covid-19 đã và đang đẩy nhanh quá trình lan tỏa công nghệ số. Tại các quốc gia ĐÁ-TBD, các doanh nghiệp tiên phong có xu hướng áp dụng công nghệ tốt một cách nhanh chóng hơn trước đây, nhưng những công nghệ này chậm lan tỏa đến các doanh nghiệp khác. Mặc dù cú sốc Covid-19 đã dẫn đến sự hội tụ trong việc sử dụng công nghệ tương tác với người tiêu dùng như thương mại điện tử, nhưng cũng dẫn đến sự phân tán sử dụng những công nghệ nâng cao năng suất tinh vi hơn, như phân tích dữ liệu.
Giá cả nhiên liệu hóa thạch cao có thể làm tăng động lực chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Việc áp dụng các công nghệ sản xuất xanh sẽ cho phép các quốc gia ĐÁ-TBD cắt giảm phát thải các-bon và ứng phó với tình trạng mất an ninh năng lượng mới mà không phải cắt giảm tiêu dùng và tăng trưởng quá lớn. Nhưng không phải tất cả những thay đổi hiện nay đều thuận lợi với công nghệ xanh. Giá năng lượng cao cũng có thể dẫn đến tăng đầu tư vào sản xuất năng lượng hóa thạch. Đồng thời, chiến tranh ở U-crai-na có thể làm giảm nguồn cung đầu vào quan trọng cho sản xuất hàng hóa xanh như pa-la-đi-um và ni-ken.
Giải pháp cho các quốc gia thuộc khu vực ĐÁ-TBD
Chính sách tài khóa: các quốc gia ĐÁ-TBD đã gặp khó khăn trong việc hài hòa giữa hỗ trợ tài khóa để cứu trợ, phục hồi và tăng trưởng với dư địa tài khóa đang bị thu hẹp. Có ba biện pháp có thể giúp ích: thứ nhất, an sinh xã hội hiệu suất cao hơn có thể tiết kiệm dư địa tài khóa cho những mục tiêu khác; thứ hai, nguồn lực công kết hợp với cải cách chính sách đầu tư có thể khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư mạnh hơn cho cơ sở hạ tầng công cộng; thứ ba, các chính phủ có thể hài hòa giữa nhu cầu chi tiêu và giới hạn ngân sách đang thu hẹp bằng cách cam kết khôi phục kỷ cương tài khóa thông qua (tái) áp dụng các quy tắc tài khóa và cải cách tài khóa thông qua ban hành các văn bản pháp luật.
Chính sách an toàn vĩ mô: các quốc gia ĐÁ-TBD phải đề phòng rủi ro bất ổn tài chính khi đối mặt với thắt chặt tài chính tại các thị trường lớn. Chính sách tiền tệ vẫn cần thận trọng với những áp lực lạm phát mới, nhưng hiện vẫn có thể tiếp tục hỗ trợ phục hồi ở hầu hết các quốc gia ĐÁ-TBD, do lãi suất thực tương đối cao và lạm phát cơ bản đang tương đối thấp. Mặc dù ngân hàng ở hầu hết các quốc gia ĐÁ-TBD có tỷ lệ an toàn vốn tốt và nợ xấu được báo cáo ở mức thấp, nhưng việc chẩn đoán sức chịu đựng có thể giúp xác định nguy cơ dễ tổn thương có thể nhen nhóm sau các quy định cho phép giãn thời gian trả nợ. Tiếp theo, tùy vào hoàn cảnh, các quốc gia phải đảm bảo an toàn vốn ở các ngân hàng có tỷ lệ nợ có nguy cơ trở thành nợ xấu cao; phòng ngừa rủi ro và kéo dài kỳ hạn nợ để xử lý bất cân đối về đồng tiền và rủi ro đảo nợ; tăng cường dự phòng thanh khoản và có dòng tín dụng để dự phòng khả năng tăng nhu cầu huy động vốn nước ngoài. Các quốc gia có nợ nước ngoài không bền vững nên xây dựng khung giải quyết nợ quốc tế hiệu quả hơn.
Thương mại: chính sách và cơ sở hạ tầng. Cải cách toàn diện về thương mại sẽ tạo điều kiện giúp các quốc gia ĐÁ-TBD tận dụng được sự chuyển dịch trong bối cảnh thương mại toàn cầu. Thứ nhất, đối với làn sóng chuyển dịch hoạt động sản xuất về nước, thay vì trả đũa thì tự do hóa và tạo thuận lợi thương mại có thể dẫn đến thu nhập thực tăng ròng đến 3%. Đồng thời, kiềm chế ban hành những hạn chế xuất khẩu trên toàn cầu khi phải đối mặt với cú sốc về giá hàng hóa sẽ tránh tạo ra vòng xoáy giá cả, và cùng đó là kết quả còn tồi tệ hơn trên toàn cầu. Thứ hai, ngoài thương mại hàng hóa, cải cách các biện pháp hạn chế thương mại vẫn ở mức cao trong lĩnh vực vận tải, truyền thông và các dịch vụ doanh nghiệp khác có thể giúp giảm chi phí thương mại và nâng cao năng suất cho toàn bộ nền kinh tế. Thứ ba, triển khai các biện pháp tạo thuận lợi để lao động dịch chuyển trong nước, chẳng hạn, qua đào tạo lại và hỗ trợ tìm việc, sẽ cho phép nguồn lực chuyển đến những nơi có lợi thế so sánh mới, nâng cao năng suất và thu nhập. Cuối cùng, tham gia vào các hiệp định thương mại có chiều sâu có thể vừa là xúc tác cải cách trong nước, vừa đảm bảo tiếp cận các thị trường nước ngoài. Ví dụ, sự tham gia của Trung Quốc ước tính sẽ tăng lợi ích thu nhập toàn cầu từ hiệp định CPTPP gấp 4 lần, lên đến khoảng 630 tỷ USD so với mức 150 tỷ USD hiện nay. Các hiệp định có chiều sâu không chỉ đề cập đến tự do hóa thương mại, mà còn cả hợp tác pháp lý và phối hợp hạ tầng, qua đó tiếp tục tăng cường chiều sâu hội nhập kinh tế.
Lan tỏa công nghệ: công nghệ lan tỏa nhanh chóng trong giai đoạn hậu Covid-19 có thể nâng cao năng suất. Tuy nhiên, để làm chủ được công nghệ thì cần phải cải cách chính sách và hỗ trợ. Thứ nhất, nâng cao mức độ cạnh tranh bằng cách loại bỏ rào cản gia nhập và thoái lui cho cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, kết hợp với những cải cách về môi trường kinh doanh sẽ giúp tăng cường động lực áp dụng và lan tỏa công nghệ. Thứ hai, các biện pháp nhằm nâng cao kỹ năng quản trị và kỹ thuật cũng như khả năng tiếp cận tài chính cần thiết, sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đưa công nghệ giúp nâng cao năng suất vào hoạt động kinh doanh của họ. Thứ ba, dù cơ sở hạ tầng số phục vụ cho công nghệ cơ bản nhìn chung đã có sẵn, nhưng truy cập băng thông rộng cần được mở rộng ở nhiều quốc gia. Cuối cùng, loại bỏ những méo mó trong nước, chẳng hạn như những méo mó do trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch và yêu cầu về hàm lượng nội địa, có thể khuyến khích áp dụng công nghệ xanh.
Vũ Hưng