Xu thế phát triển của blockchain
Blockchain hiện đang là xu thế công nghệ của thời đại, một trong những công nghệ nền tảng của hệ sinh thái số bên cạnh trí tuệ nhân tạo AI, điện toán đám mây, công nghệ dữ liệu lớn, vạn vật kết nối IoT. Dữ liệu trên blockchain được mã hóa thành các khối và được liên kết với nhau tạo thành chuỗi dài. Mỗi khi có thông tin hay giao dịch mới được phát sinh, thông tin cũ sẽ không bị mất đi mà thay vào đó là thông tin mới sẽ được lưu vào một khối mới và gắn nối tiếp vào khối cũ tạo thành một chuỗi. Mỗi khối chứa đựng các thông tin về thời gian khởi tạo, các thông tin giao dịch và được liên kết với các khối trước đó thông qua thông tin hàm băm (hình 1).
Hình 1. Cấu trúc liên kết chuỗi khối blockchain.
Hệ thống công nghệ Blockchain có những bước phát triển thần tốc trong lĩnh vực công nghệ. Từ công nghệ blockchain phiên bản 1.0, 2.0, 3.0 cho tới phiên bản 4.0 đều để lại những thành tựu to lớn và dấu ấn quan trọng trong nhiều lĩnh vực, nhất là việc ứng dụng công nghệ blockchain trong kinh doanh, tài chính ngân hàng.
Ngành công nghiệp blockchain đang mở ra những cơ hội chưa từng có. Nhưng những đổi mới này chủ yếu tập trung vào tăng trưởng ngắn hạn và không hoàn toàn tạo ra sức thuyết phục người dùng chuyển đổi từ hệ thống tập trung sang hệ thống phi tập trung. Toàn cầu hóa tiềm năng của công nghệ blockchain và tiền điện tử là điều mà mọi doanh nghiệp trong lĩnh vực này đều cố gắng để đạt được. Tuy nhiên, chỉ với hơn 300 triệu người dùng tiền điện tử và 70 triệu người dùng ví blockchain, rõ ràng còn một chặng đường dài phía trước để hiện thực hóa nó. Những lý do như thiếu sự đồng thuận từ chính phủ, thiếu hiểu biết về công nghệ và các yếu tố rủi ro cao được cho là những yếu tố ngăn cản việc đưa blockchain trở nên phổ biến với mọi người.
Với sự ra đời và phát triển không ngừng của nhiều phương tiện truyền thông xã hội như Facebook, Twitter, Instagram, Youtube…, có thể thấy rằng, blockchain cần hướng tới việc xây dựng một hệ thống truyền thông xã hội để thực hiện mục tiêu toàn cầu hóa, khi đó khái niệm SocialFi được ra đời.
Cấu trúc hệ sinh thái SocialFi
Hệ sinh thái SocialFi là mô hình nâng cấp của DeFi - hệ sinh thái tài chính phi tập trung, an toàn và minh bạch. Với DeFi, tất cả chức năng kế toán cốt lõi nhằm đảm bảo dữ liệu đầu vào và đầu ra phù hợp với nhau, được xử lý bằng blockchain. Trong mô hình như vậy, vai trò của ngân hàng được xóa bỏ, thay vào đó là những dòng mã lệnh trong hợp đồng thông minh được thực thi để quản lý tài sản của người dùng.
Hình 2. Hệ sinh thái SocialFi.
SocialFi hướng đến tính phi tập trung, tính mở và khả năng trao quyền cho người dùng. SocialFi xuất hiện sẽ nâng cấp các mạng xã hội theo mô hình truyền thống lên nền tảng Web 3.0* nhằm cung cấp mức độ riêng tư và bảo mật cao hơn cho dữ liệu cá nhân của người dùng, phân phối doanh thu từ việc quảng cáo một cách công bằng và mang lại trải nghiệm có giá trị hơn cho người dùng. Hầu hết các dự án SocialFi hiện dựa trên việc phát hành token, sau đó sử dụng các social token này trở thành cốt lõi của các dự án. Về cơ bản, social token có thể được chia thành ba loại: token cá nhân (personal token) do người sử dụng phát hành mang thông tin độc quyền cũng như thiết lập quyền truy cập, token cộng đồng (community token) do tổ chức phát hành tạo tính liên kết giữa các thành viên, token quản trị (social platform token) là nền tảng của các tổ chức.
Cơ hội và thách thức
Web 3.0 đã và đang trở thành một xu hướng mới trong lĩnh vực tiền điện tử. Nó giúp tạo ra nhiều cơ hội hơn, đồng nghĩa với việc tạo ra nhiều mô hình mới. Blockchain đang dần đi sâu vào từng lĩnh vực trong đời sống và các mô hình truyền thống sẽ dần trở nên thoái vị, thay thế nó là những lợi thế mà SocialFi sẽ mang lại. Bên cạnh những cơ hội, SocialFi cũng cho thấy những thách thức nội tại từ việc phân phối lợi ích cho người dùng, cho tới nâng cao tính bảo mật, quyền riêng tư cá nhân. Cụ thể như sau:
Phân quyền dữ liệu: các nền tảng truyền thông xã hội truyền thống thu thập và lưu trữ càng nhiều dữ liệu người dùng càng tốt. Để sử dụng được một nền tảng bất kỳ, bạn cần phải khai báo các thông tin cá nhân, đi kèm với đó là việc theo dõi hành vi của bạn trong quá trình sử dụng. Điều này như đã nói, có thể phục vụ cho mục đích phân phối quảng cáo hoặc sử dụng dữ liệu cho một mục đích nào đó. Để thay thế được các mô hình truyền thống này, SocialFi cần phải làm cho việc thu thập dữ liệu người dùng trở nên minh bạch hơn và khiến nó không thể giả mạo được.
Phân phối lợi ích: nói chung, các nền tảng truyền thông xã hội kiếm lợi nhuận dựa trên các quảng cáo. Các nền tảng này được hưởng lợi từ lưu lượng truy cập và mức độ tương tác của người dùng. Đổi lại, người dùng chỉ nhận được lợi ích từ việc sử dụng nền tảng. SocialFi cần phải tạo ra nhiều mô hình hơn, cho phép người dùng có thể kiếm tiền trực tiếp từ sức ảnh hưởng của mình trên mạng xã hội. Đương nhiên, các mô hình đó cần phải liên quan đến lĩnh vực blockchain.
Quyền riêng tư và bảo mật: trong mạng xã hội truyền thống, mọi đăng ký tài khoản đều yêu cầu thông tin của người dùng, chẳng hạn như số điện thoại di động, địa chỉ email… Những dữ liệu này được lưu trữ tập trung tại các hệ thống máy chủ của các nền tảng này. Đương nhiên, đã là tập trung thì nó luôn luôn tồn tại nguy cơ bị tấn công (trên thực tế, không ít lần Facebook đã bị lộ lọt dữ liệu người dùng). Bằng việc ứng dụng công nghệ blockchain, SocialFi cần phải giúp bảo vệ quyền riêng tư và bảo mật thông tin của người dùng.
Với việc các mạng xã hội lớn tích hợp công nghệ blockchain và các dự án SocialFi đang được chú ý, đã có một sự gia tăng gần đây trong nguồn vốn đầu tư mạo hiểm. Trong chương trình đầu tư 500 triệu USD được công bố gần đây của Binance Smart Chain, SocialFi đã được đề cập đến như một trong những lĩnh vực được quan tâm chính. Solana Ventures cũng đã công bố tài trợ 100 triệu USD cho các công ty khởi nghiệp trên mạng xã hội web 3.0 cùng với người đồng sáng lập của Reddit, Alexis Ohanian cho những dự án SocialFi đầy tiềm năng.
Mặc dù sự phát triển của khái niệm SocialFi vẫn còn ở giai đoạn đầu, nhưng nó có khả năng ảnh hưởng đáng kể đến khối lượng giao dịch tiền điện tử và việc sử dụng công nghệ blockchain nói chung, cũng như mối quan hệ của người dùng thông thường đối với mạng xã hội và sự tương tác giữa họ.
Với những tiềm năng mà SocialFi mang lại, có thể tin rằng nền tảng này sẽ tạo ra một bước tiến mới, đột phá trong giới công nghệ nhưng vẫn đảm bảo quyền riêng tư của người dùng. Đồng thời, SocialFi sẽ là một mảnh ghép không thể thiếu trong hệ sinh thái Metaverse phi tập trung mà thế giới đang xây dựng. Và như vậy có thể khẳng định rằng, SocialFi chính là chìa khóa cách mạng toàn cầu hóa nền công nghiệp Blockchain.
*Web 3.0 được xem là tiêu chuẩn của web trong tương lai, hay còn được gọi là web ngữ nghĩa, giúp bảo vệ quyền riêng tư cá nhân, sử dụng ứng dụng thời gian thực với dữ liệu hoàn toàn phân tán.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. https://www.nasdaq.com/articles/social-media-on-the-blockchain-socialficould-be-key-to-mass-adoption.
2.https://medium.com/cryptocurrencies-ups-and-down/briefly-understand-the-concept-of-socialfi-blockchain-social-application-66e63d0ebc1b.
3. https://goctienao.com/social-token-xu-huong-tiep-theo/.
4. https://www.binance.com/vi/blog/ecosystem/.