Thứ năm, 28/04/2022 14:44

Trí tuệ nhân tạo góp phần phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19

ThS Trương Đình Dũng, Hoàng Hữu Đô

Trường Cao đẳng Kỹ thuật Thông tin

Đại dịch Covid-19 đã tạo ra những thách thức nghiêm trọng đối với nền kinh tế toàn cầu, thậm chí còn sâu rộng hơn cả cuộc khủng hoảng tài chính những năm 2008-2009. Trước những yêu cầu đặt ra, trí tuệ nhân tạo (AI) được đánh giá là giải pháp tích cực, tác động mạnh mẽ đến quá trình phục hồi kinh tế. Bài viết làm rõ vai trò quan trọng của AI đối với sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam.

Sự phát triển của AI

AI là trí tuệ do con người lập trình với mục tiêu giúp máy tính có thể tự động hóa các hành vi thông minh như con người. Giám đốc điều hành của Tập đoàn công nghệ đa quốc gia Google đánh giá, sự ra đời của công nghệ AI có ý nghĩa hơn cả việc phát minh ra điện và lửa.

Hiện nay, AI đang là một trong những công nghệ nền tảng của hệ sinh thái công nghệ số cùng với dữ liệu lớn và phân tích dữ liệu, điện toán đám mây, công nghệ IoT, công nghệ không dây… đóng vai trò quan trọng trong các chiến lược chuyển đổi số. Nhiều quốc gia đã bắt đầu ghi nhận xu thế phát triển tất yếu và tác động chuyển đổi to lớn của AI trong mọi mặt đời sống xã hội, cũng như trong sự thay đổi cán cân quyền lực kinh tế, quân sự, chính trị. Năm 2017, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhận định: “AI là tương lai không chỉ cho nước Nga mà đối với tất cả nhân loại. Bất kỳ ai trở thành lãnh đạo trong lĩnh vực này sẽ là người trị vì thế giới”.

Đặc trưng của AI là năng lực “tự học” của máy tính, do đó có thể tự phán đoán, phân tích trước các dữ liệu mới mà không cần sự hỗ trợ của con người, đồng thời có khả năng xử lý dữ liệu lớn với tốc độ cao. Hiện mỗi ngày trên toàn cầu có khoảng hơn 2,2 tỷ Gb dữ liệu mới (tương đương 165.000 tỷ trang tài liệu) được tạo ra và được các công ty như Google, Twitter, Facebook, Amazon, Baidu, Weibo, Tencent, Alibaba… thu thập để tạo thành “dữ liệu lớn”.

Tác động của AI đến nền kinh tế toàn cầu

Sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 đã tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội và nền kinh tế toàn cầu. Theo Báo cáo kinh tế thế giới của Liên hợp quốc, nền kinh tế toàn cầu năm 2020 suy giảm tới 4,3%, cao gấp hơn 2 lần so với mức suy giảm được ghi nhận trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009.

Trong bối cảnh nền kinh tế chịu ảnh hưởng của đại dịch, vai trò của AI càng trở nên quan trọng. AI trở thành một phần không thể thiếu trong kế hoạch kinh doanh của nhiều tổ chức, doanh nghiệp. Hành trình chuyển đổi số cũng đã được khởi động với sự có mặt của AI từ khâu số hóa dữ liệu, quy trình nghiệp vụ đến chuyển đổi mô hình hoạt động trên tất cả các lĩnh vực then chốt.

Việc áp dụng AI vào các hoạt động kinh tế mang lại không ít tác động tích cực trong tương lai. Công ty kiểm toán PwC của Anh dự đoán rằng, GDP toàn cầu sẽ đạt 114 nghìn tỷ USD vào năm 2030, nhưng con số này có thể cao hơn tới 14% với sự tham gia của AI. Các nhà nghiên cứu giả thuyết rằng, tác động của AI tới nền kinh tế sẽ được thúc đẩy bởi năng suất tăng từ các doanh nghiệp tự động hóa quy trình cũng như tăng cường lực lượng lao động hiện có của họ bằng AI.

Việc tập trung phát triển và ứng dụng AI cũng sẽ gia tăng lợi thế cạnh tranh trong thương mại quốc tế. AI giúp tăng cường khả năng bảo đảm các thỏa thuận thương mại, đầu tư ưu đãi và nâng cao vị thế của quốc gia trên trường quốc tế. Ứng dụng Cố vấn thương mại nhận thức CTA (Cognitive Trade Advisor) được hỗ trợ bởi AI, do Tập đoàn công nghệ máy tính đa quốc gia IBM của Mỹ phát triển và áp dụng trong đàm phán thương mại giữa khối thị trường chung Nam Mỹ (MECOSOUR) và Canada là một trong những minh chứng điển hình. CTA giúp các nhà đàm phán thương mại nắm bắt rõ hơn chiến lược của các đối tác thương mại và tối đa hóa chính sách thương mại trên cơ sở dữ liệu sẵn có.

Thị trường châu Á - Thái Bình Dương (APAC) dự kiến sẽ là khu vực đầu tiên chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc trong các ứng dụng và công nghệ AI. Các quốc gia châu Âu cũng đã và đang chuẩn bị cho cuộc đua về công nghệ AI, Pháp sẽ đầu tư 1,5 tỷ USD trong vòng 5 năm, Đức phân bổ 3 tỷ USD vào năm 2025, EU cũng đã phân bổ 1,5 tỷ EUR cho lĩnh vực AI như một phần của chương trình nghiên cứu và đổi mới Horizon vào năm 2020.

AI trong chiến lược phát triển kinh tế Việt Nam

Một số lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế được xem xét áp dụng AI như sau:

Trong sản xuất: ngành sản xuất dẫn đầu việc áp dụng công nghệ AI từ lập kế hoạch, thay thế công nhân đứng máy, đến thiết kế sản phẩm, giúp cải thiện hiệu quả, chất lượng sản phẩm và đảm bảo an toàn cho người lao động. Vượt qua những khó khăn và trở ngại do đại dịch Covid-19 gây ra, những nhà quản trị sản xuất cho rằng đây chính là một cơ hội để phát triển mạnh mẽ và kiên cường hơn. Kết hợp kinh nghiệm con người và các công nghệ AI trong sản xuất, họ đang dần khám phá ra những cách làm mới để tạo ra sự khác biệt trong khi cắt giảm chi phí mà vẫn đảm bảo lợi nhuận kinh doanh. AI được áp dụng để tự động điều chỉnh các siêu tham số máy móc nhằm tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu quả; sử dụng AI để đánh giá linh kiện, vật liệu trong dây chuyền sản xuất, cho phép phát hiện sai sót so với tiêu chuẩn chất lượng theo thời gian thực.

Trong tiếp thị và quảng cáo: sự ra đời của AI trong lĩnh vực tiếp thị và quảng cáo ảnh hưởng đến việc gia tăng lợi nhuận kinh doanh một cách đáng kể. Việc ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn vào thị trường quảng cáo ngày càng tăng, đòi hỏi cả nhà quảng cáo và doanh nghiệp phải đẩy mạnh áp dụng công nghệ AI để phân tích dữ liệu người dùng một cách hiệu quả nhằm có được nghiên cứu chính xác về nhu cầu và sở thích của khách hàng. Đồng thời, AI không chỉ cho phép thu thập thông tin đầy đủ về người dùng mà còn có thể dự đoán hành vi của họ trong tương lai. Bán lẻ và thương mại điện tử là ngành ứng dụng công nghệ AI hiệu quả trong việc phân tích dữ liệu người dùng. Trên cơ sở đó, các cửa hàng bán lẻ có thể cung cấp các sản phẩm theo các mức độ ưu tiên kèm theo các chương trình khuyến mại, ưu đãi đặc biệt. Ngoài ra, các đề xuất sản phẩm trên web giao dịch điện tử có thể sử dụng thuật toán AI để gợi ý cho người dùng những sản phẩm họ quan tâm hoặc sẽ mua, chẳng hạn như sử dụng các chatbox được lập trình để giải đáp ngay lập tức những câu hỏi phổ biến của khách hàng, định hướng sản phẩm cho người mua…

Trong lĩnh vực tài chính ngân hàng: một số nghiên cứu cho thấy, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tạo ra làn sóng dịch chuyển từ giao dịch trực tiếp sang giao dịch trên các nền tảng số đi kèm với những kỳ vọng kỹ thuật số ngày càng gia tăng của khách hàng. AI nâng cao đáng kể chất lượng trải nghiệm của khách hàng thông qua việc rút ngắn thời gian chờ đợi giao dịch, đồng thời tăng mức độ cá nhân hoá hay thậm chí là dự đoán trước nhu cầu của khách hàng để cung cấp dịch vụ phù hợp. Các ngân hàng ở Việt Nam đều đã có lộ trình ứng dụng AI vào quy trình vận hành. Có thể kể đến TPBank với chatbot chăm sóc khách hàng đa kênh; SeABank phát triển tổng đài tích hợp trợ lý ảo Voicebot; VPBank sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt eKYC cho ứng dụng VPBankNEO; hay MB sử dụng OCR để số hóa tài liệu, chứng từ…

Trong ngành du lịch: nhiều tổ chức du lịch lớn đang chuyển hướng hợp tác cùng các công ty công nghệ xây dựng ứng dụng di động, chatbot riêng để cải thiện trải nghiệm của khách hàng. AI giúp xử lý và phân tích nguồn dữ liệu mà các công ty du lịch thu thập được, chẳng hạn như điểm đến yêu thích, món ăn thường được ưa chuộng, thói quen lựa chọn khách sạn, cách chi tiêu… từ đó, tư vấn đúng đối tượng, đúng nhu cầu của khách hàng tiềm năng, xác định chính xác thị trường mục tiêu để tăng hiệu quả. Có thể nói, AI giúp ngành du lịch chuyển đổi số theo hướng tự động hóa, xây dựng kế hoạch vận hành tốt hơn và tăng hiệu suất hoạt động.

Từ năm 2014, AI được đưa vào danh mục công nghệ cao ưu tiên đầu tư phát triển của Việt Nam. Ngày 26/1/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030 (Quyết định số 127/QD-TTg). Chiến lược này đặt mục tiêu đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI, đưa AI trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam. Chiến lược quốc gia về AI đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng AI trong khu vực ASEAN và trên thế giới. Việt Nam xây dựng được 10 thương hiệu AI có uy tín trong khu vực; phát triển 3 trung tâm quốc gia về lưu trữ dữ liệu lớn và tính toán hiệu năng cao; kết nối được các hệ thống trung tâm dữ liệu, trung tâm tính toán hiệu năng cao trong nước tạo thành mạng lưới chia sẻ năng lực dữ liệu lớn và tính toán phục vụ AI…

Có thể nói, AI ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong nhiều ngành, lĩnh vực. Gần đây, việc ra mắt Trung tâm Nghiên cứu quốc tế về AI đặt tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội theo mô hình nghiên cứu quốc tế hỗn hợp nhằm tạo ra các công nghệ cốt lõi mang thương hiệu “Make-in-Vietnam” ; chương trình Đào tạo AI và công nghệ Robot (AIC) tại Khu công nghệ phần mềm - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh; chương trình Đào tạo kỹ sư AI Vingroup nhằm năng cao năng lực kỹ thuật, xây dựng cầu nối bền vững giữa cộng đồng AI thế giới và Việt Nam… càng khẳng định những bước đi vững chắc trong quá trình triển khai và thực hiện Chiến lược.

Ra mắt trung tâm nghiên cứu quốc tế về AI tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Kết hợp thực hiện “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, đến nay các bộ, ngành, địa phương đã bắt đầu triển khai các chương trình, đề án theo kế hoạch đề ra. Trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với trọng tâm chuyển đổi số, xây dựng kinh tế số đã tạo ra những cơ hội thúc đẩy các hoạt động kinh tế, đầu tư đối ngoại, thu hút hợp tác, chia sẻ về công nghệ AI với các đối tác, tổ chức quốc tế. Việc phát triển công nghệ AI được dự báo giúp GDP của Việt Nam tăng 109 tỷ USD vào năm 2030.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. https://www.cnbc.com/2018/02/01/google-ceo-sundar-pichai-ai-is-more-important-than-fire-electricity.html.

2. https://www.theverge.com/2017/9/4/16251226/russia-ai-putin-rule-the-world.

3. https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/the-gioi-van-de-su-kien/-/2018/825134/canh-tranh-my---trung-quoc-ve-cong-nghe-tri-tue-nhan-tao--thuc-trang-va-nhung-van-de-dat-ra-hien-nay.aspx.

4. https://www.un.org/en/world-economic-situation-and-prospects-2021.

5. https://forbes.co.il/e/artificial-intelligence-is-the-key-to-economic-recovery/.

6. https://www.iicom.org/wp-content/uploads/AI_Paper_AMH.pdf.

7. https://www.france24.com/en/20180329-france-invest-15-billion-euros-artificial-intelligence-AI-technology-2022

8. https://www.reuters.com/article/eu-artificialintelligence-idINKBN1HW25Y.

9. https://www.pwc.com/vn/vn/publications/vietnam-publications/economy-covid19.html

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)