Thứ sáu, 29/04/2022 15:01

Bài toán nào cho tổ chức và quản lý chất thải rắn đô thị?

Mới đây, Ngân hàng thế giới đã công bố báo cáo “Thu hẹp chênh lệch trong quản lý chất thải rắn”. Báo cáo thảo luận về thông lệ tốt cho công tác quản trị lĩnh vực quản lý chất thải rắn trong bối cảnh nhu cầu cấp bách. Mục tiêu của báo cáo là nhấn mạnh sự cần thiết phải có hệ thống quản lý chất thải tổng hợp ở tất cả các cấp chính quyền, theo đó trách nhiệm, vai trò và chức năng thể chế được phân công rõ ràng, có chính sách, ưu đãi kinh tế, tài trợ thích hợp, địa phương có năng lực cung cấp dịch và chủ động thu hút sự tham gia của cộng đồng, các bên liên quan thuộc khu vực nhà nước và tư nhân. Bài viết điểm lại một số điểm nhấn trong báo cáo này.

Tính cấp thiết về quản lý chất thải trên toàn cầu

Dân số ngày càng tăng cùng với đô thị hóa, phát triển kinh tế và mức độ tiêu thụ tương ứng khiến tốc độ phát sinh chất thải tăng nhanh ở mức đáng lo ngại. Đến năm 2050, lượng chất thải phát sinh sẽ cao hơn 73% so với năm 2020. Chỉ có 77% lượng chất thải rắn toàn cầu được thu gom và 33% trong số đó bị thải bỏ lộ thiên. Tình hình ở các quốc gia thu nhập thấp đặc biệt đáng báo động, vì chỉ có 40% lượng chất thải rắn phát sinh được thu gom và 93% bị thải bỏ hoặc quản lý không đúng cách.

Quản lý chất thải rắn đang trở thành vấn đề mang tính cấp thiết trên toàn cầu.

Một lượng chất thải đặc biệt lớn không được quản lý hoặc quản lý chưa đầy đủ và lượng chất thải ngày càng tăng trên toàn cầu là lý do nghiêm trọng gây nên lo ngại. Cụ thể, những cải tiến toàn cầu về hoạt động quản lý chất thải với tốc độ hiện tại dường như chưa đủ để bù đắp tác động tiêu cực của tình trạng quản lý chất thải yếu kém. Rác thải được quản lý kém đe dọa cả môi trường và sức khỏe con người. Tình trạng này cản trở phát triển của con người và hoạt động kinh tế, là rào cản đối với các mục tiêu tham vọng về thịnh vượng của chính quyền Trung ương và địa phương. Ngoài tác động đáng kể đối với địa phương, chất thải rắn đô thị không được quản lý đầy đủ còn là nguồn rác thải lớn xả ra biển và góp phần tạo ra khí nhà kính. Ô nhiễm biển và phát thải khí nhà kính do đốt và xử lý chất thải đô thị không kiểm soát ngày càng bị coi là những thủ phạm chính gây tổn hại cho lợi ích chung toàn cầu.

Thiết lập cơ cấu thể chế phù hợp

Một hệ thống quản lý chất thải tổng hợp dựa trên một mạng lưới các vai trò và trách nhiệm chính thức ở mọi cấp chính quyền. Những vai trò này phải bao gồm các chức năng hoạch định chính sách, lập kế hoạch chiến lược, thực thi quy định, hoạt động dịch vụ và tài chính.

Có hai khía cạnh quan trọng của cơ cấu thể chế hiệu quả cho quản lý chất thải: sự rõ ràng về vai trò và trách nhiệm chuyên môn của các cấp chính quyền khác nhau; và sự hợp tác, phối hợp, trao đổi rõ ràng, cởi mở giữa các cấp thể chế này. Vai trò “cơ quan hoạch định chính sách” chịu trách nhiệm xác định các mục tiêu chiến lược cho lĩnh vực này, thiết lập khuôn khổ pháp lý và quy định để quản lý chất thải; xác định trách nhiệm của các tổ chức, chủ nguồn thải, chủ sở hữu, vận hành công trình và dịch vụ quản lý chất thải; đảm bảo phối hợp với các chính sách khác của lĩnh vực này. Cơ quan hoạch định chính sách cũng xác định khung tiêu chuẩn kỹ thuật và kết quả, thiết lập quy tắc cơ bản để tổ chức, hướng dẫn việc thực hiện và tài trợ quản lý chất thải. Cơ quan hoạch định chính sách còn có một vai trò quan trọng khác là thiết lập các cơ chế thực thi hiệu quả.

Vai trò “cơ quan quản lý” là bảo đảm giám sát, theo dõi hoạt động của đơn vị cung cấp dịch vụ và để thực thi các quy định pháp luật chung. Vai trò của cơ quan quản lý bao gồm cấp phép và/hoặc đăng ký cơ sở và hoạt động chất thải, kiểm soát các chủ nguồn phát thải và chủ sở hữu chất thải khác nhau, và quản lý hợp đồng.

Chính sách, quy hoạch và khung pháp lý

Cần có chính sách để định hướng quy trình lập kế hoạch của các cấp chính quyền Trung ương và địa phương; cần có khung pháp lý tương ứng để có thể đạt được các mục tiêu và hành động chính sách. Việc xây dựng kế hoạch chiến lược để quản lý chất thải phù hợp với luật pháp và chính sách của chính phủ là điều kiện tiên quyết, nền tảng để có hệ thống quản lý chất thải thành công. Các kế hoạch chiến lược thiết lập các mục tiêu và chỉ tiêu, phù hợp với điều kiện hiện hành, phản ánh phân tích về các phương án phát triển và xác định các nguồn tài trợ đáng tin cậy. Chính quyền Trung ương có trách nhiệm chung trong việc lập kế hoạch chiến lược quản lý chất thải để đáp ứng các mục tiêu chính sách quốc gia.

Việc xây dựng kế hoạch địa phương là chức năng thiết yếu của chính quyền địa phương nhưng cũng là chức năng thường bị bỏ qua do chỉ tập trung chủ yếu vào vận hành. Cần có quy trình lập kế hoạch để bảo đảm có sự phù hợp giữa chiến lược quốc gia và địa phương. Cần khuyến khích từng chính quyền thực hiện đúng theo quy hoạch quốc gia, đặc biệt khi xây dựng hạ tầng, công trình mới để bảo đảm việc phát triển lĩnh vực này một cách thống nhất và có điều phối hợp lý trên toàn quốc.

Cần lưu ý rằng, các mục tiêu chính sách cần phát triển dần theo thời gian tương ứng với cải tiến từng bước trong quản lý chất thải, cùng với quy định và tài chính phù hợp. Kinh nghiệm quốc tế khẳng định rằng, việc chuyển đổi ngành theo hướng sử dụng hiệu quả nguồn lực và khái niệm kinh tế tuần hoàn phần lớn không phải do thị trường định hướng mà phụ thuộc vào quy định và cần có nguồn tài trợ đáng kể. Khía cạnh này thường bị hiểu nhầm và có thể có mong muốn mô phỏng các phương thức được cho là có hiệu quả ở các quốc gia thu nhập cao và có quy định chặt chẽ với kỳ vọng rằng những phương thức đó sẽ hoạt động tốt như vậy ở những nơi khác. Điều này thường được phản ánh trong xu hướng thiết lập các mục tiêu quá tham vọng, không thực tế và không thể đạt được.

Tài trợ hướng tới bền vững

Quản lý chất thải là hoạt động cần nhiều chi phí, nguồn đầu tư và tài trợ cho hoạt động này được cho là yếu tố quan trọng nhất quyết định sự bền vững của dịch vụ chất thải đô thị. Trong khi nguồn thu từ vật liệu tái chế và thuế năng lượng có thể trang trải chi phí hoạt động, nguồn thu này thường nhỏ hơn nhiều so với tổng chi phí để vận hành hệ thống quản lý chất thải. Do đó, cần có tương tác và hợp tác chặt chẽ giữa Trung ương và địa phương để bảo đảm các mục tiêu dịch vụ sát với thực tế, có thể đạt được, và khả thi về tài chính.

Trước tiên, các quốc gia cần xem xét việc có áp dụng nguyên tắc “người gây ô nhiễm trả tiền” hay không và điều này tác động thế nào đến khả năng chi trả, khả năng thu hồi chi phí và hành vi của chủ nguồn thải. Thứ hai, một quyết định chính sách quan trọng là thực hiện cơ chế thu phí truyền thống với mục tiêu thu hồi chi phí và ổn định doanh thu hay cơ chế tính phí dựa trên khối lượng để người dùng có động lực giảm thiểu lượng chất thải phát sinh và phân loại chất thải để tái chế.

Một quyết định chính sách quan trọng khác là dịch vụ sẽ do chính quyền đô thị cung cấp trực tiếp hay ủy quyền cho các đơn vị vận hành tư nhân, chi phí dịch vụ liên quan sẽ được tài trợ và tính toán như thế nào đối với hộ gia đình và pháp nhân. Cấu trúc giá và mô hình tính phí liên quan đến quyết định này có thể ảnh hưởng đến kết quả hoạt động và hiệu quả thu phí. Cũng có thể cần có chính sách để quy định chính thức việc hỗ trợ hộ gia đình có thu nhập thấp hoặc dễ bị tổn thương, áp dụng thuế giá trị gia tăng đối với dịch vụ chất thải và tổ chức cung cấp dịch vụ chất thải cho pháp nhân. Cuối cùng, có thể cần cân nhắc chính sách về ảnh hưởng nguồn thu của việc thu gom rác thải sinh hoạt phát sinh ngoài phạm vi cung cấp dịch vụ chính thức của chính quyền địa phương như thông qua các doanh nghiệp cộng đồng. Một quyết định chính sách quan trọng mà chính quyền địa phương phải thực hiện là liệu có nên áp dụng một loại phí sử dụng riêng biệt để bù đắp chi phí phát sinh cho việc vận chuyển, xử lý, và thải bỏ tiếp theo hay không.

Mô hình tổ chức

Các mô hình tổ chức hiệu quả - cơ cấu nền tảng cho hoạt động cung cấp dịch vụ quản lý chất thải cần đáp ứng nhu cầu quản trị của hệ thống quản lý chất thải mong muốn, chứ không phải ngược lại. Các mô hình cung cấp dịch vụ quản lý chất thải phải dựa trên yêu cầu về tài chính, vận hành, hành chính và mục tiêu chính sách của địa phương. Cách làm ngược lại, tức là điều chỉnh hoạt động quản lý chất thải cho phù hợp với mô hình tổ chức hiện có, dẫn tới năng lực và cơ cấu phối hợp có thể không phù hợp với mục tiêu chính sách.

Mô hình tổ chức tốt sẽ giảm thiểu hạn chế về tài chính, duy trì đầu tư vào các cơ sở quản lý chất thải, có thể nắm bắt được cơ hội hợp tác và hiệu quả kinh tế nhờ quy mô giữa các chính quyền địa phương. Việc tổ chức dịch vụ cũng có thể khiến hoạt động quản lý chất thải trở nên hấp dẫn đối với khu vực tư nhân nhằm khai thác tiềm năng đầu tư, công nghệ mới, và bí quyết kỹ thuật trong cung cấp dịch vụ.

Mặc dù các dịch vụ chất thải chủ yếu do chính quyền địa phương thực hiện, thành công về mô hình tổ chức có thể phải dựa đáng kể vào các sắp xếp hỗ trợ từ chính quyền Trung ương, cụ thể là dưới hình thức khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho việc hợp tác giữa các chính quyền địa phương và sự tham gia của khu vực tư nhân, các hướng dẫn cụ thể, hoặc cơ cấu chính sách ưu đãi.

Thu hút sự tham gia của các bên liên quan

Công tác quản lý chất thải có thành công hay không sẽ phụ thuộc vào sự tham gia của các bên liên quan và cần có “hợp đồng xã hội” với công dân và người dân nói chung. Hệ thống quản lý chất thải sẽ thành công hơn nhiều trong bối cảnh các bên liên quan chính tham gia và ủng hộ chính sách và dịch vụ về chất thải. Khi công chúng chấp nhận và tham gia quản lý chất thải với việc tuân thủ các hướng dẫn về xử lý chất thải và trả phí dịch vụ, hoạt động quản lý chất thải có cơ hội thành công. Ngược lại, khi người dùng hoặc đơn vị vận hành không thích hoặc thậm chí phản đối hệ thống quản lý chất thải, hiệu quả sẽ bị ảnh hưởng.

Quản lý chất thải có liên quan đến nhiều bên khác nhau và chính quyền địa phương phải tính đến việc thiết kế một hệ thống quản lý chất thải hiệu quả. Quan điểm của các bên liên quan khác nhau không chỉ giúp thúc đẩy hành vi tích cực cho phép hệ thống hoạt động trơn tru, mà còn giúp chính quyền địa phương phát triển dịch vụ công này theo cách bình đẳng và công bằng hơn, nhờ đó dịch vụ sẽ trở nên bền vững trong dài hạn.

Quản lý chất thải yêu cầu sự tham gia của cộng đồng liên quan đến nơi đổ thải phù hợp, phân loại tại nguồn, giảm thiểu chất thải và xác định địa điểm bố trí hạ tầng. Để có được ủng hộ của cộng đồng, cần liên tục thực hiện hoạt động truyền thông và nâng cao nhận thức, là những hoạt động đôi khi bị bỏ qua nhưng rất cần thiết đối với các hệ thống quản lý chất thải thành công. Các chương trình truyền thông cộng đồng trong quản lý chất thải có hiệu quả nhất khi không chỉ tập trung cung cấp thông tin cho người sử dụng về các quy tắc và quy trình cơ bản mà tập trung cả về trao quyền cho người dân, phản hồi và vai trò chủ động của tập thể.

Công cụ chính sách

Cần có kết hợp thận trọng giữa các giải pháp chính sách và môi trường pháp lý thuận lợi để bảo đảm hành động hiệu quả ở tất cả các cấp chính quyền sao cho hoạt động quản lý chất thải đạt được các mục tiêu quốc gia theo cách gắn kết và phối hợp. Để đạt được hiệu quả, chính quyền trung ương nên chịu trách nhiệm triển khai các công cụ chính sách trên toàn quốc.

Công cụ chính sách phải phù hợp với bối cảnh. Kinh nghiệm cho thấy, chỉ khi có nền tảng cơ bản của hệ thống quản lý chất thải thì mới có thể thực hiện được đầy đủ các chính sách tiên tiến để dịch chuyển lên phía trên “hệ thống phân cấp chất thải”, chuyển từ xử lý truyền thống sang tái sử dụng, ngăn ngừa và hướng tới quản lý tài nguyên bền vững. Để làm được điều này, điều quan trọng là phải khắc phục trước các thất bại thị trường liên quan đến quản lý chất thải yếu kém.

VVH

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)