Thứ sáu, 29/04/2022 13:10

Đổi mới chính sách của các tạp chí khoa học: Kinh nghiệm và giải pháp

Mới đây, Trường Đại học Ngoại thương đã tổ chức hội thảo “Đổi mới chính sách của các tạp chí khoa học: Kinh nghiệm và giải pháp”. Tại hội thảo, các đại biểu đại diện cho các tạp chí khoa học đã chia kinh nghiệm của mình trong việc đổi mới chính sách nhằm nâng cao chất lượng, hướng tới hội nhập quốc tế.

Phát triển các tạp chí khoa học: khó khăn và thách thức

Để hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ (KH&CN), một trong những tiêu chí quan trọng là các sản phẩm của nghiên cứu khoa học (trong đó có các bài báo khoa học) cần phải tuân thủ và được đánh giá theo những chuẩn mực được cộng đồng khoa học trong và ngoài nước công nhận. Trong thời gian qua, Nhà nước đã có những cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, mà một trong những kết quả của các chính sách này là số lượng bài báo của các nhà khoa học Việt Nam được đăng tải trên các tạp chí có uy tín trên thế giới ngày càng tăng.

Hội thảo diễn ra với hai hình thức: trực tiếp và trực tuyến.

Tại hội thảo, đại diện cho Tạp chí KH&CN Việt Nam cho biết, hiện nay, số lượng các tạp chí khoa học của Việt Nam đạt chuẩn quốc tế còn rất hạn chế. Vì vậy, việc phát triển các tạp chí khoa học trong nước hướng tới đạt chuẩn quốc tế là hết sức cần thiết, thể hiện năng lực, trình độ và mức độ hội nhập của KH&CN Việt Nam. Tuy nhiên, việc phát triển các tạp chí khoa học của Việt Nam hiện nay đang gặp một số khó khăn, thách thức:

Một là, hầu hết các tạp chí khoa học của Việt Nam vẫn hoạt động theo một mô hình chung là thực hiện nhiệm vụ xuất bản các bài báo khoa học thuộc lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo của cơ quan chủ quản, tác giả của các bài báo phần lớn cũng là các nhà khoa học thuộc cơ quan chủ quản đó. Vì xuất bản các tạp chí khoa học như là một nhiệm vụ thường xuyên, nên các tạp chí mới chỉ quan tâm đến số lượng, định kỳ xuất bản theo kế hoạch mà chưa chú trọng đến chất lượng của các bài báo cũng như của tạp chí.

Hai là, chưa có sự đổi mới mạnh mẽ của bản thân các tạp chí khoa học để phát triển theo chuẩn mực/thông lệ chung của quốc tế: số tạp chí xuất bản bằng tiếng Anh chưa nhiều; nhiều tạp chí chưa định dạng bài báo theo thông lệ chung; chưa có sự đa dạng hóa thành viên hội đồng biên tập từ nhiều quốc gia trên thế giới hoặc có cũng chỉ là hình thức; chưa có nhiều tác giả của bài báo là người nước ngoài; chưa có kiểm tra đạo văn, phản biện, hiệu đính…; chưa số hóa và xuất bản trực tuyến…

Ba là, các tổ chức tài trợ cho nghiên cứu hiện nay thường yêu cầu đầu vào và đầu ra là các bài báo được đăng tải trên các tạp chí thuộc hệ thống ISI hoặc Scopus mà chưa có sự khuyến khích đối với các tạp chí trong nước (dù là có chất lượng). Đây là một thách thức đáng kể đối với những tạp chí khoa học đang nỗ lực hướng tới đạt chuẩn quốc tế vì khó khăn trong việc thu hút bài báo có chất lượng cao.

Đại diện Tạp chí KH&CN Việt Nam cho biết thêm, các tạp chí khoa học của Việt Nam hiện nay còn bất cập trong việc đánh giá và quản lý chất lượng các tạp chí khoa học Việt Nam hiện nay.

Thứ nhất, việc đánh giá chất lượng các tạp chí khoa học còn theo cảm tính, chưa có công cụ đánh giá một cách khách quan, theo thông lệ của quốc tế. Hiện nay, các tạp chí khoa học của Việt Nam mới chỉ được đánh giá thông qua việc tính điểm công trình khoa học của các hội đồng giáo sư ngành/liên ngành thuộc Hội đồng Giáo sư Nhà nước, việc cho bao nhiêu điểm hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định riêng của từng hội đồng. Để đánh giá chất lượng của một tạp chí khoa học cần nhìn nhận từ 2 khía cạnh: đánh giá đầu vào (quy trình xuất bản, kiểm tra đạo văn, phản biện, hiệu đính…) và đánh giá đầu ra [đánh giá của chính cộng đồng khoa học thông qua chỉ số trích dẫn (citation index), hệ số ảnh hưởng (impact factor), chỉ số H (H-Index)]. Các tạp chí uy tín trên thế giới thường chú trọng vào những đánh giá đầu ra, tất nhiên để có đầu ra tốt thì điều kiện cần và đủ phải có những đánh giá tốt ngay từ đầu vào.

Thứ hai, hiện đang tồn tại một khoảng trống trong việc quản lý chất lượng các tạp chí khoa học. Hệ thống báo chí, trong đó có các tạp chí khoa học hiện nay đang được cấp phép và quản lý nội dung bởi Bộ Thông tin và Truyền thông. Trên thực tế, với hệ thống báo (phản ánh những vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội… mang tính thời sự hàng ngày) thì chức năng quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông là rất hiệu quả. Tuy nhiên, đối với các tạp chí khoa học, việc quản lý như hệ thống báo sẽ không phù hợp vì nội dung các tạp chí khoa học mang tính đặc thù, chất lượng phải được đánh giá thông qua các chuyên gia, công cụ hữu hiệu. Để các tạp chí khoa học Việt Nam hội nhập được với khu vực và thế giới, giải pháp cần thiết và hợp lý là giao nội dung quản lý chất lượng các tạp chí này cho một cơ quan khác phù hợp.

Chia sẻ kinh nghiệm của các tạp chí

PGS.TS Từ Thúy Anh - Tổng biên tập Tạp chí Quản lý Kinh tế quốc tế (Trường Đại học Ngoại thương) chia sẻ những kinh nghiệm đổi mới chính sách để hướng tới gia nhập cơ sở dữ liện của ASEAN (ACI). Hiện tạp chí này đang thực hiện một số giải pháp để thực hiện mục tiêu này: 1) Xây dựng lộ trình chi tiết và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cho việc đăng ký xét đạt tiêu chuẩn quốc tế; 2) Đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong việc quản lý bài viết; 3) Xây dựng và hoàn thiện các quy định và chính sách theo tiêu chuẩn quốc tế; 4) Đẩy mạnh công tác truyền thông và quảng bá; 5) Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng.

Tạp chí Hóa học (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) thì nhấn mạnh đến giải pháp đổi mới quy trình xuất bản và liên kết xuất bản quốc tế. TS Đoàn Thị Yến Oanh - Phó Giám đốc Nhà xuất bản Khoa học Tự nhiên và Công nghệ (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), đại diện cho Tạp chí Hóa học chia sẻ, từ khi hợp tác với Nxb Wiley-VCH, Tạp chí đã thay đổi toàn diện từ hình thức đến nội dung: chuyển sang xuất bản hoàn toàn bằng tiếng Anh, mời các chuyên gia nước ngoài tham gia Hội đồng biên tập, mời các chuyên gia nước ngoài gửi bài viết cho tạp chí, thay đổi định dạng và thiết kế tạp chí. Đó là bước tiến vượt bậc kể từ khi Tạp chí Hoá học ra đời đến nay. Chính vì vậy, Tạp chí đã được chỉ mục trong các hệ thống trích dẫn sau: Web of Science, Emerging Sources Citation Index (ESCI), CAB Abstracts® (CABI), Chemical Abstracts Service (ACS), Crop Science Database (CABI), Environmental Impact (CABI), Environmental Science Database (CABI), Horticultural Science Database (CABI), Science and Technology Collection (EBSCO) Publishing, ASEAN Citation Index (ACI), Scopus, Compendex.

TS Nguyễn Thị Hương Giang - Phó Tổng biên tập Tạp chí KH&CN Việt Nam chia sẻ những kinh nghiệm để vào được ACI. TS Giang cho biết, bài học kinh nghiệm mà Tạp chí rút ra là: Một là, có sự quan tâm đầu tư của cơ quan chủ quản. Nhờ có sự quan tâm này mà Tạp chí đã triển khai đề án Nâng cấp Tạp chí theo từng giai đoạn: 2013-2014, 2015-2016, 2017-2018. Kết quả của đề án đã được áp dụng hiệu quả trong việc phát triển tạp chí. Hai là, sự quyết liệt của Lãnh đạo Tạp chí, sự nỗ lực của mỗi thành viên, sự cộng tác nhiệt tình của nhiều cộng tác viên thân quen của Tạp chí. Ba là, Tạp chí đã xuất bản, định hướng theo chuẩn quốc tế trong mọi công đoạn của quy trình xuất bản. Cụ thể: 1) Kiện toàn Hội đồng biên tập; 2) Thực hiện việc kiểm tra sự trùng lặp (đạo văn); 3) Thực hiện nghiêm túc 2 phản biện kín đối với bài báo; 4) Hiệu đính ngôn ngữ (đối với bản C); 5) Xây dựng website trên nền tảng mã nguồn mở OJS, có phần mềm gửi bài trực tuyến; 6) Thực hiện việc format bài báo theo chuẩn quốc tế…

Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ về kinh nghiệm bình duyệt theo tiêu chuẩn quốc tế; quy định về tóm tắt của bài báo khoa học; cấu trúc bản thảo của một bài báo theo chuẩn của ACI và Scopus, giải pháp trong quản trị tạp chí khoa học, chính sách cho các tác giả của các nhà xuất bản quốc tế, một số quy định về trích dẫn, giải pháp quản lý và trích dẫn tài liệu tham khảo, kinh nghiệm thu hút bài chất lượng tốt… Có thể nói, đây là hội thảo có ý nghĩa thực tiễn cao, góp phần chia sẻ kinh nghiệm, cùng thúc đẩy các tạp chí khoa học ở Việt Nam phát triển.

Vũ Hưng

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)