Xác định cấp độ phát triển HSTKN- ĐMST và nguồn nội lực
Trong HSTKN-ĐMST quốc gia, các trường đại học đóng vai trò quan trọng. Đây là nơi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực công nghiệp và xã hội, đóng góp vào sự gia tăng tài sản trí tuệ và năng lực trí tuệ cho các doanh nghiệp. Các trường này có thể kiến tạo khởi nghiệp (KN) nghề nghiệp giúp cho sinh viên tìm một nghề phù hợp với tâm thế KN-ĐMST, khởi nghiệp truyền thống - kiến tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa, cuối cùng KN công nghệ ĐMST có khả năng nhân rộng. Các trường cần xác định rõ khả năng của mình tới đâu, từ đó lập chiến lược phát triển HSTKN-ĐMST cho phù hợp. Khi xác định rõ đầu ra sẽ giúp cho nhà trường phát triển đội ngũ giảng viên và chuyên viên phù hợp. Đầu ra phù hợp cũng định hướng giúp cho nhà trường cộng hưởng với các thành phần khác trong hệ sinh thái địa phương. Nhà trường cần đánh giá các nguồn lực như mặt bằng, hạ tầng công nghệ, các ngành đào tạo có thế mạnh, nguồn lực tài chính để có chiến lược phát triển phù hợp với mục tiêu định sẵn.
Bộ phận chuyên trách cho HSTKN-ĐMST
Các trường cần kiên quyết thành lập các bộ phận chuyên trách cho HSTKN-ĐMST cho dù chỉ có một chuyên viên. Tự chủ, độc lập, linh hoạt và ứng phó là những điều kiện tiên quyết cho startup thành công và cũng đúng cho bộ phận thúc đẩy KN-ĐMST trong hệ thống giáo dục. Bộ phận chuyên trách này sẽ chịu trách nhiệm lập chiến lược, kế hoạch và các chỉ số đo lường xây dựng hệ sinh thái. Bên cạnh quyền tự chủ, bộ phận này cần được ban giám hiệu nhà trường hỗ trợ tối đa trong chính sách giúp cho bộ phận này vượt qua khó khăn khi phối hợp với các đơn vị khác thuộc trường. Tâm lý ngại làm cái mới, ngại làm việc thêm của các phòng, ban là trở ngại lớn nhất và khó khăn nhất khi triển khai HSTKN-ĐMST tại các trường đại học, cao đẳng.
Xây dựng lực lượng giảng viên và chuyên viên hỗ trợ KN-ĐMST
Nhà trường cần nhanh chóng đào tạo lực lượng giảng viên và chuyên viên KN- ĐMST càng sớm càng tốt. Tỷ lệ tối ưu cho số lượng nhân sự này là 1:500 sinh viên. Các nhân sự tham gia hoạt động này không nhất thiết phải là chuyên trách và không chỉ là thuộc khoa quản trị kinh doanh hay kinh tế. Các giảng viên có thể từ các khoa có chuyên môn liên quan tới KN như công nghệ thông tin, hóa thực phẩm... Trong thời gian gần đây, có rất nhiều hoạt động hỗ trợ đào tạo giảng viên và chuyên viên KN-ĐMST như chương trình đào tạo giảng viên của Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, các chương trình đào tạo tại các trường đại học lớn hàng đầu tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Nhà trường cần chú ý tới sự khác biệt giữa giảng viên và chuyên viên KN-ĐMST. Giảng viên tập trung vào công tác đào tạo, cố vấn, mentor giúp startup phát triển và thành công. Chuyên viên KN-ĐMST là những cá nhân chịu trách nhiệm phát triển các hoạt động KN-ĐMST như xây dựng mạng lưới nhà đầu tư, kết nối doanh nghiệp hỗ trợ startup hoặc các hoạt động cộng đồng như hội thảo hoặc cuộc thi. Tỷ lệ lý tưởng cho giảng viên và chuyên viên là 5:1 tại các trường đại học.
Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và sự tham gia của giảng viên trong hoạt động KN-ĐMST
Cốt lõi của KN là công nghệ và ĐMST, do vậy các trường cần chú trọng các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng khoa học từ giảng viên và sinh viên. Nhà trường cần tập trung nghiên cứu và chuyển giao công nghệ không nhất thiết hiện đại nhưng phải phù hợp và tạo giá trị cho địa phương. Nếu như nhà trường có được phong trào nghiên cứu khoa học mạnh mẽ thì đó là tiền đề cho kiến tạo các doanh nghiệp KN ứng dụng khoa học, công nghệ. Nhà trường cũng cần tập trung thúc đẩy giảng viên và chuyên gia nghiên cứu và KN khoa học, công nghệ thay vì chỉ tập trung cho cộng đồng sinh viên trẻ. Lực lượng giảng viên và chuyên gia nghiên cứu mới là nguồn lực bền vững và lâu dài cho KN-ĐMST trong xã hội.
Cộng hưởng với HSTKN và các trường khác
Nguồn lực luôn luôn hạn chế với mong muốn kết quả có được. Các trường cần xác định nguồn lực mạnh nhất của mình là gì và những nguồn lực cần sự cộng hưởng từ bên ngoài, thậm chí từ những trường đại học khác. KN đòi hỏi kiến thức hoàn chỉnh như kinh tế và công nghệ một cách đơn giản nhất. Như vậy, nếu một trường kinh tế cộng hưởng với trường khác về công nghệ sẽ giúp các hoạt động KN-ĐMST mạnh hơn. Nhà trường cần để tâm tới cộng hưởng, chia sẻ nguồn lực của mình và sử dụng chung nguồn lực từ các thành phần khác trong hệ sinh thái cho các hoạt động KN như sự kiện, cuộc thi, hội thảo. Nhà trường cũng nên tận dụng các hoạt động mang tính chất khu vực tầm cỡ quốc gia Techfest do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hàng năm.
Kết nối với cộng đồng doanh nghiệp địa phương
Nhà trường cần nhanh chóng xây dựng kết nối với cộng đồng doanh nghiệp địa phương. Các doanh nghiệp chính là đầu ra của nghiên cứu khoa học cũng như nguồn nhân lực có tâm thế KN. Nhà trường cũng cần chú ý xây dựng cộng đồng doanh nghiệp tại mọi cấp độ không chỉ tập trung cho các doanh nghiệp lớn, nổi tiếng tại địa phương mà còn các doannh nghiệp nhỏ và các hộ kinh doanh cá nhân. Cộng đồng doanh nghiệp có thể hỗ trợ rất tốt cho nhà trường trong hỗ trợ tư vấn, đào tạo chuyên môn bên cạnh hỗ trợ nguồn tài chính cho startup. Đào tạo KN-ĐMST lý tưởng nhất đòi hỏi giảng viên và doanh nhân cùng tiến hành thực hiện. Cộng đồng doanh nghiệp địa phương chính là yếu tố quan trọng đảm bảo sự thành công của KN-ĐMST.
Thay lời kết
Để bắt kịp với xu hướng phát triển hiện đại, các trường đại học cần được trang bị đủ năng lực để tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và chuyển giao công nghệ, hình thành các vườn ươm và đơn vị thúc đẩy kinh doanh để nuôi dưỡng các ý tưởng sáng tạo và các doanh nghiệp khởi nguồn, KN. Cần khuyến khích các trường đại học, đặc biệt là các trường khối kỹ thuật và công nghệ dành không gian thích đáng cho hoạt động ươm tạo công nghệ, xưởng thiết kế, chế tạo của sinh viên. Việc hình thành HSTKN-ĐMST trong các trường đại học là xu thế tất yếu cần quan tâm thúc đẩy. Bên cạnh các nguồn lực tài chính, hoạt động KN-ĐMST cần được hỗ trợ bởi hạ tầng kỹ thuật cứng và mềm thuận lợi. Đó là các không gian làm việc chung, hạ tầng công nghệ, thông tin và cơ sở dữ liệu, mạng lưới và quan hệ đối tác, đặc biệt là đội ngũ các nhà cố vấn, huấn luyện viên, tư vấn KN, phát triển thị trường và kết nối đầu tư trong và ngoài nước. Chính sách của Nhà nước cần quan tâm hỗ trợ các đơn vị cung cấp dịch vụ, hạ tầng và đào tạo huấn luyện cho KN-ĐMST. Việc kết nối doanh nghiệp KN với các viện nghiên cứu, trường đại học và các doanh nghiệp lớn cũng rất cần vai trò xúc tác của Nhà nước và các đơn vị hỗ trợ KN công lập.
Văn hóa ĐMST, văn hóa KN là yếu tố cấu thành quan trọng của một HSTKN-ĐMST lành mạnh. Cần hình thành và nuôi dưỡng văn hóa ĐMST từ trong nhà trường, gia đình và xã hội. Bên cạnh nỗ lực đưa chương trình đào tạo về KN-ĐMST vào giảng dạy trong các trường đại học như hiện nay, cần tính đến giải pháp mang tính chiến lược và dài hạn hơn như cân nhắc đưa chương trình giáo dục về ĐMST và tinh thần kinh doanh vào hệ thống giáo dục quốc dân, thậm chí giáo dục văn hóa ĐMST ngay từ cấp bậc tiểu học.