Thứ năm, 05/05/2022 14:52

Cần có quy định chi tiết một số nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa bằng phương thức điện tử

Ghi nhãn bằng phương thức điện tử (ghi nhãn điện tử) là một cách hỗ trợ, bổ sung cho cách ghi nhãn bằng phương pháp vật lý truyền thống (dán, in, đính, đúc, chạm, khắc…) cho các nhà sản xuất truyền đạt thông tin, các nội dung bắt buộc theo quy định. Ghi nhãn điện tử cho phép một số nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa được tạo ra theo phương thức điện tử và hiển thị trên màn hình. Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Thông tư Quy định chi tiết một số nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa bằng phương thức điện tử. Vậy ghi nhãn bằng phương thức điện tử có vai trò quan trọng như thế nào đối với nhà sản xuất, cơ quan quản lý và người tiêu dùng? Những nội dung nào cần bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa bằng phương thức ghi điện tử? Bài viết góp phần giải đáp những vấn đề này.

Nhãn điện tử - xu thế tất yếu

Theo dự thảo Tờ trình của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng về sự cần thiết phải ban hành Thông tư quy định chi tiết một số nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa bằng phương thức điện tử thì nhãn điện tử đang được áp dụng ở nhiều quốc gia (như Mỹ, Úc, Singapore, Trung Quốc…). Đại diện cho 56% nền kinh tế thế giới và 46% dân số thế giới đã áp dụng các chương trình dán nhãn điện tử. 

Ở Việt Nam hiện nay, cùng với sự phát triển của ngành công nghệ số, đa số người tiêu dùng đã sử dụng các thiết bị hoặc phần mềm điện tử như các ứng dụng trên điện thoại thông minh, sử dụng trang web trên máy tính… Như vậy, họ hoàn toàn có thể truy cập trang web của nhà sản xuất xem hoặc tải về các thông tin về sản phẩm mà nhà sản xuất công bố đối với một số nội dung cần có hướng dẫn chi tiết hoặc thông số phức tạp như: hướng dẫn sử dụng, thông số kỹ thuật… Cũng theo dự thảo Tờ trình của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, ghi nhãn điện tử có thể cung cấp lợi ích cho các nhà sản xuất, cơ quan quản lý và người tiêu dùng.

Ghi nhãn điện tử có thể cung cấp lợi ích cho các nhà sản xuất, cơ quan quản lý và người tiêu dùng.

Đối với nhà sản xuất, ghi nhãn điện tử hỗ trợ ghi nhãn truyền thống bằng phương pháp vật lý để hiển thị nội dung bắt buộc, đặc biệt hữu ích đối với các loại sản phẩm công nghệ, kể cả những loại có kích thước nhỏ, giảm chi phí sản xuất, cho phép đổi mới thiết kế sản phẩm và mang lại lợi ích cho môi trường bằng cách giảm chất thải được tạo ra trong quá trình sản xuất và cập nhật nhãn vật lý. Trong khi trước đây mỗi một sản phẩm điện tử phải in một cuốn hướng dẫn sử dụng đi kèm và phải bỏ khi hết model đó thì với nhãn điện tử sẽ tiết kiệm được chi phí in ấn, nội dung được cập nhật thường xuyên và linh hoạt, góp phần bảo vệ môi trường và rất thuận lợi cho doanh nghiệp.

Đối với người tiêu dùng, nhãn điện tử cho phép dễ dàng truy cập thông tin và cũng cho phép nhiều thông tin hơn sẽ được hiển thị trên một nhãn vật lý. Nhà sản xuất sẽ giảm được chi phí in ấn và dễ dàng cập nhật các thay đổi khi cần thiết, vì thế giá thành sản phẩm có thể giảm, có lợi cho người tiêu dùng. Người tiêu dùng có thể sẽ mua được sản phẩm rẻ hơn, việc đọc các thông tin cũng thuận tiện hơn vì chỉ cần thao tác quét mã hoặc truy cập trang web có thể đọc thông tin bất cứ lúc nào cần đến mà không cần phải lưu giữ các cuốn catalog của sản phẩm

Đối với các nền kinh tế, nhãn điện tử cho phép sản phẩm tiếp cận thị trường sớm hơn, đảm bảo rằng các cơ quan quản lý và/hoặc cơ quan có thẩm quyền có thể truy cập thông tin tuân thủ cập nhật và có thể giúp chặn các sản phẩm giả mạo từ thị trường.

Trước yêu cầu hội nhập sâu và rộng vào nền kinh tế thế giới, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và từ sự cần thiết của thực tế qua kiến nghị của các doanh nghiệp thì việc nghiên cứu, xây dựng các quy định hướng dẫn ghi nhãn điện tử ở Việt Nam là cần thiết và đáp ứng nguyện vọng của rất nhiều doanh nghiệp, trong đó có sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp đa quốc gia, có đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế.

Ngoài ra, về căn cứ pháp lý, thực hiện Nghị Quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ, nhằm mục đích tạo môi trường thuận lợi cho kinh doanh, hội nhập quốc tế, đẩy mạnh áp dụng thành tựu KH&CN tiên tiến vào trong sản xuất kinh doanh và quản lý, và tạo thuận lợi thương mại, bảo vệ lợi ích quốc gia và quyền lợi người tiêu dùng; Nghị định số 111/2021/NĐ-CP ngày 09/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa đã có quy định về việc thể hiện một số ghi nhãn bắt buộc bằng phương thức điện tử. Cụ thể tại khoản 4 Điều 10 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 1 Nghị định số 111/2021/NĐ-CP ngày 09/12/2021 quy định: Bộ trưởng Bộ KH&CN quy định chi tiết một số nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa quy định tại điểm d khoản 1 Điều này bằng phương thức điện tử.

Những nội dung cơ bản của dự thảo Thông tư

Về đối tượng áp dụng, dự thảo Thông tư nêu rõ, Thông tư áp dụng đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa tại Việt Nam, tổ chức cá nhân nhập khẩu hàng hóa có thể hiện nội dung ghi nhãn hàng hóa bằng phương thức điện tử, cơ quan nhà nước và tổ chức cá nhân có liên quan.

Nội dung ghi nhãn điện tử được thể hiện bằng một hoặc nhiều phương thức sau: 1) Thể hiện trên website có chỉ dẫn cụ thể thông tin đường dẫn trên nhãn hàng hóa gắn trên hàng hóa hoặc bao bì thương phẩm của hàng hóa; 2) Thể hiện trên mã quét, mã QR, mã số, mã vạch có gắn trực tiếp trên hàng hóa hoặc bao bì thương phẩm của hàng hóa. Vị trí thể hiện ghi nhãn bằng phương thức điện tử phải được gắn trực tiếp trên hàng hóa hoặc bao bì thương phẩm của hàng hóa, có thể đọc được dễ dàng bằng mắt thường và thiết bị phù hợp.

Dự thảo Thông tư cũng quy định một số nội dung bắt buộc theo tính chất của một số nhóm hàng hóa được thể hiện bằng phương thức điện tử: 1) Một số nội dung tại điểm d khoản 1 Điều 10 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 1 Nghị định số 111/2021/NĐ-CP được lựa chọn thể hiện bằng phương thức điện tử thay cho ghi nhãn gắn trực tiếp trên hàng hóa hoặc bao bì thương phẩm của hàng hóa, ghi trong tài liệu kèm theo, trừ các nội dung: ngày sản xuất, hạn sử dụng, thành phần, thông tin cảnh báo thì không được chỉ thể hiện bằng phương thức điện tử; 2) Các nội dung bắt buộc khác đã thể hiện trực tiếp trên nhãn hàng hóa đúng theo Nghị định số 43/2017/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 111/2021/NĐ-CP có thể được thể hiện thêm hình thức ghi nhãn bằng phương thức điện tử. Nội dung thể hiện trực tiếp trên nhãn hàng hóa phải tương ứng với nội dung thể hiện bằng phương thức điện tử, không được sai lệch nội dung, bản chất của hàng hóa.

Ngoài ra, dự thảo Thông tư cũng quy định một số điều về: trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc ghi nhãn bằng phương thức điện tử; hiệu lực thi hành; tổ chức thực hiện. Hy vọng rằng, khi Thông tư được ban hành sẽ thống nhất được nội dung bắt buộc, phương thức… thể hiện trên nhãn hàng hóa bằng phương thức điện tử, tạo điều kiện thuận tiện cho nhà sản xuất, cơ quan quản lý và người tiêu dùng.

VVH

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)