Thứ sáu, 04/07/2025 10:12

Chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo - Động lực thúc đẩy kinh tế xanh

TS Lâm Bảo Anh

Trường Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, ô nhiễm môi trường gia tăng và tài nguyên thiên nhiên dần cạn kiệt, khái niệm “kinh tế xanh” không còn là lựa chọn, mà trở thành tất yếu trong chiến lược phát triển bền vững của mọi quốc gia. Tại Việt Nam, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định rõ vai trò then chốt của khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trong hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững. Trong đó, trí tuệ nhân tạo (AI) và các nền tảng chuyển đổi số được xem là “chìa khóa” mở ra hướng đi mới cho mô hình kinh tế xanh.

Xu hướng tất yếu

Trong bối cảnh toàn cầu đang chứng kiến những biến động mạnh mẽ cả về môi trường, kinh tế lẫn công nghệ…, khái niệm phát triển bền vững ngày càng được nhìn nhận dưới góc độ tổng thể, bao trùm các yếu tố môi trường - xã hội và tăng trưởng kinh tế. Hai yếu tố nổi bật và có mối quan hệ chặt chẽ trong chiến lược phát triển đó chính là chuyển đổi số và kinh tế xanh. Sự kết hợp giữa hai xu hướng này không chỉ là sự đổi mới về công nghệ hay môi trường, mà còn là sự tái định hình lại cấu trúc nền kinh tế trên nền tảng minh bạch, hiệu quả và thân thiện với tự nhiên.

Chuyển đổi số không đơn thuần là việc số hóa quy trình sản xuất hay đưa các dịch vụ lên môi trường trực tuyến. Thực chất, đó là một quá trình thay đổi sâu rộng về mô hình vận hành, phương thức quản trị và tư duy phát triển của các tổ chức, doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị - xã hội. Trong khuôn khổ phát triển bền vững, chuyển đổi số đóng vai trò như một động lực nội sinh, tạo ra các giải pháp công nghệ để tối ưu hóa tài nguyên, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Khi công nghệ số được ứng dụng đúng cách, có thể giúp giám sát toàn diện các nguồn lực thiên nhiên, theo dõi khí thải, kiểm soát chất lượng nước, không khí, thậm chí là dự báo các tác động môi trường từ các hoạt động sản xuất. Những thông tin này có thể được xử lý theo thời gian thực để hỗ trợ ra quyết định nhanh chóng và chính xác, từ đó ngăn ngừa rủi ro và điều chỉnh hành vi tiêu dùng, sản xuất theo hướng bền vững.

Chuyển đổi số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đang góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng xanh và bền vững.

Khác với quan niệm truyền thống về phát triển kinh tế - vốn dựa trên khai thác tài nguyên đến giới hạn, kinh tế xanh hướng đến việc sử dụng tài nguyên một cách hợp lý, hiệu quả và có khả năng tái tạo lâu dài. Tuy nhiên, kinh tế xanh không chỉ dừng lại ở việc "ít gây hại hơn" cho môi trường, mà còn tạo ra một hệ sinh thái phát triển mới, nơi mà giá trị không chỉ đến từ sản phẩm cuối cùng, mà còn từ toàn bộ quá trình tạo ra nó, bao gồm cách tài nguyên được khai thác, sử dụng, tái chế và tái đầu tư vào tự nhiên.

Với sự xuất hiện của các công nghệ mới như: cảm biến IoT, nền tảng dữ liệu mở và điện toán đám mây… đã biến việc quản lý môi trường trở nên chủ động, chính xác. Không chỉ trong sản xuất và quản lý môi trường, công nghệ số còn đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng, giao thông - những trụ cột của nền kinh tế xanh.

Giải pháp nào cho Việt Nam

Mặc dù tiềm năng kết hợp giữa chuyển đổi số và kinh tế xanh là rất lớn, song thực tiễn triển khai vẫn còn nhiều hạn chế. Một trong những rào cản lớn nhất là nhận thức chưa đồng đều giữa các cấp quản lý và doanh nghiệp về giá trị của chuyển đổi kép. Không ít nơi vẫn xem công nghệ số và phát triển xanh như hai mảng riêng biệt, hoặc chỉ thực hiện theo phong trào mà thiếu chiến lược lâu dài.

Ngoài ra, vấn đề dữ liệu phân mảnh, hạ tầng số còn yếu, thiếu chuyên gia công nghệ chuyên sâu về môi trường, đặc biệt là sự thiếu hụt mô hình kinh doanh thực tiễn để dẫn dắt thị trường. Để vượt qua điều này, cần có sự cải cách mạnh mẽ trong chính sách: từ cách định hình khung pháp lý hỗ trợ đổi mới sáng tạo xanh, đến cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ sạch thông qua tín dụng xanh, thuế môi trường, hay các chứng chỉ carbon.

Để phát triển và hội nhập, Việt Nam cần thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ bản gồm:

Một là, xây dựng hệ thống giám sát và quản lý phát thải thông minh: Để tận dụng tối đa tác động mạnh mẽ của chuyển đổi số trong việc giảm phát thải, Việt Nam cần ưu tiên xây dựng hệ thống giám sát và quản lý phát thải thông minh quy mô quốc gia. Trọng tâm của giải pháp này là việc triển khai mạng lưới cảm biến IoT rộng khắp, cho phép thu thập dữ liệu phát thải theo thời gian thực từ các nguồn khác nhau như nhà máy, phương tiện giao thông và khu đô thị. Dữ liệu này sẽ được tích hợp vào một nền tảng dữ liệu lớn, nơi các thuật toán AI tiên tiến sẽ phân tích, dự báo xu hướng ô nhiễm và đưa ra cảnh báo sớm. Hệ thống này không chỉ dừng lại ở việc giám sát mà còn được tích hợp sâu vào quy trình ra quyết định của các cơ quan quản lý môi trường và doanh nghiệp, cho phép họ đưa ra các biện pháp can thiệp kịp thời và hiệu quả. Bằng cách này, Việt Nam có thể chủ động kiểm soát và giảm thiểu phát thải, đồng thời tạo ra một cơ sở dữ liệu quốc gia về môi trường, hỗ trợ cho việc hoạch định chính sách và quy hoạch phát triển bền vững trong tương lai.

Hai là, thúc đẩy phát triển các sản phẩm xanh được “số hóa” nhằm khai thác tiềm năng to lớn của số hóa sản phẩm xanh. Việt Nam cần triển khai một chương trình quốc gia toàn diện về phát triển và sản xuất sản phẩm xanh dựa trên nền tảng số. Trọng tâm của chương trình này là việc xây dựng và áp dụng một bộ tiêu chuẩn quốc gia về sản phẩm xanh, tạo ra khung pháp lý và kỹ thuật rõ ràng cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Chính phủ cần triển khai các chính sách ưu đãi tài chính và hỗ trợ kỹ thuật, khuyến khích doanh nghiệp áp dụng công nghệ số tiên tiến như AI, IoT và blockchain trong quá trình thiết kế, sản xuất và phân phối sản phẩm xanh. Để hoàn thiện hệ sinh thái này, việc phát triển một nền tảng trực tuyến quốc gia là không thể thiếu, nơi kết nối chặt chẽ giữa nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng sản phẩm xanh. Nền tảng này không chỉ đóng vai trò như một thị trường trực tuyến, mà còn là một trung tâm thông tin - nơi người tiêu dùng có thể truy cập dễ dàng thông tin về nguồn gốc, tác động môi trường và quy trình sản xuất của sản phẩm.

Ba là, phát triển hệ thống quản lý tài nguyên và năng lượng thông minh: Để tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên và năng lượng, Việt Nam cần triển khai một hệ thống quản lý tài nguyên và năng lượng thông minh tích hợp, khai thác sức mạnh của AI và công nghệ số. Trọng tâm của giải pháp này là xây dựng một lưới điện thông minh trên quy mô quốc gia, sử dụng AI để dự báo nhu cầu, tối ưu hóa quá trình sản xuất và phân phối điện, đồng thời tích hợp hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo. Song song với đó, việc phát triển hệ thống quản lý nước thông minh là không thể thiếu, sử dụng mạng lưới cảm biến IoT để giám sát chất lượng nước, phát hiện rò rỉ và tối ưu hóa quá trình phân phối. Để đảm bảo tính minh bạch và truy xuất nguồn gốc trong quản lý tài nguyên, một nền tảng quản lý dựa trên công nghệ blockchain cần được triển khai, cho phép theo dõi chặt chẽ quá trình khai thác, sử dụng và tái chế tài nguyên.

Bốn là, để đảm bảo sự thành công và bền vững của quá trình chuyển đổi số hướng tới nền kinh tế xanh, Việt Nam cần triển khai một chương trình toàn diện về phát triển nhân lực, tập trung vào việc xây dựng "Kỹ năng xanh số". Trọng tâm của chương trình này là việc phát triển một chương trình đào tạo quốc gia, kết hợp hài hòa kiến thức về công nghệ số, AI và phát triển bền vững, nhằm tạo ra một lực lượng lao động có khả năng vận hành và phát triển các hệ thống thông minh. Bênh cạnh đó, việc hợp tác chặt chẽ với các tập đoàn công nghệ hàng đầu trong và ngoài nước để triển khai các khóa đào tạo chuyên sâu về AI và phân tích dữ liệu cho phát triển bền vững là không thể thiếu, giúp nâng cao năng lực của đội ngũ chuyên gia trong nước. Để đảm bảo tính bền vững lâu dài, chương trình cần thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động nghiên cứu - phát triển trong lĩnh vực AI xanh tại các trường đại học và viện nghiên cứu, tạo nền tảng cho sự đổi mới và phát triển công nghệ phù hợp với bối cảnh Việt Nam.

*

*     *

Chuyển đổi số và AI không phải là đích đến, mà là công cụ để thúc đẩy một nền kinh tế thân thiện với môi trường, hiệu quả và công bằng hơn. Trong kỷ nguyên mới, kinh tế xanh không thể tách rời khỏi công nghệ số và ngược lại các công nghệ này cần được định hướng phát triển theo tiêu chí bền vững. Tương lai của kinh tế xanh phụ thuộc vào việc kết nối công nghệ với giá trị bền vững ra sao. Điều đó phải bắt đầu ngay từ hôm nay, với mỗi quyết định đầu tư, mỗi chính sách và từng hành động nhỏ trong đời sống.

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)