Thứ tư, 02/07/2025 14:34

Con đường công nghiệp hoá của Việt Nam trong kỷ nguyên mới

Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) vừa tổ chức Hội thảo với chủ đề “Con đường công nghiệp hoá của Việt Nam trong kỷ nguyên mới”. Hội thảo nhằm trao đổi những vấn đề học thuật liên quan đến công nghiệp hóa trong thời đại mới, đặc biệt là về quản trị rủi ro, phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. 

Trong bối cảnh kinh tế đang biến động mạnh mẽ và biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, việc tìm kiếm một mô hình phát triển bền vững trở thành ưu tiên chiến lược của nhiều quốc gia, đặc biệt là các nền kinh tế đang chuyển đổi như Việt Nam. Để đạt được những mục tiêu phát triển trong vài thập kỷ tới, Việt Nam không chỉ cần tăng trưởng nhanh, mà còn phải tăng trưởng “xanh” và “bền vững”. Hội thảo “Con đường công nghiệp hóa của Việt Nam trong kỷ nguyên mới” đã khuyến nghị một số chính sách sau:

Cần tập trung cải cách thể chế và nâng cao năng lực quản trị

Sau gần 40 năm đổi mới, mô hình công nghiệp hóa của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng cũng bộc lộ những giới hạn rõ rệt về thể chế và năng lực thực thi chính sách. Sự chồng chéo trong điều hành, bộ máy hành chính cồng kềnh và năng lực hoạch định còn hạn chế đang là những điểm nghẽn trong quá trình tái cơ cấu và nâng cấp nền công nghiệp quốc gia. Cải cách thể chế mạnh mẽ là điều kiện tiên quyết để tránh bẫy thu nhập trung bình và tạo môi trường cho công nghiệp hóa sáng tạo.

Để phục vụ phát triển công nghiệp, việc tinh giản bộ máy hành chính, chống tham nhũng và thúc đẩy minh bạch hóa kinh tế - xã hội cũng rất cần thiết. Tinh giản bộ máy giúp nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm chi phí và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Chống tham nhũng tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, thu hút đầu tư. Thúc đẩy minh bạch hóa kinh tế - xã hội tạo động lực phát triển, khuyến khích sự tham gia của người dân và doanh nghiệp. Việt Nam có thể học hỏi mô hình điều hành hiệu quả của các nước Đông Á - thành công gắn với đội ngũ technocrats có năng lực. Đồng thời, cần tích hợp chuyển đổi số trong toàn bộ hệ thống hành chính công - triển khai đồng bộ chính phủ điện tử và thành phố thông minh.

Thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu và nâng cao nội lực công nghiệp

Khuyến nghị của Hội thảo cho rằng, cần tập trung phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên như cơ khí chế tạo (ưu tiên ô tô, gia công kim loại, máy móc thiết bị phục vụ các ngành kinh tế); điện tử tin học (ưu tiên thiết bị điện tử, điện lạnh, các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao). Chính sách công nghiệp cần hướng tới phát triển công nghiệp hỗ trợ và một số ngành công nghiệp vật liệu cơ bản quan trọng như thép chế tạo, vải, vật liệu mới..., giảm sự phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện nhập khẩu, gia tăng giá trị nội địa và cải thiện lợi thế cạnh tranh.

Để thu hút các dự án đầu tư lớn, dự án công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ và phục vụ hoạt động sản xuất, cần xác định vai trò then chốt của công tác xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Theo đó, các bộ, ngành Trung ương, các đơn vị liên quan và các chủ đầu tư cần phối hợp, xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng, như hạ tầng giao thông, lưới điện...; thúc đẩy công tác chỉ đạo giải phóng mặt bằng, chú trọng các cơ chế, giải pháp đẩy nhanh việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư... Đồng thời, cần khuyến khích đầu tư phát triển hạ tầng logistic, trước mắt là hệ thống cảng cạn, kho bãi…; hỗ trợ các doanh nghiệp logistic đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, tập trung. Kết nối hỗ trợ các doanh nghiệp từng bước tiếp cận, kết nối với mạng lưới doanh nghiệp logistic cả nước, khu vực và quốc tế nhằm học hỏi, tiếp cận công nghệ quản lý, vận hành hiện đại theo hướng Cách mạng công nghiệp 4.0 trong hoạt động logistic.

Chuyển đổi xanh và tăng trưởng tương thích với biến đổi khí hậu

Công nghiệp hóa trong kỷ nguyên mới buộc phải tương thích với mục tiêu giảm phát thải và phát triển bền vững. Theo đó, cần đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, giao thông xanh, nông nghiệp thông minh và xây dựng thị trường carbon trong nước. Tận dụng các cam kết quốc tế để thu hút tài chính khí hậu và công nghệ sạch.

Công nghiệp hóa trong kỷ nguyên mới buộc phải tương thích với mục tiêu giảm phát thải và phát triển bền vững (nguồn: AFP/TTXVN).

Phát triển công nghiệp xanh ở Việt Nam đặt ra yêu cầu đối với một chiến lược truyền thông hiệu quả. Theo đó, việc tuyên truyền cần nhấn mạnh tác hại của các ngành công nghiệp truyền thống, như khai khoáng, xi măng, luyện kim, sản xuất giấy… đến môi trường và sức khỏe cộng đồng. Bên cạnh lợi ích kinh tế, công nghiệp xanh còn góp phần xây dựng một xã hội bền vững, thịnh vượng. Cần nghiên cứu kỹ lưỡng và toàn diện, phát triển chiến lược phát triển công nghiệp xanh và cơ chế thực thi hiệu quả tại Việt Nam.

Phát triển nguồn nhân lực và khoa học, công nghệ

Để nâng cấp công nghiệp, trước tiên cần có nguồn nhân lực chất lượng cao tương xứng, có đội ngũ lãnh đạo đủ tài năng, có tầm nhìn chiến lược, có ý thức, trách nhiệm… Tuy nhiên, Việt Nam đang thiếu hụt nghiêm trọng kỹ sư, nhà nghiên cứu và chuyên gia công nghệ cao... Đây là một trong những điểm nghẽn chính trong quá trình chuyển đổi sang công nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam.

Cần xây dựng Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam, tạo cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đào tạo triển khai xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển cho ngành. Đồng thời, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, nhất là những quy định liên quan đến ưu đãi trong đào tạo, tuyển dụng và thu hút nhân lực; trong nghiên cứu và phát triển; trong tự chủ đại học. Đẩy mạnh phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia đào tạo và thương mại hóa nghiên cứu.

Việt Nam cần đầu tư mạnh vào giáo dục kỹ thuật, nghiên cứu ứng dụng và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho một số ngành, lĩnh vực then chốt để thúc đẩy ngành công nghiệp phát triển theo tinh thần: Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.

Hội nhập quốc tế và đa dạng hóa quan hệ kinh tế

Hội nhập quốc tế và đa dạng hóa quan hệ kinh tế đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển công nghiệp tại Việt Nam. Bằng cách mở rộng thị trường, thu hút đầu tư và công nghệ, cũng như đa dạng hóa cơ cấu kinh tế, Việt Nam có thể tăng cường năng lực cạnh tranh và giảm sự phụ thuộc vào một số ngành hoặc nguồn lực nhất định. Việt Nam cũng có thể tận dụng “cú sốc Trump” như cơ hội để tái cấu trúc mô hình hội nhập. Theo đó, nước ta cần giảm phụ thuộc vào một số thị trường lớn và chủ động điều chỉnh chính sách thương mại.

Tuy nhiên, việc hội nhập quốc tế cũng đặt ra một số thách thức, như cạnh tranh gay gắt, nguy cơ phụ thuộc vào các nguồn lực bên ngoài và sự cần thiết phải có các chính sách phù hợp để bảo vệ các ngành công nghiệp non trẻ. Do đó, Việt Nam cần có chiến lược hội nhập quốc tế phù hợp, chủ động ứng phó với các cú sốc thương mại và địa chính trị, tận dụng tối đa các cơ hội, đồng thời giảm thiểu các rủi ro, để đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp.

Định hướng dài hạn: Công nghiệp hóa sáng tạo, bao trùm và bền vững

Trong dài hạn, Việt Nam cần thay đổi cấu trúc tăng trưởng dựa trên vốn và lao động. Thay vào đó, là phát triển một nền công nghiệp sáng tạo, bao trùm và bền vững, tập trung vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo ra giá trị gia tăng cao, đồng thời đảm bảo sự công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Việt Nam cần một tầm nhìn công nghiệp vượt ra ngoài tăng trưởng thuần túy, đặt mục tiêu nâng cao chất lượng sống, công bằng xã hội và phát triển vùng. Để làm được điều này, cần xây dựng chiến lược công nghiệp dài hạn tích hợp đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững. Từ đó, hướng tới mô hình “kinh tế tri thức xanh”, nhằm kết hợp số hóa, công nghệ sạch và năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia.

VVH

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)