Thứ năm, 03/07/2025 15:29

Chính phủ quy định về cơ chế, chính sách hợp tác công tư trong lĩnh vực phát triển S.T.I.D

Ngày 01/7/2025, Chính phủ ban hành Nghị định số 180/2025/NĐ-CP về cơ chế, chính sách hợp tác công tư trong lĩnh vực phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (S.T.I.D). Nghị định quy định về cơ chế, chính sách hợp tác công tư để đầu tư, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; hợp tác công tư theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; hợp tác công tư theo cơ chế sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết; trách nhiệm của các bên trong hoạt động hợp tác công tư...

Theo Nghị định, lĩnh vực S.T.I.D áp dụng hợp tác công tư gồm: i) Công nghệ cao, công nghệ chiến lược theo quy định của pháp luật về công nghệ cao, pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; hạ tầng cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ chiến lược; ii) Hạ tầng số để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số, Chính phủ số theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược hạ tầng số trong từng thời kỳ; iii) Nền tảng số dùng chung theo quy định tại Điều 10 của Nghị quyết số 193/2025/QH15 ngày 19/02/2025 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển S.T.I.D quốc gia; iv) Hoạt động đào tạo nhân lực công nghệ số, nhân lực công nghiệp công nghệ số; hạ tầng phục vụ đào tạo nhân lực công nghệ số, nhân lực công nghiệp công nghệ số; v) Các loại hình công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, hoạt động khác phù hợp với mục tiêu nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số.

Tổ chức, cá nhân tham gia hợp tác công tư để đầu tư, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được áp dụng các hình thức ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước sau đây:

Thứ nhất, được áp dụng chính sách ưu đãi về thuế theo quy định của pháp luật về thuế, trong đó có chính sách doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ để xác định thu nhập chịu thuế đối với chi phí cho hoạt động nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp bằng 200% chi phí thực tế của hoạt động này khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ.

Thứ hai, được áp dụng chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan.

Thứ ba, được sở hữu kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo theo quy định của pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và Điều 6 Nghị định này.

Thứ tư, được áp dụng cơ chế chấp nhận rủi ro trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo theo quy định của pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tiêu chí xác định rủi ro được chấp nhận, quy trình đánh giá việc tuân thủ, cơ chế bảo vệ người thực hiện và quản lý nhiệm vụ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo thực hiện theo quy định của pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Thứ năm, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện dự án đầu tư theo hình thức quy định tại Chương II Nghị định này được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước quy định tại Điều này và Điều 17 Nghị định này.

Thứ sáu, tổ chức, cá nhân tham gia hợp tác công tư theo cơ chế sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết theo quy định tại Chương III Nghị định này được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước quy định.

Thứ bảy, tổ chức, cá nhân tham gia hợp tác công tư theo các hình thức quy định tại Chương IV Nghị định này được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước theo quy định tại Nghị định và pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Thứ tám, Nhà nước đặt hàng, chỉ định thầu đối với sản phẩm, hàng hóa là kết quả của hợp tác công tư thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đặc biệt theo pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Nghị định cũng quy định cụ thể về quyền sở hữu, quyền sở hữu trí tuệ, dữ liệu và phân chia lợi nhuận trong hợp tác công tư:

Theo đó, quyền sở hữu, quản lý, sử dụng đối với tài sản phát sinh từ hoạt động nghiên cứu, phát triển trong hợp tác công tư bao gồm cả chương trình máy tính, sản phẩm, nền tảng công nghệ và các ứng dụng khác hình thành từ hoạt động khai thác, phân tích, phát triển dữ liệu trong hợp tác công tư, được các bên xác định trong hợp đồng dự án hoặc thỏa thuận hợp tác, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và pháp luật có liên quan.

Quyền sở hữu, quyền sở hữu trí tuệ đối với dữ liệu hình thành từ hoạt động khai thác, phân tích, phát triển dữ liệu trong hợp tác công tư được xác định như sau: Cơ quan nhà nước là chủ sở hữu dữ liệu gốc do cơ quan nhà nước trực tiếp tạo lập trong quá trình hoạt động hoặc được thu thập, tạo lập từ số hóa giấy tờ, tài liệu và các dạng vật chất khác, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác; dữ liệu phát sinh từ hoạt động khai thác, phân tích, phát triển dữ liệu thực hiện theo thỏa thuận giữa các bên, phù hợp với quy định của pháp luật về dữ liệu, pháp luật về sở hữu trí tuệ, pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và pháp luật có liên quan.

Việc phân chia lợi nhuận thu được sau thuế từ việc khai thác thương mại tài sản phát sinh từ hoạt động nghiên cứu, phát triển trong hợp tác công tư được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng dự án hoặc thỏa thuận hợp tác, phù hợp với quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và các pháp luật khác có liên quan bảo đảm chia sẻ lợi ích công bằng, tương xứng với tỷ lệ đóng góp về tài chính, tài nguyên và công nghệ của từng bên.

Các hình thức hợp tác công tư trong lĩnh vực phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số theo Nghị định gồm: Đầu tư theo hình thức hợp tác công tư theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết; các hình thức hợp tác công tư khác.

Về hợp tác công tư theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Nghị định quy định đầu tư theo phương thức đối tác công tư được áp dụng đối với các dự án đầu tư, xây dựng, vận hành có kết hợp hoạt động nghiên cứu, kinh doanh (sau đây gọi là dự án PPP khoa học, công nghệ) để thực hiện một hoặc các hạ tầng: hạ tầng phục vụ nghiên cứu, phát triển công nghệ cao, công nghệ chiến lược; hạ tầng số, dịch vụ số, dữ liệu; hạ tầng phục vụ hoạt động đào tạo nhân lực công nghệ số; hạ tầng khác về S.T.I.D theo quy định của pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

CT

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)