Kết quả Chỉ số PAPI cấp tỉnh năm 2021
Báo cáo PAPI 2021 cung cấp một cái nhìn tổng quan về những phát hiện nghiên cứu theo các chỉ số nội dung và nội dung thành phần cấu thành Chỉ số PAPI 2021 và kết quả của các tỉnh, thành phố theo bốn cấp độ hiệu quả. Qua điểm PAPI tổng hợp, các tỉnh/thành phố có thể so sánh với những địa phương có cùng điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và vùng địa lý. Nhìn sâu vào từng chỉ tiêu cụ thể là chìa khóa để các tỉnh, thành phố đáp ứng được tốt hơn mong đợi của người dân. Nhu cầu này đặc biệt quan trọng để hiểu tác động của đại dịch Covid-19 lên quản trị và giúp các địa phương chuẩn bị cho những khủng hoảng về kinh tế và y tế trong tương lai.
Toàn cảnh hội nghị công bố Báo cáo PAPI 2021.
Phân tích dữ liệu năm 2021 cho thấy, nhiều tỉnh ở phía Bắc thuộc về nhóm đạt điểm cao nhất hoặc trung bình cao. Ngược lại, phần lớn các tỉnh khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long thuộc nhóm trung bình thấp hoặc thấp nhất. Trong 5 thành phố trực thuộc trung ương, TP Hồ Chí Minh thuộc về nhóm đạt điểm thấp nhất. Kết quả này phản ánh phần nào thực tế tác động nặng nề của giãn cách xã hội toàn phần kéo dài do làn sóng Covid-19 lần thứ tư khiến cho người dân gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận với chính quyền địa phương và sử dụng dịch vụ công ở TP Hồ Chí Minh.
Nhìn chung, có sự chênh lệch lớn giữa điểm cao nhất và điểm thấp nhất cấp tỉnh ở chỉ số nội dung ‘Cung ứng dịch vụ công’ trong năm 2021. Điều đáng chú ý là điểm cao nhất và thấp nhất cấp tỉnh năm 2021 đều giảm so với kết quả năm 2020 ở các chỉ số nội dung ‘Tham gia của người dân ở cấp cơ sở’, ‘Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương’ và ‘Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công’.
Covid-19: mất việc làm và ứng phó của chính quyền qua đánh giá của người dân
Tương tự như những năm trước, Báo cáo PAPI 2021 tiếp tục làm sáng tỏ những vấn đề mà người dân quan ngại nhất trong năm 2021. Những dữ liệu này đặc biệt có ý nghĩa sau những tác động kinh tế - xã hội mà đại dịch Covid-19 gây ra. Đây cũng là những phát hiện quan trọng để tìm hiểu tác động của đại dịch lên quản trị công và giúp các địa phương chuẩn bị tốt hơn cho những khủng hoảng kinh tế và y tế tương tự trong tương lai.
Kết quả nghiên cứu PAPI cho thấy Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch năm vừa qua, thể hiện qua tỷ lệ quan ngại về sức khỏe và điều kiện kinh tế tăng lên trong khi tỷ lệ lo lắng về chất lượng môi trường giảm xuống. Điều này được phản ánh rõ qua phát hiện cho thấy y tế/bảo hiểm y tế trở thành vấn đề người dân quan ngại nhất trong năm 2021. Đây cũng là lần đầu tiên có sự thay đổi trong danh sách những vấn đề đáng quan ngại nhất kể từ khi PAPI hỏi câu hỏi này năm 2015.
Để phân tích mối quan ngại của người dân về tình hình kinh tế hộ gia đình, Báo cáo PAPI 2021 cũng trình bày kết quả khảo sát về vấn đề mất việc làm trong năm vừa qua. Phát hiện từ khảo sát PAPI 2021 cho thấy, đại dịch Covid-19 đã gây ra tác động tiêu cực đến việc làm và thu nhập của người dân ở diện rộng hơn vào năm 2021 so với năm 2020. Tỷ lệ người dân trả lời cho biết họ bị mất việc làm hoặc thu nhập tăng hơn 10% so với 2020, đặc biệt là ở các trung tâm kinh tế trọng điểm như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, những nơi giãn cách xã hội trong thời gian dài. Mất việc làm và thu nhập là dấu hiệu của các biện pháp hạn chế, đã dẫn tới cuộc khủng hoảng kinh tế đầu tiên của Việt Nam sau hai thập kỷ. Tuy nhiên, tương tự kết quả kháo sát PAPI năm 2020, các tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số ở khu phực phía Bắc và Tây Bắc đa số không bị ảnh hưởng của Covid-19 tác động đến việc làm và thu nhập.
Bộ phiếu hỏi khảo sát PAPI 2021 bao gồm một loạt câu hỏi để người dân đánh giá chính quyền về hiệu quả ứng phó với đại dịch Covid-19, sự kiện có tác động đáng kể đến điểm số ở nhiều chỉ tiêu trong PAPI 2021. Mục đích của những câu hỏi này là để nắm bắt cách người dân cảm nhận và trải nghiệm với phương cách ứng phó của chính quyền các cấp trong đại dịch cũng như tác động của Covid-19 tới người dân ở cấp độ cá nhân và hộ gia đình. Đây là bằng chứng để các cấp chính quyền nắm bắt phần nào nhu cầu và kỳ vọng của người dân trong đại dịch, đồng thời tăng cường khả năng ứng phó, mức độ sẵn sàng, sự linh hoạt của Nhà nước trong cung cấp nhu yếu phẩm trong điều kiện đại dịch vẫn còn tiếp diễn cũng như chuẩn bị cho các cuộc khủng hoảng tương tự trong tương lai.
Nhìn chung, tỷ lệ người trả lời cho biết họ hài lòng với cách ứng phó với đại dịch của chính quyền các cấp đã giảm từ 89% năm 2020 xuống 84% năm 2021. Sự sụt giảm này có thể là do tác động to lớn hơn của làn sóng Covid-19 lần thứ tư với biến chủng Delta gây nhiều thách thức cho chính quyền các cấp, đặc biệt là từ tháng 5/2021.
Đại dịch đã khiến ngành y tế nhận được ít thiện cảm hơn, với mức độ hài lòng của người sử dụng các dịch vụ của bệnh viện công tuyến huyện, quận, thành phố trực thuộc tỉnh đã giảm sút. Bên cạnh đó, số người dùng dịch vụ của khối bệnh viện công tuyến huyện cho biết họ phải trả chi phí ngoài quy định để được chăm sóc tốt hơn cũng tăng nhẹ.
Trải nghiệm quản trị công địa phương giữa người thường trú và người tạm trú
Covid-19 đã khiến những thách thức trong quản trị công vốn có ở các tỉnh, thành phố tiếp nhận nhiều người di cư nội địa trở nên trầm trọng hơn đối với cả hai nhóm người thường trú và người tạm trú. Người tạm trú và người thường trú có những điều kiện và địa vị chính trị, kinh tế và xã hội khác nhau tại cùng một địa phương. Người tạm trú thường nghèo hơn với điều kiện vật chất khó khăn hơn và có thu nhập thấp hơn so với người thường trú. Họ cũng là người trẻ tuổi hơn (trẻ hơn nhóm người thường trú khoảng 7 tuổi khi so sánh số tuổi trung bình của hai nhóm), có trình độ học vấn thấp hơn. Tỷ lệ nữ trong nhóm tạm trú cũng cao hơn so với tỷ lệ nữ trong nhóm thường trú.
Khác biệt về trải nghiệm hiệu quả quản trị và hành chính công giữa người thường trú và người tạm trú.
Sự khác biệt về đặc điểm nhân khẩu nêu trên cho thấy, người tạm trú có những trải nghiệm và cảm nhận về quản trị địa phương khác với người thường trú. Đánh giá của hai nhóm tạm trú và thường trú khác nhau nhiều nhất ở hai chỉ số nội dung ‘Tham gia của người dân ở cấp cơ sở’ và ‘Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương’. Kết quả phân tích dữ liệu của từng tỉnh, thành phố tiếp nhận nhập cư đã khẳng định điều này. Ví dụ, người thường trú ở Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội và Long An có nhiều cơ hội tham gia và được tiếp cận nhiều thông tin hơn người tạm trú.
Động cơ thúc đẩy di cư giảm
Trong bối cảnh của đại dịch với nhiều bất trắc và các đợt giãn cách xã hội năm 2021, tỷ lệ người dân ở tất cả các tỉnh, thành phố bày tỏ muốn di cư khỏi địa phương năm vừa qua chỉ là 1,6%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 6,8% năm 2020, cho dù kinh tế suy giảm mạnh mẽ vào năm 2021 dẫn đến thiệt hại lớn về việc làm và thu nhập trên quy mô toàn quốc. Xu hướng này đối lập với vấn đề di cư giữa các tỉnh, thành phố trong suốt thập kỷ qua khi Việt Nam phát triển nền kinh tế đa thành phần và sự trỗi dậy của nhiều trung tâm công nghiệp đi đôi với nhiều cơ hội việc làm.
Điển hình cho một quốc gia đang phát triển với nền kinh tế ngày càng năng động và người di cư trong nước vì việc làm là đặc điểm chính trong câu chuyện tăng trưởng thành công của Việt Nam. Điều này dẫn tới câu hỏi nghiên cứu quan trọng về cách thức người di cư biết đến các cơ hội việc làm và mức độ sẵn sàng làm quen với thông tin về cơ hội cải thiện tình hình kinh tế của bản thân và gia đình và giá trị của việc chấp nhận rủi ro từ việc di cư. Để tìm hiểu vấn đề này, PAPI 2021 đã thực hiện một thử nghiệm ngẫu nhiên để trả lời câu hỏi liệu sự hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam có thể ảnh hưởng đến mức độ sẵn sàng tìm hiểu của người dân về tác động của toàn cầu hóa đối với sinh kế của họ hay không. Nhóm nghiên cứu Báo cáo PAPI 2021 đưa ra giả thuyết rằng, người dân (đặc biệt là người di cư) có xu hướng sẽ dành thời gian để nhận thức những tác động kinh tế lớn có thể xảy ra liên quan đến Hiệp định EVFTA khi họ đối mặt với tình trạng bấp bênh về thu nhập
Kết quả nghiên cứu cho thấy, những người tạm trú nhận được câu hỏi về tác động của Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có xu hướng tìm đọc thêm về hiệp định này hơn so với những người không được hỏi về tác động của hiệp định này. Khác với người tạm trú, người thường trú không quan tâm tìm hiểu thêm về Hiệp định EVFTA cho dù họ được hỏi về tác động của hiệp định. Kết quả phân tích trên cho thấy, người di cư có thể có nhiều lợi ích hơn so với người thường trú từ hội nhập kinh tế sâu rộng hơn. Vì vậy, họ là những người sẵn sàng đầu tư nhiều thời gian và công sức hơn để tìm hiểu về tác động của Hiệp định EVFTA.
Vũ Hưng