Thứ ba, 10/05/2022 14:27

Doanh nghiệp nhỏ và vừa: một trọng tâm của pháp luật về sở hữu trí tuệ

Doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 90% trong tổng số doanh nghiệp của cả nước. Các doanh nghiệp này đóng vai trò sống còn của nền kinh tế Việt Nam, rất nhạy bén và năng động trong việc mang ý tưởng đến với thị trường. Vì vậy, một trong những giải pháp quan trọng được nêu trong Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 là triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) phát triển tài sản trí tuệ, đưa các doanh nghiệp này thành một nhóm đối tượng cụ thể và quan trọng trong Chiến lược.

Sở hữu trí tuệ - một tài sản quan trọng của doanh nghiệp

Theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), tài sản của doanh nghiệp có thể được chia thành 2 loại: tài sản hữu hình (bao gồm nhà xưởng, máy móc, tài sản tài chính và cơ sở hạ tầng); và tài sản vô hình (được tính từ nguồn nhân lực, bí quyết kỹ thuật đến các ý tưởng, thương hiệu, kiểu dáng và các kết quả vô hình khác có được từ năng lực đổi mới và sáng tạo của công ty). Theo truyền thống, tài sản hữu hình là tài sản chính của công ty và có ý nghĩa quyết định khả năng cạnh tranh của công ty trên thị trường. Trong những năm gần đây, tình hình đã thay đổi đáng kể. Do thành quả của cuộc cách mạng công nghệ thông tin và sự tăng trưởng của nền công nghiệp dịch vụ, các công ty đang nhận ra rằng tài sản vô hình trở nên có giá trị hơn so với tài sản hữu hình. Nghĩa là, các nhà xưởng và nhà máy lớn dần dần đang được thay thế bởi các phần mềm và các ý tưởng đổi mới mạnh như là phần thu nhập chính của một phần lớn và đang gia tăng của các doanh nghiệp trên toàn thế giới. Thậm chí trong một số lĩnh vực mà công nghệ sản xuất truyền thống vẫn ngự trị, sự đổi mới không ngừng và sáng tạo vô tận đang trở thành chìa khóa cho khả năng cạnh tranh tốt hơn trên các thị trường cạnh tranh khốc liệt, bất kể đó là thị trường nội địa hay thị trường quốc tế.

Hầu hết mọi doanh nghiệp nhỏ và vừa đều có tên thương mại hoặc một hay nhiều nhãn hiệu và phải xem xét việc bảo hộ chúng. Hầu hết các doanh nghiệp đều có các thông tin kinh doanh bí mật có giá trị, từ danh sách khách hàng đến chiến lược bán hàng đều có thể được bảo hộ. Một số lượng lớn doanh nghiệp đã xây dựng nhiều kiểu dáng sáng tạo độc đáo. Nhiều doanh nghiệp đã tạo ra, hoặc hỗ trợ trong việc xuất bản, phổ biến hoặc bán lẻ tác phẩm được bảo hộ. Một số doanh nghiệp có thể sáng tạo hoặc cải tiến sản phẩm hoặc dịch vụ…

Trong tất cả các trường hợp như vậy, doanh nghiệp vừa và nhỏ đều phải xem xét cách thức tốt nhất để sử dụng hệ thống sở hữu trí tuệ vì lợi ích của riêng mình. Bởi vì sở hữu trí tuệ có thể giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ trong hầu hết các khía cạnh phát triển kinh doanh và chiến lược cạnh tranh: từ phát triển sản phẩm đến thiết kế sản phẩm, từ cung cấp dịch vụ đến tiếp thị, và từ thu hút các nguồn tài chính đến xuất khẩu hoặc mở rộng kinh doanh của bạn ra nước ngoài thông qua li-xăng hoặc nhượng quyền thương mại.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam còn “thờ ơ” với hoạt động sở hữu trí tuệ

Theo thống kê, hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng có ý thức hơn trong việc xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu và tài sản sở hữu trí tuệ. Năm 2015 có gần 37.300 đơn đăng ký nhãn hiệu của các doanh nghiệp thì đến năm 2020 có 55.600 đơn, tăng gần 50% trong vòng 5 năm. Số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế thông qua Cục Sở hữu trí tuệ cũng tăng lên hơn gấp đôi từ 105 đơn vào năm 2015 lên 269 đơn vào năm 2020.

Tuy nhiên, có thể thấy so với số lượng doanh nghiệp đang hoạt động vô cùng lớn ở nước ta hiện nay với gần 800.000 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ và nhỏ chiếm 93,5% trong tổng số doanh nghiệp cả nước, thì số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu vẫn còn chưa xứng với tiềm năng phát triển của doanh nghiệp nước ta. Các doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến nhãn hiệu, thương hiệu của doanh nghiệp mình.

Năm 2019, Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh đã thực hiện khảo sát với gần 4.000 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Kết quả cho thấy, chỉ có 1,63% doanh nghiệp có nhân sự được đào tạo, tập huấn hoặc chuyên trách về tài sản trí tuệ; 2,25% doanh nghiệp có ban hành các quy định nội bộ, quy chế quản lý tài sản trí tuệ. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, vì họ là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên không cần bộ phận chuyên trách về sở hữu trí tuệ, hoặc công việc đó được giao cho các phòng khác kiêm nhiệm.

Báo cáo mới đây của Cục Sở hữu trí tuệ cũng cho thấy, riêng trong lĩnh vực nông sản, có đến 80% doanh nghiệp chỉ chi ra 5% doanh số cho việc xây dựng và phát triển thương hiệu. Bên cạnh đó, nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ và quy luật trong sử dụng quyền sở hữu trí tuệ trong kinh doanh vẫn chưa được các doanh nghiệp Việt nhìn nhận một cách đúng đắn nhất. Chia sẻ về vấn đề này, ông Đinh Hữu Phí - Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cho biết: hiện doanh nghiệp Việt vẫn chưa chú trọng đến đăng ký bảo hộ nhãn hiệu đầy đủ ở cả thị trường trong nước và nước ngoài. Đơn đăng ký bảo hộ vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của các doanh nghiệp Việt. Nhiều thương hiệu, nhãn hiệu, sản phẩm chúng ta mới chỉ dừng ở việc đăng ký sở hữu trí tuệ trong nước, riêng việc đăng ký bảo hộ tại một thị trường khác ngoài Việt Nam chúng ta chưa thực sự quan tâm đúng mức. Thực tế này dẫn đến nhiều sự việc đáng tiếc như: chỉ dẫn địa lý Phú Quốc cho nước mắm bị đăng ký làm nhãn hiệu ở nhiều nước, mất thương hiệu thuốc lá Vinataba ở nhiều lãnh thổ, mất sáng chế, kiểu dáng công nghiệp võng xếp Duy Lợi ở Nhật Bản năm 2001, mất chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột ở Trung Quốc năm 2011… Theo luật sư Lê Quang Vinh - Công ty Luật Bross và cộng sự, nếu không bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp sẽ mất cơ hội xuất khẩu và mở rộng thị trường, đối mặt với rủi ro về pháp lý. Song song với đó là sẽ mất lợi ích từ các Hiệp định Thương mại tự do như CPTPP, EVFTA, RCEP…

Một trọng tâm của pháp luật về sở hữu trí tuệ

Trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, việc Việt Nam đẩy mạnh hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới sẽ mang đến nhiều cơ hội nhưng cũng dẫn đến những cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Và để có thể tồn tại và phát triển tại các thị trường có tính cạnh tranh khốc liệt, không còn cách nào khác, các doanh nghiệp Việt cần phải nghiêm túc trong việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu để đứng vững trong thị trường cả trong nước và quốc tế.

Theo Báo cáo “Cải cách kinh tế nhằm bảo hộ sở hữu trí tuệ hiệu quả trong bối cảnh hội nhập kinh tế và chuyển đổi số ở Việt Nam” được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố gần đây đã chỉ ra rằng, Việt Nam cần suy nghĩ đến việc sửa Luật Sở hữu trí tuệ theo hướng “đón đầu” xu hướng hợp tác quốc tế để chủ động có những chuẩn bị cần thiết… trong đó cần lưu ý đến 4 nhóm chính sách:

Thứ nhất, cách tiếp cận đối với việc sửa đổi, bổ sung Luật sở hữu trí tuệ cần hướng tới nội luật hóa sớm hơn và cao hơn so với các cam kết quốc tế để tạo động lực cho doanh nghiệp và thích ứng với môi trường chuyển đổi số.

Thứ hai, cần nâng cao năng lực và ý thức bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân (đặc biệt là ở nước ngoài).

Thứ ba, cần vận dụng cơ chế giải quyết tranh chấp trực tuyến trong việc xử lý dân sự các tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ để giảm chi phí cho doanh nghiệp và cá nhân.

Thứ tư, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong quản lý sở hữu trí tuệ. Cần tính đến khả năng hợp nhất một số cơ quan quản lý sở hữu trí tuệ, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.https://ipvietnam.gov.vn/hoat-ong-shcn-trong-nuoc/-/asset_publisher/7xsjBfqhCDAV/content/doanh-nghiep-nho-va-vua-o-viet-nam-van-e-quan-tri-tai-san-tri-tue?inheritRedirect=false.

2. https://dangcongsan.vn/khoa-hoc/bao-ve-quyen-so-huu-tri-tue-giup-doanh-nghiep-viet-phat-trien-ben-vung-608767.html.

3. https://thuonghieucongluan.com.vn/doanh-nghiep-gap-kho-khan-trong-bao-ho-quyen-so-huu-tri-tue-a123119.html.

4. wipo.int.

MN

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)