Bài học 1: mở rộng danh sách đầu tư. Các ứng cử viên trên đường đua vắc xin thường xác định được sự thất bại hay thành công ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển tiền lâm sàng và lâm sàng. Trong đại dịch, việc mở rộng danh sách đầu tư sẽ giúp tăng xác suất thành công. Mặc dù rất khó để nắm bắt các khoản đầu tư toàn cầu vào nghiên cứu và phát triển (R&D) vắc xin, song chắc chắn con số này đã lên tới hàng chục tỷ USD. Riêng Hoa Kỳ đã đầu tư hơn 12 tỷ USD vào 6 chương trình (AstraZeneca, Jonhson, Moderna, Novavax, Pfizer/BioNtech và Sanofi) dựa trên 3 nền tảng: mRNA, adenovector và công nghệ protein tái tổ hợp. Sự hỗ trợ mạnh tay này đã giúp các công ty, đặc biệt là các công ty nhỏ có thể nhanh chóng tham gia vào cuộc đua để phát huy năng lực sáng tạo của mình.
Bài học 2: đảm bảo tài trợ cho khu vực công và huy động từ các nguồn khác. Bên cạnh việc tăng tỷ lệ thành công, tài trợ của khu vực công còn là chìa khóa trong việc đẩy nhanh tiến độ phát triển mà không ảnh hưởng đến sự an toàn. Khi có sự tham gia hỗ trợ tài chính từ khu vực công và các quỹ từ thiện, các công ty sẽ giảm thiểu rủi ro tài chính và mạnh dạn hơn trong việc đầu tư cho R&D. Thực tế cho thấy, việc giảm rủi ro tài chính và tăng xác suất thành công đóng vai trò quan trọng trong quyết định đầu tư và đưa vắc xin ra thị trường của một công ty.
Bài học 3: linh hoạt trong các quy định. Các quốc gia trên thế giới đã sử dụng cơ chế khẩn cấp để tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp vắc xin nhanh chóng. Các quy định sử dụng khẩn cấp này cho phép các sản phẩm chưa được phê duyệt được sử dụng. Ngoài ra, quy trình lập danh sách sử dụng khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới cũng đã giúp các quốc gia linh hoạt hơn trong việc phê duyệt theo quy định của riêng họ, tạo điều kiện thuận lợi cho nhập khẩu vắc xin. Hiểu và sử dụng các cơ chế này là trọng tâm của một phản ứng hiệu quả.
Bài học 4: phát triển hoặc tăng cường hệ thống giám sát an toàn. Bên cạnh những thành công về R&D vắc xin, cộng đồng toàn cầu còn phải đối mặt với những thách thức liên tục trong việc tiếp nhận vắc xin. Vượt qua những thách thức này là hết sức cần thiết để chống lại đại dịch và chuẩn bị cho tương lai. Nhiều quốc gia đã có hệ thống giám sát an toàn mạnh mẽ và chúng đã thực sự phát huy hiệu quả khi hàng triệu người được tiêm chủng trong một thời gian ngắn. Sử dụng nhiều cách tiếp cận khác nhau, các trường hợp hiếm gặp như phản ứng miễn dịch bất thường liên quan đến vắc xin Covid-19 và huyết khối, các trường hợp viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim sau khi tiêm vắc xin mRNA (đặc biệt là ở những người trẻ tuổi) và lo ngại về hội chứng Guillain-Barre sau khi tiêm chủng đã được phát hiện và đánh giá. Việc giám sát cũng cung cấp thông tin quan trọng về hiệu quả của vắc xin để giúp các cơ quan y tế kịp thời đưa ra các khuyến nghị về việc tiêm liều tăng cường. Có thể nói, các hệ thống giám sát này là vô giá trong sự đồng thuận khoa học.
Bài học 5: xử lý tình trạng “lười” tiêm vắc xin sớm. Tại Hoa Kỳ, nhiều chuyên gia đã nhấn mạnh đến “đại dịch của những người chưa được tiêm chủng”. Các cá nhân do dự về việc tiêm vắc xin đã bày tỏ lo ngại về “tốc độ phát triển” của vắc xin, về các quy định bị nới lỏng hay việc thiếu dữ liệu về an toàn..., tất cả đều được thúc đẩy và chính trị hóa bởi các thuyết âm mưu được tuyên truyền rộng rãi thông qua phương tiện truyền thông xã hội. Để tối ưu hóa việc tiêm vắc xin, cần có các chiến lược truyền thông mạnh mẽ hơn trong cộng đồng.
Nhiều người dân ở các nước châu Âu phản đối tiêm vắc xin
Bài học 6: giải quyết vấn đề công bằng toàn cầu trong tiếp cận và chủ nghĩa dân tộc trong tiêm chủng. Chủ nghĩa dân tộc với quy định “tôi là người đầu tiên”, đã cản trở tiến trình toàn cầu để tiến tới chấm dứt đại dịch. Thời kỳ đầu của đại dịch, các quốc gia đã tranh giành nhau để đảm bảo nguyên liệu thô và các thành phần để sản xuất vắc xin. Những nước có năng lực sản xuất như Ấn Độ, đã sử dụng tất cả khả năng để cung cấp vắc xin cho người dân nước mình. Điều này đã có tác động nghiêm trọng đến khả năng cung cấp liều lượng vắc xin trên toàn cầu, đặc biệt là đối với các nước có thu nhập thấp và trung bình. Bên cạnh lý do về đạo đức và sức khỏe cộng đồng, thì kinh tế cũng là một lý do đáng kể: đại dịch có thể khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại 9,2 nghìn tỷ USD nếu các nước đang phát triển bị bỏ lại phía sau trong việc triển khai vắc xin.
*
* *
Covid-19 là vấn đề toàn cầu nên cần có những giải pháp toàn cầu. Khi chúng ta vượt qua đại dịch, việc giám sát dịch bệnh liên tục sẽ rất quan trọng để xác định ai có thể tiếp tục mắc bệnh, các yếu tố nguy cơ gây bệnh và vai trò của việc tiêm vắc xin. Đồng thời, chúng ta cần rút ra các bài học quý giá về cách ứng phó với đại dịch này để chuẩn bị cho những tình huống tương tự có thể xảy ra trong tương lai.
Xuân Quỳnh